Sáng tạo và thỏa hiệp

Với yêu cầu cái đẹp đến từ mỗi khuôn hình, góc cảnh, Dop (Director of Photography - đạo diễn hình ảnh) ngày càng chứng tỏ vai trò quan trọng trong một bộ phim.

Phim Nắng 3 - Lời hứa của Cha

Không chỉ trên màn ảnh rộng (phim chiếu rạp) mà ngay cả phim truyền hình, phim chiếu trên các nền tảng số càng ngày khán giả càng cảm nhận, khám phá vẻ đẹp đến từ các khuôn hình, bối cảnh. Cách đây chục năm, khi các phim bắt đầu phô diễn nét đẹp từ các bối cảnh đã dấy lên những tranh luận về cái đẹp duy mỹ hay cái đẹp gắn với câu chuyện, số phận, tính cách nhân vật. Một trong những bộ phim nổ ra tranh luận gay gắt phải kể đến Cánh đồng bất tận (chuyển thể từ truyện cùng tên của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư). Khán giả xem phim khi đó chia thành 2 phe: Người thích khen bộ phim hết lời khi cho rằng nhiều bối cảnh giống như những postcard (bưu thiếp) trong đó người xem vừa được xem phim vừa được khám phá, ngắm nhìn những phong cảnh được quay một cách đầy nghệ thuật trên phim. Phái không thích chê phim được quay quá đẹp, với nhiều khuôn hình quá lung linh so với cuộc sống thực tế khắc nghiệt của 3 cha con nhân vật. Bỏ qua những tranh luận ồn ào, càng ngày các đạo diễn càng có xu hướng tìm đến những khuôn hình đẹp trong phim của mình. Đó dường như đã trở thành một xu thế khi cảnh vật trên phim lung linh và sinh động hơn những gì trong thực tế. Trong bộ phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh ngay từ đầu êkip làm phim đã chủ động hướng tới cái đẹp, cái hoàn mỹ của bối cảnh trong câu chuyện phim. Dường như cái nghèo, cái khổ của các nhân vật trong phim ở một thời gian khó không thể che lấp vẻ đẹp của thiên nhiên, của ruộng đồng, cây cỏ. Với xu thế hướng tới sự hoàn mỹ, những đóng góp của Dop (viết tắt của Director of Photography - đạo diễn hình ảnh) ngày càng trở nên quan trọng trong phim Việt.

Sự cần thiết của D.o.p

Mới xuất hiện ở Việt Nam khoảng chục năm khi phim chiếu rạp gia tăng cùng với đội ngũ làm phim trở về từ Hollywood nhưng D.o.p ngày càng được giới làm phim quan tâm. Nếu như trước đây, khâu hình ảnh trong phim do quay phim chính và đạo diễn phối hợp thực hiện nên mọi người thường nhầm lẫn D.o.p với quay chính. Với mức độ chuyên nghiệp hóa ngày càng được nâng lên, nhiều đoàn làm phim đã tách D.o.p - giám đốc hình ảnh là một khâu riêng.Trong đó, D.o.p là những người giúp đạo diễn hình dung câu chuyện phim bằng hình ảnh và hiện thực hóa chúng. Trong thực tế, do môi trường điện ảnh Việt chưa chuyên nghiệp như Hollywood, nhiều hãng không đủ kinh phí nên ranh giới giữa chức danh này và quay chính đôi khi trộn lẫn vào nhau.

Ở những bộ phim có kinh phí lớn, D.o.p là người kể chuyện về mặt hình ảnh cộng với sự hợp tác của quay phim, kỹ thuật, ánh sáng, thiết kế, phục trang... để đưa đến khán giả những khuôn hình tốt nhất, cảm xúc nhất.

Với tính chất đó, mỗi khi nhận phim, D.o.p bắt đầu công việc của mình ngay từ giai đoạn tiền kỳ. Cùng với đạo diễn, D.o.p cùng nhà sản xuất họp bàn đưa ra ý tưởng rồi tiến hành chọn bối cảnh. Nhiệm vụ của D.o.p là cùng kết hợp với đạo diễn tìm ra những bối cảnh theo ý đồ kịch bản, lên kế hoạch, tính toán để sắp đặt góc máy, vị trí đặt đèn… sao cho phù hợp với câu chuyện. Thời gian chuẩn bị tiền kỳ tùy vào yêu cầu, nội dung của từng bộ phim. Có phim chỉ chọn cảnh trong 2 tuần nhưng cũng có phim kéo dài nhiều tháng vẫn chưa chốt được các bối cảnh ưng ý.

Bên cạnh việc chọn bối cảnh, D.o.p còn phải lên ý tưởng sáng tạo, danh sách cảnh quay, bản vẽ… cùng với đạo diễn để hoàn tất tiền kỳ trước khi đoàn phim lên trường quay. Sau khi đọc kịch bản và được đạo diễn đưa ra những ý tưởng về sáng tạo, D.o.p là người truyền tải những ý tưởng đó đến với khán giả bằng hình ảnh.

Theo nhiều D.o.p chia sẻ: khi đạo diễn muốn có hình ảnh như ý đồ sáng tạo của mình, D.o.p sẽ xem xét liệu máy móc có đủ sức thực hiện hay không? Sau đó, cả hai cùng ngồi lại bàn bạc. Thông thường, D.o.p luôn phải chuẩn bị nhiều phương án khác nhau, lần lượt đưa ra cho đạo diễn lựa chọn để thực hiện. Nếu các phương án đều không được đạo diễn đồng ý, D.o.p phải làm rõ ý tưởng đạo diễn thực sự muốn là gì sau mỗi cảnh, mỗi trường đoạn và tìm kiếm xem có cách nào thực hiện được ý đồ đó không.

Áp lực sáng tạo và thỏa hiệp

Với tầm quan trọng khi đem đến hình ảnh, cảm nhận về thị giác của bộ phim nhưng không phải các D.o.p đều được dành cho một không gian sáng tạo như ý. Với ưu thế vượt trội, ngày nay nhiều đoàn phim truyền hình cũng sử dụng D.o.p - đạo diễn hình ảnh để kiểm soát tốt nhất các cảnh quay. Với phim truyền hình, D.o.p không chỉ áp lực về mặt chuyên môn mà phải chịu áp lực lớn về mặt thời gian. Do diễn viên truyền hình chạy sô nhiều, lịch quay thay đổi liên tục nên đòi hỏi D.o.p phải lo nghĩ cách làm sao quay cho kịp thời gian, tiến độ. Nếu nhà sản xuất đặt yêu cầu bối cảnh nào đó phải quay trong ngày, không có cơ hội quay lần nữa thì càng áp lực hơn. D.o.p sẽ phải ngồi cùng đạo diễn tính toán, cắt bớt góc quay hay gói gọn số lượng cảnh quay.

Phim Khúc mưa

Với cách làm hiện nay, khi một số phim có thời gian quay gấp gáp với trung bình 2 ngày quay xong một tập phim truyền hình thì việc quay liên tục, với nhịp độ nhanh, cường độ cao buộc các D.o.p phải bám đoàn, đi từ sáng sớm đến tối muộn. Lịch quay hạn hẹp cũng khó để các D.o.p có thể sáng tạo, nâng cao tay nghề. Họ luôn cố tận dụng hôm nào lịch quay thư thả hay dư dả chút thời gian để có thể phô diễn khả năng hay tìm các góc máy, khuôn hình thể hiện được sự sáng tạo qua cách đánh sáng, cảnh rộng hay toàn cảnh.

Với nhiều D.o.p do sự giới hạn về thời gian, kinh phí nên nhiều khi phải lấy kinh nghiệm và các chiêu cũ ra áp dụng để hoàn thành các cảnh quay, hoàn thành phim đúng tiến độ. Tiến độ quay gấp gáp cũng khiến các D.o.p không có điều kiện tìm tòi, phát triển cái mới. Với họ, muốn có cái mới thì cần phải thử nghiệm mà trong đó thành công cũng có mà thất bại cũng không ít. Tuy nhiên, với áp lực từ các nhà sản xuất, các D.o.p không có nhiều cơ hội để thử nghiệm. Trong bối cảnh các nhà sản xuất, nhà đầu tư luôn muốn công việc đúng tiến độ, bảo đảm kinh phí dự định, không phát sinh thì đất để dành cho sáng tạo của các khâu đều ít, trong đó có D.o.p. Làm phim thời kinh tế khó khăn nên cơ hội sáng tạo trong công việc của D.o.p cũng không nhiều. Chính thực tế đó cũng buộc các D.o.p phải cân bằng, lựa chọn giữa sáng tạo hay thỏa hiệp. Nhiều D.o.p chọn cho mình những cơ hội khác nhau như quay phim chiếu rạp và phim truyền hình. Nếu phim chiếu rạp có nhiều thời gian, kinh phí, khoảng rộng cho các D.o.p sáng tạo thì chính các bài học đó được họ áp dụng khi sang truyền hình. Và chính những khó khăn phải khắc phục khi quay phim truyền hình cũng giúp các D.o.p xử lý tốt những vấn đề khi quay các phim chiếu rạp hay phim nghệ thuật. Tuy nhiên, việc phải chạy đua với tiến độ, với sức ép của kinh phí cũng khiến việc sáng tạo của các D.o.p bị ảnh hưởng và điều đó làm giảm các cơ hội cũng như tính chuyên nghiệp và sự phát triển của D.o.p. Với một nền điện ảnh còn nhiều khó khăn như Việt Nam thì các D.o.p luôn bị đặt trước lựa chọn giữa sáng tạo và thỏa hiệp.

HOA NGUYỄN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 493, tháng 3-2022

;