NGHỆ THUẬT ĐỒ HỌA THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH TỪ 1986 ĐẾN NAY

Có thể nói, năm 1986 với chính sách mở cửa và hội nhập là bước ngoặt lịch sử, mở đầu cho thời kỳ đổi mới của đất nước. Hoạt động văn hóa nghệ thuật bắt đầu có sự bùng nổ, phát triển qua nhiều mặt. Văn hóa ngày càng gắn liền hơn với thị trường và mục tiêu đào tạo. Các cơ sở đào tạo mỹ thuật cũng thay đổi tư duy, nội dung và phương pháp giảng dạy sao cho phù hợp với nhu cầu thực tế trong xã hội. Hình thức hoạt động của các Hội chuyên ngành từng bước đi vào chiều sâu, mang tính chuyên nghiệp hơn. Các hình thức đầu tư cho sáng tác được đổi mới, đồng thời khuyến khích và đề cao tự do trong sáng tạo nghệ thuật.

Sự đổi mới về kinh tế, văn hóa, chính trị đã tác động tích cực đến nền nghệ thuật và tạo nên sự thay đổi trong quan niệm sáng tác. Nghệ sĩ được sáng tạo thỏa sức, thỏa chí và từng bước khẳng định phong cách riêng của mình. Chính vì vậy, ngay từ những năm đầu sau Đổi mới, chất lượng tác phẩm đồ họa (TP.HCM) đã có nhiều tác phẩm đẹp, đa dạng về cách tạo hình cũng như hình thức thể hiện, như: Ban mai Đồng Tháp (1996) của Lê Thanh Trừ, Ra đồng (1999) của Trần Văn Quân, Chợ vùng cao (1990) của Nguyễn Thị Bạch Yến, Qua suối (1997) của Lê Phương Đông...

Quá trình giao lưu và hội nhập của mỹ thuật TP.HCM đã có những bước chuyển biến lớn. “Từ năm 1986 trở đi, mỹ thuật ở thành phố bắt đầu có sự chuyển mình khá mạnh, đã xác lập được cho mình một chỗ đứng, tiếng nói có trọng lượng trong nền mỹ thuật Việt Nam và khu vực, nhờ vào sự mở cửa toàn diện của đất nước”(1). Từ khi đổi mới đến nay, số lượng tác phẩm và chất lượng nghệ thuật của tranh khắc gỗ TP.HCM đã có những bước tiến vượt bậc, không những tiếp tục kế thừa truyền thống dân tộc của nghệ thuật khắc gỗ dân gian mà còn được mở rộng về nội dung thể hiện cũng như đề tài sáng tác mang tính thời đại. Thời kỳ này có nhiều tác giả đã thành danh với chất liệu khắc gỗ và tự định hình một phong cách nghệ thuật riêng, góp phần làm phong phú thêm trang sử tranh khắc gỗ hiện đại.

Các họa sĩ tiếp nhận khoa học nghệ thuật tiên tiến của châu Âu trong quá trình xử lý không gian, diễn tả hình khối, màu sắc, đồng thời kết hợp những nét tinh hoa của tranh khắc phương Đông để tạo nên một bản sắc nghệ thuật mang đậm tính dân tộc. Ngày nay, tranh khắc gỗ được thực hiện với kích thước lớn và hình thức thể hiện phong phú, đa dạng về cách biểu hiện hiệu quả thị giác. Một tác phẩm khắc gỗ hiện đại không chỉ nằm trong khung kính hay bộ sưu tập của bảo tàng mà còn có thể chiếm dụng không gian ba chiều một cách tinh tế hơn, chuyển tải được nhiều ý tưởng mạnh mẽ hơn thông qua hình thức khắc gỗ sắp đặt ở trong nhà, ngoài trời. Loại hình nghệ thuật này có tiềm năng phát triển và luôn đáp ứng các nhu cầu sáng tạo nghệ thuật phù hợp trong thời đại mới. Một thực tế đáng mừng là trong những năm gần đây, hội viên chi hội Đồ họa của Hội Mỹ thuật thành phố đang dần trẻ hóa, họ bắt đầu thể hiện tính chuyên nghiệp của mình qua từng tác phẩm. Điều này cũng là dấu hiệu tốt cho lĩnh vực tranh khắc gỗ nói riêng và ngành đồ họa nói chung, báo hiệu những điều hay cho nghệ thuật trong quá trình giao lưu, hội nhập quốc tế.

Thông qua những cuộc triển lãm trong và ngoài nước, công chúng yêu mến nghệ thuật trên thế giới biết đến loại hình nghệ thuật đồ họa hiện đại của Việt Nam. Nội dung, hình thức thể hiện của tác phẩm trưng bày trong triển lãm đã giúp họ thấy được sức sáng tạo, tinh thần thẩm mỹ giàu chất nhân văn của dân tộc Việt Nam được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Ngày nay, các nghệ sĩ biết kết hợp và tiếp nhận kỹ thuật công nghệ mới trong quá trình sáng tạo nghệ thuật, đã tạo nên những sáng tác có giá trị nghệ thuật cao với những trào lưu nghệ thuật rất sôi nổi và liên tục.

Từ năm 2004 - 2014, toàn ngành đồ họa trong 8 khu vực cả nước có 17 tác phẩm khắc gỗ đoạt giải thưởng Hội Mỹ thuật Việt Nam (Hội MTVN), trong đó riêng TP.HCM đoạt 7 giải. Có thể nói, đây là giai đoạn mà nhiều họa sĩ làm tranh khắc gỗ nhất từ trước đến nay và đặc biệt là chất lượng nghệ thuật ngày càng cao.

Họa sĩ Trần Khánh Chương, chủ tịch Hội MTVN, nhận định: “Từ ngày đổi mới đến nay, các nghệ sĩ tạo hình TP.HCM có đội ngũ đông đảo với nhiều thế hệ: thế hệ Mỹ thuật Đông Dương và kháng chiến chống Pháp, thế hệ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, thế hệ của thời kỳ Đổi mới và thế hệ trẻ của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế” (2). Chính nhờ lực lượng họa sĩ hùng hậu như vậy mà mỹ thuật TP.HCM luôn được sự quan tâm đặc biệt của các nhà sưu tập trong và ngoài nước, cũng như các hoạt động giao lưu nghệ thuật của các nước trên thế giới.

Từ năm 2010 - 2016, Hội Mỹ thuật TP.HCM liên tục tổ chức các trại sáng tác đồ họa và mời chuyên gia trong lĩnh vực này đến hướng dẫn kỹ thuật mới cho các họa sĩ. Năm 2010, trại sáng tác đồ họa lần đầu tiên được tổ chức tại trường Đại học Mỹ thuật thành phố, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Lê Huy Tiếp. 20 họa sĩ tham gia rất phấn khởi khi tiếp thu được nhiều kỹ thuật mới như in độc bản, in đá, in trên giấy, in trên nhôm, in đắp nổi. Sau 10 ngày làm việc, triển lãm báo cáo kết quả được tổ chức với 64 tác phẩm bằng nhiều chất liệu khác nhau. Trại sáng tác đồ họa 2011 tiếp tục được tổ chức tại Trường Đại học Mỹ thuật thành phố với sự tham gia của 25 họa sĩ. Qua 10 ngày hoạt động liên tục tại xưởng, các họa sĩ làm việc tích cực, trên tinh thần học hỏi lẫn nhau, nghiên cứu các chất liệu đồ họa như khắc gỗ, in litho nhôm và in độc bản gốc nước. Hầu hết các họa sĩ đều nắm chắc các kỹ thuật xử lý chất liệu và vận dụng tốt các kỹ thuật mới vào tác phẩm của mình. Trại sáng tác năm 2011 có những tác phẩm khắc gỗ rất đẹp như Hoàng hôn trên tràm chim của Trần Văn Quân, Thiếu nữ của Cao Thị Được, Chùa Linh Mụ của Lê Phi Hùng...

Trại sáng tác đồ họa 2013 được mở rộng về quy mô toàn quốc, với sự tham gia của 32 họa sĩ, trong đó có 4 họa sĩ Hà Nội, 1 họa sĩ Huế và 27 họa sĩ TP.HCM. Trại năm này, đặc biệt có sự hướng dẫn của một số họa sĩ ồ họa chuyên biệt về một kỹ thuật nhất định, như Nguyễn Nghĩa Phương đến từ Hà Nội với kỹ thuật Mezzotin (in lõm), Phan Hải Bằng đến từ Huế về kỹ thuật Trúc chỉ, Đặng Minh Thành với kỹ thuật in đá và in nhôm… Ngoài ra, các thành viên còn tìm hiểu, thử nghiệm các kỹ thuật tổng hợp như in khắc cao su, in kết hợp giữa nghệ thuật Trúc chỉ với in độc bản và in khắc gỗ... Sự đam mê nghiên cứu kỹ thuật chất liệu mới và phong cách tạo hình của các vùng miền khác nhau đã kích thích sự đam mê sáng tạo nghệ thuật cho anh chị em họa sĩ đồ họa TP.HCM trên con đường phát triển nghệ thuật.

Trại sáng tác đồ họa 2015 được tổ chức tại Trường Đại học Văn Lang với chủ đề Đồ họa với nghệ thuật đương đại Việt Nam. Trại có 42 thành viên chính thức đến từ nhiều tỉnh thành trên cả nước, Hà Nội, Huế, Đắc Lắc, Bình Dương, Tiền Giang và đa phần vẫn là họa sĩ TP.HCM. Các họa sĩ: Lê Huy Tiếp hướng dẫn về in lithograph trên bản nhôm, Trần Văn Quân hướng dẫn về Collograph, Nguyễn Phú Hậu hướng dẫn về GumPrint, Phan Hải Bằng hướng dẫn về nghệ thuật Trúc chỉ, Nguyễn Nghĩa Phương hướng dẫn về kỹ thuật độc bản đồ nét. Hầu hết anh chị em họa sĩ đều nắm bắt một cách kỹ lưỡng và thực hành thành thạo các kỹ thuật chất liệu nói trên. Đặc biệt, những tác phẩm trong trại sáng tác này khi tham gia triển lãm báo cáo 8 trại sáng tác và sáng tác mới 2015 của Hội Mỹ thuật TP.HCM đã đoạt giải thưởng cao, như Bà Mẹ kháng chiến của Nguyễn Xuân Đông, Nuôi cá bè của Nguyễn Phú Hậu, Phong cảnh Đà Lạt của Lê Phi Hùng, Sửa soạn của Nguyễn Thị Hồng Quyên, Em gái Mông của Nguyễn Thị Hồng Nhung, Mùa nước nổi của Ca Lê Dũng, Làng chài Nam Du của Trần Văn Thi...

Trại sáng tác đồ họa 2016 vừa được tổ chức tại xưởng Đồ họa của Hội mỹ thuật thành phố. Hầu hết anh chị em họa sĩ tham gia rất say mê, đồng thời thực hành thành thạo các kỹ thuật chất liệu. Nhiều tác phẩm trong trại sáng tác này, khi tham gia triển lãm báo cáo 9 trại sáng tác và sáng tác mới 2016 của Hội Mỹ thuật thành phố, tiếp tục đạt giải thưởng cao như Ngày rằm của Nguyễn Xuân Đông, Chiều về của Đoàn Minh Ngọc, Dốc Đà Lạt của Lê Phi Hùng. Đặc biệt, một số tác giả trẻ, chưa là hội viên nhưng có tác phẩm tốt và được khen thưởng tại triển lãm này, như Hoàng Văn Linh, Huỳnh Thị Tư, Nguyễn Vũ Lâm, Lê Thị Như Hoài...

Hiện nay, các trường đại học mỹ thuật trên cả nước đang tích cực đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy chuyên ngành và mở rộng kỹ thuật in ấn đồ họa, trao đổi và học hỏi kinh nghiệm thực tiễn, tăng cường kết nối với các doanh nghiệp trong và ngoài nước nhằm mục đích gắn liền đào tạo trong nhà trường với thực tiễn ngoài xã hội. Khoa Mỹ thuật công nghiệp, Đại học Văn Lang kết hợp với Hội Mỹ thuật thành phố tổ chức trại sáng tác này là một tín hiệu tích cực nhằm nâng cao hoạt động giảng dạy chuyên ngành một cách phù hợp, có hiệu quả, đồng thời, tạo nguồn cảm hứng mới trong sáng tạo nghệ thuật đối với các họa sĩ đồ họa cũng như giảng viên các trường đại học. Từ đó, hướng tới xây dựng cho sinh viên những kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp tốt, có khả năng độc lập sáng tạo, tạo thêm động lực thúc đẩy sự đam mê tìm tòi sáng tạo nghệ thuật của sinh viên đang học tại trường và sau khi tốt nghiệp ra trường.

______________

1. Uyên Huy, Trương Phi Đức, Lê Bá Thanh, 100 câu hỏi đáp về mỹ thuật ở Sài Gòn - TP.HCM, Nxb Văn hóa - Văn nghệ, TP.HCM, 2011, tr.307.

2. Trần Khánh Chương, Tổng quan về mỹ thuật Sài Gòn- TP.HCM, tài liệu hội thảo Mỹ thuật Sài Gòn - TP.HCM lần thứ nhất, Hội MTVN và Liên hiệp Văn học Nghệ thuật TP.HCM tổ chức, 2013.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 391, tháng 1-2017

Tác giả : ĐOÀN MINH NGỌC

;