Trong hai cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, tỉnh Nghệ An có hàng vạn người con ưu tú tòng quân nhập ngũ, chiến đấu cho sự nghiệp vẻ vang của Đảng. Và để có ngày vui 30/4/1975, không thể không nhắc đến sự hy sinh anh dũng của hơn 45.000 người con quê hương xứ Nghệ, trong đó, còn có gần 20.000 liệt sĩ chưa xác định được tên tuổi, quê quán, năm sinh. Có người may mắn trở về nhưng mang trong mình thương tật do chiến tranh để lại. Nhiều gia đình có chồng, cha bị nhiễm chất độc da cam, khiến nỗi đau về thể xác lẫn tinh thần vẫn còn dai dẳng mãi. Với trách nhiệm, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và nhân dân tỉnh Nghệ An đã triển khai nhiều hoạt động chăm lo cho các gia đình thương binh liệt sĩ, người có công bằng những việc làm đầy thiện nguyện.
Di tích Ngã ba Bến Thủy (thành phố Vinh) - Ảnh tư liệu: Công Kiên
Những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân ở cả 21 huyện, thành thị trong tỉnh Nghệ An luôn quan tâm tới công tác “Đền ơn đáp nghĩa”, ghi nhớ, tôn vinh công ơn các anh hùng liệt sĩ, thương bệnh binh và người có công với cách mạng. Ban Thường vụ tỉnh ủy Nghệ An đã ban hành nhiều Chỉ thị, Nghị quyết nâng cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy Đảng và hệ thống chính trị ở cơ sở trong công tác “Đền ơn đáp nghĩa”. UBND tỉnh xây dựng để án, kế hoạch chỉ đạo các huyện, thành phố, thị xã, cơ quan, đơn vị trên địa bàn thực hiện tốt công tác “Đền ơn đáp nghĩa”. Đồng thời, làm tốt vai trò giám sát việc thực hiện chính sách Người có công và 5 chương trình “Đền ơn đáp nghĩa” do Bộ LĐTBXH ban hành. Việc chi trả tiền chế độ cho các đối tượng chính sách, người có công được làm gọn trong từng tháng, đầy đủ, kịp thời, đúng địa chỉ người nhận. Không ngừng hoàn thiện và thực hiện có hiệu quả các chính sách chế độ ưu đãi đối với người có công. Các đoàn thể quần chúng đã phối hợp với các cơ quan chức năng ở tỉnh và huyện mở hàng trăm lớp tập huấn, dạy nghề, chuyển giao tiến bộ KHKT về cây trồng, vật nuôi, cách gieo trồng giống mới, nuôi trồng thủy sản, trồng cây ăn quả cho năng suất, thu nhập cao… thu hút hàng vạn gia đình chính sách, con em thương, bệnh binh tham gia. Đã có hơn 2.000 trang trại, gia trại do thương bệnh binh làm chủ trại, sản xuất kinh doanh giỏi, cho thu nhập từ 100 triệu đồng đến hơn 350 triệu đồng/trại/năm. Huyện Diễn Châu có 4.078 thương binh thì đã có 3.000 thương binh làm kinh tế giỏi, cho thu nhập từ 120 triệu đồng đến 450 triệu đồng hộ/năm.
Phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, xây dựng nhà ở cho các gia đình chính sách trên địa bàn toàn tỉnh được thực hiện bằng nhiều hình thức phong phú như vận động các Mạnh Thường Quân, các doanh nghiệp, tổ chức nhận phụng dưỡng suốt đời Mẹ Việt Nam anh hùng, xây dựng sửa chữa nhà tình nghĩa, nhà đại đoàn kết, thực hiện các chế độ theo quy định chăm sóc về y tế, các chế độ an dưỡng hằng năm, thăm viếng khi ốm đau, lúc qua đời, tặng quà nhân dịp lễ, Tết. Phong trào Toàn dân chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công luôn được tỉnh và 21 huyện thành thị và 100% số xã quan tâm, thực hiện tốt. Các xã ưu tiên ruộng tốt, ruộng gần cho gia đình thương binh liệt sĩ, cho ứng trước vật tư, phân bón đến mùa thu hoạch mới trả. Mùa vụ nào cũng cử người đến giúp đỡ ngày công lao động để các gia đình chính sách làm mùa kịp thời vụ. Cả 21 Ngân hàng chính sách các huyện, thành thị giải ngân cho các gia đình chính sách vay vốn để sản xuất, chăn nuôi, mỗi năm từ 200 tỷ đồng đến 350 tỷ đồng/huyện. Con số 1,2 triệu tấn lương thực mỗi năm ở Nghệ An có sự đóng góp đáng kể của gia đình thương binh và người có công. Con thương binh được miễn các khoản đóng góp xây dựng trường lớp, được ưu tiên trong nhiều chính sách xã hội như hỗ trợ học phí, tặng sách vở, giấy bút, ưu tiên tuyển dụng vào các trường học, các cơ quan nhà nước. Hằng năm, tỉnh và các huyện, thành phố, thị xã thường tổ chức tôn tạo, tu sửa nghĩa trang, vận động toàn dân ủng hộ xây dựng Đền thờ liệt sĩ. Đến nay, 100% số phường xã trong tỉnh nâng cấp và xây mới Đài tưởng niệm liệt sĩ khang trang. Nhiều huyện như Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Yên Thành, Đô Lương, Hưng Nguyên, Anh Sơn, Thành phố Vinh.v.v... đã đầu tư từ 20 tỷ - 35 tỷ đồng xây dựng Đền thờ liệt sĩ. Trong đó, nghĩa trang quốc tế Việt - Lào (được xây dựng tại huyện Anh Sơn) là nơi an nghỉ của hơn 11.000 cán bộ chiến sĩ quân tình nguyện và chuyên gia quân sự hy sinh trên chiến trường nước bạn. Hằng năm, vào dịp 27/7, đông đảo nhân dân từ khắp mọi miền đất nước về đây tri ân những người con đã ngã xuống vì độc lập tự do của Tổ quốc. Ở huyện Diễn Châu, mới đây, UBND huyện lập dự án trình UBND tỉnh, Bộ Quốc phòng xây dựng khu di tích đồng chí Phùng Chí Kiên, người học trò xuất sắc của Bác Hồ, một trong những vị tướng đầu tiên của quân đội ta. Khu di tích tọa lạc trên diện tích hơn 20.000m2, xây dựng tại xóm 1, xã Diễn Yên, nơi đồng chí sinh ra đến khi tham gia cách mạng, với nguồn kinh phí của Trung ương, UBND tỉnh Nghệ An, Quân khu 4 và các doanh nghiệp đóng góp hơn 30 tỷ đồng. Trong đó tập đoàn Mường Thanh, ủng hộ 4,5 tỷ đồng. Đây là công trình “Đền ơn đáp nghĩa” tiêu biểu, là công trình ý Đảng, lòng dân để tưởng nhớ, ghi công đồng chí Phùng Chí Kiên đã hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân. Khu di tích lịch sử Truông Bồn (tại xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương), nơi có 13 chiến sĩ của Đại đội thanh niên xung phong 317 đã hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ, sau khi hoàn thành và đưa vào hoạt động, đã đón làng nghìn lượt khách đến thăm viếng.
Kỷ niệm 75 năm ngày thương binh liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2022), tỉnh và 21 huyện, thành thị đã tổ chức các đoàn đại biểu người có công tiêu biểu tham quan, báo công với Bác Hồ tại Khu di tích quốc gia xã Kim Liên, huyện Nam Đàn; mở hội nghị biểu dương người có công tiêu biểu, các tập thể cá nhân, có nhiều thành tích trong công tác “Đền ơn đáp nghĩa”; thắp nến tri ân các anh hùng liệt sĩ; vận động xây dựng quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”; tổ chức các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, thăm, tặng quà các đơn vị chăm sóc nuôi dưỡng, điều dưỡng thương, bệnh binh, người có công tiêu biểu, có hoàn cảnh khó khăn. UBND tỉnh tổ chức dâng hương, dâng hoa tại Khu di tích Kim Liên, Quảng trường Xô viết Nghệ Tĩnh, khu tưởng niệm cố Tổng bí thư Lê Hồng Phong, Nhà lưu niệm đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai, Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, đường 9, Thành cổ Quảng Trị, Nghĩa trang Việt - Lào (huyện Anh Sơn), Nghĩa trang liệt sĩ (huyện Nghi Lộc), Khu du tích lịch sử Truông Bồn (huyện Đô Lương), khu du tích lịch sử Hang Hỏa Tiễn (thị xã Hoàng Mai), Nghĩa trang liệt sĩ thành phố Vinh. Dịp này, toàn tỉnh chi trả, trợ cấp thường xuyên cho trên 68.000 đối tượng, chiếm tỷ lệ 2,2 % dân số toàn tỉnh, với số tiền chi trả trên 136 tỷ đồng/tháng.
Được sự quan tâm của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, sự đùm bọc yêu thương của nhân dân, cùng với nỗ lực vươn lên của các gia đình chính sách, thương bệnh binh nên đến nay, đời sống của các gia đình chính sách đã ngang với mặt bằng chung toàn tỉnh, đạt thu nhập bình quân hơn 50 triệu đồng người/năm. Tổng kết phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2011-2021, Bộ LĐTBXH, UBND tỉnh Nghệ An đã tặng Bằng khen cho 21 huyện, thành phố, thị xã và hơn 280 xã, phường vì đã lập được nhiều thành tích xuất sắc trong thực hiện pháp lệnh người có công, chăm sóc gia đình chính sách. Toàn tỉnh có hơn 85% số gia đình chính sách đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Người thương binh gương mẫu”, số gia đình chính sách xóa nghèo bền vững, vươn lên làm giàu thu nhập từ 100 triệu đồng đến hơn 350 triệu đồng/hộ/năm, chiếm 70%. Đây là tín hiệu vui trong phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” trên quê hương xứ Nghệ địa linh nhân kiệt giàu truyền thống cách mạng, quê hương của Bác Hồ muôn vàn kính yêu.
LÊ HOÀI THUNG
Nguồn: Tạp chí VHNT số 507, tháng 8-2022