Vĩnh Thuận (Kiên Giang) đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa

Để nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới các cấp đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân loại bỏ các hủ tục lạc hậu, mê tín, dị đoan, lễ nghi không cần thiết, từng bước nâng cao ý thức về giữ gìn phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc trong cộng đồng dân cư.

Hội khuyến học TP Rạch Giá tham quan Khu di tích Ranh Hạt
 

Đồng chí Võ Thanh Xuân, ủy viên Ban Thường vụ huyện ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo huyện Vĩnh Thuận cho biết, Vĩnh Thuận là địa phương có 2 di tích lịch sử được công nhận cấp quốc gia là Khu di tích Vườn tràm Ban Biện Phú, thị trấn Vĩnh Thuận và di tích Khu tập kết 200 ngày đêm Vàm Chắc Băng, xã Phong Đông. Các di tích được công nhận như: Khu di tích Ranh Hạt cấp quốc gia, xã Vĩnh Thuận, là nơi thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh Kiên Giang; Khu di tích Xẻo Gia, xã Vĩnh Bình Bắc; khu căn cứ của Tỉnh ủy Kiên Giang thời kháng chiến chống Mỹ (giai đoạn 1966 - 1969). Ngoài ra, còn có một số di tích như: Kè Một, di tích Đồng Tranh, di tích Trường Thiếu sinh quân, di tích Cạnh Đền,...

Chưa hết, trên địa bàn huyện còn có các cơ sở thờ tự, chùa Khmer với kiến trúc độc đáo như: Chùa Chắc Băng xã Phong Đông; Chùa Chắc Băng Mới, thị trấn Vĩnh Thuận; Chùa Kênh 2, xã Vĩnh Phong; Chùa Đồng Tranh; Chùa Kè Một, xã Vĩnh Bình Bắc; Có 19 cơ sở thờ tự của các tổ chức tôn giáo Phật giáo, Cao đài, Tịnh độ cư sỹ, Hòa hảo,... Một số loại hình văn hóa phi vật thể như: Đội ca múa Dù kê, xã Vĩnh Bình Bắc, xã Phong Đông; có 24 câu lạc bộ Đờn ca tài tử,...

Để xây dựng đời sống văn hóa, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, thuần phong mỹ tục trong nhân dân, các cấp các ngành của địa phương đã tăng cường quản lý nhà nước về hoạt động văn hóa, dịch vụ văn hóa, duy trì các câu lạc bộ đờn ca tài tử, hát cho nhau nghe; thể dục, thể thao quần chúng, khai thác tốt khu di tích Ranh Hạt và khu di tích căn cứ Tỉnh ủy ở Xẻo Gia. Trung tâm Văn hóa - Thể thao, hội trường hoặc Nhà văn hóa - thể thao đa năng đối với các xã được đầu tư xây dựng, trong đó xây mới nhà thể thao đa năng ở 4 xã Vĩnh Phong, Vĩnh Bình Bắc, Vĩnh Bình Nam, Bình Minh; xây mới nhà làm việc ở 3 xã Vĩnh Thuận, Tân Thuận, Phong Đông; xây dựng sân khấu ngoài trời 2 xã Vĩnh Bình Nam và Tân Thuận với kinh phí 13 tỷ 400 triệu đồng.

Có 50/50 trụ sở Nhà văn hóa ấp được đầu tư xây dựng mới và sửa chữa, trong đó, xây mới 32 căn, sửa chữa 18 trụ sở, với tổng kinh phí là 12 tỷ 964 triệu đồng đã góp phần duy trì và phát triển các hoạt động văn nghệ, thể thao các ấp, phát huy hiệu quả các thiết chế văn hóa và nâng cao chất lượng hoạt động văn hóa tại các khu dân cư, cộng đồng trên địa bàn các xã. Trung tâm Văn hóa - Thể thao các xã đều tổ chức các hoạt động phong trào văn hóa, văn nghệ, thể thao ở cơ sở nhân kỷ niệm các ngày lễ, kỷ niệm, Tết cổ truyền của dân tộc,…với nhiều hình thức phong phú, chất lượng ngày được nâng lên, như: Võ thuật cổ truyền, võ Taekwondo, Cầu lông, CLB văn nghệ Đờn ca tài tử; thi đấu các giải thể thao, giao lưu, thi diễn văn nghệ quần chúng… góp phần phát triển phong trào ở cơ sở, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

Nhân dân tham gia đầu tư xây dựng 8 sân bóng đá mini cỏ nhân tạo, các ấp đều có sân bóng chuyền thường xuyên duy trì tập luyện; xây dựng các câu lạc bộ gia đình hạnh phúc, phong trào đọc sách, hướng tới xây dựng một xã hội học tập trong đời sống xã hội, góp phần phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần và rèn luyện thân thể trong cán bộ, nhân dân trên địa bàn. Cùng với các hoạt động do cơ quan, đơn vị tổ chức, các hình thức kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng cũng phát triển mạnh với số lượng lớn, đa dạng về ngành nghề như: dịch vụ truy cập Internet, kinh doanh cà phê, giải khát, karaoke, câu lạc bộ Đờn ca tài tử, hát cho nhau nghe... đã và đang góp phần xây dựng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, làm phong phú đời sống tinh thần của nhân dân, thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội.

Thông qua các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, Mặt trận và các đoàn thể đã tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa thiết thực như: Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng Nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới; Phụ nữ tích cực lao động, sáng tạo, học tập, xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, hạnh phúc; đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp, thanh niên làm theo lời Bác, Cựu chiến binh gương mẫu xứng danh Bộ đội Cụ Hồ. Các cấp uỷ đảng lấy phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng thụ” làm mục tiêu định hướng tuyên truyền vận động nhân dân xây dựng Nông thôn mới. Đảng viên phải gương mẫu đi đầu trong các phong trào của địa phương, vận động nhân dân tham gia sản xuất, xóa đói giảm nghèo, nạo vét kênh mương thông thoáng tạo thuận lợi cho sản xuất, lưu thông hàng hóa, trao đổi mua bán của người dân,…

Công khai minh bạch các khoản đóng góp hợp lý trong xây dựng cơ sở hạ tầng; vận động nhân dân đóng góp các nguồn lực xã hội hóa, xây dựng các tiêu chí đường giao thông, điện sản xuất, Nhà văn hóa, xây dựng đường, ngõ xóm sạch đẹp, cải tạo vườn tạp, trồng hàng rào cây xanh, trồng cây xanh, hoa kiểng, chỉnh trang dọn dẹp nhà cửa, làm vệ sinh, phát hoang bụi rậm, khơi thông cống rãnh, tạo cảnh quan môi trường, xử lý tốt các điểm nóng ô nhiễm môi trường. Nêu gương điển hình những tổ chức, cá nhân có nhiều đóng góp trong thực hiện xây dựng Nông thôn mới; đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, chăm lo công tác an sinh xã hội, uống nước nhớ nguồn; tương thân tương ái, phát huy dân chủ, giữ gìn kỷ cương kỷ luật, xây dựng đời sống văn hóa, giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, thuần phong mỹ tục trong nhân dân.

Đến nay, toàn huyện có 21.670/22.789 hộ đạt danh hiệu Gia đình văn hóa; 7 xã có 18.501/19.331 hộ Gia đình văn hóa; 50/50 Ấp văn hóa; 7/7 xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới; 94/97 cơ quan, đơn vị đạt danh hiệu văn hóa.

 

TRƯƠNG ANH SÁNG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 507, tháng 8-2022

 

;