Khó có ai sống mà không cần đến tình thương, sự quan tâm của người khác. Một nụ cười, một lời an ủi trong nghiệt cảnh sẽ là chiếc phao cứu sinh cho một phận người. Và Phật giáo đã có mặt trong cuộc đời như là một điểm tựa tinh thần. Tư tưởng từ bi vô ngã qua hạnh Bố thí Ba la mật đã thể hiện mối tương quan mật thiết giữa đời và đạo. Còn với Hindu giáo, Bhakti Yoga là một trong những con đường giải thoát được người dân Ấn mộ đạo coi trọng trong hành trình hoàn thiện tâm linh. Sự dâng hiến tình yêu một cách thành kính và tuyệt đối cho thượng đế của Bhakti Yoga đã được nhà thơ Ấn Độ R.Tagore kế thừa sáng tạo trong các hình tượng thơ ca. Như vậy, lòng từ bi nhân ái (Phật giáo) và Bhakti Yoga (Hindu giáo) qua việc khảo sát kinh Jātaka và thơ R.Tagore đã cho thấy những nét tương đồng giữa tư tưởng của hai tôn giáo lớn này.
1. Khái niệm bố thí Ba la mật và Bhakti Yoga
Bố thí Ba la mật
Bố là cùng khắp, thí là cho, là trao tặng. Ba la mật đa là thuật ngữ phiên âm từ tiếng Phạn pāramitā (Pāra là bờ bên kia, mi là đi đến). Bố thí Ba la mật có nghĩa là băng qua dòng sông bố thí để đến được bờ bên kia. Bờ bên này là sanh tử luân hồi, bờ bên kia là niết bàn giải thoát.
Ba la mật đa còn được dịch là đáo bỉ ngạn, độ vô cực, sự cứu cánh,… Bố thí Ba la mật đa là sự tròn đầy trong việc dâng tặng, cúng dường đồ vật cho người khác theo đúng tinh thần tam luân không tịch, tức là: không còn thấy người cho, vật cho và người được cho. Theo kinh điển Đại thừa, có ba loại bố thí là tài thí, pháp thí và vô úy thí.
Tài thí là đem tiền bạc, của cải, vật thực của mình ra cho. Tài thí có hai loại là nội tài và ngoại tài. Nội tài là đem cho những bộ phận trên cơ thể mình như: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, lục phủ ngũ tạng,… để cứu mạng sống của người khác. Cao quý hơn là có thể hy sinh mạng sống của mình để cứu nguy cho người khác. Còn ngoại tài là đem cho những vật ngoài thân như thức ăn, quần áo, tiền bạc, xe cộ, ruộng vườn, nhà cửa... So với ngoại thí, nội thí đòi hỏi người cho phải phát lòng bi bằng một cái tâm dũng mãnh, phải chiến thắng được cái tôi bản năng. Nhiều Jātaka, truyện tiền thân của Phật, ghi chép những tích truyện khi Phật còn là bồ tát đã từng bố thí đầu, mắt, tay, chân… của mình.
Pháp thí là đem giáo lý của Đức Phật truyền dạy cho người khác, khuyên họ quy y, tránh dữ làm lành. Đó không chỉ là chia sẻ lời Phật dạy, mà còn đem lại cho nhau hòa khí và tâm hồn an lạc. Pháp thí có giá trị lớn về tinh thần, vượt trội hơn tài thí bởi sự chuyển hóa đạo đức đối với mọi tầng lớp người. Phật đã dạy: “Này các tỳ kheo, có hai loại bố thí: bố thí tài vật và bố thí pháp. Này các tỳ kheo, đây là tối thượng trong hai bố thí này, tức là bố thí pháp” (1).
Vô úy thí là bố thí sự không sợ hãi. Đời người đầy biến động và bất trắc, con người sợ hãi rất nhiều thứ, cả những điều vô hình và hữu hình, sợ ma quỷ, đói ăn thiếu mặc, bị đánh đập trả thù, sự nghiệp đổ vỡ, tù tội, tuổi già, cái chết… Bố thí vô úy là bảo vệ cho chúng sanh không còn sợ hãi, lo âu.
Như vậy, bố thí theo tinh thần Phật giáo thì bất cứ ai cũng có thể làm được. Khi thực hành hạnh bố thí tức là đã xả bỏ được tham lam vị kỷ. Bố thí đúng nghĩa Ba la mật là: hãy cho đi mà không cần nhận lại, dù chỉ là một lời cảm ơn.
Bhakti Yoga
Bhakti là “yêu thương thượng đế, trung thành phục vụ guru và lý tưởng đã chọn". Bhakti Yoga là “con đường tự nhiên của nhận thức thần thánh…, con đường yêu thương và trung thành, một trong bốn con đường lớn dẫn tới sự kết hợp với thượng đế …" (2).
Đấng Ishvara nói với các đệ tử của mình rằng, ai thờ phụng và hướng về ngài với tấm lòng tin tưởng, chân thành nhất thì người ấy sẽ được ngài cứu vớt ra khỏi cảnh trầm luân khổ ải. Lòng mộ đạo, chiêm ngưỡng, tôn sùng ấy được gọi là Bhakti và con đường tu tập bằng tình thương gọi là Bhakti Yoga.
Bản chất của Bhakti là “sự tôn kính tột độ một đấng cao cả" (3). Tuy lòng tôn kính là bản chất của Bhakti, nhưng tình thương còn rộng lớn hơn, vượt ra khỏi giới hạn của lòng tôn kính. Tình thương là tất cả sự hiến dâng và không khi nào được lãng quên. Đam mê vật chất, sống trong ảo ảnh, những tình cảm tầm thường nhỏ bé… chính là những giây phút lãng quên. Khi con người đã thực hiện toàn mãn về con đường Bhakti Yoga thì sẽ trở nên chí thiện, trường tồn và tự thấy thỏa mãn, an lạc. Với tâm vị tha, con người không còn dục vọng, không buồn phiền, không ích kỷ, không oán ghét hận thù. Muốn vậy, mỗi người cần phải thực hành những đức tính cần thiết như: trong sáng, trung thực, từ tâm, bố thí,…
Tư tưởng Bhakti Yoga của R.Tagore, sự tiếp biến từ kinh Upanishad
Thơ sùng tín Ấn Độ phát triển mạnh vào thời kỳ Trung đại (TK XI-XVII). Thời kỳ này, Hindu giáo đề cao sự giải thoát qua con đường sùng tín. Bằng con đường này, tín đồ chỉ cần dâng tình yêu thành kính và tuyệt đối, không đòi hỏi nhận lại một điều gì lên đấng tối cao là đạt tới giải thoát linh hồn cá thể. Từ cơ sở của triết học Upanishad, R.Tagore đã tiếp biến sáng tạo khi thể hiện tư tưởng triết lý của mình. Từ sự hòa hợp linh hồn cá thể với linh hồn vũ trụ, ông hướng đến lý tưởng hòa hợp. Triết học Upanishad vốn uyên áo, trừu tượng đã được tiếp biến để trở thành lý tưởng đậm chất nhân văn của R.Tagore.
Tinh thần nhân đạo chủ nghĩa là điểm nổi bật trong nội dung thơ ca của R.Tagore, bởi ông đã thể hiện phương châm sáng tác: “Chúng ta sống, khi chúng ta yêu thương" (4) qua sự thể hiện tình yêu của con người với cuộc đời, con người với con người. Trong tác phẩm Những tư tưởng vĩ đại của phương Đông, tác giả Ian P.Mc Greal đã nhận định rằng: “Toàn bộ thơ Tagore là những lời tình và ông đã tự nhận là người tình của nhân loại”.
2. Những nét tương đồng giữa bố thí Ba la mật và Bhakti Yoga
Không sát sinh
Bhakti Yoga quan niệm rằng tín đồ không ăn thịt động vật, tâm trí trong sạch là luôn luôn tưởng nhớ đến thượng đế. Không sát sinh, không gây đau đớn cho muông thú là đức hạnh cần thiết để mở lòng từ ái thiêng liêng. Ăn thịt, cá làm tổn hại loài vật, con người sẽ tự mình làm ô uế thân tâm, khi đó lòng nhân từ, vị tha sẽ mất, còn lại tâm đố kỵ, thù ghét và ích kỷ. Lối sống hiền hòa là nguồn cội của tình yêu thương.
Vô úy thí (Phật giáo) gặp Bhakti Yoga ở nét tương đồng này. Cấm sát sinh là giới thứ nhất trong năm giới của người tại gia. Người có lòng từ bi sẽ không giết hại loài vật, không làm cho chúng bị thương chảy máu. Người ăn chay sẽ dễ dàng tịnh hóa thân tâm, nuôi dưỡng lòng từ bi và ban cho muôn vật sự ấm áp an toàn, không còn nỗi lo sợ bị giết.
Dâng hiến tình yêu thương
Khái niệm bố thí và dâng hiến là tư tưởng chủ đạo của cả Phật giáo và Hindu giáo. Ở người Bhakta (5), không chỉ vì lợi ích riêng, không chỉ sùng phụng mà họ còn ban phát tình thương cho người khác. Đặc tính của tình thương trong bố thí và Bhakti - Yoga là cho vô điều kiện, không đòi hỏi đền ơn đáp nghĩa. Bố thí chân chính là dâng hiến chính mình, dâng tặng vật gì cũng phải bằng thiện ý. Lòng từ bi và sùng tín được thể hiện qua hành động thiện, qua tam luân không tịch.
Ước mơ giải thoát
Giải thoát là đích đến cuối cùng của cả bố thí Ba la mật và Bhakti Yoga khi phật tử và tín đồ thực hiện toàn mãn về tính thiện, xả bỏ những ham muốn vật chất, dục vọng bản năng, thoát khỏi những ràng buộc trần thế.
3. Bố thí Ba la mật trong kinh Jātaka
Hạnh bố thí Ba la mật được giảng dạy trong hầu hết các kinh điển của Phật và phần lớn được minh họa, thực hành nhiều nhất trong kinh Jātaka. Nhân vật xuất hiện trong truyện ở nhiều dạng khác nhau, khi là muông thú, khi là người hay thần linh… Bố cục truyện thường có ba phần: phần mở đầu kể về tiền kiếp của Phật, bồ tát; phần nội dung nói về đạo lý của cuộc sống, việc tu tập hạnh Ba la mật của bồ tát; phần kết luận nói về quả báo tương ứng của hành động thiện và ác để răn đời.
Phú ông keo kiệt Bilāri (tiền thân Bilāri Kosiya) là câu chuyện được Đức Phật giảng dạy tại tịnh xá Kỳ Viên về một tỳ kheo nhiệt tâm bố thí. Tiền kiếp ông sinh ra trong một gia đình giàu có, nhưng nhiệt tâm bố thí nên được phước báu là tái sinh ở cõi trời thứ ba mươi ba, làm vua Sakka (Ðế Thích). Hạnh bố thí đã đi vào truyền thống gia đình, nhưng đến người cháu thứ sáu trong dòng họ ông thì không có tín tâm, keo kiệt, tàn nhẫn, đánh đập và xua đuổi người xin bố thí. Nhưng sau khi nghe bài kệ của Canda, vị phú gia liền phát tâm bố thí (6).
Chim bồ câu (tiền thân Romaka) là câu chuyện Phật giảng giải ở tịnh xá Trúc Lâm về việc không làm tổn hại chúng sinh. Câu chuyện mang hàm ý người có giới đức tu tập, có tâm hòa nhã thương yêu thì sẽ cho chúng sinh sự an bình (vô úy thí) như vị bồ tát trong truyện này: “Bồ tát sinh làm một con bồ câu, sống với một đàn bồ câu đông đúc ở giữa khu rừng trong một cái động ở dãy đồi. Có một nhà tu khổ hạnh rất đức độ đến dựng một túp lều để ở, bên trong một cái động khác của dãy đồi, gần bìa làng, không xa chỗ ở của đàn bồ câu. Bồ tát thường đến thăm và được nghe những lời dạy quý giá” (7).
Sau khi sống ở đó một thời gian dài, nhà tu khổ hạnh ra đi. Lúc đó có một người giả làm nhà tu khổ hạnh đến ở đó. Bồ tát cùng đàn bồ câu vẫn đùa vui bên cạnh nhà tu. Ít lâu sau, một người trong làng đến cho ông ta thịt bồ câu đã được nấu chín. Ông rất thích mùi vị ấy và hỏi xem đó là thịt gì và biết được là thịt bồ câu. Ông ta nghĩ: “Từng đàn chim bồ câu thường đến nơi trú ẩn của ta, ta phải giết vài con để ăn mới được”. Thế là ông ta lấy gạo, bơ, sữa, ngò, tiêu… để sẵn sàng. Ông giấu một cái gậy trong chéo áo, ngồi trước cửa lều và chờ bầy chim đến. Tuy nhiên, vẻ đạo đức bên ngoài của nhà tu khổ hạnh không che dấu được dã tâm. Ông ta đã bị bồ tát và đàn bồ câu phát hiện. Vậy là sự tổn hại, bị từ chối, xa lánh lại thuộc về nhà tu hành đó.
Đạo sĩ Kesava là câu chuyện Phật dạy về thái độ khi bố thí cúng dường. Trong nhà trưởng giả Cấp Cô Độc lúc nào cũng ngào ngạt hương thơm thánh thiện và có năm trăm tỳ kheo được cấp dưỡng, nghỉ ngơi. Một lần, vua diễu hành quanh thành phố đi qua nhà trưởng giả và chợt suy nghĩ: “Ta sẽ cúng dường đều đặn cho hội chúng thánh nhân này”. Sau đó, vua đến tịnh xá, đảnh lễ Phật và thưa lên ý nguyện của mình. Từ đó, trong cung, vua luôn tổ chức cúng dường bằng thức ăn ngon, cơm gạo thơm, nhưng tặng vật cúng dường được phân phát với thái độ vô cảm, lạnh lùng. Các vị quan cứ việc phân phát thức ăn còn các vị tỳ kheo thì chẳng ai muốn ngồi ăn. Vua ngạc nhiên, đến thưa cùng Phật. Phật giảng giải: “Tâu Đại vương, không có vị ngọt nào bằng vị ngọt của tình thương. Thứ gì được cho mà không tình thương thì dù nó gồm bốn thứ ngon ngọt cũng không xứng bằng gạo rừng được cho với tình thương” (8).
Truyện Hiền giả Akitta (tiền thân Akitta) được Phật giảng giải như sau. Một thuở nọ, khi vua Brahmadatta trị vì tại Ba la nại, bồ tát được sinh trong một gia đình Bà la môn cực kì giàu có. Ngài được đặt tên là Akitti. Sau khi cha mẹ qua đời, Akitti được hưởng gia sản khổng lồ ấy. Tuy vậy, ông chẳng lấy làm vui mà muốn đem tất cả gia sản bố thí cúng dường. Sau đó, Akitti trở thành một nhà tu khổ hạnh.
Bậc đại sĩ sống bằng cách ăn trái cây uống nước lã. Thành quả tu tập của ngài đã làm cho chiếc ngai cẩm thạch của Ðế Thích nóng rực lên. Thiên chủ tìm đến và thử nhà tu hành về hạnh bố thí. Bồ tát lúc đó đang ngồi chờ món ăn lá luộc. Vua trời Sakka đứng trước mặt ngài và xin bố thí. Bồ tát rất hoan hỷ: “Thật là một niềm hạnh phúc cho ta... hôm nay ta sẽ đạt được tâm nguyện và ta sẽ bố thí” (9).
4. Bhakti Yoga trong hình tượng thơ ca R.Tagore
Ở cả ba mảng nội dung: thơ triết luận, thơ tình và thơ trẻ em của R.Tagore, tư tưởng Bhakti Yoga đã được thăng hoa. Tình yêu thương, sự dâng hiến của Bhakti Yoga được R.Tagore tiếp biến sáng tạo trong các thi phẩm nổi tiếng như Thơ dâng, Người làm vườn, Trăng non. Đây là ba tập thơ tiêu biểu cho ba nội dung thơ (10).
R.Tagore sáng tạo nên những hình tượng thơ phong phú, hàm chứa ý nghĩa lớn lao về tinh thần nhân đạo, tính nhân văn sâu sắc. Toàn bộ thơ ông là những cảm xúc sâu lắng mà cháy bỏng về tình yêu, lòng tin đối với con người, cuộc đời. Ở mỗi tập thơ đều là những trăn trở cho nỗi đau của nhân loại.
Thế giới trẻ thơ trong Trăng non là kết tinh của vẻ đẹp tâm hồn thánh thiện, thuần khiết. Trong thiên đường trần gian tràn ngập tình thương yêu đó, đứa con là thượng đế, là chúa đời của mẹ. Bởi con khởi nguyên là những gì thiêng liêng cao quý nhất nên con phải xứng đáng được hưởng những gì hạnh phúc nhất ở trần gian. Kho báu tình thương không bao giờ cạn cho những thiên thần bé nhỏ. Tình mẫu tử là niềm hạnh phúc tràn đầy, sự tự do tuyệt đối, tài sản vô giá của con: …Con sẽ là sóng, mẹ sẽ là một bờ biển lạ lùng/ Con sẽ lăn, lăn, lăn mãi và vỗ vào gối mẹ, cười vang/ Và không một ai trên cõi đời này biết nơi đâu mẹ con ta đang ở (Mây và sóng).
Với những hình tượng thơ thể hiện sự liên tưởng lạ, R.Tagore cho thấy ông rất am hiểu về tâm lý, ước mơ, tình cảm của trẻ thơ. Ông đã từng thương tâm đứng nhìn một đứa bé nghèo, buồn tủi ước mơ một trò chơi nhỏ: Lớn lao hơn nỗi ưu tư của mọi người trong chợ là nỗi ưu phiền của một thiếu niên/ Em không có một hào mua cây gậy sơn dầu/ Cặp mắt thèm thuồng em nhìn cửa hiệu khiến cả chợ mủi lòng thương (Người làm vườn). Nhưng thật sự chú bé có được người đời xót thương không, hay chỉ là thứ tội nghiệp thoáng qua rồi lạnh lùng đến vô tâm, để chú bé cô đơn và lạc lõng giữa dòng đời?
Thế giới của bé trong Trăng non là thế giới của những khu vườn cổ tích, của những trò chơi ngộ nghĩnh từ cành cây gãy, chiếc thuyền giấy, với hoa Chămpa, hoa siêu li..., là những ước mơ mà bé chất đầy trong thuyền giấy đem theo những khát khao. Bằng sự am hiểu tinh tế, quan sát tỉ mỉ, chính xác về tâm lý trẻ thơ, những bài thơ có sắc màu ngụ ngôn, hình ảnh so sánh lạ …, nhà thơ đã xác tín: bản chất chân - thiện - mỹ của trẻ thơ là đích đến, là bến đậu cho người lớn tìm về: Ánh mặt trời long lanh trên cát, và sóng vỗ rì rào/ Một cậu bé ngồi chơi với dăm vỏ ốc/ Cậu ngẩng đầu lên, và dường như cậu nhận ra tôi rồi nói: “Tôi thuê anh với hai bàn tay trắng”/ Và từ khi bản hợp đồng được ký chơi với cậu bé tôi đã thành người tự do (Bản hợp đồng cuối cùng).
Mẹ là kho báu tình thương của con, vòng tay yêu thương của mẹ là bến đậu yên bình trước giông bão cuộc đời: Bài hát của mẹ/ Uốn khúc nhạc quanh con/ Như vòng tay ôm ấp/ Tỏa hơi ấm tình thương/ Bài hát của mẹ/ Vuốt ve vầng trán con/ Ban con niềm hạnh phúc… (Bài hát của mẹ).
Ở nội dung thơ tình yêu, R.Tagore đã thăng hoa Bhakti Yoga, trong những hình tượng thơ đậm sắc màu huyền ảo về một thiên đường tình yêu trần thế. Người tình nam đắm say, tình tứ khát khao kiếm tìm một nửa của mình: Có phải, có phải tình anh đã một mình phiêu du qua bao thời đại, qua bao thế giới chỉ để tìm em? (Người làm vườn - bài 32). Và đặc biệt, ông đã tạo nên một dấu ấn riêng về hình tượng người phụ nữ vốn đã rất giàu có trong văn học truyền thống Ấn Độ. Vẻ đẹp ngoại hình và tâm hồn thánh thiện của họ hòa quyện trong nhau. Họ được yêu, được tôn thờ như chúa: Em là mây chiều lững lờ trôi trên bầu trời mộng ước của tôi/ Đem tình yêu thèm khát, tôi hằng vẽ, hằng tạo ra em/ Em là của riêng, của riêng tôi, đang ngự trị đỉnh mộng đẹp vô bờ tôi ấp ủ! (Người làm vườn - bài 30).
Tình yêu là khi cả hai cùng nhìn về một hướng, là một nửa kia đã tìm kiếm được sự hòa hợp, đồng điệu của tâm hồn: Tim tôi, cánh chim vùng hoang dại, đã thấy trong mắt em cả một phương trời/ Mắt ấy là nôi ngủ của bình minh; mắt ấy là vương quốc các vì sao đêm (Người làm vườn - bài 31).
Người làm vườn là bản hòa tấu, ngân vang những giai điệu tình yêu. Nhà thơ hình dung tình yêu Ấn Độ là một vườn hoa muôn sắc. Ông tình nguyện làm người giữ vườn, chăm sóc vườn hoa đó: Tôi sẽ bỏ những việc đang làm, đem giáo gươm đã dùng vứt vào cát bụi/ Xin Người đừng gửi tôi tới các hoàng cung xa xôi, và cũng xin đừng bắt tôi dấn thân vào cuộc chiến chinh nào khác nữa/ Chỉ xin cho tôi được làm kẻ chăm sóc vườn hoa (Người làm vườn - bài 1).
Nghịch lý Bhakti Yoga cũng chính là nghịch lý của tình yêu. Trái tim tình yêu là một thế giới bí ẩn, đòi hỏi tình nhân phải khám phá cả cuộc đời: Nhưng đó lại là tình yêu, em ạ/ Nguồn vui, nỗi sầu của tình yêu thường mênh mông; điều tình yêu thiếu, tình yêu thừa cũng vô cùng vô tận (Người làm vườn - bài 28).
Có thể nói Bhakti Yoga trong tập thơ tình Người làm vườn là những cảm xúc yêu thương chân thành và bình dị của cuộc sống đời thường. Trong thiên đường tình yêu trần thế của R.Tagore không có sự tuyệt vọng đau khổ. Ở đó là những tình nhân cao thượng, hy sinh vì người mình yêu; là sự tin tưởng vào tình yêu vĩnh hằng trong cuộc đời: Hãy đặt lòng tin vào tình yêu cho dẫu tình yêu mang lại khổ đau/ Chẳng nên khép kín lòng mình như thế (Người làm vườn - bài 27).
Sự khát khao dâng hiến cho cuộc đời đã được R.Tagore thể hiện trong những tứ thơ mang đậm tính triết lý: Hoa sen nở khi thấy ánh mặt trời rồi mất hết nhụy tinh và chẳng bao giờ giữ nguyên hình nụ búp trong sương lạnh vĩnh cửu mùa Đông (Người làm vườn - bài 27).
Là tập thơ đại diện cho nội dung thơ triết luận, Thơ dâng có chủ đề là sự dâng hiến cho cuộc đời lý tưởng và nguyện vọng cao đẹp của nhà thơ. Con đường Bhakti trong Thơ dâng là cuộc hành trình của con người đến xứ sở tình yêu.
Với nghịch lý Bhakti cho và nhận, nếu tài sản của ta chỉ là nợ nần, thất bại, xấu hổ âm thầm và ê chề sạn mặt (Thơ dâng - bài 28), thì ta sẽ cho gì và nhận gì? Thế nhưng nhà thơ luôn tin rằng ở cõi chân phúc, lời nguyện cầu của ông sẽ được chấp nhận. Trong cuộc sống, nếu ai chỉ biết sống cho riêng mình, hưởng thụ niềm vui trên nỗi đau của người khác, thì chắc hẳn sẽ không bao giờ cảm thấy nợ nần hay thất bại. Chỉ có những ai sống biết hy sinh mới luôn cảm thấy rằng mình chưa làm gì để xứng đáng với tặng vật mà cuộc sống đã ban cho mình.
Cuộc đời này thật lớn lao, cao cả và hào phóng, con người xin được đón nhận tặng vật của đời với tấm lòng tràn đầy tình yêu. Và kho báu tình thương vô tận ở trong chính bản thân bạn, đừng lang thang tìm kiếm hạnh phúc ở đâu xa: Ờ, người hành khuất, muốn đến ăn xin chính cửa nhà mình! Bởi lẽ, nó ở trong chính trái tim nhân hậu của bạn.
Bhakti Yoga là hành trình tìm kiếm hạnh phúc trong các mặt đối lập. Đó là sự hòa hợp giữa thể xác và tâm hồn, tự do và ràng buộc, cho và nhận, hạnh phúc và khổ đau, hữu hạn và vô hạn,… xuất phát từ trái tim giàu xúc cảm: Tôi chỉ chờ tình yêu tới là sẽ dâng trọn thân mình vào tay tình yêu (Thơ dâng - bài 17).
Bhakti còn là một tình yêu thương không vị kỷ: Chính bằng tình yêu của Người, lớn lao hơn tình yêu của họ, Người đã giữ cho tôi tự do (Thơ dâng - bài 32).
Đối với R.Tagore, sự vị kỷ và cuộc sống thiếu sự hòa đồng sẽ trở thành xiềng xích trói buộc tâm hồn con người, làm cho họ chìm sâu trong bóng tối: Tôi thấy mình là tù nhân trong chính kho riêng/ Tù nhân ơi, vậy kể cho tôi hay, ai đã chế xích này bền chắc thế?/ Chính tôi chứ còn ai đã rèn xích này vô cùng cẩn thận (Thơ dâng - bài 31). Vì vậy con người đừng sống quá chỉ cho riêng mình với mọi thứ, tính toán thiệt hơn, để rồi: Tôi không còn thấy con người thực của mình đâu nữa (Thơ dâng - bài 29).
Khát vọng dâng hiến và được dâng hiến, con người đến với cuộc đời này cùng bao ảo vọng cầu xin. Người hành khất kia đã tìm thấy hạnh phúc khi dâng cho vua hạt thóc còn sót lại trong đáy túi hành khất của mình: Lúc ngày tàn, dốc túi ăn xin ra nền đất, tôi lại thấy giữa đống của bố thí nghèo nàn hạt lúa vàng vô cùng nhỏ bé/ Tôi khóc nức nở, nghĩ bụng ước gì đã có tấm lòng dám cho Người tất cả những gì là của riêng tôi! (Thơ dâng - bài 50).
Yêu cuộc sống, lý giải biện chứng về mối quan hệ sống - chết, R.Tagore cách điệu cái chết bằng một cuộc hôn nhân kỳ thú: Hoa đã kết thành tràng, sẵn sàng chờ đợi tân lang/ Sau tiệc cưới, giai nhân sẽ rời nhà, một mình ra đi gặp tân lang trong đêm tối quạnh hiu (Thơ dâng - bài 91).
Bằng tình thương dâng tặng cuộc đời, sống hết mình khi còn có thể, R.Tagore đã tận hưởng đời sống trần thế bằng con đường Bhakti một cách mãn nguyện: Tôi đã nếm hương mật trong lòng bông sen đang xòe cánh trên đại dương ánh sáng, và như thế tôi hạnh phúc lắm rồi (Thơ dâng - bài 96)
Tìm hiểu nét tương đồng giữa bố thí Ba la mật và Bhakti Yoga là hướng đến mối quan hệ giữa đạo và đời, giữa con người với cuộc đời, để hiểu rõ hơn triết lý sống cao đẹp của người Việt Nam nói riêng cũng như nhân loại nói chung đã được thăng hoa từ hai tư tưởng này. Kinh điển Phật giáo và thơ R.Tagore đã cụ thể hóa những giáo lý uyên áo, thâm sâu về bố thí và lòng sùng tín thành các hình tượng thơ văn với thông điệp: con người là chủ thể đáng trân trọng, cuộc đời của con người là cuộc hành trình tìm về xứ sở yêu thương; Phật và thượng đế hiển hiện thường hằng trong cuộc sống của con người; tình yêu thương sẽ cho con người thêm sức mạnh để sống thiện, để hướng tới cái đẹp toàn bích.
______________
1. Thích Minh Châu (dịch), Kinh Tiểu Bộ 1, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, TP.HCM, 1999, tr.435.
2. Lê Diên (dịch), Từ điển minh triết phương Đông, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1997, tr.79.
3. E.T.Sturdy (dịch), Kinh Narada Soutra, tr.19.
4. Nguyễn Thừa Hỷ, Ấn Độ qua các thời đại, Nxb Giáo dục, 1986, tr.109.
5. Người tu theo con đường thứ ba: Bhakti Yoga.
6. Thích Minh Châu (dịch), Kinh Tiểu Bộ 7, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, TP.HCM, 2002, tr.489.
7, 8. Thích Minh Châu (dịch), Kinh Tiểu Bộ 6, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, TP.HCM, 2002, tr.92, 467.
9. Thích Minh Châu (dịch), Kinh Tiểu Bộ 8, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, TP.HCM, 2003, tr.79.
10. R.Tagore, tuyển tập tác phẩm, tập 2, Nxb Lao động, Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông - Tây, 2004.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 380, tháng 2-2016
Tác giả : THÍCH NỮ AN NHUNG