Mỗi dân tộc, mỗi vùng miền đều có những đặc trưng riêng về phong tục tập quán, văn hóa vật thể và phi vật thể... Trong 54 dân tộc của Việt Nam, dân tộc Mông là một trong những dân tộc thiểu số đông dân. Trong quá trình hình thành và phát triển, họ đã sáng tạo nên một nền văn hóa vô cùng đặc sắc từ trong đời sống vật chất đến đời sống tinh thần. Quần áo của họ mặc hằng ngày cũng mang đặc trưng riêng, với các loại hình hoa văn trang trí là những tác phẩm nghệ thuật đẹp mắt, tươi sáng, mang màu sắc riêng của vùng cao. Mỗi một nhóm người Mông, họ lại có trang phục đặc trưng để phân biệt với nhau. Đi liền với những bộ trang phục đó là những bộ trang sức để tôn thêm vẻ đẹp người mặc. Trang sức của người Mông nổi bật là vòng cổ, vòng tay, nhẫn, răng vàng, bộ xà tích và độc đáo nhất là những đôi khuyên tai. Không đa dạng về kiểu dáng nhưng trang sức của họ lại có những nét đẹp riêng. Vẻ đẹp đấy đặc biệt ở những họa tiết hoa văn trang trí vô cùng phong phú và đa dạng như: hoa văn mặt trời, xoáy ốc, con bướm... mang lại nhiều cảm xúc về các ý tưởng thiết kế để ứng dụng vào các thiết kế trang sức hiện đại.
Khuyên tai của phụ nữ Mông - Nguồn: Báo ảnh Việt Nam
Trang sức của dân tộc Mông khởi đầu từ những điều đơn giản trong cuộc sống. Đeo trang sức để thể hiện sự giàu sang của mỗi người và dòng tộc, đeo trang sức để tránh gió tránh tà. Với người Mông trang sức còn là một thứ vũ khí phòng thân rất hiệu quả. Trang sức dường như chỉ có giá trị về mặt tâm linh, giá trị về kinh tế đơn thuần. Về sau cùng với sự phát triển của xã hội, người Mông đã biết sử dụng đồ trang sức để làm đẹp. Họ thường xuyên đeo trang sức trong các dịp lễ hội và trong những ngày trọng đại. Những kiểu dáng, hoa văn trang trí của trang sức đều mang những tâm tư, tình cảm của dân tộc. Họ gửi gắm vào đó những hoa văn gắn liền với cuộc sống nương rẫy như: hoa văn hình hoa, hoa văn hình xoáy trôn ốc, hoa văn lá dương xỉ… Hay có khi đó chỉ là những chuỗi vòng cổ được gắn kết lại với nhau bằng móc xích tròn, là những đồng xu bằng bạc móc vào thắt lưng… đối với họ, cũng là một sản phẩm trang sức. Đó là những chiếc vòng cổ bản dẹt chắc khỏe hay là cặp vòng tay với những họa tiết đắp nổi thể hiện sự mạnh mẽ. Và cũng không thể thiếu những đôi bông tai muôn hình dáng được trang trí cầu kì, tỉ mỉ. Tất cả chúng đều mang đến một nét đẹp khỏe khoắn như chính những con người của núi rừng. Tuy nhiên, các hoa văn họa tiết trang trí của họ được sắp xếp trên trang sức lại hết sức tự do, chưa có chủ ý tính toán nhất định trong tạo dáng và bố cục sản phẩm.
Các kiểu dáng và chất liệu trong trang sức dân tộc Mông
Đối với dân tộc Mông, trang sức (cổ truyền thường là bạc trắng) và từ các chất liệu khác như: nhôm, đồng, thiếc... với sự tinh tế, khéo léo trong chế tác đã tạo nên những sản phẩm không chỉ là một yếu tố văn hóa vật chất mà còn là biểu hiện thành quả văn hóa của một dân tộc. Các sản phẩm được phân loại như sau:
Khuyên tai
Với người Mông, phụ nữ đeo khuyên tai vành to với ý nghĩa là những người khỏe mạnh và chăm chỉ làm ăn. Chính vì thế, rất nhiều cô gái Mông sử dụng những chiếc khuyên tai thật to. Nhiều người còn đeo kép cả hai đôi khuyên tai. Khuyên tai của họ khá to, hình gần tròn, chu vi khoảng 12-15cm, tiết diện bẹt, có 2 đầu, to bản ở giữa và một đầu to và đầu bên kia hẹp. Khuyên tai có nhiều loại: loại có hình dáng như dấu hỏi, loại có 3 đường xoáy ốc, loại có hình trăng lưỡi liềm, loại hình tròn mỏng, trên có khắc hoa văn hình học, loại hình tròn có gắn thêm miếng bạc đánh theo hình chìa khóa và có treo một số vòng xích.
Khuyên tai để hở và có móc hai đầu. Đầu lớn có hai móc, một móc ngoặc ra ngoài thành vòng tròn và một móc ngoặc vào trong giống như hai con ốc xoáy theo chiều từ nhỏ đến lớn. Đường kính vòng lớn thường khoảng 1cm, còn đường kính vòng nhỏ chỉ khoảng 0.2-0.3cm để có thể dễ dàng luồn vào lỗ tai. Đầu nhỏ đeo vào tai, khi đeo họ thường xâu từ phía sau ra trước.
Người Mông có quan điểm, phụ nữ không đeo khuyên tai là tự làm mất đi vẻ đẹp của mình. Vì thế, khi bé mới được 2-3 tuổi đã được bố mẹ xâu lỗ tai: đến khoảng 7-8 tuổi bắt đầu đeo khuyên tai. Trẻ em chưa đến tuổi trưởng thành thường chỉ đeo một đôi khuyên tai. Mỗi phụ nữ Mông có thể đeo từ 2 - 4 đôi khuyên tai, tùy vào điều kiện kinh tế của từng người. Chỉ là những đôi hoa tai tưởng chừng đơn giản, nhưng đối với đời sống phụ nữ Mông ở Tây Bắc, món trang sức này còn thể hiện sự tinh tế, khéo léo biểu hiện sự gắn kết với thế giới thiên nhiên xung quanh.
Vòng đeo cổ
Vòng cổ được coi là đồ trang sức dành cho cả phụ nữ lẫn nam giới, bao gồm nhiều kiểu khác nhau như: loại vòng có hai đầu chim mỏ dài được khắc họa đặc tả ở cặp mắt mỏ: loại vòng cổ hình trăng lưỡi liềm được khắc hình con bướm, hình xoáy ốc… Mỗi chiếc vòng cổ thường có đường kính chu vi khoảng từ 10-15cm, xung quanh vòng có gắn thêm các sợi tua bạc hình hoa bí. Nhiều vòng cổ còn có gắn thêm dây xích tòng teng gắn xung quanh, có loại dây xích có thể dài đến tận thắt lưng. Thường ngày, đàn ông ít đeo vòng cổ, phụ nữ chỉ đeo một chiếc. Song trong các dịp Tết, lễ hội, cưới xin, cả đàn ông và phụ nữ thường đeo từ 2-7 chiếc. Ngoài những bộ trang sức vòng cổ, vòng tay, người phụ nữ Mông xanh còn gắn lên váy áo những đồ trang sức có hình tròn, hình thoi cho bộ tà xích đeo bên hông để tô điểm cho bộ trang phục truyền thống của họ thêm đặc sắc.
Trên một số vòng cổ, phía trước, người ta làm thêm các hình dây chìa khóa hoặc đeo hẳn một ổ khóa thật vào để làm thành vòng vía cho những người hay bị đau ốm bệnh tật. Theo quan điểm của người Mông, “cái khóa” này có tác dụng ngăn cản không cho ma tà xâm nhập cơ thể, đồng thời giữ cho linh hồn không rời bỏ cơ thể. Nhưng cũng có sự tích kể rằng trong thời kì người Mông bị phong kiến Hán tộc bắt làm nô lệ, họ buộc phải đeo gông có khóa ở cổ. Do đó, khi trở thành người tự do, họ vẫn đeo hình khóa này để không quên thời kì lịch sử đầy máu và nước mắt của dân tộc mình.
Vòng đeo tay
Vòng tay bản dẹp, rộng khoảng 1.5-2cm, trên khắc hình hoa lá, con bướm theo lối tả thực, riêng loại vòng tay có tiết diện tròn được đeo phổ biến hơn. Trong những ngày thường, phụ nữ Mông thường chỉ đeo một đôi vòng tay, còn trong ngày lễ, họ có thể đeo 2-3 đôi. Những họa tiết được trạm trổ trên vòng tay của phụ nữ Mông xanh thường là chim muông, cỏ cây hoa lá, gắn với cuộc sống lên nương kiếm sống hằng ngày của họ. Vòng tay đa dạng hơn so với vòng cổ và được làm bằng nhiều chất liệu khác nhau: bạc, đồng, thiếc và nhôm, trong đó vòng bạc phổ biến hơn cả. Vòng bằng đồng được đúc một cách cầu kì, trên bề mặt có hình khối cao thấp, không trơn như vòng bạc. Vòng tay bằng đồng thường do người thợ Mông đúc, họ quan niệm không chỉ đeo để làm đẹp mà còn để trừ tà. Vì vậy, người phụ nữ khi có thai thường đeo để không cho tà ma xâm nhập vào thai nhi. Ngoài ra còn có loại vòng đồng rất mỏng, thường chỉ đeo để làm đẹp. Vòng tay bằng nhôm cũng được người Mông ưa thích. Vòng có thể do người thợ Mông làm hoặc mua từ chợ người Kinh.
Nhẫn
Được làm bằng đồng, nhôm, bạc hoặc vàng. Đàn ông và phụ nữ Mông đều đeo nhẫn ở ngón trỏ tay trái. Có hai loại nhẫn: loại tiết diện tròn và loại tiết diện dẹt. Loại tiết diện tròn là dấu hiệu của người chưa vợ, chưa chồng hoặc góa vợ, góa chồng đang có ý định tái giá. Người phụ nữ có chồng thường đeo hai nhẫn trên một ngón tay. Loại tiết diện dẹt chỉ dành cho phụ nữ: mặt nhẫn là một hình thoi dài khoảng 3-4cm trên có chạm khắc các hình hoa lá, con bướm.
Răng vàng
Người Mông nhìn chung thích trồng răng vàng. Gọi là răng vàng vì răng có ánh màu vàng, nhưng thực tế chỉ là một thứ hợp kim được pha chế từ nhiều kim loại khác nhau, rồi được đúc giống một chiếc răng thật nhưng rỗng ở giữa để lắp vào răng thật. Người Mông hoa khi đến tuổi trưởng thành mới đi bọc răng vàng, họ thường thích bọc hai chiếc răng vàng ở hàm trên. Do trong xã hội người Mông không có người làm nghề bọc răng, do vậy họ phải ra các thị trấn, thị xã hoặc xuống miền xuôi để bọc răng vàng.
Vòng chân
Vòng chân có hai loại. Loại thứ nhất làm bằng đồng và nhôm hay đồng và bạc xoắn lại với nhau. Sở dĩ họ làm như vậy là để cho chiếc vòng có nhiều màu khác nhau giống hình con rắn. Theo quan niệm dân gian của người Mông, nó có tác dụng trừ tà ma hoặc khi đeo vòng chân sẽ làm thay đổi hình dạng người ốm, ma không nhớ được người đó, do đó không làm hại được. Loại vòng như vậy, người ta chỉ đeo khi vừa qua khỏi những trận đau ốm dai dẳng. Loại thứ hai làm bằng bạc hoặc nhôm, được chế tác thành các vòng tròn nhỏ, móc vào nhau như sợi dây xích, dùng để đeo khi bị đau chân hay mắc các bệnh tê thấp. Vòng không rộng, chỉ vừa khít chân người ốm.
Vòng vía
Vòng vía được dùng cho trẻ sơ sinh hay trẻ khi bị ốm và cho người lớn. Vòng vía có nhiều loại khác nhau, có thể là vòng chân, vòng tay hoặc vòng cổ. Vòng vía gồm hai loại: vòng kín và vòng hở. Vòng kín là vòng tròn không có chỗ mở khi đeo phải luồn qua. Vòng hở là vòng có thể mở ra đóng vào: hai đầu được buộc bằng những sợi vải khác nhau cũng được làm xoắn lại. Khi đeo phải cởi dây vải ra rồi luồn vào cổ, tay hoặc chân người ốm. Vòng vía cho trẻ sơ sinh được làm bằng bạc trắng hoa xòe, giống vòng của người lớn nhưng bé hơn.
Dây chuyền Mông xanh - Nguồn: Báo ảnh Việt Nam
Ngoài ra, những đồ trang sức gắn lên váy áo của phụ nữ Mông xanh là rất nhiều đồng bạc. Những đồng bạc này thường là đơn vị tiền tệ được sử dụng trong thời Pháp thuộc. Từ xưa, người Mông xanh quan niệm rằng nhìn bộ váy áo có gắn nhiều đồng bạc thì biết đó là con cái của gia đình quyền quý, giàu có. Ngày nay, người Mông xanh còn dùng chất liệu nhôm, hợp kim để làm cho đồ trang sức thêm phong phú và độc đáo. Vào ngày lễ, Tết, những cô gái Mông xanh thường đeo trang sức đi kèm bộ trang phục để đi chơi, tạo nên những sắc màu nổi bật, khác biệt trong cộng đồng người Mông ở Tây Bắc.
Hoa văn trang trí trên trang sức dân tộc Mông
Cùng với kiểu dáng độc đáo của trang sức dân tộc Mông, thì hệ thống hoa văn trang trí tạo nên những sản phẩm ấy có sự hấp dẫn rất riêng biệt. Hoa văn hình hoa: với rất nhiều loại hoa như hoa bí, hoa dưa… Các hoa văn được kết nối một cách linh hoạt, lồng ghép, chồng xếp, móc nối hài hòa... Hoa văn lá cây: hình dáng các loại lá cây trang trí rất đa dạng. Tùy theo từng loại lá cây mà họ có những cách tạo hình khác nhau. Có khi chỉ là những tam giác lồng vào nhau, có khi là đường vạch chằng chịt, hay như với hình lá cây dương sỉ thì đó là đường cong đối xứng xoắn nhẹ ở hai đầu. Các hoa văn trải dài thành một hình vòng cung là họa tiết chính cho sản phẩm trang sức. Hoa văn rẻ quạt (hình núi): Thường trang trí làm nền và xen kẽ giữa các hình thoi, tam giác, hình chong chóng. Môtíp động vật điển hình đó là: chim muông, bướm, ốc... Hoa văn hình con bướm: gồm hai tam giác quay đỉnh vào nhau. Hoa văn hình con ốc gồm những hình xoáy vuông góc bốn cạnh hay tám cạnh. Hoa văn xoáy trôn ốc là những hình xoáy tròn nhỏ vòng xoáy từ 4 đến 8 vòng đều nhau từ tâm ra đến ngoài cùng hay như các biến thể của nó là hai hình xoáy trôn ốc được bố trí đối xứng qua gương tạo thành hình móc hoặc đối xứng trục quay thành hình chữ S, là những loại họa tiết có đường cong, đường xoáy dứt khoát thanh thoát, nhịp nhàng, uyển chuyển tạo bố cục hài hòa, không đơn điệu. Những họa tiết này biểu hiện cho sự biến chuyển của mặt trời, thời tiết, không gian và thời gian, trong vũ trụ quan cổ đại của nhiều cư dân, là vốn văn hóa chung của nhiều dân tộc, nhưng được thể hiện đậm đà trong trang trí Mông. Hoa văn hình xoáy trôn ốc là một trong những hoa văn trang trí quan trọng của dân tộc Mông.
Các hoa văn được cách điệu hóa dưới dạng hình học, chủ yếu là: ô chéo, móc câu, hình vuông thủng, hình thoi, đường thẳng, đường dích dắc... Đây cũng là một nét đặc trưng về văn hóa của dân tộc Mông để phân biệt các ngành Mông đen, Mông hoa, Mông trắng... Người Mông đặc biệt rất thành thục trong việc sắp xếp bố cục các hoa văn hình tròn, đường cong, hình vuông, hình xoáy trôn ốc hay các biến thể của nó, tạo nên đặc trưng dễ dàng nhận thấy của dân tộc này. Những hình ảnh hoa văn trang trí đó thể hiện tư duy, trình độ thẩm mỹ và kỹ thuật của người tạo hình, phản ánh rõ nét nhất về văn hóa, xã hội, lịch sử và dấu ấn của dân tộc đó.
Quy trình kỹ thuật chế tác trang sức dân tộc Mông
Đồ trang sức của dân tộc Mông chế tác hoàn toàn thủ công. Các phương thức chế tác sử dụng phải phù hợp với từng vật liệu khác nhau. Từ công đoạn nung chảy nguyên liệu với nhiệt độ thích hợp cho từng loại kim loại cho đến tạo hình kim loại thành hai dạng cơ bản là: thanh vuông và tấm. Trong đó tạo hình thanh vuông để dùng kéo dây chỉ, dạng tấm là dạng hình cơ bản. Các bước kéo dây, thúc, khắc, đập, uốn, cưa mài… Với dây chỉ kim loại sử dụng chế tác các loại hoa văn như hoa văn mặt trời, hoa văn xoáy ốc, dây xích, các móc nối… Dạng tấm tạo hình các kiểu dáng kiềng, mặt vòng cổ, vòng tay, nhẫn… được chạm nổi, khắc chìm hoặc hàn hoa văn họa tiết trang trí trên bề mặt…
Ngoài ra, người Mông còn thành thạo trong kỹ thuật đúc sản phẩm trang sức chủ yếu là trên chất liệu nhôm, hợp kim để tạo được sản phẩm có kích thước đúng yêu cầu như răng vàng. Sử dụng kỹ thuật đúc trên khuôn này để sản xuất hàng loạt các sản phẩm trang sức, giảm thời gian chế tác của người thợ thủ công và giảm giá thành sản phẩm. Những dòng sản phẩm này, có thể thấy rất nhiều ở chợ người Kinh, rất thuận tiện cho việc sử dụng trang sức cho người Mông nói riêng và người yêu thích trang sức nói chung.
Tóm lại, người Mông đã có một kho tàng văn hóa rất phong phú, độc đáo, trong đó trang sức đóng góp những giá trị thẩm mỹ không nhỏ. Vì thế, những giá trị đó luôn cần được bảo tồn và phát huy. Chính vì lẽ đó, việc đưa nét văn hóa truyền thống Mông đến cộng đồng cư dân Việt cũng là một cách để tiếp cận và giữ gìn những giá trị văn hóa tốt đẹp đó. Trang sức cùng nghệ thuật tạo hình hoa văn trên đó sẽ không chỉ được sử dụng trong ngày Tết, lễ hội, hay cưới xin… của riêng dân tộc người Mông mà còn đi sâu vào đời sống của cộng đồng người Việt. Vì thế, hiện nay cũng có nhiều doanh nghiệp như Avanaretreat, Sen bạc… cũng đã đưa trang sức của dân tộc Mông đến với công chúng. Những hoa văn trên trang sức, hoa văn trên vải, nhạc cụ, hay những giá trị văn hóa phi vật thể… của dân tộc Mông sẽ là kho tàng tư liệu cho các nhà thiết kế thỏa sức nghiên cứu, là nguồn cảm hứng bất tận cho sự sáng tạo các tác phẩm nghệ thuật đương đại. Tuy nhiên, theo thời gian và quá trình thay đổi của sự phát triển xã hội, thì giá trị văn hóa cũng có nhiều sàng lọc và thay đổi. Vấn đề là phải tiếp thu có chọn lọc những tinh hoa văn hóa đó, để đưa vào các sản phẩm ứng dụng cho phù hợp với quan niệm thẩm mỹ của thời đại mới song vẫn ẩn chứa giá trị văn hóa truyền thống. Đó mới là ý nghĩa của kế thừa và định hướng phát triển giá trị văn hóa để hội nhập với xu hướng chung của xã hội mới.
Ths TRẦN THỊ THU HỒNG
Nguồn: Tạp chí VHNT số 527, tháng 3-2023