Năng lượng tích cực

Thế giới càng rộng lớn, càng mở thì các tác động qua lại càng rộng, càng nhiều. Chọn nguồn năng lượng nào: tích cực hay tiêu cực, xung động hay chữa lành đang trở thành câu hỏi ngày một thường trực hơn. Và nghệ thuật cũng  bị cuốn trong vòng xoáy đó.

Phim Lật mặt 7 - Một điều ước

Chiến tranh thế giới thứ hai với biết bao bi kịch, ly tán được xem như một vết đen trong lịch sử nhân loại. Hàng loạt các ngành nghệ thuật đã chọn khúc quanh đó để mô tả, phản ánh, sâu hơn là nghiên cứu, tìm hiểu và cao hơn nữa là thức tỉnh, cảnh báo con người trước hiểm họa chiến tranh. Với điện ảnh, có không ít các bộ phim mô tả giai đoạn đen tối đó. Chọn nhiều lát cắt khác nhau nhưng hàng loạt phim đã cho thấy góc đen tối, ghê rợn của chiến tranh qua các bộ phim như Nghệ sĩ Dương Cầm, Trân Châu Cảng, Cuộc di tản Dundrich… Chiến tranh đã hiện lên với góc độ huỷ diệt, tàn bạo để mỗi lần nhắc đến cả nhân loại phải giật mình, tỉnh thức. Không chỉ điện ảnh, nhiều vở kịch, tiểu thuyết, hội họa, điêu khắc… cũng chọn lên án chiến tranh bằng các loại hình nghệ thuật. Không chỉ chọn thể loại, đề tài mà ngay cả âm hưởng, sự khắc họa, phê phán cũng được lựa chọn khi mô tả về chiến tranh.

Giữa hàng ngàn bộ phim chọn cách lên án với nhiều hình ảnh, thân phận bi thương  lại có những phim chọn một phong cách khác, mềm mại và tươi sáng hơn. Cùng mô tả về chiến tranh, nhưng đạo diễn người Italia Roberto Benigni đã chọn mô tả chiến tranh qua góc nhìn của một cậu bé. Chiến tranh qua gương mặt trẻ thơ vì thế cũng bớt phần khốc liệt hơn qua bộ phim Cuộc sống tươi đẹp. Bỏ qua yếu tố nghệ thuật, chỉ bàn về góc độ tiếp cận thì sẽ thấy cùng một hiện thực đó nhưng mỗi nghệ sĩ sẽ chọn một tông mầu khác nhau: bi thảm hay hùng tráng, lên án hay chữa lành. Và với điện ảnh về đề tài chiến tranh, có thể xem bộ phim Cuộc sống tươi đẹp như một trong những bộ phim mang thông điệp chữa lành khi nhìn thời khắc đen tối đó ở những mặt ít bi thảm hơn.

Phim Sắc xuân gửi người tình (Trung Quốc)

Trong nghệ thuật, cùng một hiện thực như nhau nhưng mỗi người cũng chọn một góc độ khác nhau khi tiếp nhận và xử lý. Ở góc độ nhiếp ảnh, cùng phản ánh về người lao động, có nghệ sĩ chọn chụp mưu sinh trong cái nóng hầm hập, giữa mặt đường hay trên các công trình. Có nghệ sĩ lại chọn sự lãng mạn qua những mẻ tung lưới lúc chiều hôm hay thu hoạch hoa trên sông nước. Không thể nói cái đẹp nào lấn át, nổi bật hơn khi mỗi khoảnh khắc, mỗi góc chọn đều có nét đẹp riêng. Người thích nghiên cứu, trải nghiệm có xu hướng tìm kiếm những bộ phim mang lại cảm giác mạnh hay những tình huống nhiều bi kịch, ngang trái. Người lạc quan thích những những phim mang thông điệp tích cực, tươi sáng. Với thời điểm hiện tại, xu hướng tìm kiếm những trải nghiệm chữa lành đang ngày một nở rộ và nó cũng hiện hữu ngày một nhiều hơn trong nghệ thuật sau hàng loạt những cú sốc, các sự bất ổn.

Sau đại dịch COVID-19, sau những căng thẳng về địa chính trị, con người dường như ngày càng cảm thấy mong manh hơn. Giữa những nỗi lo về công việc, giá cả, sự  leo thang của xung đột, chiến tranh… công chúng cũng cần sự thư giãn, chữa lành. Đã có nhiều tác phẩm đi theo hướng này sau đại dịch, bất chấp những căng thẳng đang gia tăng và gặt hái không ít thành công.

Với điện ảnh, ngay cả trước, trong và sau đại dịch đã có một dòng tác phẩm mang xu hướng chữa lành nở rộ trong phim chiếu rạp, phim trên truyền hình của nhiều nước. Những bộ phim như: Eat, Pray, Love, (Ăn, cầu nguyện và yêu - Điện ảnh Mỹ), Anne with an E (Anna với an E - Cannada), Sắc xuân gửi người tình, Đi đến nơi có gió (Trung Quốc), Chào mừng đến Samdalri, Khi hoa Trà nở (Hàn Quốc)… đã mang đến nhiều nguồn năng lượng tích cực, trong lành cho khán giả.

Phim Cuộc sống tươi đẹp (Điện ảnh Italya)

Điểm chung của các câu chuyện chữa lành thường xoay quanh những cốt chuyện về gia đình, tình yêu, tình bạn, trách nhiệm của mỗi người trong cuộc sống. Dù nhiều nhân vật có hoàn cảnh, khởi đầu không thuận lợi nhưng họ chọn không từ bỏ những điều tích cực để cải thiện, hướng cuộc sống của mình và những người xung quanh đến những điều tốt đẹp hơn. Một điểm chung nữa là sự xê dịch. Nhiều phim chọn cách đưa nhân vật di chuyển giữa các vùng đất, những thành phố khác nhau vừa để khám phá, tiếp xúc với những con người,  những điều mới mẻ qua đó chữa lành và  vượt lên những tổn thương cũ. 

Với điện ảnh Việt Nam, có thể nói bộ phim Lật mặt 7: Một điều ước là một bộ phim đi theo xu hướng chữa lành khi cả phim dường như không có nhân vật xấu. Mỗi nhân vật được xây dựng đều có sự biến chuyển theo hướng tích cực. Cô con dâu cả dù có đôi chút so đo, tính toán nhưng vẫn giữ được sự tôn kính nhất định đối với bề trên (ở đây là mẹ chồng). Cô con dâu thứ hai dù lúc đầu phản đối chồng đón mẹ sớm lên một tuần nhưng vẫn trân trọng và ngày càng yêu kính mẹ hơn khi biến cố chồng gặp nạn trên biển ập đến. Cậu con rể nghiện rượu đến cuối phim đã cai được dù thiếu đi những chi tiết, tình huống dẫn dắt… Mỗi nhân vật, dù còn điểm này, điểm khác chưa hoàn hảo nhưng đều hướng đến điều tốt đẹp hơn. Bộ phim không chọn cách tô hồng khi để mỗi nhân vật phải trải qua thử thách, vấp ngã rồi mới hoàn thiện. Sợi dây nối kết giữa họ là tình thân, những kỷ niệm trong quá khứ và mong muốn giữ gìn sự kết nối trong hiện tại cũng như hướng về tương lai.

Phim Khi Hoa Trà nở (Hàn Quốc)

Một bộ phim nhẹ nhàng, không cần đến đánh đấm, những hình ảnh mát mẻ, phản cảm để câu view nhưng vẫn thu hút người xem và  đạt được doanh số khủng. Doanh thu của phim cũng giúp khẳng định một điều: khán giả không chỉ cần những màn hành động giải trí kịch tính, những cú hù dọa thót tim mà còn cần những bộ phim chữa lành, mang đến những nguồn năng lượng tích cực.

Năng lượng chữa lành không chỉ thu hút những bộ phim chiếu rạp mà phim truyền hình Việt Nam cũng  ngày càng có thêm những phim được xây dựng theo hướng tích cực như: Lối về miền hoa, Không ngại cưới, chỉ cần một lý do hay Gặp em ngày nắng…

Tác phẩm Mùa thu hoạch Hoa Súng của Phạm Huy Trung đạt giải khuyến khích cuộc thi ảnh quốc tế 2020

Không sa vào những tình tiết éo le hay khai thác những câu chuyện bi kịch, những bộ phim đi theo hướng chữa lành cũng không ngại đặt nhân vật trong các lựa chọn. Điểm chung là dù vất vả, bị trở ngại, hiểu lầm nhưng các nhân vật sẽ ưu tiên các giải pháp tích cực khi đối mặt với nghịch cảnh, biến cố. Chính cách lựa chọn, giải pháp tích cực đó đã mang lại nguồn năng lượng trong lành cho câu chuyện, nhân vật và truyền tải sự an yên, trong lành đến với khán giả. Trong các giải pháp thì thay đổi môi trường sống, thay đổi không gian quen thuộc được tận dụng như một giải pháp, một phương cách và gián tiếp giúp cho nhiều bộ phim chữa lành trở thành những đại sứ du lịch. Những phong cảnh tuyệt vời của các vùng quê, làng biển, vùng đảo… đã trở thành điểm đến của nhiều du khách sau khi xem phim. Sau khi Sắc xuân gửi người tình, Đi đến nơi có gió lên sóng, du khách Trung Quốc đã tìm đến với nhiều địa điểm trong phim để trải nghiệm cảm giác an lành, vui vẻ mà nhân vật mang lại. Các bộ phim như Chào mừng đến Samdalri, Khi hoa Trà nở lại mang đến cho một số vùng đảo của Hàn Quốc - bối cảnh ghi hình của phim - một lượng lớn du khách khi người xem thích trải nghiệm, đi lại các cung đường nhân vật trên phim đã sống, đi và trải nghiệm. 

Điện ảnh Việt Nam đã từng có nhiều bộ phim mang theo lượng khách du lịch lớn đến với vùng đất khi phim phát sóng như Huế, Phú Yên, Hà Giang… sau các bộ phim như Gái già lắm chiêu, Kiều (Huế), Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Mắt biếc (Phú Yên), Chuyện của Pao (Hà Giang)…

Chưa biết dòng phim chữa lành sẽ  lên ngôi trong bao lâu nhưng nghệ thuật ngoài chức năng giải trí, dự báo, giáo dục còn có phần chữa lành, giúp con người vươn lên trong nghịch cảnh. Sự mát lành, nguồn năng lượng tích cực đó dù có thành trào lưu hay không thì vẫn luôn hiện diện với nhiều mức độ, tần suất khi nó là một phần  không thể tách rời trong cuộc sống. Càng gặp khó khăn, càng bất ổn thì khao khát, mong mỏi những điều tích cực, chữa lành càng mạnh mẽ, tha thiết. Nó như niềm hy vọng, niềm tin mãnh liệt của con người hướng về tương lai, hướng về phía trước.

NGÔ MINH NGUYỆT

Nguồn: Tạp chí VHNT số 580, tháng 8-2024

;