AI - lựa chọn hay thay thế

Với lợi thế của các loại hình kết hợp, điện ảnh không chỉ là nơi lan tỏa những giá trị nhân văn mà còn là chốn để công chúng nương tựa, tìm kiếm những giá trị, sự khám phá đời sống. Sự tham dự của AI vào các lĩnh vực trong đó có điện ảnh ngoài những lợi thế về chi phí, tiến độ, nhân lực đang dấy lên lo ngại sẽ làm giảm giá trị cốt lõi của nghệ thuật.

Phim Cảnh sát người máy

Với những bước tiến vượt bậc, khi A.I (Artificial Intelligence - Trí tuệ nhân tạo) xuất hiện đã giúp con người đơn giản hóa nhiều công đoạn trong các lĩnh vực công nghệ, kinh tế, kỹ thuật, khoa học… Trong công cuộc vận hành doanh nghiệp, A.I trở thành trợ thủ đắc lực cho cấp quản trị, quản lý từ quy mô nhỏ đến lớn hay cực lớn.

Chứng kiến sức lan tỏa vượt bậc của A.I, vấn đề nổi bật được nêu ra thời gian gần đây là: điện ảnh sẽ được và mất gì khi A.I len lỏi vào nhiều công đoạn của một bộ phim từ xây dựng kịch bản, tiền kỳ đến sản xuất, ghép nhạc, phát hành…

Đứng về mặt lợi ích, không thể phủ nhận các lợi ích mà A.I mang lại cho thị trường điện ảnh khi A.I đang dần trở thành công cụ quen thuộc, trực tiếp tác động lên các khía cạnh của ngành công nghiệp điện ảnh, trải dài từ việc viết kịch bản, tạo hình, chọn diễn viên, hỗ trợ sản xuất cho đến khả năng dự đoán sự thành công của của một bộ phim. 

Phim I, Robot (Tôi, Robot) 

Về viết kịch bản. Một trong những chức năng hữu dụng nhất của AI là viết kịch bản. Nhà sản xuất chỉ cần cung cấp một lượng dữ kiện nhất định như nhân vật, sự kiện, đề tài, và A.I sẽ phân tích để đưa ra vô số những kịch bản đa dạng về nội dung. Thông qua các đề xuất đó, nhà sản xuất có thể tiết kiệm chi phí nguồn lực, đảm bảo tiến độ và thời gian tra cứu thông tin. Thực tế, thị trường điện ảnh năm 2016 đã có một cuộc bàn tán sôi nổi xoay quanh phim ngắn Do you love me (Anh có thể yêu em được không?) do A.I đồng sáng tác. Giới phân tích chỉ ra những lợi ích khi để AI tham dự vào quá trình này.

Lợi ích tiếp theo thuộc về sản xuất nhạc phim. Trong mỗi bộ phim thì âm nhạc và hình ảnh dường như là hai yếu tố không thể tách rời khi sản xuất một bộ phim, bởi trong những phân cảnh nhất định, phần nghe phù hợp với phần nhìn sẽ đẩy cảm xúc người xem lên cao nhất. Với những tiện ích từ A.I, các nhà sản xuất cũng lên kế hoạch để tận dụng AI nhằm tạo nên âm nhạc cho một tác phẩm điện ảnh. Tuy nhiên, công nghệ này vẫn chưa thể phát huy hết khả năng của mình. Theo nhiều nhận xét của giới chuyên môn lẫn người xem, nhạc của A.I hiện không phong phú, không có hồn như các bản do con người viết lên. Tuy nhiên, với một vài câu lệnh và dữ liệu phù hợp, A.I sẽ tập hợp tài nguyên, mô phỏng âm thanh từ giai điệu gốc, giúp quá trình tìm ý tưởng cho âm nhạc trở nên đơn giản và nhanh chóng hơn.

 Phim Trí tuệ nhân tạo

Một trong những công đoạn được xem là bất ngờ và kịch tính của thị trường là dự đoán mức độ thành công của bộ phim. Với mức đầu tư lớn, doanh thu chắc chắn là một trong những vấn đề rất được quan tâm của đội ngũ sản xuất. Dựa trên các dữ liệu về sở thích, thị hiếu, phản hồi, tần suất xem phim... A.I có thể đưa ra dự đoán, tuy không chính xác nhưng cũng không quá xa kết quả thực. Chẳng hạn, Warner Bros. đã hợp tác với công ty Cinelytic để dự đoán thành công của các bộ phim cũng như doanh thu phòng vé của hãng.

Ngoài những khâu quan trọng trên thì AI cũng hỗ trợ tích cực quá trình tiền sản xuất. Hiện nay, nhằm tận dụng hết khả năng của A.I, đội ngũ sản xuất còn tìm cách làm giảm nhẹ quá trình tiền sản xuất. Theo đó, trước khi bắt đầu công đoạn quay phim, các khâu khác như thời gian biểu cho lịch quay, dựng cảnh, tìm địa điểm phim trường phù hợp... phải được chuẩn bị kỹ lưỡng. Dựa trên khối lượng dữ liệu sẵn có, trí tuệ nhân tạo có thể đề xuất danh sách các giải pháp phù hợp một cách nhanh chóng. Ở một số bộ phim, sự lựa chọn của AI đã gây chú ý với đoạn giới thiệu hấp dẫn. 

Phim Ex Machina (Người máy trỗi dậy)

Thông thường, sau khi các công đoạn tiền kỳ, quay phim, sản xuất, hậu kỳ,... được thực hiện xong xuôi, giai đoạn quảng bá cho bộ phim sẽ bắt đầu. Việc gây chú ý với công chúng là cực kỳ quan trọng, vậy nên đoạn giới thiệu (teaser) cũng phải được trau chuốt tỉ mỉ. Với những dữ liệu và lập trình sẵn có, A.I có thể tổng hợp các cảnh quay đắt giá, phân loại và ghép lại để cho ra đoạn giới thiệu thu hút người xem nhất.

Với ưu thế và tổng hợp và phân tích, các hãng phim lớn cũng đang sử dụng A.I để quảng bá cho những bom tấn ra mắt. Ví dụ, vào năm 2016, hãng phim 20th Century Fox đã dùng siêu máy tính của IBM để giới thiệu bộ phim Morgan một cách rộng rãi.

Một lựa chọn nữa của AI phải kể đến khả năng phân tích, lựa chọn diễn viên. Trong quá trình sản xuất phim truyền thống, casting diễn viên là công đoạn cực kỳ quan trọng để chọn lựa gương mặt phù hợp nhất với kịch bản. Giờ đây, các nhà sản xuất chỉ cần cung cấp những tiêu chí cần thiết và để A.I tự tổ chức casting tự động, nhanh chóng tìm kiếm và giới hạn danh sách diễn viên đáp ứng được tiêu chí đề ra. Quay ngược về quá khứ, A.I còn được ứng dụng để tạo ra vô số gương mặt kỹ thuật số khác nhau. Đối với dòng phim siêu anh hùng của Marvel Studio, A.I là một thuật ngữ không còn xa lạ với đội ngũ sản xuất lẫn người xem. Trong Avengers: Endgame (Hồi kết), tạo hình của nhân vật Thanos với những biểu cảm cực kỳ chân thực cũng được xây dựng bởi A.I.

Phim hoạt hình Wall - E (Robot biết yêu)

Bên cạnh đó, A.I còn từng tạo nên một diễn viên phụ trong bộ phim chiếu mạng nổi tiếng Bad Girlfriend (Gái hư chính hiệu) của Hàn Quốc, phát sóng vào năm 2022. Trong tương lai không xa, việc diễn viên A.I xuất hiện trên màn ảnh rộng cũng là một điều dễ lý giải. 

Tuy có nhiều ưu điểm về việc tiết kiệm chi phí và thời gian sản xuất, A.I dường như không nhận được nhiều phản hồi tích cực từ cộng đồng nghệ thuật nói chung. Bởi lẽ, công nghệ này phần nào xâm phạm đến chất xám, đạo đức và phong cách riêng của người thực hành nghệ thuật. Chẳng hạn như Deepfake - công nghệ thay thế chân dung của người này bằng người khác, có thể khiến diễn viên trở nên “xa lạ” vì diện mạo ấy không còn thuộc về họ và không thể kiểm soát được “bản sao” ấy. 

Dưới góc độ của người thưởng thức nghệ thuật, nhất là những người yêu phim ảnh, A.I tạo ra một hình dung không mấy chân thực. Các sản phẩm được tạo dựng bởi công nghệ này thường không thể truyền tải trọn vẹn cảm xúc của con người - một điều vốn phức tạp, bất biến và khó đoán định. Với sự xuất hiện và thâm nhập ngày càng sâu vào các công đoạn sản xuất, phát hành một bộ phim, câu hỏi đặt ra là: A.I hóa - Sự thăng hoa hay thoái trào của điện ảnh?

Nếu mang giá trị tinh thần và vật chất đặt lên bàn cân, người ta thường có xu hướng chọn lựa những gì thuộc gì giá trị lợi ích mà bỏ qua cảm xúc của con người. Ví như trường hợp của Marvel Studio, mặc dù vấp phải nhiều chỉ trích từ đội ngũ biên kịch vì chính sách cắt giảm nhân sự để tận dụng công nghệ A.I, hãng phim vẫn tiếp tục ứng dụng trí tuệ nhân tạo để cho ra đời những tạo hình viễn tưởng. 

Nhưng nếu so sánh giữa giá trị đạo đức và lợi ích cá nhân, có lẽ, các nhà sản xuất sẽ phải thật sự cân nhắc. Bởi suy cho cùng, A.I cũng cũng chỉ là công cụ phục vụ cho lợi ích và nhu cầu giải trí của con người. Một tác phẩm nghệ thuật được hình thành để hướng về con người với những giá trị riêng. Vì vậy, sẽ tốt hơn nếu ta để A.I hoạt động như một công cụ phục vụ cho đời sống tinh thần hơn là lạm dụng và dùng nó thay thế cho các sáng tạo của nghệ sĩ.

HỮU BẰNG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 577, tháng 7-2024

;