Sân khấu dành cho thiếu niên - nhi đồng: Rất dễ nhưng cũng rất khó

Từ lâu, người làm nghề đã nhận thức được rằng: sân khấu dành cho thiếu niên - nhi đồng là vô cùng quan trọng, bởi nó phục vụ đối tượng khán giả đặc biệt là tương lai của nước nhà. Những khán giả nhí hôm nay đến xem sân khấu, ngày mai họ có thể trở thành những người làm sân khấu chuyên nghiệp, nghệ sĩ tài giỏi hoặc trở thành những khán giả thường xuyên của nhà hát. Nếu lúc nhỏ yêu thích sân khấu thì khi lớn lên, dù làm công việc gì, theo thói quen họ vẫn muốn đến nhà hát để thưởng thức vở diễn mới.

Cảnh trong vở Nắm xôi kỳ diệu (hay còn gọi là Chuyện thằng Bờm) của Nhà hát Chèo Hà Nội đoạt Huy chương Vàng Liên hoan

Không nên nhập nhằng khái niệm

Tập trung cho sân khấu thiếu nhi ngày hôm nay là đầu tư cho tương lai tươi sáng của sân khấu ngày mai. Xác định là vậy, nhưng thiếu niên - nhi đồng là những “thượng đế” vô cùng đặc biệt và để chiều được các khán giả trẻ em là điều “rất dễ mà cũng rất khó”. Ðơn giản, bởi sở thích của các em không giống người lớn chút nào. Vì thế, muốn làm sân khấu thiếu niên - nhi đồng thì trước hết phải hiểu đối tượng này. 

Một câu hỏi đặt ra: Các bậc phụ huynh có hiểu hết được con mình ở các lứa tuổi mẫu giáo, tiểu học, trung học? Ở mỗi lứa tuổi, trẻ em có sự khác nhau khá rõ rệt về sở thích và nhận thức. Ví dụ, một đứa trẻ 5 tuổi có thể thích trò chơi, câu chuyện này, song đến khi lên 7, 8 tuổi, bé sẽ chán ngắt những trò chơi, câu chuyện mà ngày bé mình thích. Vì thế, cùng là trẻ em, nhưng đứa trẻ 5 tuổi và 15 tuổi có sự cách biệt rất lớn. Bởi thế muốn dựng vở cho thiếu niên - nhi đồng trước hết phải xác định đúng đối tượng lứa tuổi. Ðây cũng là điều được các nghệ sĩ rút ra sau khi theo dõi Liên hoan nghệ thuật sân khấu toàn quốc dành cho thiếu niên - nhi đồng diễn ra tại thành phố Hoa phượng đỏ do Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam phối hợp với Sở VHTT Hải Phòng tổ chức cuối tháng 5 vừa qua. Hầu hết những buổi biểu diễn đều được thầy cô trường ở các mầm non quanh thành phố Hải Phòng lần lượt đưa học sinh 5 tuổi đến xem. Tuy nhiên, không phải vở diễn nào cũng dành cho khán giả 5 tuổi. Có rất nhiều tác phẩm mà khán giả này không thể hiểu được, thế nhưng khán phòng rất ít các em ở độ tuổi cấp 1 cấp 2 đến xem. Vì thế, nhiều nghệ sĩ đưa ý kiến: Lần sau các vở diễn cần ghi rõ dành cho lứa tuổi nào. Bởi chỉ một sai sót rất nhỏ, công sức sáng tạo của bao nhiêu người bị lãng phí.

Nhà hát Tuổi trẻ tham dự Liên hoan với 2 vở: Chú mèo dạy hải âu bay (HCV) và Bầy chim thiên nga

Liên hoan sân khấu toàn quốc dành cho thiếu niên - nhi đồng lần thứ nhất thu hút 17 vở diễn đến từ 14 đơn vị nghệ thuật, hầu hết ở miền Bắc. Miền Nam chỉ có một đại diện là Ðoàn nghệ thuật Sen Việt dự thi với vở cải lương về anh hùng Trần Quốc Toản: Lá cờ thêu 6 chữ vàng. Theo đạo diễn Lê Nguyên Ðạt, các đơn vị sân khấu ở Thành phố Hồ Chí Minh đều dàn dựng và biểu diễn các tác phẩm phục vụ khán giả nhỏ tuổi. Trong đó nổi bật nhất là Sân khấu Idecaf chuyên dàn dựng những vở diễn dành cho thiếu nhi và thường xuyên “cháy vé”. Tuy nhiên, vì lý do gì đó mà các đoàn nghệ thuật này không góp mặt. 

Vì thế, Liên hoan không thể đưa ra cái nhìn toàn diện về sân khấu thiếu nhi toàn quốc mà chỉ nhỏ hẹp trong phạm vi mấy tỉnh phía Bắc. Dù không nhiều nhưng có thể thấy sự chênh lệch rõ rệt giữa đơn vị có kinh nghiệm diễn cho thiếu nhi và những đơn vị chỉ dàn dựng vở diễn để kịp tham gia Liên hoan, còn trước đó chưa có chút kiến thức hay trải nghiệm nào về công việc này. Trong 17 vở diễn, có khá nhiều vở bị lạc đề. Có nghĩa, đó là những vở diễn có nhân vật thiếu nhi nhưng là vấn đề của người lớn, chỉ người lớn mới hiểu. Không tránh khỏi có một số cảnh, lời thoại trong vở diễn được coi là khá nhạy cảm, không phù hợp với những khán giả lứa tuổi mầm non ngồi bên dưới. Những vở diễn này được dàn dựng với cách viết kịch bản và tư duy đạo diễn không dành cho trẻ con. Ðây thực sự là điều đáng tiếc. Bởi vậy, người làm nghề cần phân biệt rõ: Vở diễn dành cho đối tượng khán giả là thiếu niên - nhi đồng rất khác với vở diễn về đề tài thiếu niên - nhi đồng.

Nhà hát Tuổi trẻ tham dự Liên hoan với 2 vở: Chú mèo dạy hải âu bay (HCV) và Bầy chim thiên nga

Đầu tư vào cái đầu tiên

Làm thế nào có thể dàn dựng một vở diễn hay dành cho thiếu niên, nhi đồng? Câu trả lời đơn giản: Ðầu tiên phải có một kịch bản tốt, vì “có bột mới gột nên hồ”. Nhưng tình hình kịch bản thiếu nhi hiện nay của chúng ta ra sao? Câu trả lời là: rất “hiếm có, khó tìm”. Có thể thấy, bốn vở được giải vàng của Liên hoan sân khấu toàn quốc dành cho thiếu niên nhi đồng lần I thì “Chú mèo dạy hải âu bay” được chuyển thể từ "Chuyện con mèo dạy hải âu bay" của nhà văn người Chile: Luis Sepulveda, “Rồng thần trở lại” lấy từ nguyên tác bộ truyện tranh nổi tiếng của Nhật Bản: “Bảy viên ngọc rồng”, vở rối “Dế mèn phiêu lưu ký” chuyển thể từ tác phẩm văn học nổi tiếng đã mấy thập kỷ của Tô Hoài, vở chèo “Nắm xôi kỳ diệu” (hay “Chuyện thằng Bờm”) lấy từ câu chuyện dân gian. Không có “vàng” nào là kịch bản sáng tác mới - thật đáng âu lo.

Vở kịch Rồng vàng trở lại của Nhà hát Kịch Việt Nam và vở rối Dế mèn phiêu lưu ký của Đoàn Rối Hải Phòng đều đạt Huy chương Vàng tại Liên hoan

Việc quan trọng bây giờ là tìm kiếm và đầu tư vào nguồn kịch bản hay. Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam đã tổ chức Cuộc vận động sáng tác kịch bản sân khấu dành cho thiếu niên - nhi đồng với giải cao nhất là 10 triệu đồng. Nhà hát Tuổi trẻ cũng tổ chức Cuộc thi viết kịch bản sân khấu dành cho thiếu niên nhi đồng với giải cao nhất lên đến 100 triệu đồng. Tuy nhiên, hai cuộc thi này có thể chưa đủ so với nhu cầu hiện nay. Bởi viết kịch bản thiếu nhi cho hấp dẫn đôi khi không phụ thuộc vào tài năng, kinh nghiệm mà là cái duyên. Nếu ở lứa tuổi thiếu nhi thì khó có thể viết được kịch bản sân khấu. Còn những người lớn tuổi, dày dặn kinh nghiệm có khi đã bị mất đi sự hồn nhiên, ngây thơ, nên viết ra những kịch bản mang tính chất giáo điều, dạy dỗ, chứ không phải là tiếng nói của thiếu nhi. 

Theo đạo diễn Lại Bắc Hải Ðăng người gắn bó với nhiều chương trình thiếu nhi trên Ðài Truyền hình Việt Nam từ lúc mới ra trường như Vườn cổ tích, Ðồ rê mí…, thiếu kịch bản hay dành cho thiếu nhi là tình trạng chung trên toàn thế giới chứ không chỉ riêng Việt Nam. Và việc mua bán, trao đổi kịch bản cho nhau cũng là chuyện bình thường, ví như: Mỹ phải mua kịch bản của Hàn Quốc, Nhật Bản với Hàn Quốc trao đổi kịch bản cho nhau, Trung Quốc cũng mua kịch bản của Mỹ. Nói chung, đâu đâu cũng đang gặp vấn đề về kịch bản.

Vở kịch Rồng vàng trở lại của Nhà hát Kịch Việt Nam và vở rối Dế mèn phiêu lưu ký của Đoàn Rối Hải Phòng đều đạt Huy chương Vàng tại Liên hoan

Việc chuyển thể những câu chuyện nổi tiếng của nước ngoài lên sân khấu Việt Nam là cần thiết. Cũng như các nước trao đổi kịch bản cho nhau là điều nên làm, tuy nhiên những câu chuyện của Việt Nam thì không thể thiếu. Chúng ta không thể có sân khấu toàn những chuyện nước ngoài, mà cần có những sáng tác của con người Việt Nam đương đại về cuộc sống đương đại của thiếu nhi Việt Nam.

Có ý kiến cho rằng, Liên hoan sân khấu thiếu dành cho thiếu niên - nhi đồng nên được tổ chức định kỳ để tạo thói quen thu hút khán giả nhỏ tuổi đến rạp. Tiến sĩ Trần Thị Hoàng Mai - Giám đốc Sở VHTT Hải Phòng, cho biết, sẵn sàng đồng hành với Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam trong các liên hoan tiếp theo. Nếu vậy, ngay từ bây giờ các đơn vị nghệ thuật cũng nên tìm kiếm những gương mặt có thể gửi gắm hy vọng cho một kịch bản thiếu nhi tốt về những câu chuyện của Việt Nam. Vì rằng, dựng kịch cho thiếu nhi rất dễ mà cũng rất khó, nó đòi hỏi sự đầu tư chuyên nghiệp, có lộ trình, chứ không phải những hoạt động nhất thời.

Bài, ảnh: THU HUYỀN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 574, tháng 6-2024

 

;