Đề tài chiến tranh trong dòng chảy điện ảnh

Mảng đề tài về chiến tranh luôn là một dòng phim không thể thiếu ở bất cứ nền điện ảnh nào. Với đặc trưng về đề tài, chủ đề, dòng phim này gắn với việc phản ánh quá trình bảo vệ, tranh đấu hay lịch sử của mỗi vùng đất, thời đại, các cuộc chiến tranh, xung đột…

​​​​​​Phim Bình minh đỏ

Không chỉ có giá trị tức thời (phản ánh, mô tả, khắc hoạ các sự kiện, nhân vật xung quanh một trận đánh, một chiến dịch hay các dấu mốc lịch sử quan trọng), mảng đề tài chiến tranh còn là nguồn cảm hứng tới nhiều thế hệ nghệ sĩ khi tác động, của nó rất lớn về mặt xã hội, địa chính trị, lịch sử… Những thân phận bi thương hay nỗi ám ảnh dai dẳng của chiến tranh, những vết thương trên thể chất, trong tâm hồn cũng luôn là những dấu hỏi, sự thu hút của các nghệ sĩ nói chung, nghệ sĩ điện ảnh nói riêng khi tìm đến với mảng đề tài này.

Do đặc điểm riêng, với điện ảnh Việt Nam, mảng đề tài chiến tranh gần như gắn liền với sự ra đời của nền điện ảnh cách mạng. Nhiều bộ phim đã bám chặt hiện thực cuộc sống, chiến đấu anh dũng và phả vào đó tinh thần thời đại, những tấm gương bình dị mà bất khuất. Trong mắt bạn bè khu vực và quốc tế, cảm nhận về điện ảnh Việt Nam suốt một thời gian dài vẫn là những bộ phim gắn liền với đề tài chiến tranh. Một số bộ phim khai thác mảng đề tài này dù ở khía cạnh trực tiếp hay gián tiếp đã nhận được sự đánh giá cao của công chúng, những người làm nghề trong nước và quốc tế. Những bộ phim như Cánh đồng hoang, Bao giờ cho đến tháng Mười… cho đến nay vẫn là những bộ phim hay, được nhắc đến nhiều khi nói đến điện ảnh Việt Nam nói chung và dòng phim về đề tài chiến tranh nói riêng.

Phim Bao giờ cho đến tháng Mười

Không chỉ gắn với lịch sử, với quá trình đấu tranh giành độc lập dân tộc, mảng phim về đề tài chiến tranh còn phản ánh những dấu mốc thời gian, những nét văn hóa, đời sống vật chất, tinh thần của con người tại mỗi thành phố, vùng đất, quốc gia, châu lục… trong những giai đoạn, bối cảnh xã hội, chính trị cụ thể. Ngoài giá trị, tác động mạnh mẽ tại thời điểm phát hành, những bộ phim về đề tài chiến tranh còn là tư liệu để nghiên cứu, khảo sát về các tiến trình lịch sử của mỗi một quốc gia, dân tộc trong sự vận hành và phát triển. Với những giá trị đó, việc lưu giữ, quảng bá những bộ phim về đề tài chiến tranh được nhiều nước xem trọng bên cạnh những dòng phim khác. Mảng đề tài này cũng thường có mặt trong những tuần phim, những chương trình, hoạt động giao lưu văn hóa, sự quảng bá giữa các nước trong khu vực và thế giới nhằm gia tăng sự hiểu biết, những liên kết về văn hóa, kinh tế, chính trị thông qua các hiểu biết về lịch sử, giá trị tinh thần của mỗi vùng đất, từng dân tộc cụ thể.

 Phim Cánh đồng hoang

Với điện ảnh Việt Nam, dòng phim về đề tài chiến tranh từng có thời gian chiếm vị trí quan trọng với nhiều phim được sản xuất trong năm. Đi qua thời huy hoàng, khi cuộc sống với những vấn đề mới nảy sinh trong xã hội, mảng phim về đề tài chiến tranh không còn là mảng chính, chiếm dòng chủ lưu. Lịch sử gắn với các cuộc chiến tranh giành độc lập dân tộc, bảo vệ đất nước cũng đã có độ lùi nhất định về mặt thời gian. Điều này vừa mang yếu tố chủ quan lẫn khách quan với những tác động tích cực và tiêu cực theo quy luật. Nhiều bộ phim sản xuất sau đó về đề tài chiến tranh dù chọn góc độ tiếp cận trực tiếp hay gián tiếp, phản ánh cuộc chiến trên trận tuyến hay tác động của chiến tranh tới đời sống hậu phương, vì nhiều lý do, một số bộ phim khi ra mắt đã không còn sức hút. Ngoài yếu tố khách quan do cuộc sống đang vận động, phát triển mạnh mẽ cần những vấn đề, các nhân vật với những thang giá trị mới, những nhận định lại về cái đẹp… thì yếu tố chủ quan còn nằm ở sự khô cứng, một mầu khi chưa có nhiều những thay đổi, đột phá trong cách tiếp cận, khai thác và phát triển đề tài, chủ đề, nhân vật… trong một số bộ phim khi tiếp cận, khai thác về mảng đề tài chiến tranh.

Sự kiện bộ phim Đào, phở và Piano "cháy" vé đầu năm 2024 với sự săn lùng của giới trẻ tìm xem bộ phim này lại phản ánh một góc nhìn khác. Sức nóng của bộ phim cho thấy không có mảng đề tài nào là cũ, chỉ có cách tiếp cận, khai thác và dàn dựng bộ phim có phả được dòng chảy thời đại, có mang được lối làm phim mới vào trong một đề tài không còn mới hay không?

Phim Những người viết huyền thoại

Phim đề cập tới thời khắc lịch sử đặc biệt khi một lực lượng nhỏ (các chiến sĩ tự vệ, dân quân lẫn thường dân) ở lại cầm chân quân Pháp cho lực lượng chủ lực và nhân dân rút lui, bảo toàn lực lượng. Đào, phở và Piano đã phản ánh được tinh thần quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh lan toả trong mọi lực lượng từ dân quân tự vệ đến những người dân chỉ biết mưu cầu một cuộc sống bình yên. Những lát cắt khác nhau cùng nhiều chi tiết cảm động đã làm nên sức hút của bộ phim dù đề tài không còn được xem là điểm cộng hay chủ đề hot trong bối cảnh hiện tại. Cú ngược dòng đó đặt ra vấn đề cần nghiêm túc xem xét và nghiên cứu các giải pháp nhằm phát triển phim truyện điện ảnh Việt Nam đề tài chiến tranh góp phần phát triển nền công nghiệp điện ảnh Việt Nam trong bối cảnh hiện nay.

Được mặc định là dòng phim khó, chi phí cao, dòng đề tài về chiến tranh luôn khó thu hút sự xã hội hóa khi nhiều nhà đầu tư e ngại chủ đề phim kén khách, khó thu hồi vốn. Bên cạnh đó, chi phí dành cho các cảnh cháy nổ, phục hiện lại các khu phố, làng mạc bị tàn phá cũng bị đội lên khá nhiều so với các mảng đề tài khác. Điều đó đòi hỏi sự quan tâm của Nhà nước dành cho mảng đề tài này chí ít như một dòng kinh phí ban đầu, kinh phí đối ứng để thu hút thêm các nhà đầu tư vào mảng đề tài này.

Phim Đào, phở và piano

Qua hiện tượng của phim Đào, phở và Piano có thể thấy lịch sử không còn khô cứng khi được neo vào những điểm nhấn trong văn hóa, sự kết tinh ngàn đời có thể qua một cành hoa Đào, thứ không thể thiếu trong mỗi gia đình Hà Nội lúc xuân về. Một món ăn đã trở thành quốc hồn quốc tuý như phở với cách thể hiện mới cũng có thể làm nên chuyện khi bật lên công tắc, lòng yêu nước vốn vẫn ẩn sâu đâu đó trong mỗi người. Để phim truyện điện ảnh Việt Nam đề tài chiến tranh góp phần phát triển nền công nghiệp điện ảnh Việt Nam thì cần đến rất, rất nhiều những bộ phim như vậy. Những bộ phim có thể khuấy động trong lớp trẻ với tâm thức phải đi xem, phải hiểu về dân tộc, về sự kiện lịch sử của mảnh đất mình đang sống đã trải qua những gì? Vì sao ta lại tự hào đến thế khi nhìn lại những giá trị đã làm nên lịch sử của vùng đất này? Sự kiện của Đào, phở và piano không chỉ gây bất ngờ cho khán giả mà còn giúp các cấp ngành, những nhà làm chính sách chú trọng, quan tâm hơn nữa đến dòng phim này. Chỉ cần cách tiếp cận đúng, phù hợp với giới trẻ (những công chúng đông đảo) qua các từ khoá, cách thể hiện, truyền tải hiện đại, mới mẻ, đánh thức lòng tự tôn dân tộc qua những hình ảnh, biểu tượng, vật thể, món ăn… mang đậm bản sắc dân tộc lồng trong câu chuyện hay, hấp dẫn thì phim về đề tài chiến tranh vẫn có thể làm nên chuyện. Thực tế trên thế giới, có khá nhiều những bộ phim về chiến tranh đã trở thành kinh điển dù cuộc chiến đã lùi xa hàng nửa thế kỷ, thậm chí lâu hơn nữa. Những phim như Cuộc sống tươi đẹp (Điện ảnh Italia), Nghệ sĩ Dương Cầm
(Điện ảnh Anh, Pháp, Đức, Ba Lan hợp tác sản xuất), Giải cứu binh nhì Ryan, Trân Châu cảng. Cuộc di tản Dunkirk (Điện ảnh Mỹ)… là những ví dụ. 

Tháng 5 này, điện ảnh Việt Nam có nhiều hoạt động, tuần lễ phim chào mừng kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024). Việc có nhiều phim về Điện Biên Phủ tham gia trong tuần phim cũng cho thấy sức hút và sự cần thiết của dòng phim về chiến tranh trong dòng chảy liên tục, xuyên suốt của điện ảnh.

VI ANH

Nguồn: Tạp chí VHNT số 571, tháng 5-2024

;