Cảnh trong vở Nắm xôi kỳ diệu (hay còn gọi là Chuyện thằng Bờm) của Nhà hát Chèo Hà Nội đoạt Huy chương Vàng Liên hoan
Ảnh: Việt Lam
Sân khấu, cụm từ dùng chung cho tất cả các loại hình nghệ thuật sân khấu từ Tuồng, Chèo, Cải Lương, Múa Rối, Xiếc, Kịch nói… và các loại hình đó, đơn vị nghệ thuật nào dù ít hay nhiều cũng đã có tác phẩm dành cho thiếu nhi. Phân khúc khán giả nhỏ tuổi ngày một được các đơn vị nghệ thuật lưu ý, chú trọng đầu tư dàn dựng tác phẩm, nhất là trong những dịp lễ, Tết như ngày Quốc tế Thiếu nhi, dịp nghỉ hè dài ngày của các em, dịp Tết Trung thu… Tuy nhiên sân khấu đã đáp ứng được nhu cầu cho đối tượng khán giả này chưa?
Từ rất sớm, một số lãnh đạo các đơn vị nghệ thuật đã cân nhắc, chú trọng tới phân khúc khán giả nhỏ tuổi như một trong những biện pháp để đỏ đèn, tăng thêm số buổi biểu diễn và họ đã thu hoạch được những thành công bất ngờ. Những buổi biểu diễn cho các trường học từ tiểu học cho tới các trường đại học luôn là những giờ sinh hoạt ngoại khóa hữu ích, được các trường tích cực hợp tác. Tầm nhìn đó của các cá nhân thành công bởi họ nhận rõ tiềm lực nếu kêu gọi được sự ủng hộ của lãnh đạo các trường, cũng như nhận thức được sự cần thiết phải để khán giả nhỏ tuổi sớm tiếp xúc, có khái niệm và yêu quý sân khấu. Có vậy, tương lai sân khấu mới thêm nhiều khán giả, để sau này, sân khấu không còn là khái niệm xa lạ với đông đảo người dân.
Cảnh trong vở xiếc Tấm Cám - Bống Bống, Bang Bang (Liên đoàn Xiếc VN)
Cảnh trong vở Lá cờ thêu sáu chữ vàng (Sân khấu Sen Việt)
Nhìn vào hoạt động náo nhiệt chào đón hè năm nay, chúng ta thấy hàng loạt các đơn vị đầu tư cho đề tài thiếu nhi một cách đa dạng. Từ những tác phẩm nằm trong kế hoạch dàn dựng, kế hoạch đặt hàng của các nhà quản lý cho tới những vở diễn được kêu gọi xã hội hóa. Chính vì thế, khi Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam kết hợp với Sở VHTT Hải Phòng tổ chức Liên hoan nghệ thuật sân khấu toàn quốc dành cho thiếu niên , nhi đồng lần thứ nhất năm 2024 đã có tới 14 đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp với hơn 500 diễn viên hội tụ từ hai miền Nam - Bắc trong 17 tác phẩm dự thi với hầu hết các thể loại sân khấu tham gia: Kịch nói, Nhạc kịch, Xiếc, Chèo, Cải lương, Múa rối và Ảo thuật… Khoan nói tới chất lượng nghệ thuật, chỉ nhìn vào số lượng các đơn vị, số lượng tác phẩm dự thi đã là tín hiệu mừng cho những ai quan tâm tới sân khấu về đề tài thiếu nhi. Như nhận xét của NSND Xuân Bắc, Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật của Liên hoan thì “các vở diễn tham gia đều hướng tới nét đẹp Chân - Thiện - Mỹ để phù hợp với lứa tuổi và thị hiếu của các bạn thiếu niên, nhi đồng. Những tác phẩm sân khấu dự Liên hoan lần này là những câu chuyện được kể bằng đặc trưng ngôn ngữ khác nhau của nhiều loại hình nghệ thuật sân khấu phong phú, hấp dẫn dành cho các khán giả nhỏ tuổi. Mỗi tác phẩm đều có thông điệp giáo dục, định hướng nâng cao nhận thức, truyền tải những thông điệp tích cực một cách nhẹ nhàng, dí dỏm tới các em thiếu niên nhi đồng”.
Ðó là còn chưa kể tới rất nhiều đơn vị sân khấu xã hội hóa phía Nam không đủ điều kiện kinh tế tham dự, vẫn luôn có những chương trình thường xuyên dành cho các em như các sân khấu IDECAF, sân khấu 5B… rồi sân khấu Lệ Ngọc với những tác phẩm rất được đón chào như Tấm Cám, Dế Mèn phiêu lưu ký…
Bộ quần áo mới của hoàng đế (Nhà hát Kịch Việt Nam)
Cảnh trong vở Rồng thần trở lại (Nhà hát Kịch Việt Nam)
Trước đây, khá nhiều lo ngại khi sân khấu cho thiếu nhi chỉ mang tính mùa vụ, thiếu chiến lược, phát triển nặng về tự phát. Nhưng sau những thực tế hoạt động như đã nêu, người ta có phần yên lòng khi các em đã được dành vị trí xứng đáng trên sân khấu các đơn vị nghệ thuật. Theo NSƯT Cao Ngọc Ánh, Phó Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ thì, Nhà hát đã không ngừng nghiên cứu tìm những giải pháp ngắn hạn, dài hạn để có được các tác phẩm dành cho thiếu nhi. Nhà hát đã tìm tòi, đặt hàng các tác giả, đầu tư cho đội ngũ sáng tạo như đạo diễn, nhạc sĩ, biên đạo, thiết kế mỹ thuật, âm thanh ánh sáng… để cập nhật những yếu tố mới, văn minh hiện đại trên thế giới ứng dụng hài hòa giao thoa vào các vở diễn giành cho thiếu nhi để tăng tính hấp dẫn. Các anh chị cũng năng động, lập kế hoạch lịch biểu diễn cho cả năm và sớm thiết kế các poster với đầy đủ kịch mục, tên chương trình theo mùa, theo các ngày lễ kỷ niệm… Ðẩy mạnh truyền thông tổng lực trước đợt diễn hoặc các vở diễn, chương trình sắp diễn ra một cách toàn diện trên Fanpage, FB, Website, Tiktok (thậm chí lập riêng Fanpage riêng cho từng vở để khán giả không bị lẫn). Ðây cũng là đơn vị sân khấu có được sự quảng bá tốt nhất cho tác phẩm của mình khi thông qua hình thức hội nghị khách hàng, tiếp cận, tiếp thị và thông báo trực tiếp cho khách hàng qua hệ thống Telesale, Email với lịch biểu diễn từng mùa phù hợp với từng đối tượng. Triển khai bán vé online đã nhiều năm qua tạo thói quen cho khán giả vào fanpage của Nhà hát Tuổi trẻ là có thể lựa chọn được vở diễn, lịch diễn theo mong muốn cá nhân và tập thể.
Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều những điểm cần bổ khuyết để sự phát triển của mảng sân khấu cho thiếu nhi được lâu dài, thoát khỏi tính thời vụ. Rà soát lại từng thành phần tham gia sáng tạo vở diễn sân khấu ở mảng này, có thể dễ dàng nhận thấy những điều cần được nghiêm túc nhìn nhận, có những tác động tích cực hơn nữa. Trước hết là ở khâu kịch bản. Do quan niệm khá lâu đời vẫn được biết tới thì viết cho thiếu nhi không văn cũng chả nghệ, rất khó để có nhà hát chấp nhận các kịch bản này, giá cả lại… khá bèo bọt. Thật khó để tìm được một nhà viết kịch chuyên cho thiếu nhi. Với mảng đề tài này, ngoài cái khó chung của một tác phẩm kịch bản thì còn có những khó khăn rất riêng, rất khó vượt qua. Ðó là yêu cầu thấu hiểu, cảm thông, thậm chí đưa mình trở về tuổi thơ thì mới có thể viết ra được những kịch bản đúng với góc độ của các em, dùng đúng thứ ngôn ngũ của trẻ thơ. Sự dí dỏm, bay bổng mơ mộng, tâm hồn trong sáng, góc nhìn thơ ngây… hòa trong tâm tư của trẻ thơ… thì mới có thể cho ra đời những kịch bản hấp dẫn, thực sự vì các em, cho các em. Thiếu thốn kịch bản hay, người ta phải tìm kiếm các tác phẩm nước ngoài, mượn những câu chuyện từ văn học nước ngoài để phục vụ các em thiếu nhi Việt Nam.
Hội đồng Giám khảo tại Khai mạc Liên hoan nghệ thuật Sân khấu toàn quốc dành cho thiếu niên, nhi đồng - lần thứ Nhất
Thêm vào đó, như nhận xét của NSND Xuân Bắc qua Liên hoan sân khấu thiếu nhi vừa qua, một số thành phần sáng tạo - diễn viên vẫn đưa cái nhìn của người lớn vào tác phẩm, cách diễn của một số nghệ sĩ khiến nhiều tác phẩm dự thi không có góc nhìn ngây thơ, trong sáng, đáng yêu thu hút trẻ nhỏ. Còn có sự nhầm lẫn giữa tác phẩm đề tài thiếu nhi và tác phẩm dành cho thiếu nhi, khiến khá nhiều vở diễn không thực sự thu hút khán giả nhỏ tuổi. Một số tác phẩm còn có kết cấu lỏng lẻo, thiếu thuyết phục, câu chuyện thiếu mạch lạc, tình huống không phù hợp, nhạy cảm, rất dễ gây ra sự nhầm lẫn trong nhận thức của khán giả nhỏ về ý nghĩa và thông điệp của tác phẩm.
Vẫn thiếu vắng một đội ngũ nghệ sĩ chuyên sáng tác cho sân khấu thiếu nhi. Thiếu người muốn cống hiến, “bỏ cả đời” vào mảng đề tài này và điều đó khiến cho sân khấu dành cho lứa tuổi nhỏ vẫn ở tình trạng phát triển chưa thật sự bền vững. Sân khấu cho thiếu nhi cần được quan tâm và đầu tư hơn nữa để lấp đi khoảng trống mà bấy lâu nay sân khấu ít quan tâm nhất, trừ các loại hình nghệ thuật đặc thù như Múa rối, Xiếc… Như NSND Hoàng Tuấn - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Hà Nội thì, muốn thực hiện triệt để chiến lược bảo tồn và phát triển sân khấu lâu dài và bền vững thì đầu tư sân khấu vào đề tài thiếu nhi chính là việc làm phát triển từ cái gốc của nền sân khấu nước nhà.
NGỌC BẢO
Nguồn: Tạp chí VHNT số 574, tháng 6-2024