Trong một nền điện ảnh phát triển, mỗi bộ phim hướng đến một giá trị, bất chấp nó thuộc dòng phim nghệ thuật hay giải trí.
Phim Đào, phở và piano
Lê Hoàng - một đạo diễn tự nhận mình là người của cả hai phía khi từng có nhiều phim được khen về mặt nghệ thuật (như Lưỡi dao, Ai xuôi vạn lý…) cũng như một số phim giải trí ăn khách giai đoạn đầu (Gái nhẩy…). Ông xác định: “Phim thương mại nhằm mục đích có càng nhiều người xem càng tốt, còn phim nghệ thuật lại là phương tiện để người làm phim nói lên được tâm trạng, suy nghĩ đôi khi rất riêng tư của mình và nhiều khi không cần sự thấu hiểu của khán giả”.
NSƯT Nguyễn Vinh Sơn từng chia sẻ góc nhìn trung dung, nhiều chiều hơn khi đánh giá về phim giải trí và phim nghệ thuật. Ông cho rằng thực chất những nhà làm phim thương mại và nghệ thuật không đối kháng nhau. “Tôi kính trọng Nguyễn Quang Dũng, Vũ Ngọc Đãng với những bộ phim hút khách của họ. Nhưng tôi cũng kính trọng Phan Đăng Di với Bi, Đừng sợ, Bùi Thạc Chuyên với Chơi vơi, Tro tàn rực rỡ... Họ là những người dám đương đầu với những sự độc đáo, mới lạ, thách thức gu cảm nhận của khán giả, thách thức cả cách xem theo lối truyền thống. Đó là điều đáng ghi nhận. Với một nền điện ảnh phát triển, tất cả các dòng phim dù đi theo xu hướng nghệ thuật hay giải trí đều được khuyến khích”. Đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn bày tỏ: Sự thất bại của một nền điện ảnh là không trình bày được hình ảnh của đất nước mình ra cho thế giới cùng biết. Hình ảnh, nét bản sắc đó không có quy định nào là chỉ xuất hiện ở dòng phim nghệ thuật hay thương mại mà có thể được khắc họa qua các tình tiết, số phận, tính cách và các câu chuyện phim ở bất cứ dòng phim hay mảng đề tài nào.
Phim Tro tàn rực rỡ
Trong khi các nhà làm phim trong nước hay gặp bất đồng khi phân chia dòng phim nghệ thuật, phim thị trường thì trong các buổi tọa đàm, hội thảo nhiều đại biểu quốc tế chỉ quan tâm đến bản sắc, nét riêng trong điện ảnh của mỗi quốc gia… Ông Jean Christopher Bobia - đại diện tổ chức xúc tiến điện ảnh Pháp (UNIFRANCE) từng chia sẻ trong một hội thảo: “Chúng ta cần hướng tới những nền điện ảnh mang tính khu vực nhưng vẫn có nét bản sắc riêng của từng quốc gia”.
Ông Kim Seong - EUN - đại diện Tập đoàn CJ E & M (Hàn Quốc) từng cho rằng: “Việt Nam cần có những trường tốt với những giáo án, chương trình tốt để học sinh có thể tiếp cận với điện ảnh quốc tế. Tôi biết hiện nay doanh thu của các bộ phim trong nước của các bạn đang không ngừng tăng theo các năm. Các cụm rạp đa năng đã có, cơ sở hạ tầng khá đồng bộ. Điều mà điện ảnh Việt Nam đang thiếu là những bộ phim mang tính hài hước, lãng mạn. Những bộ phim mà dù chiếu ở đâu khán giả cũng có thể xem và cảm nhận được. Tôi nghĩ đó là vấn đề điện ảnh Việt Nam cần nhận diện. Để đưa phim ra nước ngoài, các bạn cần xây dựng, khai thác những bộ phim mang đậm nét bản sắc văn hóa của Việt Nam và có được những ấn tượng, những hình ảnh mà khi nhắc tới điện ảnh Việt Nam, thế giới sẽ nghĩ ngay đến nó. Để khán giả thế giới nghĩ về Việt Nam thì cần phải có những hình ảnh rất Việt Nam”.
Phim Mai
Là quốc gia có những tác phẩm nổi bật trong thời gian gần đây, bà Chalida Uabumungjit - Giám đốc Liên hoan Phim ngắn và video Thái Lan cũng từng chia sẻ những kinh nghiệm, những bài học rút ra từ trong các thất bại của điện ảnh Thái Lan. Một trong những bài học mà nền điện ảnh Thái Lan chia sẻ là sự bứt phá của một số nghệ sĩ, những người đi tiên phong trong việc đưa điện ảnh Thái ra với quốc tế thông qua các LHP. Cuối cùng thì một số đạo diễn người Thái đã có cơ hội và tìm được nguồn tài trợ để làm phim, đoạt giải tại một số LHP uy tín. Bà Chalida Uabumungjit cũng cho rằng: Luôn có những cơ hội để các đạo diễn làm ra những bộ phim khác nhau. Cần có những cộng đồng làm phim để có thể giúp nhau từ cách biên tập, giới thiệu phim ra nước ngoài và học tập lẫn nhau. Và mỗi một LHP muốn thành công cần có thời gian, đôi khi là 10 năm, một đến hai thập kỷ để thu hút khán giả.
Nói về thành công, bà Chalida Uabumungjit cũng cho rằng: “Không có một công thức riêng nào, bài học mà chúng ta cần rút ra là thế mạnh của điện ảnh nước mình là gì và tận dụng nó, kiên trì đi theo thế mạnh đó. Bà cũng chia sẻ ấn tượng của bà về phim Việt Nam là chất thơ trong các bộ phim. Nhưng hiện nay điều này đang thiếu trong các bộ phim mới ra mắt. Một số bộ phim của Việt Nam đang đi theo cách của điện ảnh Hàn Quốc và Hollywood nhưng theo tôi thì không nên. Hãy có cách đi riêng, ví như đi vào những bộ phim mang chất thơ của các bạn”.
Phim Hai Phượng
Là một đạo diễn theo đuổi nhiều dòng phim từ nghệ thuật đến thị trường, phim chiến tranh, phim hành động… đạo diễn Bùi Tuấn Dũng cho rằng về công nghệ làm phim hiện nay có nhiều cải tiến không còn ở khoảng cách quá xa so với quốc tế. Nó mở ra cơ hội tiếp cận khán giả của các đạo diễn trẻ. Tuy nhiên, về đề tài, nội dung lại có nhiều điều đáng bàn. Tuy có nhiều phim ra mắt nhưng đề tài chưa thật sự đa dạng. Phim của Việt Nam từ những năm 2000 trở lại đây đang nặng tính giải trí mà nhẹ tính vấn đề. Thỉnh thoảng cũng có phim mang chút vấn đề nhưng còn ở cấp độ nhẹ. Làm thế nào để có phim cho giới trí thức và công chúng lớn tuổi quan tâm?
Nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát từng chia sẻ: Khi đưa phim Việt ra với thế giới thì không phải ta đưa đề tài mà chính là đưa văn hóa, tình cảm, cuộc sống của Việt Nam ra với thế giới. Mọi dân tộc đều yêu quý sự nhân văn, nhân bản và các bộ phim nên hướng tới điều đó. Kinh nghiệm của điện ảnh Việt Nam và thế giới đã chứng minh sức mạnh trường tồn của điện ảnh là hướng tới tính nhân bản.
Phim Siêu lừa gặp siêu lầy
Theo Tiến sĩ Ngô Phương Lan - Chủ tịch Hiệp hội xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam thì trong nước cần có những dòng phim khác nhau, phim chính thống phục vụ nhiệm vụ chính trị, phim nghệ thuật, dòng phim dành cho khán giả và đó là điều mà điện ảnh nước nào cũng hướng đến. Mấu chốt để phát triển điện ảnh là cần phải giải bài toán để phát triển cả ba dòng phim: Phim nhà nước đặt hàng với các tác phẩm xứng tầm và có khả năng ra rạp phục vụ khán giả. Phim giải trí do tư nhân sản xuất khuyến khích với những phim lành mạnh, mang thông điệp tích cực về cuộc sống. Phim nghệ thuật được ghi nhận tại các Liên hoan phim quốc tế do Quỹ điện ảnh hỗ trợ sản xuất. Bên cạnh đó là thực hiện các chiến lược quảng bá, thu hút các hãng phim nước ngoài đầu tư, hợp tác sản xuất phim với Việt Nam. Trong thời gian tới, muốn điện ảnh Việt Nam có tác phẩm đạt tầm cỡ thế giới, cần chú trọng đào tạo nguồn nhân lực, phát hiện những tài năng.
Phim Lật mặt 7 - Một điều ước
Sau tất cả, mỗi nền điện ảnh để tồn tại và khẳng định cũng như ghi dấu trên bản đồ điện ảnh khu vực và thế giới rất cần xây dựng lên những tác phẩm mang bản sắc, dấu ấn riêng của văn hóa, con người vùng đất, dân tộc đó. Điện ảnh Việt Nam thay vì những tranh luận phim giải trí, phim nghệ thuật… hãy có thật nhiều những bộ phim mang đậm hồn cốt, văn hóa Việt. Có như thế thì điện ảnh Việt Nam mới tạo nên điểm nhấn và không bị hoà lẫn trong biển phim rộng lớn của thế giới. Trong biển cả rộng lớn đó, mọi dòng phim đều có chỗ đứng riêng và vận động theo những dòng chảy khác nhau trước khi hoà chung trong bộ môn Nghệ thuật thứ bảy.
THU HƯƠNG
Nguồn: Tạp chí VHNT số 577, tháng 7-2024