Nâng cao tính thực tiễn trong giảng dạy của giảng viên khoa học xã hội và nhân văn ở quân đội hiện nay

Giới thiệu truyền thống Trường Sĩ quan Chính trị - Ảnh: Nguyễn Hồng Quân

Thấm nhuần quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Lý luận phải liên hệ với thực tế. Thống nhất giữa lý luận và thực tiễn là một nguyên tắc căn bản của chủ nghĩa Mác-Lênin. Thực tiễn không có lý luận hướng dẫn thì thành thực tiễn mù quáng. Lý luận mà không liên hệ với thực tế là lý luận suông” (1), Đảng ta xác định nhiệm vụ đổi mới giáo dục, đào tạo trong giai đoạn hiện nay là chuyển mạnh quá trình giáo dục chủ yếu từ trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học; học đi đôi với hành, lý luận gắn với thực tiễn. Những quan điểm trên đây là một nguyên tắc chỉ đạo việc dạy học các môn khoa học xã hội và nhân văn. Tăng tính thực tiễn trong giảng dạy của giảng viên khoa học xã hội và nhân văn trong nhà trường quân đội là việc làm hết sức cần thiết. Nó bảo đảm bài giảng tăng tính thuyết phục, sự hấp dẫn, làm sáng tỏ nội dung các bài giảng và giúp học viên có thêm tri thức, kinh nghiệm, các kỹ năng công tác, củng cố niềm tin khoa học đối với người học.

Đối với các môn khoa học xã hội và nhân văn trang bị cho người học về thế giới quan, nhân sinh quan, những hiểu biết về quy luật phát triển xã hội, đường lối chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, để từ đó xây dựng cho người học lối sống, hoài bão, nguyện vọng, những nguyên tắc chuẩn mực đạo đức mới. Nội dung các môn khoa học xã hội và nhân văn, đặc biệt là các môn chủ nghĩa Mác-Lênin có tính khái quát, trừu tượng cao, chính vì vậy cần tăng tính thực tiễn trong bài giảng. Đây là quá trình lý luận được cụ thể hóa, nghĩa là giảng dạy lý luận phải luôn trong mối quan hệ biện chứng với thực tiễn, gắn chặt với thực tiễn, lấy thực tiễn để chứng minh, làm cho các nguyên lý, nguyên tắc, quan điểm trừu tượng, khó hiểu, phức tạp thành những vấn đề gần gũi, giản dị, dễ tiếp thu cho người học. Vì vậy, trong mỗi bài giảng, người giảng viên cần bám sát thực tiễn, dẫn chứng bằng các tình huống thực tế đang diễn ra. Thông qua những tình huống thực tiễn sẽ giúp học viên dễ nắm được bản chất vấn đề, vận dụng tốt lý luận vào thực tiễn, hình thành phương pháp và kinh nghiệm để giải quyết công việc của họ trong hoạt động thực tiễn.

Trong những năm qua, việc giảng dạy các môn khoa học xã hội và nhân văn gắn lý luận với thực tiễn còn hạn chế, làm cho tính thiết thực của lý luận bị giới hạn, tính trừu tượng của lý luận càng cao, làm cho người học khó tiếp thu và khó vận dụng vào thực tiễn cuộc sống. Thực tế, việc giảng dạy các môn lý luận ở các trường những năm qua cho thấy, nội dung chương trình thường nặng về trình bày những nguyên lý, quy luật, quan điểm của các môn lý luận; phần lớn nội dung liên hệ với thực tiễn thường nặng về thuyết minh, liệt kê chủ trương đường lối của Đảng, chưa chú trọng luận giải khoa học những quan điểm đó. Trong khi đó, phương pháp giảng dạy chậm đổi mới còn nặng về đọc - chép, nặng về giáo điều sách vở; lý luận không gắn với thực tiễn, ví dụ chung chung khó hiểu; truyền tải lý luận một cách khô khan, thụ động một chiều, ít sử dụng các hình thức, phương pháp kích thích trí tuệ. Hệ quả là nhiều giờ học trôi qua trong sự nhàm chán, nặng nề bởi bài giảng thiếu sinh động, thiếu hơi thở của cuộc sống. Từ đó, nhiều người cho rằng học các môn lý luận khô khan, thiếu sức sống, thiếu sức truyền cảm, không thực tế. Vì thế, nhiều người học đến với các môn khoa học xã hội và nhân văn với một tâm lý đối phó, chủ yếu học vẹt, học thuộc lòng, học sao cho miễn là vượt qua kỳ thi, còn bản chất vấn đề thì hầu như không hiểu hoặc không cần hiểu. Đây là một thực tế đáng quan tâm trong công tác giảng dạy, học tập các môn khoa học xã hội và nhân văn hiện nay.

Do đó, để nâng cao chất lượng bài giảng của giảng viên khoa học xã hội và nhân văn cần nâng cao tính thực tiễn trong bài giảng. Để làm tốt điều đó cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:

Một là, giảng viên các môn khoa học xã hội và nhân văn cần thường xuyên cập nhật kiến thức thực tiễn.

Để tăng tính thực tiễn trong giảng dạy các môn lý luận, giảng viên cần nắm bắt, am hiểu sâu sắc các vấn đề chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội sâu rộng, hoạt động của các đơn vị cơ sở và biết cách sử dụng yếu tố thực tiễn cần thiết, sát đúng để đưa vào nội dung bài giảng một cách phù hợp, làm cho bài giảng sinh động, dễ tiếp cận. Vì vậy, đối với nhà trường cần tạo điều kiện để giảng viên học tập nâng cao trình độ lý luận, mặt khác giúp tích lũy kiến thức thực tiễn thông qua hoạt động đưa giảng viên đi nghiên cứu thực tế, tham quan, khảo sát ở các đơn vị cơ sở trong và ngoài quân đội.

Chú trọng mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức giúp các giảng viên chủ động học tập, nghiên cứu các tài liệu chuyên ngành, liên ngành để mở rộng, đào sâu sự hiểu biết tri thức lý luận; tăng cường nghiên cứu, trao đổi, thảo luận, nghe các báo cáo thực tế, mời các chuyên gia ở các ngành đến trao đổi chuyên sâu. Các khoa chuyên môn thường xuyên tổ chức kiểm tra, rút kinh nghiệm, tổ chức sinh hoạt chuyên môn, thông qua bài giảng, dự giảng, trao đổi, góp ý để các giảng viên nắm vững lý luận và cập nhật thực tiễn vào mỗi bài giảng.

Mặt khác, mỗi giảng viên cần tích cực tham gia nghiên cứu khoa học để có điều kiện tiếp xúc với các kết quả đạt được trong thực tế, khái quát, bổ sung kiến thức mới cho bài giảng. Tham gia các chương trình khảo sát, tìm hiểu thực tế tại các đơn vị cơ sở, trao đổi với cán bộ, chiến sĩ để trực tiếp thu thập những kiến thức thực tiễn sinh động. Thực tiễn luôn luôn vận động và phát triển không ngừng. Những kiến thức về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội có sự thay đổi từng ngày. Vì vậy, người giảng viên phải không ngừng học tập, nghiên cứu, củng cố, hoàn thiện, bổ sung kiến thức thực tiễn. Điều này, có thể thực hiện bằng nhiều phương thức khác nhau, như: đọc sách, báo, tạp chí; nghiên cứu thực tế nắm tình hình cơ sở; nghiên cứu thông qua các văn bản báo cáo, mạng xã hội. Thông qua khai thác thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, để cập nhật những diễn biến thời sự trong nước và thế giới, qua đó có kiến thức thực tiễn đa dạng, phong phú.

Hai là, giảng viên chủ động chuẩn bị bài giảng chu đáo, có hiệu quả.

Các giảng viên cần chú ý thực hiện thật tốt khâu chuẩn bị bài giảng. Khi soạn giáo án, người giảng viên cần xác định được nội dung nào cần thiết phải liên hệ thực tiễn và đưa loại hình, cấp độ thực tiễn nào thì phù hợp với nhận thức của người học. Chuẩn bị các ví dụ thực tiễn đưa vào bài giảng phải mang tính điển hình, có ý nghĩa chung, ví dụ thực tiễn đều phải có địa chỉ, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và đảm bảo tính trung thực. Chuẩn bị hệ thống các câu hỏi, các tình huống… phù hợp với từng nội dung của bài giảng.

Thực tiễn rất đa dạng và phong phú, đòi hỏi khi giảng dạy người giảng viên phải lựa chọn sao cho sát với nội dung bài giảng và phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý, trình độ hiểu biết, nhận thức và tư duy của người học. Đối với các ví dụ, tình huống thực tiễn sử dụng trong bài giảng, giảng viên phải có sự đầu tư, lựa chọn kỹ lưỡng sao cho hợp lý. Tính hợp lý ở đây là những yếu tố thực tiễn phải là những yếu tố điển hình, nổi bật, các sự kiện phải mang tính thời sự, phải có thực, không thêm bớt, liên hệ với thực tiễn phải sát và phù hợp với những vấn đề lý luận mà giảng viên muốn chứng minh. Mỗi vấn đề thực tiễn đưa ra, giảng viên cần phân tích để người học thấy được nội dung thực tiễn này gắn với vấn đề lý luận như thế nào. Việc đảm bảo cho bài giảng gắn với thực tiễn giảng viên cần phân tích các tình huống trong cuộc sống và lấy ví dụ gắn với ngành nghề của người học để bài giảng trở nên sinh động và hấp dẫn, giúp học viên hiểu đúng, nhận thức được những vấn đề của xã hội, đồng thời định hướng chính trị cho học viên.

Ba là, giảng viên thường xuyên đổi mới nội dung bài giảng gắn với thực tiễn.

Hệ thống tri thức của các môn khoa học xã hội và nhân văn rất rộng, vừa mang tính trừu tượng, vừa mang tính phổ biến, nhưng lại gắn liền với đời sống xã hội. Tuy nhiên, đời sống xã hội diễn ra bao giờ cũng phong phú, đa dạng, sinh động, thường xuyên thay đổi. Do đó, để có được ví dụ thực tiễn hấp dẫn, mang tính thời sự, tính chính xác cao, phù hợp với lý luận trong bài giảng đòi hỏi giảng viên phải lựa chọn những ví dụ điển hình. Vì vậy, giảng viên không chỉ cần nắm chắc lý luận mà còn có vốn sống phong phú, phải thường xuyên bám sát thực tiễn để bổ sung những vấn đề mới, thời sự, sinh động của cuộc sống.

Giảng viên phải nắm vững các nội dung lý luận mà mình đảm nhiệm, để qua đó có sự lựa chọn liên hệ sát với thực tiễn. Nắm vững lý luận giúp cho giảng viên lựa chọn phần lý luận của mỗi bài giảng để gắn với thực tiễn; đồng thời, cần lựa chọn phân loại kiến thức thực tiễn nào, ở mức độ nào cho phù hợp. Không phải bất kỳ lý luận nào của bài giảng cũng cần gắn với thực tiễn, mà giảng viên phải biết lựa chọn những vấn đề lý luận quan trọng, khó hiểu, cần thiết phải làm sáng tỏ để lấy ví dụ thực tiễn minh họa, làm cho lý luận trở nên dễ hiểu và có sức thuyết phục người học. Mặt khác, một vấn đề lý luận có thể có nhiều vấn đề thực tiễn để liên hệ, phân tích, chứng minh và trong một bài giảng, cần gắn lý luận với thực tiễn không chỉ một lần. Do đó, để đưa thực tiễn vào bài giảng sát, phù hợp với nội dung, tránh sự trùng lặp, đơn điệu, giảng viên phải nắm rõ kiến thức lý luận của từng mục, từng phần của bài giảng để đưa ví dụ thực tiễn cho phù hợp và rút ra ý nghĩa đối với hoạt động thực tiễn.

Bốn là, giảng viên tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy.

Trong thực tế, một chủ đề, bài giảng không chỉ sử dụng một phương pháp, mà có thể sử dụng nhiều phương pháp khác nhau. Nhưng sử dụng phương pháp nào tùy thuộc vào môn học, bài học và đối với đối tượng người học, đảm bảo theo hướng khoa học, thiết thực, gắn với thực tiễn cuộc sống. Với đặc điểm các môn khoa học xã hội và nhân văn là những nguyên lý, nguyên tắc, quan điểm có tính khái quát cao, độ trừu tượng lớn, vì vậy để gắn lý luận với thực tiễn đạt hiệu quả cao, trong quá trình giảng, giảng viên phải tích cực kết hợp linh hoạt, mềm dẻo các phương pháp.

Trong quá trình giảng bài, giảng viên kết hợp phương pháp thuyết trình với phương pháp dạy học tích cực như: nêu vấn đề, trao đổi, đối thoại, thảo luận nhóm, phương pháp đóng vai... Bởi lẽ đây là những phương pháp giảng dạy theo hướng lấy người học làm trung tâm, phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của người học. Khắc phục lối dạy “độc thoại”, nặng về lý thuyết, áp đặt thụ động, máy móc lý luận xa rời thực tiễn, dễ dẫn đến nhàm chán, không gây hứng thú cho người học.

Tính thực tiễn của bài giảng lý luận phù hợp là một đòi hỏi tất yếu đối với giảng viên các môn khoa học xã hội và nhân văn trong các nhà trường quân đội hiện nay. Giảng viên phải nắm sâu, đầy đủ nội dung truyền đạt cho học viên, để từ đó có sự lựa chọn đúng, vận dụng có hiệu quả giữa lý luận và thực tiễn. Đội ngũ giảng viên là chủ thể trực tiếp của quá trình dạy học, nên chất lượng hiệu quả của việc gắn giữa lý luận với thực tiễn trong quá trình giảng dạy phụ thuộc rất lớn vào vai trò đội ngũ giảng viên. Giảng viên đồng thời phải thường xuyên trau dồi kiến thức, không ngừng nghiên cứu thực tế, tìm hiểu các thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng để bổ sung kinh nghiệm, làm giàu vốn sống cho bản thân để phục vụ vào quá trình giảng dạy.

_____________

1. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 11, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.95.

Tài liệu tham khảo

1. Ban Chấp hành Trung ương, Kết luận số 94-KL/TW ngày 28-3-2014 của Ban Bí thư về tiếp tục đổi mới việc học tập lý luận chính trị trong hệ thống giáo dục quốc dân.

2. Ban Chấp hành Trung ương, Chỉ thị số 23-KL/TW ngày 9-2-2018 của Ban Bí thư về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả học tập, nghiên cứu, vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong tình hình mới.

3. Nghị quyết số 29-NQ/TW, Hội nghị Trung ương 8 khóa XI, về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Ths NGUYỄN VĂN ĐỨC

Nguồn: Tạp chí VHNT số 521, tháng 1-2023

;