Theo Hồ Chí Minh: “môi trường văn hóa là điều kiện để hình thành nhân cách con người văn hóa và lối sống văn hóa”. Với ý nghĩa đó, có lẽ, cần phải nhìn thẳng vào thực trạng các môi trường văn hóa gia đình, xã hội, cộng đồng... để đánh giá xem chúng ta đã làm được những gì, làm chưa tốt và đánh mất những gì thuộc về môi trường hình thành nhân cách và lối sống con người văn hóa. Ở đây, qua tìm hiểu nhu cầu của nghệ sĩ biểu diễn đối với các thiết chế văn hóa, chúng tôi xin nêu một số nhận xét về hệ thống nhà hát, rạp hát, rạp biểu diễn của TP.HCM trong hơn bốn thập kỷ qua.
Rạp chiếu phim: mất, còn và thay đổi chưa hợp lý
Trước năm 1975, TP.HCM có vô số rạp chiếu phim và rạp hát. Hầu như ở các con đường từ những khu cao cấp, khu đông dân cư thuộc trung tâm thành phố hay các quận, huyện đều có từ một rạp đến cụm rạp với đủ loại hình nghệ thuật: chiếu phim, biểu diễn kịch nghệ, cải lương, tuồng cổ... Với hệ thống rạp đa chiều, nhiều hình thức này, khán giả có thể thoải mái tìm hiểu loại hình nghệ thuật mình thích để chọn rạp đến xem. Nổi trội, có thể kể tên một số rạp đa dụng, vừa chiếu phim vừa có thể biểu diễn ca múa nhạc như Rex, Vĩnh Lợi, Olympic, Thủ Đô, Hào Huê, Quốc Tế, Khải Hoàn, Lido, Lệ Thanh A, B, Hùng Vương, Cây Gõ, Tân Bình, Quốc Thái, Cao Đồng Hưng, Đại Lợi... Một số rạp còn lựa chọn loại hình nghệ thuật cố định như rạp Đại Nam chiếu phim tình cảm Đài Loan, HồngKông, rạp Hoàng Cung chiếu phim kiếm hiệp, rạp Khải Hoàn chiếu phim kinh dị, bạo lực, rạp Olympic chiếu phim ca nhạc với các tài tử Hollywood, sau này là nơi diễn thường trực của Đoàn hát Kim Chung, rạp Quốc Thanh diễn cải lương, rạp Cầu Muối và rạp Long Phụng chuyên hát bội... Rạp có nhiều loại từ cao cấp đến bình dân với mục đích phục vụ không bỏ sót đối tượng nào trong xã hội, kể cả những người nghèo khó, trẻ lang thang, cơ nhỡ... nếu muốn thưởng thức một bộ phim, một vở kịch cũng có thể tìm cho mình một cơ hội bởi giá vé cũng bình dân, hợp túi tiền vốn đã rất eo hẹp của họ. Trong ký ức của tôi - lúc bấy giờ còn là một đứa trẻ - thì việc đi theo người lớn trong nhà đến một rạp hát nào đó để xem phim, xem kịch là một phần thưởng, một niềm vui lớn có được sau khi tôi đạt một thành quả nào đó về học tập khiến cha mẹ tôi vui lòng. Thông thường, những phim, kịch tôi được xem đều mang tính cách giáo dục. Trong và sau buổi đi xem, cha mẹ thường hỏi nhận xét của tôi về bộ phim đó, vở kịch đó, nhân vật nào thiện, nhân vật nào ác, ai đúng, ai sai, điều gì nên, điều gì không nên... và răn dạy tôi nên hành xử sao để trở thành người tốt trong xã hội. Tôi cho rằng không ít những bậc phụ huynh thời bấy giờ, ngoài việc răn dạy và theo sát giáo trình của các con ở trường, cũng áp dụng phương pháp giáo dục để định hình tính cách cho trẻ bằng loại hình nghệ thuật tưởng như chỉ để giải trí này. Tuy nhiên, chiếc huy chương nào cũng có hai mặt. Bên cạnh những ích lợi về mở mang kiến thức qua từng thước phim thì hiện tượng tiêu cực trong lối sống xã hội cũng nảy sinh. Một số rạp bình dân là nơi dễ nảy sinh tệ nạn xã hội… và người dân thường không ai dám bén mảng tới rạp chiếu phim nữa.
Sau năm 1975, chúng ta đối mặt với việc định hướng và cải tổ Sài Gòn - Hòn Ngọc Viễn Đông với môi trường văn hóa nhiều phức tạp trở thành TP.HCM với môi trường văn hóa lành mạnh, coi trọng mối quan hệ hài hòa giữa môi trường xã hội và môi trường tự nhiên; con người được phát huy năng lực, sở trường, được thụ hưởng những giá trị chân, thiện, mỹ. Tuy nhiên, công việc này không dễ như nhiều người tưởng. Để tiến đến thống nhất đất nước như ngày hôm nay, là cả một quá trình đấu tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ với rất nhiều đau thương và mất mát; cả quá trình xây dựng đất nước với nhiều khó khăn, vất vả. Hòa bình trở lại, chúng ta phải đối diện với vô số vấn đề về trị an, về kinh tế, văn hóa, xã hội. Trong diễn văn kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước có nhận định: “Trong những năm vừa qua, trước tác động tiêu cực của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, chúng ta đã thực hiện được mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý và bảo đảm an sinh xã hội. Thành tựu đạt được trên các lĩnh vực trong 40 năm qua đã tạo cơ sở và tiền đề quan trọng, quý báu để nước ta tiếp tục đổi mới và phát triển mạnh mẽ, toàn diện hơn nữa trong giai đoạn mới… Chất lượng nguồn nhân lực và kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội vẫn chưa đáp ứng kịp yêu cầu. Khoảng cách về trình độ phát triển kinh tế so với nhiều nước trong khu vực chậm được thu hẹp. Văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường nhiều mặt còn yếu kém, khắc phục còn chậm. Khoảng cách giàu nghèo còn lớn. Hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo và quản lý kinh tế xã hội nhiều mặt còn hạn chế”.
Trong 40 năm qua, chúng ta đã đạt được nhiều thành tích đáng ghi nhận, đưa bộ mặt TP.HCM trở nên khởi sắc với những công trình thế kỷ như Đại lộ Đông Tây, kênh Nhiêu Lộc xanh trong, phố đi bộ Nguyễn Huệ, hệ thống Metro dần hoàn thành, những cao ốc, khách sạn, nhà hàng 5 sao, những trung tâm mua sắm cao cấp và nhiều cụm rạp chiếu phim liên doanh với nước ngoài sang trọng như CGV, Galaxy... Tuy nhiên, cũng đã biến mất rất nhiều rạp hát, rạp chiếu phim trên toàn thành phố. Rạp Rex nay đã thành Rex hotel, Eden là “bóng ma” trong tòa nhà Vincom bề thế, rạp Đại Nam thành cao ốc văn phòng, rạp Khải Hoàn thành trung tâm điện máy, rạp Vĩnh Lợi cũng thành cao ốc văn phòng và vô số rạp khác đã biến mất hẳn, trở thành những ký ức còn lại của lớp người thời xưa.
Giá như các cấp lãnh đạo văn hóa TP.HCM cho cải tạo, xây dựng lại những rạp nhỏ dành cho người nghèo và cùng với cải thiện hệ thống hạ tầng là sự nâng cấp về trình độ nhận thức của người đến rạp, quản lý chặt chẽ về văn hóa khu vực. Chúng ta đã xây dựng thành công những khu phố văn hóa, gia đình văn hóa, đã quản lý được hệ thống văn hóa tại các rạp chiếu phim cao cấp mà chẳng lẽ không thể quản lý văn hóa tại các rạp nhỏ sao? Chúng ta đã tự hỏi lớp người nghèo, trẻ em, thậm chí những người công nhân lương ba cọc ba đồng sẽ giải trí bằng cách nào, ở đâu? Liệu các thiết chế nhà văn hóa được khai thác, sử dụng, phát huy hiệu quả đúng mức chưa? Điểm lại tình hình còn, mất của các rạp chiếu phim trên địa bàn TP.HCM như vừa kể, tôi cho rằng lãnh đạo TP.HCM cần xem xét về những tồn tại, hạn chế này.
Rạp biểu diễn nghệ thuật sân khấu: nỗi khao khát
Hiện trạng của các rạp chiếu phim như vậy, còn rạp biểu diễn nghệ thuật cũng chẳng hơn gì. Để nắm rõ hiện trạng của các rạp biểu diễn nghệ thuật ở TP.HCM, thiết nghĩ, chúng ta cần nhìn lại quá trình sân khấu biểu diễn trong hơn 40 năm qua. Lạc quan mà nói, với một vài sân khấu do cá nhân nghệ sĩ tổ chức và biểu diễn như Sân khấu IDECAF, Sân khấu kịch Hồng Vân, Sân khấu kịch Trịnh Kim Chi... có thể kết luận rằng điểm son của thời mở cửa rất đẹp, bất cứ ai cũng có thể mở ra một sân chơi cho ngành nghề mình chọn. Tuy nhiên, những “con chim én” như Huỳnh Anh Tuấn, Hồng Vân, Trịnh Kim Chi... không thể làm nên nổi mùa xuân. Thời vàng son của sân khấu biểu diễn với suốt tuần sáng đèn, thứ bảy, chủ nhật gấp đôi xuất diễn đã là kỷ niệm. Các nghệ sĩ yêu nghề muốn có một nơi để làm nghề đành chấp nhận việc tự mình đầu tư riêng một sân khấu vừa đủ để diễn. Những người khác cũng đành chấp nhận việc diễn ở các sân khấu nhỏ để khỏi quên nghề. Gần đây, sân khấu Sen Hồng là một ví dụ thành công của loại hình phục vụ miễn phí cho công chúng nhiều thành phần; rồi các nhà văn hóa quận, huyện đều được thành lập đầy đủ với nhiều phòng chức năng; Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang được xây dựng để đáp ứng nhu cầu làm nghề của diễn viên... Nhưng Sen Hồng chỉ mới thành lập và cải tạo từ một dự án bỏ hoang hàng chục năm với những chương trình dành cho thiếu nhi chỉ hoạt động có ngày, có giờ. Các nhà văn hóa quận, huyện chưa phục vụ tốt nhu cầu thưởng lãm nghệ thuật của khán giả, nhiều trung tâm văn hóa thành địa điểm kinh doanh. Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang cho đến nay vẫn chưa ngã ngũ việc sử dụng như thế nào. Chúng ta vẫn đang loay hoay với những biện pháp, dự án, chủ trương... trong lúc văn hóa nghe nhìn ngày càng xuống cấp, kéo theo vô số những hệ lụy của nó.
Trước sự suy thoái của sân khấu biểu diễn, không ít nhà quản lý văn hóa đã đồng cảm với những ưu tư của giới nghệ sĩ, đó là: khán giả quay lưng với sân khấu biểu diễn, thiếu kịch bản hay, thiếu sự đầu tư của các đơn vị đầu ngành, thiếu rạp tương xứng với các vở diễn hoành tráng... Nhưng việc giải quyết những ưu tư đó thì luôn gặp trở ngại về kinh phí, về mặt bằng và về nhiều lý do khác. Xin khẳng định rằng chúng ta không thiếu kinh phí để đầu tư các hạng mục về văn hóa. Phải chăng là có tư tưởng “nâng cao chiến lược kinh tế lên tầm vĩ mô” được đặt lên hàng đầu đã khiến chúng ta chưa quan tâm đến việc “nâng cao tri thức văn hóa cho cộng đồng xã hội”? Hậu quả là, đôi khi chúng ta xem công việc biểu diễn chỉ là việc vui chơi, giải trí để đáp ứng nhu cầu hưởng thụ nghệ thuật một cách qua loa, đại khái dù không hề thiếu các nghệ sĩ giỏi, cống hiến cả đời cho nghệ thuật và rất nhiều nghệ sĩ trẻ trong tất cả các hạng mục. Vì sao vậy? Hãy nhìn vào thực tế biểu diễn hiện nay. Ngoài một vài sân khấu, rạp hát còn sót lại với không ít biểu hiện xuống cấp, chỉ đủ để một số rất ít nghệ sĩ được đến với nghề, số còn lại đành diễn ở các tụ điểm ca nhạc, sân khấu phục vụ cho ngành du lịch, các phòng trà... để giữ nghề, để phục vụ nhu cầu cơm áo. Thiếu rạp biểu diễn, thiếu kịch bản hay... chính là lý do nhiều lớp diễn viên đã tìm kế sinh nhai trên các sân khấu nhỏ với các vở diễn tương đối dễ dãi, không tốn sức bao nhiêu. Từ đó hình thành nên lớp diễn viên yêu nghề nhưng lại yếu nghề, quan tâm tới việc chạy show hơn việc rèn luyện cho vai diễn. Điều này lý giải tại sao chúng ta có rất ít nghệ sĩ trẻ thành danh với vai diễn chính thống mà lại có khá nhiều nghệ sĩ nổi tiếng với những mảng miếng tấu hài dễ dãi và đôi khi dung tục. Chính từ đây góp phần hình thành một lớp khán giả có nhu cầu cười như một phản xạ có điều kiện. Người ta không quan tâm tới chất lượng nghệ thuật nữa, hay nói đúng hơn, lớp khán giả quan tâm tới chất lượng nghệ thuật ngày càng ít đi vì hiểu rằng có đòi hỏi cũng khó lòng được đáp ứng, chi bằng tìm đến các phương tiện giải trí nghe nhìn khác qua hệ thống internet hoặc trực tiếp tại nước ngoài.
Song song với những thành tựu về mặt kinh tế, các chuyển biến tốt đẹp về hạ tầng cơ sở, chúng ta cần nhìn nhận sự chậm trễ về xây dựng và phát triển văn hóa xã hội. Mặt khác, cũng không nên né tránh khi đề cập đến một trong những nguyên nhân chính gây nên tình trạng văn hóa xã hội xuống cấp hiện nay. Đó là việc phân bổ đội ngũ cán bộ chuyên trách chưa hợp lý. Quản lý một cơ quan văn hóa có nhất thiết phải có chuyên môn, bằng cấp về văn hóa, về ngành mình được giao không hay chỉ cần vững vàng quan điểm chính trị, thuộc lòng đường lối của nhà nước là đủ? Ví dụ, một cán bộ được giao quản lý nhà hát ít nhất phải trải qua những học hỏi chuyên sâu về quản lý văn hóa; cán bộ được phân công quản lý nhà hát ca múa nhạc, phải kinh qua ít nhất một bộ môn thuộc lĩnh vực này. Nếu không sẽ xảy ra hiện tượng “ông nói gà, bà nói vịt” trong chuyên môn, sẽ có những quyết định chủ quan, thiếu sáng suốt trong lĩnh vực mình không thông hiểu. Rất tiếc, hiện nay, việc phân công trái tuyến rất nhiều, việc cán bộ chuyên trách không thông hiểu ngành nghề không phải ít.
Đào tạo cán bộ, khai thác tiềm năng, trí tuệ, bồi dưỡng nghiệp vụ văn hóa, tạo điều kiện thu nhận kinh nghiệm qua công việc thực tế như thực tập trong môi trường đang học, đang được đào tạo… là việc làm cần thiết. Ví dụ cử một vài cán bộ trẻ đang theo học văn hóa ngành sân khấu đến phụ việc cho cán bộ lãnh đạo ngành sân khấu để học cách tiếp cận, xử lý công việc, có cơ hội nghiên cứu, so sánh về tình hình thực tế của ngành sân khấu những thập kỷ trước và bây giờ để tìm giải pháp xử lý tốt nhất cho ngành nghề này. Tôi cho rằng với những cán bộ trẻ được đào tạo từ căn bản như thế, chúng ta cũng dễ khám phá ra ai là người có năng lực thực sự để kế thừa việc quản lý thay cho người tiền nhiệm. Rất tiếc, hiện nay, việc đào tạo có căn bản như thế chưa nhiều, cán bộ lãnh đạo thường được luân chuyển theo chỉ đạo của cấp trên để tránh tiêu cực nên việc chồng chéo chuyên môn là rất khó tránh.
Hơn 40 năm qua, song song với việc xây dựng và kiến tạo thành công một nền tảng công nghiệp hóa và hiện đại hóa như hiện nay, việc đầu tư phát triển thiết chế văn hóa ở TP.HCM được đánh giá là chưa tốt, chưa tương xứng với vị trí và tiềm năng vốn có. Vì vậy, cần tâm niệm “kinh tế là khóa, văn hóa là chìa” để sao cho tri thức xã hội ngày một tiến bộ hơn, phù hợp với cuộc sống đang ngày một đi lên của TP.HCM. Việc nâng cao hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa, đổi mới công tác đào tạo, phân công cán bộ văn hóa chính là góp phần xây dựng TP.HCM có chất lượng tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình một cách thiết thực nhất.
Tác giả: Lê Hữu Luận
Nguồn: Tạp chí VHNT số 421, tháng 7-2019