Nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực quản lý văn hóa hiện nay

  Những chính sách trong đào tạo, phát triển nguồn nhân lực ngành văn hóa nói chung và quản lý văn hóa nói riêng tại Việt Nam đã và đang đem đến những biến đổi tích cực, phục vụ đắc lực cho công cuộc xây dựng và phát triển văn hóa của đất nước. Tuy vậy, thực trạng thi hành các chính sách đó tại một một số cơ sở đào tạo văn hóa còn chưa thực sự hiệu quả, bên cạnh những mặt khả quan, còn nhiều những vấn đề cần lưu tâm. Với những biến đổi to lớn của đất nước, của thị trường lao động hiện nay, cần thiết phải có sự đánh giá, xem xét lại, cần có những kiến nghị và giải pháp cho việc nâng cao chất lượng đào tạo, chất lượng đầu ra của sinh viên ngành quản lý trong thời kỳ mới.

 

  1. Chính sách phát triển nguồn nhân lực quản lý văn hóa

  Bước sang TK XXI, vai trò của văn hóa trong xây dựng, phát triển đất nước ngày một nâng cao. Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách phát triển văn hóa, con người Việt Nam gắn với yêu cầu phát triển bền vững của đất nước, trong đó, vấn đề nguồn nhân lực cho văn hóa được đặc biệt quan tâm; “nguồn nhân lực sáng tạo trở thành yếu tố quan trọng bậc nhất trong cấu trúc của tổ chức nghệ thuật” (1). Chính phủ đã ban hành các chính sách, cơ chế mới khuyến khích phát triển đào tạo nhân lực, trong đó tập trung vào những chính sách về đầu tư xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, xây dựng và phát triển đội ngũ giáo viên, đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, đào tạo.

  Một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển văn hóa hiện nay là “đào tạo nguồn nhân lực về văn hóa, nghệ thuật; tăng cường nguồn lực và cơ sở vật chất - kỹ thuật cho phát triển văn hóa” (2). Chúng ta đã bước đầu phân tích, đánh giá được tình hình nguồn nhân lực cho văn hóa và thực hiện xây dựng những kế hoạch dài hạn cho phát triển nhân lực như Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực cho nhóm ngành văn hóa, thể thao giai đoạn 2011 – 2020, Đề án Xây dựng đội ngũ trí thức ngành văn hóa, thể thao và du lịch đến năm 2020 và Đề án Đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo của các trường văn hóa nghệ thuật giai đoạn 2011 - 2020. Trong đó, “việc xây dựng đội ngũ trí thức là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, làm cho đội ngũ cán bộ thực sự có đủ đức, đủ sức, đủ tài, giữ vai trò nòng cốt cho sự phát triển” (3).

  Trong giáo dục tiểu học, phổ cập trung học cơ sở, phổ thông trung học và dạy nghề, giáo dục đại học đều có chính sách, cơ chế tổ chức giáo dục về văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao mang tính chuyên ngành hoặc lồng ghép trong các chương trình giáo dục, đào tạo khác. Nhiều đề án đào tạo đội ngũ nhân lực văn hóa nghệ thuật được xây dựng và thực thi.

  Nhà nước đã có nhiều chính sách khuyến khích và thúc đẩy tăng nhanh quy mô đào tạo nhân lực, trong đó có nhân lực ngành văn hóa, ở tất cả các cấp trình độ đào tạo; từng bước điều chỉnh những bất hợp lý trong cơ cấu đào tạo và cơ cấu nhân lực; tăng quy mô đào tạo ở nước ngoài bằng nhiều nguồn hỗ trợ kinh phí; tăng chi ngân sách nhà nước cho giáo dục, đào tạo nói chung và giáo dục đào tạo về văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao nói riêng.

  Ngoài ra, chúng ta đã xây dựng được các chính sách định hướng tập trung hiện đại hóa cơ sở đào tạo và nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực nhóm ngành văn hóa, thể thao, từng bước hiện đại hóa trang thiết bị, tăng cường năng lực đào tạo, nghiên cứu; tập trung đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, phẩm chất đạo đức nhân lực khoa học công nghệ, đội ngũ giáo viên, doanh nhân và ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng nhân lực văn hóa nghệ thuật là đồng bào các dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa.

  2. Thực trạng đào tạo nguồn nhân lực quản lý văn hóa

  Đứng trước những thay đổi nhanh chóng của thời đại, nắm bắt được tinh thần chỉ đạo và chiến lược phát triển nguồn nhân lực cho ngành văn hóa nói riêng và quản lý văn hóa nói chung, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội đã nhanh chóng đổi mới, phát triển, hòa mình vào xu thế phát triển chung của các cơ sở đào tạo ngành văn hóa trong cả nước. Hiện nay, trường được đánh giá là một trong những cơ sở đào tạo có cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học tốt nhất trong khối ngành văn hóa. Những năm gần đây, trường liên tục đầu tư mạnh về xây dựng cảnh quan, khuôn viên, môi trường học tập. Các trang thiết bị giảng dạy, học tập trên lớp được hoàn thiện, bổ sung. Các phòng học được trang bị máy chiếu, hệ thống loa đài, micro, một số khu vực đã lắp đặt điều hòa, toàn bộ khuôn viên trường được phủ sóng wifi. Hệ thống phòng học nghệ thuật đặc thù được xây dựng, trang bị đầy đủ. Hệ thống thư viện được mở rộng và hiện đại hóa, tạo môi trường học tập thoải mái, năng động và tích cực. Hệ thống chương trình khung các chuyên ngành ở các trình độ được xây dựng và áp dụng thống nhất, yêu cầu đặc thù trong đào tạo quản lý văn hóa nghệ thuật từng bước được đáp ứng.

  Khoa Quản lý Văn hóa Nghệ thuật cũng đã hoàn thiện chương trình môn học, thực hiện liên kết với các tổ chức, cơ sở giáo dục nước ngoài, khuyến khích giảng viên và sinh viên thực hiện các khóa học, giao lưu trao đổi đào tạo tại nước ngoài. Với quan niệm “đội ngũ giảng viên là điều kiện tiên quyết cho mọi đổi mới, đồng thời là yếu tố quyết định cho việc nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo” (4), khoa ngày càng chú trọng tăng cường đội ngũ về số lượng và trình độ chuyên môn với 3 PGS, 5 TS, 19 Ths, nhiều giảng viên được đào tạo bài bản tại nước ngoài, có trình độ ngoại ngữ, chuyên môn cao. Ngoài trình độ, sự đam mê cống hiến của các thế hệ giảng viên trong đào tạo, bồi dưỡng là yếu tố mang tính quyết định. Trong nhiều năm đào tạo, ngành quản lý văn hóa đã đào tạo được các thế hệ sinh viên năng động, đạt nhiều thành tích về học tập, hoạt động văn hóa, văn nghệ, có khả năng thích ứng tốt với nhu cầu việc làm của xã hội.

  Tuy nhiên, việc thực hiện cơ chế chính sách, phát triển đào tạo vẫn còn những hạn chế:

  Thiếu những quy định và cơ chế phối hợp, liên kết giữa cơ quan quản lý với tổ chức đào tạo và cơ sở sử dụng nhân lực ngành quản lý văn hóa. Tại Việt Nam, thường xuyên xảy ra tình trạng các cơ sở đào tạo nhân lực thể hiện sự độc quyền, chưa gắn với nhu cầu xã hội còn phổ biến. Việc đào tạo vẫn theo lối mòn, thiếu tính cập nhật, thiếu sự gắn kết với tình hình mới, với các cơ sở sử dụng nhân lực. Chương trình chưa theo kịp yêu cầu thực tiễn, còn thiếu kỹ năng thực hành, nặng về lý thuyết là chính.

  Cạnh tranh trong đào tạo nhân lực quản lý văn hóa đang trở thành vấn đề với các nhà quản lý, nhất là khi số lượng sinh viên đăng ký theo học đang có chiều hướng chững lại trong khi các cơ sở đào tạo quản lý văn hóa lại liên tục gia tăng. Chất lượng đào tạo chưa thực sự đảm bảo, chưa thực hiện được vai trò định hướng đào tạo, liên kết giữa đào tạo cho phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh sử dụng nhân lực mới của ngành cũng là một vấn đề bức thiết. Bên cạnh đó, chúng ta cũng chưa có hệ thống thông tin đầy đủ và chính xác về thị trường lao động làm cơ sở để quản lý các hoạt động đào tạo nghề nghiệp...

  Những năm gần đây, ngành quản lý văn hóa theo xu thế tập trung khuyến khích tăng nhanh quy mô đào tạo nhân lực nhóm ngành văn hóa mà chưa quan tâm cải thiện cơ cấu, nâng cao trình độ, chất lượng đào tạo. Do tăng quá nhanh quy mô đào tạo, mở thêm nhiều chuyên ngành mới cho phù hợp với nhu cầu thị trường trong thời gian ngắn, nên có những lúc chưa thực sự đảm bảo kịp thời các yếu tố về nhân lực giảng dạy, chương trình môn học. Nhiều môn học vẫn mời giảng viên thỉnh giảng từ bên ngoài. Số lượng sinh viên lớn gây áp lực không nhỏ lên giảng viên trong khi trợ cấp, đãi ngộ, lương cho giảng viên chưa được cải thiện nhiều.

  Chương trình đào tạo của ngành quản lý văn hóa tại Khoa Quản lý Văn hóa Nghệ thuật là dựa trên bộ giáo trình được tài trợ bởi quỹ Ford, đã hoàn thành cách đây 10 năm. Mặc dù giáo trình vẫn đảm bảo được tính khoa học, hợp lý, song đã không còn thực sự cập nhật. Nội dung chương trình đào tạo của khoa sử dụng cũng đã lâu chưa có thay đổi đáng kể, các môn học thực hành còn ít, số lượng các tiết thực hành chưa nhiều trong khi nhu cầu thị trường việc làm hiện nay cần có những lao động làm nghề thực sự, chứ không phải lý thuyết suông. Các môn ngoại ngữ, tin học, kỹ năng mềm còn chưa được sinh viên đặc biệt chú tâm trong khi đó lại là những kỹ năng hết sức cần thiết cho công việc trong tương lai.

  Việc tuyên truyền, định hướng nghề nghiệp cho sinh viên những năm qua còn nhiều thiếu sót. Nhận thức về giá trị nghề nghiệp, hứng thú với nghề nghiệp của sinh viên chưa cao. Nhiều sinh viên chưa thực sự yêu thích nghề nghiệp liên quan đến chuyên ngành đào tạo mặc dù ngành quản lý văn hóa là đối tượng tiếp cận được nhiều lựa chọn ngành nghề khác nhau.

  3. Về việc nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực quản lý văn hóa

  Hội nhập quốc tế, đối tác cạnh tranh đặt ra cho văn hóa và quản lý văn hóa của Việt Nam nhiều cơ may và thách thức, vì vậy cán bộ quản lý văn hóa phải năng động, sáng tạo, nhạy bén với tình hình mới và diễn biến mới của xã hội để thích ứng và đổi mới quản lý. Do đó chương trình đào tạo cử nhân quản lý văn hóa phải được xây dựng theo hướng mở, linh hoạt, cập nhật thường xuyên kiến thức, kỹ năng mới về quản lý văn hóa và hoạt động văn hóa. Chương trình phải được xây dựng dựa trên hồ sơ năng lực và chuẩn đầu ra của người được đào tạo.

  Vấn đề đầu tư cho giáo dục, đào tạo đang chuyển dần sang hướng tự chủ, tự chịu trách nhiệm vì vậy cơ sở đào tạo, nhà quản lý cần phải tự chủ trong phát triển chương trình và nguồn lực đào tạo cử nhân quản lý văn hóa theo hướng đảm bảo chất lượng đào tạo.

  Mối quan hệ với doanh nghiệp: trong phát triển kinh tế thị trường hội nhập quốc tế và khu vực, vấn đề liên kết giữa các doanh nghiệp trong nước và quốc tế đặt ra nhiều vấn đề mới trong giao thoa văn hóa vùng miền, khu vực, quốc tế vì vậy cán bộ quản lý văn hóa cần phải được đào tạo năng lực quản lý để thích ứng với những yêu cầu mới. Từ đó đặt ra cho nhà quản lý về phát triển chương trình đào tạo cử nhân quản lý văn hóa phải hướng tới hội nhập, liên kết đào tạo, mở rộng học hỏi các chương trình tiên tiến trên thế giới để thích ứng với yêu cầu mới.

  Để làm tốt công tác đào tạo ngành quản lý văn hóa, cần làm tốt từ khâu đầu vào - công tác tuyển sinh: đảm bảo chất lượng từ đầu vào cho ngành. Không chạy theo việc mở rộng số lượng tuyển sinh mà nên ổn định lại số lượng để tiến tới việc đào tạo chất lượng.

  Tăng cường công tác truyền thông trên các phương tiện thông tin, quảng bá về ngành học, cơ sở đào tạo, về chương trình đào tạo, cơ hội việc làm cho sinh viên một cách tích cực để thu hút người học. Mở rộng các kênh kết nối như website, facebook, hòm thư điện tử, cung cấp thêm các thông tin về đào tạo, tư vấn trực tuyến các chương trình, khóa học không chỉ với sinh viên của khoa mà với nhiều đối tượng người muốn theo học hay tìm hiểu về khoa.

  Về tăng cường năng lực cho đội ngũ giảng viên: đảm bảo số lượng giảng viên cân đối với số lượng sinh viên, môn học, chuyên ngành đào tạo. Tích cực tăng cường công tác bồi dưỡng giảng viên, nhất là các giảng viên trẻ, lực lượng kế cận. Khuyến khích, tạo điều kiện cho các giảng viên được giao lưu, tiếp xúc cả về việc học tập lẫn nghiên cứu khoa học với các cơ sở liên kết trong và ngoài nước. Lên kế hoạch về việc quy hoạch đội ngũ giảng viên, làm rõ về chất lượng, số lượng, cơ cấu, trình độ để có chiến lược phát triển cho phù hợp. Phát huy tối đa nguồn nhân lực đã có, điều phối lại các bộ môn sao cho phù hợp nhất với chuyên ngành đào tạo và năng lực của mỗi giảng viên. Tự bản thân mỗi giảng viên cần cố gắng tự học hỏi, rèn luyện, tiến tới mục tiêu các giảng viên trong khoa đều có trình độ tiến sĩ, tăng cường áp dụng các tiết dạy thực hành nghề nghiệp đối với môn học của mình, tăng cường các phương pháp giảng dạy hiện đại, trực quan, bám sát nội dung giảng dạy với thực tiễn đời sống. Bên cạnh đó cần có thêm những đãi ngộ nâng cao chất lượng đời sống của giảng viên, khiến giảng viên có điều kiện tập trung tối đa cho giảng dạy và nghiên cứu.

  Đổi mới chương trình, giáo trình, nội dung giảng dạy ngành quản lý văn hóa, vốn không còn cập nhật với tình hình mới. Xây dựng chương trình học mới cân đối giữa giờ thực hành và học lý thuyết, tăng các tiết học thực hành lên mức tối đa. Cần làm rõ và xác định lại mục tiêu của chương trình đào tạo cũ: “Chương trình đào tạo cử nhân ngành quản lý văn hóa nhằm đáp ứng đầy đủ kiến thức, kỹ năng và thái độ cho người học để thực hiện việc tổ chức, quản lý các hoạt động văn hóa nghệ thuật tại các tổ chức, đơn vị”. Nên chăng, cần thiết kế lại mục tiêu đào tạo nhằm đào tạo những người có khả năng thực hành nghề nghiệp chứ không chỉ là những nhà quản lý về văn hóa. Cập nhật, mở thêm một số chuyên ngành mới cho phù hợp với nhu cầu thị trường hiện nay, ví dụ như chuyên ngành marketing văn hóa nghệ thuật, quản trị văn hóa doanh nghiệp.

  Cần có sự kết nối giữa cơ sở đào tạo quản lý văn hóa và các đơn vị có nhu cầu về nghề nghiệp. Thường xuyên tổ chức các buổi giao lưu, tọa đàm giữa sinh viên và các doanh nghiệp để tạo thêm cơ hội việc làm cho sinh viên. Định hướng cho sinh viên chọn lựa thực tập tại các địa điểm phù hợp và đang có nhu cầu thực sự về nhân lực quản lý văn hóa.

  Tổ chức kết nối các cựu sinh viên thành đạt, những giảng viên có kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực đào tạo, truyền dạy, định hướng cho sinh viên có niềm tin và tình yêu với ngành học đã lựa chọn. Lập các bảng hỏi, phiếu trắc nghiệm về xu hướng công việc yêu thích của sinh viên, đồng thời tìm hiểu, khảo sát về nhu cầu việc làm của thị trường để có những gợi ý cho sinh viên.

  Trong bối cảnh hiện nay, những thay đổi mạnh mẽ của thời đại tác động không nhỏ đến việc hình thành nguồn nhân lực, chất lượng nguồn nhân lực, đầu ra cho nguồn nhân lực của ngành quản lý văn hóa. Điều đó đặt ra vấn đề phải tiến hành tích cực đổi mới, đưa ra các giải pháp phù hợp nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực ngành quản lý văn hóa, đáp ứng nhu cầu mới về nhân lực hiện nay của xã hội.

______________

  Tài liệu tham khảo

  1. Nguyễn Thanh Xuân, Quản lý nguồn nhân lực trong các tổ chức nghệ thuật biểu diễn công lập trên địa bàn Hà Nội, Luận án tiến sĩ Văn hóa học, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, Hà Nội, 2017, tr.5.

  2. Chiến lược Phát triển văn hóa đến năm 2020, ban hành kèm theo Quyết định số 581/QĐ-TTg ngày 6-5-2009 của Thủ tướng Chính phủ.

  3. Đề án Xây dựng đội ngũ trí thức ngành văn hóa, thể thao và du lịch đến năm 2020, ban hành kèm theo Quyết định số 958/QĐ-TTg ngày 24-6-2010 của Thủ tướng Chính phủ.

  4. Phạm Bích Huyền, Đổi mới đào tạo ngành quản lý văn hóa, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, số 399, tháng 9-2017.

 

Tác giả: Đặng Thị Hương Liên

Nguồn: Tạp chí VHNT số 423, tháng 9 - 2019

;