Năm mới nói chuyện trà

Là một nhà nghiên cứu, Trần Quang Đức còn giảng dạy Hán Nôm và tư tưởng phương Đông. Anh từng là dịch giả các tác phẩm Trà kinh (2008), Chuyện tình giai nhân (2011) và Trường An loạn (2012) trước khi cho ra mắt cuốn sách đầu tay Ngàn năm áo mũ vào năm 2013. Chuyện trà - Lịch sử thức uống lâu đời của người Việt là tác phẩm mới nhất của anh được trình bày dưới hình thức tự sự xen lẫn khảo cứu, dựa trên sự đối chiếu với sử liệu Việt Nam, Trung Quốc và phương Tây. Một cuốn chuyên khảo về trà mang tính học thuật được thực hiện nghiêm cẩn, tỉ mỉ, công phu xen lẫn với những tản văn mang đậm trải nghiệm riêng của tác giả. Những sử liệu Đông Tây kim cổ được pha trộn, điểm xuyết với những suy ngẫm của tác giả về chuyện xưa, chuyện nay và cả những thế thái nhân tình.

Chuyện trà - Lịch sử thức uống lâu đời của người Việt như một cuốn sách chuyên khảo về trà với 5 phần: Trà nguồn cội, Trà mộc mạc, Trà hương sắc, Trà thưởng thức, Trà tinh thần - những tựa đề mang góc nhìn và đánh giá rất riêng của tác giả. Cuốn sách là tập hợp những câu chuyện lịch sử xoay quanh trà Việt sau khi được khảo chứng, đối chiếu với sử liệu. Nội dung bao quát từ chè tươi tới trà sao sấy, ướp hương; từ cách uống trà với gừng đun bằng nồi cho tới lối trà chuyên với trà cụ tươm tất; từ trà Việt Nam tới trà Trung Quốc; từ trà Thiền đạo tới thơ phú văn chương. 

Lý giải về cơ duyên với đề tài này, tác giả nhận định: “Kishore Mahbubami, nhà ngoại giao Singapore, trong cuốn sách Can Asian Think? đã quan sát thấy từ những năm 1990, ở các nước châu Á bắt đầu dấy lên những phong trào tái xác nhận các giá trị văn hóa truyền thống. Điều đó thể hiện khao khát kết nối lại quá khứ, để tìm kiếm sự cân bằng phù hợp… ngoài ra cũng thể hiện những cố gắng trong việc khẳng định tính cá nhân, quốc gia bằng cách tăng cường lòng tự tôn đối với bản sắc văn hóa tinh thần vốn có, sau khi đã dung hòa với văn minh phương Tây. Đặt trong bối cảnh này, sự xuất hiện của những phong trào phục cổ, nghiên cứu văn hóa cung đình, ứng dụng trang phục truyền thống, họa tiết tranh dân gian, chạm khắc đình làng, cho tới các diễn đàn lịch sử, khảo cổ trên khắp các trang mạng Việt Nam trong hơn chục năm trở lại đây không phải là ngẫu nhiên. Sự ra đời của Ngàn năm áo mũChuyện trà - Lịch sử thức uống lâu đời của người Việt cũng không phải ngoại lệ”.

Nghe Trần Quang Đức kể chuyện trà, độc giả sẽ được biết về lịch sử trà Việt Nam thông qua nguồn sử liệu phong phú đồ sộ được xử lý công phu. Lịch sử ấy còn được làm rõ thêm bởi những kiến giải, so sánh với lịch sử trà Trung Hoa, Nhật Bản thông qua tra cứu, phân tích tỉ mỉ, thận trọng và thực chứng. Tác giả lý giải: “Văn hóa là một dòng chảy, liên tục vận động, có hấp thu, có tiếp biến, có đào thải và có cách tân. Nhìn chung dù giản đơn mộc mạc hay kiểu cách cầu kỳ, văn hóa trà Việt đều có mối liên hệ sâu xa và lâu dài với văn hóa Trung Quốc. Để tìm hiểu về văn hóa trà Việt, không thể không khảo sát văn hóa trà tàu”.

Chuyện trà còn cho độc giả biết về kỹ thuật pha chế, cách thức thưởng thức trà của nhiều giới từ quý tộc cung đình tới nho sĩ, tăng lữ và người dân lao động trong suốt chiều dài lịch sử. Trà phải để ý nước nôi, sắp đặt ấm chén chậm rãi thong thả, trà nhân cũng thường khoái cảnh nhâm nhi chén trà bên trang sách, “trà quện hương hoa mộc, sách xanh biếc tàu tiêu” (Cao Bá Quát), “kẹp sách im lìm song trúc biếc; chén trà thanh nhẹ án sen thơm” (Tuy Lý vương Miên Trinh). Người thưởng trà cũng thích tìm hiểu xem các phẩm trà ngon được chế tác thế nào, hương trà bởi đâu mà có, cách pha hãm làm sao để được chén trà thơm ngon, tinh tế. Đi xa hơn, còn thắc mắc, trà nguyên sản từ đâu; đất Việt có những danh nhân nào sành trà; các vị Trần Thái Tông, Nguyễn Trãi, Cao Bá Quát thưởng trà, cách thức có khác nhau không? 

Về cách thức thưởng trà, tác giả kể: “Rượu khà, trà chép đã thành thứ ngôn ngữ cơ thể của cánh mày râu miền Bắc, tự vô thức bật ra… Nhìn vào tiểu tiết, mỗi người có một kiểu pha rót, mỗi phẩm trà có một nét hương vị khác nhau. Song xét về tổng thể, chẳng phải là cùng bỏ trà vào ấm, hãm bằng nước sôi, rồi trút ra các chén nhỏ đó thôi. Công đoạn tuy khác nhau mà lối uống thực chỉ là một. Vả lại, lối pha trà giản tiện ở ta vốn là kết quả của mấy thập kỷ chiến tranh, rồi kinh tế bao cấp. Bên Trung Quốc lưu hành kiểu uống đại oản trà cũng giản dị không kém. Bên cạnh đó, lối uống trà kiểu cách Nguyễn Tuân miêu tả trong Vang bóng một thời vẫn âm ỉ lưu truyền đến tận ngày hôm nay. Đó là lối uống trà tàu ở ta, cũng đủ bộ dầm bàn tống tốt, ấm da chu. Những người sành trà vẫn truyền tai nhau câu thơ gợi ý cho việc chọn ấm: “Thứ nhất Thế Đức gan gà, thứ nhì Lưu Bội, thứ ba Mạnh Thần”. Kỳ thực, kiểu cách pha rót bằng ấm chén chung ở hai nước ấy, nguyên ủy là lối pha hãm xuất hiện từ thế kỷ XV. Trước đó người ta không làm như vậy”.

Thú vị hơn, câu chuyện về trà không chỉ dừng lại ở những phân tích chung mà còn đi vào những câu chuyện riêng với những nhân vật cụ thể. Xuyên suốt cuốn sách là sự thấp thoáng của những nhân vật ấy. Và dường như tác giả chưa thỏa mãn nên đã dành hẳn một chương để viết về Trà tinh thần. Uống trà - dù là với thi nhân, nho sĩ hay người tu hành và cả những người bình thường không đơn giản chỉ là chuyện uống trà. Bên ấm trà bốc khói, tỏa hương là sự hưng phấn của sáng tạo, sự sục sôi của nhiệt huyết hay sự sâu lắng của thế giới tinh thần. Người bình dân không để lại sách vở nên khó biết tâm tư, nhưng hậu thế vẫn còn lưu lại được nhiều bài thơ, câu thơ, đoản văn của các thi nhân, nho sĩ. Trong Chuyện trà, Trần Quang Đức đã tỉ mỉ thu thập những câu thơ, đoạn văn về trà của Lê Hữu Trác, Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Phạm Đình Hổ, Cao Bá Quát… Cho dù số phận cuộc đời mỗi người khác nhau nhưng họ đều có một điểm chung, đó là chọn cho mình một thái độ, lối sống khác biệt với đại đa số các nho sĩ cùng thời. Khác biệt luôn song hành với cô đơn, cô đơn thì luôn cần tâm sự. Chỉ cần qua những gì họ viết được dẫn ra trong cuốn sách, ta cũng có thể thấy ở đó, bên chén trà là những tư tưởng, những tâm tình và cả sự khắc khoải, đớn đau trước thời cuộc, trước thế thái nhân tình của mỗi người.

Ở phần cuối, Trần Quang Đức đưa phần phụ lục Thưởng trà giai phẩm - là phần tuyển và dịch những đoản văn, bài thơ của người Việt viết về trà và thưởng trà. Vừa thưởng trà vừa chậm rãi đọc những áng văn thơ, trong tiết cuối đông đầu xuân, trời vẫn còn giá lạnh nhưng giữa trưa đã bừng tia nắng, khiến những nụ hoa xuân bung nở. Thật là một thú vui tao nhã không thể thất truyền!

“Chuyện trà không hẳn chỉ là câu chuyện về trà, tôi hy vọng còn là sự gợi mở muôn vàn kết nối giữa quá khứ với hiện tại, giữa nét đẹp truyền thống với hiện thực tân thời, giữa thú vui tinh thần với gánh lo sinh kế” - Trần Quang Đức khép lại cuốn sách của mình với lời tâm tình như thế.

Và anh đã tìm được những người đồng điệu. Trong Lời bạt của cuốn sách, Nguyễn Sự viết: “Đọc Chuyện trà, có thể thấy được tác giả trong lòng ôm ấp núi rộng sông dài, trăng thanh gió mát, chứ không chỉ biết đắm mình trong sử liệu, từ chương… Văn nhân phẩm trà, phẩm chưa chắc ở trà, mà ở nhân sinh, sự đời. Sự tâm đắc hẳn không nằm ở chỗ đau đáu với triều đình như của Ức Trai, càng không phải ở nơi thư phòng như Tùng Thiện, mà lịch thiệp giang hồ, có cái ngạo khí, phong cốt như Chu Thần, thảng hoặc bình dị mà phiêu dật như Hải Thượng. Tay cầm chén trà, nhắm mắt lại, cảm giác tinh thần đã đưa tới những nơi vô hạn. Không còn sự gò bó của không gian và thời gian. Cái thấy là hữu hạn mà cái không thấy là bao la”.

HÀ THANH

Nguồn: Tạp chí VHNT số 487, tháng 1-2022

;