Một số vấn đề đặt ra trong hoạt động xuất bản ở nước ta hiện nay

1. Những thành tựu trong quản lý hoạt động xuất bản

Trong thời gian qua, công tác thể chế hóa chủ trương, định hướng của Đảng thành các chính sách, quy phạm pháp luật được đẩy mạnh. Hệ thống pháp luật về xuất bản dần được hoàn thiện, tạo hành lang pháp lý cơ bản để hoạt động xuất bản phát triển ổn định trong nền kinh tế thị trường.

Thực hiện Luật Xuất bản 2012, cùng với nỗ lực của các đơn vị xuất bản, các cơ quan quản lý, hoạt động xuất bản đã có những bước phát triển tốt, duy trì được sự ổn định. Số lượng xuất bản phẩm tăng mạnh trong những năm gần đây. Tổng doanh thu toàn ngành được duy trì ở mức ổn định. Chất lượng nội dung xuất bản phẩm có nhiều chuyển biến tích cực.

Các loại sách về các lĩnh vực pháp luật, văn hóa, văn học, thiếu niên, nhi đồng, khoa học, công nghệ, kinh tế, giáo dục, tôn giáo, môi trường... ngày càng phong phú và có chất lượng tốt. Sách, tài liệu phổ biến pháp luật, phòng chống dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe, hướng dẫn kỹ thuật nuôi trồng, chế biến trong sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp... phục vụ nhân dân vùng sâu, vùng xa, xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, xây dựng nông thôn mới, về cơ bản được đáp ứng.

Chuỗi hoạt động liên quan đến Ngày Sách và văn hóa đọc Việt Nam, các hoạt động triển lãm, hội chợ sách trong nước đã thu hút được đông đảo bạn đọc đến với sách, tạo nên một phong trào đọc sách mạnh mẽ trong cộng đồng. Cơ sở vật chất kỹ thuật có đổi mới, tiềm lực của các đơn vị xuất bản được nâng lên một bước. Việc áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật được chú trọng. Phạm vi ứng dụng công nghệ mới và công nghệ thông tin được mở rộng. Xuất bản điện tử và vấn đề chuyển đổi số được quan tâm hơn. Lực lượng lao động tại các đơn vị xuất bản có sự phát triển nhằm đáp ứng sự phát triển về quy mô và số lượng các nhà xuất bản (NXB), công ty sách. Việc xuất hiện thêm những phương thức kinh doanh mới thể hiện nỗ lực không ngừng của các đơn vị xuất bản nhằm thích ứng với cơ chế thị trường và bối cảnh phát triển mới của khoa học kỹ thuật, công nghệ và kinh tế số.

2. Những bất cập trong hoạt động xuất bản hiện nay

So với các nước trong khu vực, xuất bản Việt Nam phát triển khá nhanh. Tuy nhiên, hoạt động xuất bản vẫn còn tồn tại nhiều vướng mắc, rào cản, hạn chế, có thể khái lược những vấn đề sau:

Về nguồn vốn hoạt động trong các NXB, thực tế cho thấy, tuy là một ngành đặc thù thuộc lĩnh vực văn hóa, tư tưởng, song nhiều năm qua, hoạt động xuất bản lại không được hưởng cơ chế, chính sách ưu tiên phù hợp. Các NXB vừa phải đảm đương nhiệm vụ trong lĩnh vực công tác văn hóa, tư tưởng, vừa phải tự hạch toán kinh doanh, bảo đảm đời sống người lao động, thực hiện các chính sách về thuế đất, thuế thu nhập doanh nghiệp... Vấn đề nguồn vốn, cơ sở vật chất, kỹ thuật và các chính sách tài chính hỗ trợ cũng chưa được chú trọng. Bên cạnh số ít NXB được đầu tư, nâng cấp hay được cơ quan chủ quản linh hoạt tạo điều kiện cho vay vốn, thực hiện liên kết đầu tư, tổng vốn và lợi nhuận toàn ngành có chiều hướng giảm do số NXB gặp khó khăn về tài chính tăng. Nhìn chung, vốn lưu động để sản xuất kinh doanh, đầu tư cơ sở vật chất hay chế độ đặt hàng từ nhiều năm nay có cơ quan chủ quản vẫn chưa quan tâm, cấp bổ sung cho NXB.

Về mô hình hoạt động của các nhà xuất bản, vẫn còn tồn tại nhiều bất cập. Hiện nay, căn cứ vào cơ chế hoạt động, có thể phân NXB thành 2 loại mô hình (loại hình) là doanh nghiệp kinh doanh có điều kiện và đơn vị sự nghiệp công lập. Tuy nhiên, các NXB hiện nay được tổ chức hoạt động dưới nhiều mô hình khác nhau như: tổ chức hoạt động theo loại hình doanh nghiệp, trong đó 8 NXB chuyển đổi sang Công ty TNHH một thành viên 100% vốn Nhà nước, 1 NXB hoạt động thí điểm theo mô hình công ty mẹ - công ty con và 13 NXB là doanh nghiệp nhà nước hoạt động theo Luật Doanh nghiệp nhà nước; tổ chức hoạt động thí điểm theo loại hình sự nghiệp.

Ngoài các mô hình phân theo cơ chế hoạt động như trên, trên thực tế, để tổ chức quản lý hoạt động xuất bản, các NXB có sự phân chia, phân cấp theo phạm vi hoạt động như khối NXB Trung ương, khối địa phương; theo chủ quản như khối thuộc bộ, cơ quan trực thuộc chính phủ, khối thuộc các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, khối thuộc các trường đại học, khối thuộc chính quyền địa phương; theo chức năng, nhiệm vụ như khối NXB chuyên ngành, NXB tổng hợp.

Trong bối cảnh mới hiện nay, mô hình tổ chức, quản lý NXB nảy sinh với những biểu hiện như sau:

Một là, sự phân cấp quản lý và cơ chế chủ quản đang bộc lộ nhiều hạn chế. Một số cơ quan chủ quản chưa nhận thức rõ sự nghiệp xuất bản là một lĩnh vực tư tưởng sắc bén của Đảng, chưa có chính sách, giải pháp để kết hợp phục vụ nhiệm vụ chính trị, tư tưởng với thực hiện tốt nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh, chưa nhận thức và thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ theo quy định của pháp luật như tổ chức bộ máy tham mưu giúp việc. Rất ít cơ quan chủ quản ban hành được quy chế về mối quan hệ giữa cơ quan chủ quản và NXB, vì vậy đã để xảy ra một số sai phạm.

Hai là, sự phân chia mô hình NXB theo chức năng chuyên ngành và tổng hợp như hiện nay đã không còn phát huy hiệu quả ban đầu. Trong cơ chế thị trường, sự phân định về chức năng, nhiệm vụ của mỗi đơn vị xuất bản đôi khi trở nên máy móc, thành rào cản, hạn chế khả năng đáp ứng thị trường và cùng với đó là phát sinh hiện tượng “xé rào” trong hoạt động xuất bản hoặc tạo điều kiện cho một số tư nhân, núp bóng liên doanh, liên kết nhưng thực chất là mua giấy phép xuất bản, tiến hành hành vi xuất bản, vi phạm Luật Xuất bản, gây khó khăn trong công tác chỉ đạo, quản lý hoạt động xuất bản.

Ba là, việc xác định loại hình của NXB không thống nhất dẫn đến cơ chế chính sách dành cho ngành Xuất bản chưa được đồng bộ, hạn chế đến sự phát triển của từng NXB và của toàn ngành. Bên cạnh đó, chính sách ưu đãi của Nhà nước thể hiện tính đặc thù của hoạt động xuất bản còn thiếu. Các NXB, thuộc mô hình doanh nghiệp hay đơn vị sự nghiệp có thu, ngoài các ưu đãi về thuế VAT (0% đối với sách giáo khoa và chính trị; 5% với sách văn học, khoa học), các đơn vị không được hưởng bất kỳ một ưu đãi nào, cùng chịu mức thuế thu nhập doanh nghiệp 25% như bất kỳ một doanh nghiệp sản xuất hàng hóa nào khác.

Thuế sử dụng nhà đất tăng cao gây khó khăn cho hoạt động của các đơn vị xuất bản. Nhiều cửa hàng, siêu thị, trung tâm sách phải chuyển đổi sang kinh doanh những mặt hàng khác mang lại lợi nhuận cao hơn để tồn tại được trong tình hình khó khăn hiện nay. Một số công ty cổ phần phát hành sách không còn phần vốn nhà nước hoặc còn ít không đáng kể nên bị cổ đông chi phối hoạt động kinh doanh, không đầu tư cho phát triển hoạt động phát hành sách. Vì vậy, mạng lưới các cửa hàng bán sách ngày càng bị thu hẹp, hoặc bị chuyển đổi sang kinh doanh những mặt hàng khác hoặc làm dịch vụ đem lại lợi nhuận cao hơn bán sách. Hệ thống phát hành sách ở các vùng nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo vùng đặc biệt khó khăn chưa được đầu tư thỏa đáng để phát triển. Nguyên nhân là do nhu cầu về sách thấp, vận chuyển khó khăn do địa hình phức tạp và còn thiếu sự quan tâm, hỗ trợ đúng mức của các địa phương.

Bốn là, vấn đề xây dựng những mô hình tổ chức mới đối với các NXB còn chậm. Để thực hiện mục tiêu đưa xuất bản Việt Nam vươn lên thành một nền xuất bản phát triển khá ở châu Á, việc sớm quy hoạch để hình thành được các tập đoàn hay tổ hợp xuất bản lớn, đủ năng lực cạnh tranh trong nước và vươn ra khu vực là đòi hỏi cấp bách. Tuy nhiên, không thể thành lập mô hình này theo một phép cộng đơn giản mà phải trên cơ sở từ nội lực của các đơn vị, có sự chỉ đạo, quản lý khoa học, có sự đầu tư hợp lý. Những mô hình ra đời từ một quyết định hành chính trong thời gian qua đều gặp những khó khăn. Mô hình tập đoàn sách chính trị - pháp luật với trung tâm là NXB Chính trị quốc gia Sự thật gặp nhiều khó khăn trong triển khai. Mô hình tập đoàn sách giáo dục của NXB Giáo dục, nhờ những lợi thế trong độc quyền xuất bản sách giáo khoa, có được những tích lũy nội lực đáng kể, đang được thí điểm thực hiện và đã có được những thành công bước đầu, song còn gặp rất nhiều vướng mắc, đặc biệt là ở cơ chế pháp luật…

Về các quy định khác đối với hoạt động xuất bản, mặc dù hệ thống pháp luật về xuất bản (bao gồm các lĩnh vực xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm) đã cơ bản đồng bộ, tạo hành lang pháp lý điều chỉnh hoạt động xuất bản thời gian qua, nhưng vẫn còn những khó khăn và thách thức. Việc xây dựng quỹ hỗ trợ xuất bản được quy định cụ thể tại điểm C, khoản 2, điều 7 Luật Xuất bản, nhưng từ năm 2012 tới nay vì vướng mắc cơ chế nên chưa hình thành được.

Quy định điều kiện các chức danh Tổng Giám đốc (Giám đốc), Tổng biên tập NXB trong suốt quá trình hoạt động là cần thiết nhưng trong nhiều trường hợp vì lý do bất khả kháng bị thiếu các chức danh này lại chưa có quy định cụ thể cho việc chuyển tiếp phù hợp cho đối tượng người đứng đầu NXB. Luật Xuất bản chưa có quy định đối với các trường hợp sáp nhập, phá sản, giải thể và chuyển đổi mô hình hoạt động.

3. Giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý trong hoạt động xuất bản hiện nay

Cần tiếp tục thực hiện giải pháp xây dựng chính sách trên cơ sở thể chế hóa 5 nhóm nhiệm vụ cụ thể trong Chỉ thị 42-CT/TW ngày 25-8-2002 của Ban Bí thư. Hoàn thiện hơn quy hoạch ngành Xuất bản, trên cơ sở xây dựng năng lực xuất bản, nâng cao hiệu quả kinh tế của hoạt động xuất bản, xây dựng mô hình phù hợp với công nghệ xuất bản hiện đại. Huy động các nguồn lực xã hội tham gia vào hoạt động xuất bản, ban hành cơ chế quản lý phù hợp với các lực lượng tham gia hoạt động xuất bản, in và phát hành ngoài quốc doanh.

Đối với các cơ quan chủ quản NXB, phải tăng cường trách nhiệm chủ quản; tiếp tục quan tâm đầu tư về trụ sở, nhân lực; chủ động phối hợp tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn, tạo điều kiện cho NXB, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động.

Đối với các đơn vị, doanh nghiệp trong toàn ngành Xuất bản, In, Phát hành, phải nâng cao hơn chất lượng nội dung, lấy chất lượng làm tiêu chí phát triển; không để xảy ra vi phạm về nội dung xuất bản phẩm; tập trung, đầu tư, phát triển xuất bản, phát hành xuất bản phẩm điện tử; chú trọng công tác đào tạo tại chỗ, nâng cao chất lượng đội ngũ biên tập viên và xây dựng quy hoạch cán bộ lãnh đạo NXB.

Đối với các cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động xuất bản ở Trung ương và địa phương, tiếp tục nghiên cứu, đánh giá những hạn chế, tồn tại, vướng mắc nảy sinh qua 10 năm thực hiện Luật Xuất bản và đề xuất, kiến nghị các giải pháp cụ thể, khả thi với cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định, nhất là các giải pháp về cơ chế, chính sách hỗ trợ đối với từng lĩnh vực xuất bản, in, phát hành.

Để tạo điều kiện tốt nhất cho hoạt động xuất bản phát triển và hội nhập trong thời gian tới, cơ quan quản lý cần dần hoàn thiện hệ thống pháp luật về xuất bản, phù hợp với thực tiễn, đáp ứng mục tiêu nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước. Hoàn thiện hơn các quy định xác lập mô hình xuất bản, in, phát hành phù hợp, thích ứng với bối cảnh mới. Tăng cường hành lang pháp lý đảm bảo thực thi quyền tác giả, quyền sở hữu trí tuệ. Hoàn thiện các quy định về thuế, giá thuê nhà đất theo hướng giảm thuế và bổ sung các chính sách ưu đãi cho hoạt động xuất bản.

Theo đó, cơ quan quản lý cần nghiên cứu, ban hành quy định cụ thể đối với việc đăng ký hoạt động phát hành xuất bản phẩm và loại hình kinh doanh sách trực tuyến; hoạt động phát hành sách kèm các chương trình khác (không phải kinh doanh, phát hành sách truyền thống), nhằm đảm bảo chất lượng, nội dung sách khi đến tay bạn đọc và công bằng giữa các thành phần tham gia thị trường xuất bản, phát hành sách; đồng thời, xem xét, bổ sung quy định cấp lại Giấy xác nhận đăng ký hoạt động phát hành xuất bản phẩm trong trường hợp mất/ hỏng. Luật Xuất bản và các văn bản hướng dẫn chưa quy định nội dung này.

Về công tác báo cáo định kỳ, nên có cổng thông tin điện tử cho các đơn vị báo cáo trực tuyến, tiết kiệm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp. Thủ tục hồ sơ và thời gian cấp phép đối với ấn bản phẩm cần tinh giản, có thể cho phép kê khai cũng như tra cứu trực tuyến về giấy phép xuất bản, tạo điều kiện cho cơ sở in tra cứu lại thông tin và kiểm tra chéo với tài liệu khách hàng đặt in cung cấp.

Hiện nay, xu hướng số hóa và các ích lợi của phương thức xuất bản điện tử là rõ ràng và không thể đảo ngược. Các sản phẩm của xuất bản điện tử hiện tại đã không chỉ giới hạn ở sách điện tử, sách nói, mà đã mở rộng nội hàm, bao gồm e-learning, video… thậm chí kết hợp tất cả format trong một xuất bản phẩm: Sách in có tích hợp video (quét QR code để xem) và audio (ví dụ bút chấm đọc). Vì vậy, việc điều chỉnh quy định của pháp luật liên quan đến xuất bản và phát hành xuất bản phẩm điện tử rất cần thay đổi, cập nhật để hỗ trợ và tạo điều kiện cho loại hình xuất bản này phát triển.

_____________

Tài liệu tham khảo

1. Báo cáo tổng kết hoạt động xuất bản, in và phát hành xuất bản phẩm thường niên của Cục Xuất bản,In và Phát hành.

2. Bộ Thông tin và truyền thông, Sách trắng công nghệ thông tin và truyền thông Việt Nam 2021, Hà Nội, 2022.

3. Nguyễn Anh Tiêm, Nguyễn Nguyên, Tổ chức, quản lý và chính sách xuất bản của một số quốc gia - kinh nghiệm đối với Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2013.

TS LÊ THỊ PHƯƠNG NGA

Nguồn: Tạp chí VHNT số 500, tháng 6-2022

;