Thế kỷ XX là thế kỷ có nhiều biến động, lịch sử Việt Nam nói chung và lịch sử văn hóa nước nhà nói riêng có những bước đi gấp gáp hơn trước. Nhà thơ Tế Hanh đã từng viết: “Tặng em thế kỷ chúng ta, Nỗi vui nỗi khổ đều qua vội vàng”(1). Để tìm hiểu lịch sử văn hóa TK XX, giới nghiên cứu cần nhiều nguồn tư liệu.
1. Từ hồi ký của những trí thức tiêu biểu
Hồi ký của các trí thức tiêu biểu (những người sinh ra ở đầu TK XX) là một nguồn tài liệu quý, giúp ích rất nhiều cho việc nhận diện văn hóa nước nhà trước Cách mạng tháng Tám.
Muốn tìm hiểu về sự phong phú thanh lịch và tinh tế trong văn hóa ẩm thực của người Hà Nội, bên cạnh việc tìm đọc những quan sát trực tiếp của nhà văn Thạch Lam trong Hà Nội 36 phố phường, chúng ta còn có thể tiếp xúc với hồi ký Những năm tháng ấy của nhà văn Vũ Ngọc Phan (xuất bản năm 1987). Nhà văn kể rằng, hồi còn nhỏ, ông đã từng chứng kiến cảnh “đêm trung thu, có cái thú thanh lịch của trai gái Hà Nội đi xem cỗ. Người bày cỗ bao giờ cũng là cô gái khéo tay và duyên dáng, còn người đi xem cỗ phần đông là con trai. Có những cô gái sửa soạn cỗ tháng tám rất công phu, bánh mứt và hoa do chính các cô làm ra, chứ không phải mua ở các hiệu. Các cô gọt đu đủ và nhuộm thành những bông hoa trà màu hồng đào, màu đỏ thẫm, gắn lên cây trà trông như hoa thật, họ cắt bí thành chữ, xếp thành câu đối hoặc thơ và làm thành một thứ mứt thơm ngon. Gà mổ moi, luộc chín, buộc gập mỏ vào cổ và dính bông làm râu, tô vẽ mặt mày thành ông Lã Vọng ngồi câu, mề gà gọt thành cái giỏ. Trái tim gà bổ thành con cá và miếng tiết luộc là cái nón”(2). Người cô họ của tác giả “vừa đẹp, vừa khéo tay, cô đánh phấn, bôi son, kẻ lông mày trang điểm rất kỹ, ăn mặc rất sang, đi ra, đi vào, trả lời những câu hỏi của khách vào xem về những thứ bánh mứt cầu kỳ, làm cho các chàng trai Hà Nội hồi bấy giờ ngắm cô nhiều hơn là xem cỗ. Ở Hàng Gai, có cỗ tháng tám nhà bà án Sơn cũng to lắm. Cỗ mà được coi là to, chỉ khéo không thôi không đủ, phải có người đẹp làm ra cỗ mới được hàng phố đến xem đông. Nhân có cỗ tháng tám, nhiều cô được những chàng trai tuấn tú chú ý, chắp mối lương duyên, nên vợ, nên chồng”(3).
Đặc biệt, tập hồi ký Nhớ và ghi của nhà văn Nguyễn Công Hoan (xuất bản năm 1978) cho người đọc biết rất cụ thể về xe kéo, những người phu xe, tàu thủy, tàu hỏa, cách bán vé, cung cách của nhà tàu đối xử với hành khách.
Vào những năm đầu TK XX, các gia đình nhà nho có nhiều biến động. Chế độ thi cử Hán học bị bãi bỏ. Các nhà nho vừa nuối tiếc quá khứ, vừa bất lực trước thực tại. Muốn biết thái độ của họ đối với tân học (tức là việc học mới, học chữ Pháp, học chữ quốc ngữ, học theo chương trình mới), chúng ta có thể đọc hồi ký của luật gia Vũ Đình Hòe, giáo sư Đặng Thai Mai, bài bác sĩ Nguyễn Khắc Viện trả lời phỏng vấn, bài của giáo sư Hoàng Như Mai. Trong xã hội thực dân chuyên chế (có người gọi là xã hội thuộc địa nửa phong kiến), có người theo lối mới, có người vẫn giữ những nếp cũ, có người chấp nhận yếu tố mới bên cạnh cái cũ trong việc dựng vợ gả chồng cho con, cháu. Cha của luật gia Vũ Đình Hòe là ông Vũ Xuân Tăng, một nhà nho học đến tam trường, sau đó học chữ quốc ngữ và trở thành thày giáo làng. Năm Vũ Đình Hòe 20 tuổi (1932), vừa vào năm thứ nhất khóa đầu đào tạo cử nhân luật, người cô ruột của ông Vũ Xuân Tăng đã chấm Vũ Đình Hòe cho người cháu gái ngoại của cụ. Chồng cụ là quan án sát tỉnh Hải Dương đã nghỉ hưu. Cụ án bà ở quê ra Hà Nội thường nghỉ chơi tại nhà con gái và các cháu ngoại đã đến tuổi trưởng thành. Ông Vũ Xuân Tăng rất tán thành sự thu xếp này vì “lấy vợ xem tông”. Nếu trong xã hội truyền thống thì sự việc như thế là xong vì “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”, vì ba chữ “quân, sư, phụ”. Nhưng thời đại đã thay đổi, chàng thanh niên Vũ Đình Hòe yêu cầu được biết mặt cô gái. Cụ án bà cho gọi cậu đến nhà con gái cụ. Hôm ấy, vào sẩm tối, cụ nằm trên sập gụ trải nệm vóc, cô cháu gái ngoại 18 tuổi ngồi sát tường phía lưng, đang bóp chân cho cụ dưới ánh điện mờ mờ, chàng thanh niên nhìn thấy cô có má lúm đồng tiền rất tươi. Cụ nắm bàn tay cậu, hỏi chuyện học hành, cố ý nấn ná, chắc là để cậu có đủ thời gian để ngắm đối tượng. Chỉ chừng hai phút, rồi người anh trai của cô (từng du học ở Pháp về) mời cậu lên gác uống nước. Về nhà, Vũ Đình Hòe thổ lộ với cha mình rằng, chỉ mới thấy thấp thoáng thì chưa đủ, cậu xin được gặp cô trò chuyện đôi lời ở trên gác, trước mặt ông anh cô, đàng hoàng. Không biết cha cậu làm thuyết khách thế nào mà câu chuyện không thành. Sau này, nghĩ lại, cậu đoán rằng có lẽ cụ án bà cho cậu là Tây quá, không hợp với gia phong nhà chồng cụ. Cậu cảm thấy tiếc và cô gái cũng thấy tiếc. Cha của Vũ Đình Hòe lại sắp đặt cho cậu một đám khác, nhưng rồi cũng không thành, vì bà mẹ cô gái coi thường “cơ sở vật chất” của nhà trai, vì lòng tự ái, tự trọng của chàng trai tân học họ Vũ. Sau hai lần thất bại, nhà nho Vũ Xuân Tăng bỏ cuộc, để Vũ Đình Hòe được tự do trong hôn nhân. Qua môi giới của người họ hàng, Vũ Đình Hòe đã gặp may. Thứ nhất, chàng gặp được người ưng ý, tính tình dịu dàng, hay nói hay cười, được gặp nhau nhiều lần, được chuyện trò, biết được sở thích của nhau. Thứ hai, bố mẹ vợ tương lai rất dễ chịu. Ông bố tuy làm quan đến nhất, nhị phẩm nhưng có tinh thần mới, khoáng đạt, không cố chấp trong nếp sống gia đình và xã hội. Cụ tiến thân từ chức thông ngôn, giỏi tiếng Pháp, làm việc và giao tiếp hàng ngày với người Âu, nên tiêm nhiễm phong cách thoáng mát, ít khi bắt bẻ con cái, miễn là giữ được chân chất đúng đắn. Khi Vũ Đình Hòe lên Sơn Tây, nơi cụ giữ chức Tuần phủ, cụ cho hai người gần gũi trò chuyện với nhau một cách tự nhiên. Hơn nữa, trong nhiều dịp đi công cán, cụ cho hai người đi theo, mặc cho họ tự do ngắm cảnh, dạo chơi trong khi cụ làm việc với quan sở tại. Khi Vũ Đình Hòe chưa thành con rể, cụ nói chuyện bằng tiếng Pháp và chàng đoán rằng, ông cụ để cho cậu thưa gửi được tự do hơn bằng tiếng Việt. Vũ Đình Hòe đính hôn ba năm rồi mới cưới. Trong thời gian đó, hầu như ngày nào, họ cũng nhận được thư của nhau. Thư và ảnh họ gửi cho nhau tích đầy một va li con. Trải bao biến cố, thăng trầm, họ vẫn tâm đầu ý hợp, sống rất hạnh phúc(4).
Việc giáo sư Đặng Thai Mai lấy vợ là do thân phụ và bà nội thu xếp, chọn nơi môn đăng hộ đối. Sau khi người lớn hai bên đồng ý, đôi bạn trẻ được nhìn nhau một lần (không trò chuyện) tại nhà gái. Nếu một trong hai người không ưng thuận thì hôn sự cũng không thành. Còn nếu như đồng ý thì họ sẽ được gửi thư cho nhau. Đây là một yếu tố mới trong việc dựng vợ gả chồng của các nhà nho. Tuy chỉ được nhìn thấy nhau, nhưng đôi trai gái đã thuận tình. Cho mãi đến sau này, trước khi mất vài năm, ở tuổi tám mươi, vị giáo sư khả kính vẫn còn nuối tiếc: “Không hy vọng là sẽ ngồi cạnh nhau, chuyện trò thân mật như các cặp tình nhân trong tiểu thuyết Tây mà tôi thường đọc đâu. Nhưng ít ra cũng sẽ thổ lộ vài câu tâm sự để nhìn một cái nhìn, nghe một giọng nói, một hơi thở thôi mà! Quãng cách sao mà vẫn dài thế!”(5). Và từ lần gặp mặt lần đầu này cho đến ngày cưới họ không được gặp nhau, song đã gửi cho nhau gần tám chục lá thư tay.
Về vị thế, thân phận của những viên quan Nam triều trong xã hội thuộc địa, những hồi ức của bác sĩ Nguyễn Khắc Viện và luật gia Vũ Đình Hòe cho chúng ta biết khá cụ thể. Thân phụ bác sĩ Nguyễn Khắc Viện là cụ Nguyễn Khắc Niêm. Cụ học giỏi, đỗ cao, làm quan đến chức Phủ doãn Thừa Thiên (quan chức đứng đầu thủ phủ triều Nguyễn). Bác sĩ cho biết: “Danh tiếng thì có, chứ thần thế thua kém nhiều người... Vào lúc triều Nguyễn suy vong, quyền hành người Pháp nắm hết, đến như việc cho điểm cuộc thi giỏi văn tiểu học, thi bằng tiếng Việt, quan Tây Nha Học chánh Trung Kỳ cũng tranh quyền quyết định, mặc dù bố tôi được cử làm chánh chủ khảo”(6).
Quan án sát Nguyễn Chí Đạo, quê ở Nội Duệ (Tiên Du, Bắc Ninh) đang tại chức ở Hải Dương bị Tây cho về hưu non, chỉ vì lỡ tay viết thư thăm bạn đồng liêu, trong đó ghi câu thơ cũ: “Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi” (Xưa nay đi đánh nhau có mấy người trở về nhà). Lá thư được viết lúc chiến tranh thế giới lần thứ nhất, Pháp đang cổ động dân An Nam mua công trái ủng hộ “Mẫu quốc” và mộ lính sang Tây(7).
Tóm lại, hồi ký của các trí thức như Vũ Đình Hòe, Đặng Thai Mai, Nguyễn Khắc Viện, Hoàng Như Mai, Phan Hữu Dật,… là một nguồn tư liệu để nghiên cứu văn hóa Việt Nam.
2. ...Đến ghi chép về nhà văn trước Cách mạng tháng Tám
Mấy năm gần đây, giáo sư Hà Minh Đức công bố một loạt cuốn sách về các nhà văn, nhà thơ trước Cách mạng: Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên, Nguyễn Đình Thi, Tô Hoài, Anh Thơ,… Trong những cuốn sách này, bao giờ cũng có một nội dung là tác giả trò chuyện với các nhà văn. Họ kể về cuộc đời của họ, không khí sáng tác, bối cảnh văn chương trước và sau Cách mạng tháng Tám. Ở đây có những chi tiết rất thú vị về đời tư các nhà văn lớn. Nguyễn Đình Thi, Chế Lan Viên, Xuân Diệu, Tô Hoài đều có vẻ bên ngoài hấp dẫn, khỏe mạnh, nhất là khi họ phát biểu ở hội nghị, ở diễn đàn. Tuy nhiên mỗi người cũng có căn bệnh lạ. Theo bệnh viện cho biết, nhà văn Nguyễn Đình Thi có lần quên hết trí nhớ trong một vài ngày, sau hồi phục lại. Nhà thơ Chế Lan Viên không cảm nhận được vị giác trong một số ngày. Theo lời vợ nhà thơ cho biết, khi khôi phục lại vị giác thì vị đắng là vị đầu tiên Chế Lan Viên nhận biết (8). Chế Lan Viên sắc sảo trong sáng tác thơ, trong việc viết phê bình, tiểu luận. Trong câu chuyện văn thơ, có lúc ông nói đôi chút về bếp núc trong thơ. Nhưng trong việc bếp núc của gia đình thì cả hai vợ chồng nhà thơ không thật thành thạo. Nhà phê bình Hà Minh Đức một lần đến thăm vợ chồng nhà thơ Chế Lan Viên, nhà văn Vũ Thị Thường ở 51 Trần Hưng Đạo, thấy họ đang chuẩn bị làm thịt gà. “Nồi nước sôi để ở ngoài hiên đặt dưới đất và một con gà trống khoảng gần hai cân. Gà đã cắt tiết nhưng chưa chết. Anh chị bàn nhau cứ cho vào nồi và đậy vung lại, một vài phút lặng yên, rồi lại nghe tiếng động đậy. Anh Chế Lan Viên lấy tay ấn xuống vung rồi lại lặng yên. Một lúc lâu lâu sau, anh Chế Lan Viên mở vung ra, con gà vươn dậy bước khỏi nồi và từ từ đi ra sân, vừa đi vừa rũ nước ở hai cánh”(9). Nhà thơ bảo nhà phê bình: “Mời anh vào nhà đi, để rồi chúng tôi giải quyết”. Chuyện nhỏ nhưng cũng nói lên cái lúng túng của nhà thơ với chuyện bếp núc.
Nếu những câu chuyện nêu trên cho ta biết những chi tiết thú vị về đời tư các nhà văn, thì chi tiết dưới đây lại gợi lên một suy nghĩ nghiêm túc về việc đánh giá văn nghệ. “Câu nói của đồng chí Trường Chinh về trách nhiệm phê bình khi con ngựa rũ xuống thì cần một ngọn roi quất cho nó lồng lên. Cụ Hồ khi nghe nói câu này lại có ý rất hay là “cần xem con ngựa nếu đi xa về mệt, phải cho ăn cỏ uống nước”. Câu nói của Người thật thấu đáo, truy tìm đến nguyên nhân và có giải pháp nhẹ nhàng thấu đáo đạt hiệu quả và giàu tính nhân văn”(10).
Có một chi tiết rất thú vị đối với những người nghiên cứu ca dao. Năm 1951, nhà văn Nguyễn Đình Thi được tham gia cuộc liên hoan quốc tế ở Béc lin cùng với một số người như Trần Hữu Thung, La Văn Cầu,... Ở hội nghị, nhà văn Nguyễn Đình Thi gặp Mađơlen Ripphô, hai người yêu nhau. Nhà thơ Huy Cận kể lại: Tiếng Pháp thì Mađơlen không cần dạy nhiều cho ông Thi nhưng không biết ông Thi đã dạy cho cô Mađơlen tiếng Việt như thế nào. Khi về nước, hai người có tình cảm gắn bó. Dạo ấy, Huy Cận làm việc ở Văn phòng Chính phủ nên thư từ đều qua chỗ ông. Một hôm, Huy Cận nhận được một phong thư, bên ngoài có nhiều dòng viết bằng tiếng Pháp, đại ý nói là ở Việt Nam trong chiến tranh, đi lại khó khăn, nhiều đèo nhiều suối, có thể lá thư thất lạc nên xin đề nghị cứ mở ra đọc và sau gặp anh Thi sẽ nói lại hộ. Huy Cận mở ra đọc và thấy hai câu đầu là:
Ông tơ sao khéo khen nhau,
Chưa vui sum họp đã sầu chia phôi
Và ở giữa là những dòng chữ Pháp nói về tâm tình, và cuối lá thư là mấy câu:
Đôi ta kết bạn thong dong
Như đôi đũa bạc nằm trong mâm vàng
Vì chưng cha mẹ can ngăn
Cho nên đũa bạc mâm vàng xa nhau
Đọc xong, Huy Cận dán lại. Một lúc sau Nguyễn Đình Thi đi qua, Huy Cận mời vào nhận thư và bảo với Nguyễn Đình Thi: “Thư của ông đây, nhưng tôi đã đọc rồi, đấy ông cứ xem phong bì thì biết”(11).
Từ những loại tư liệu (hồi ký, ghi chép) nêu trên, chúng ta đã thấy chúng thú vị và có giá trị như thế nào. Có hai điều nên lưu ý là:
Khi sử dụng các nguồn tài liệu trên, một mặt chúng ta hết sức trân trọng, mặt khác nên đối chiếu so sánh với những tài liệu khác để thẩm định tính xác thực. Nhiều tác giả khi viết hồi ký, tuổi đã cao, trí nhớ đã giảm, vì thế có những chi tiết nhầm lẫn. Ngoài ra, còn có thể có lý do khác. Thí dụ, có một vị đã từng là lãnh đạo nay nghỉ hưu, được một tờ tạp chí khoa học xã hội ở địa phương nọ giới thiệu chân dung, trong đó có đoạn viết: Khi đến tuổi nghỉ quản lý, ông kiên quyết nghỉ hết mọi chức vụ chính quyền, để tập trung nghiên cứu khoa học. Về vị này, tôi được chứng kiến người thực việc thực. Vì thế, tôi biết thông tin vừa nêu là hoàn toàn không chính xác. Có một viên Tổng đốc khét tiếng về đàn áp cách mạng. Vậy mà trong cuộc hội thảo về người con rể ông ta, có tác giả đã tô vẽ viên Tổng đốc này thành người có cảm tình với cách mạng! Thời sau viết về thời trước (chưa xa) mà bất chấp sự thật, bất chấp sự việc còn nhiều tư liệu xác thực khác và nhiều nhân chứng sống thì phải nói là người viết quá liều!
Khi trò chuyện, ghi chép về các trí thức lớn (các nhà khoa học, các văn nghệ sĩ) cần phải có tấm lòng, nói như giáo sư Hà Minh Đức là phải tử tế. Không đưa ra những chi tiết tự nhiên chủ nghĩa, những chi tiết không xác thực, những chi tiết đời tư làm tổn hại đến danh dự người khác và cũng không đem lại những giá trị nhân văn cho những trang viết.
_______________
1. Hà Minh Đức, Tế Hanh mãi mãi hoa niên, Nxb Văn học, Hà Nội, 2011, tr.279.
2, 3. Vũ Ngọc Phan, Những năm tháng ấy, Nxb Văn học, Hà Nội, 1987, tr.42.
4, 7. Vũ Đình Hòe, Hồi ký, Nxb Hội Nhà văn, TP.HCM, 2004.
5. Đặng Thai Mai, Hồi ký thời thanh thiếu niên, Nxb Tác phẩm mới, Hà Nội, 1985, tr.145.
6. Nhiều tác giả, Tưởng nhớ nhà văn hóa Nguyễn Khắc Viện, Nxb Thuận Hóa, Huế, 1997, tr.87.
8, 9. Hà Minh Đức, Chế Lan Viên người trồng hoa trên đá, Nxb Văn học, Hà Nội, 2010, tr.303.
10. Hà Minh Đức, Nguyễn Đình Thi chim phượng hoàng bay từ núi, Nxb Đại học quốc gia Hà Nội, Hà Nội, 2011, tr.230.
11. Hà Minh Đức, Huy Cận, ngọn lửa thiêng không tắt, Nxb Giáo dục Việt Nam, Hà Nội, 2010, tr.258-259.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 344, tháng 2-2013
Tác giả : Nguyễn Xuân Kính