MỘT CÁCH TIẾP CẬN NỘI DUNG BỨC TRANH ĐÁNH GHEN

Tranh dân gian Đông Hồ được biết đến với tư cách là một trong số ít những dòng tranh dân gian đặc sắc nhất Việt Nam. Dòng tranh này ra đời vào khoảng TK XV - XVI tại làng Đông Hồ, xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Từ chất liệu giấy in đến màu sắc của tranh đều khai thác từ tự nhiên. Tranh dân gian Đông Hồ gần gũi, gắn bó với cuộc sống lao động, tập quán, sinh hoạt của người nông dân bình dị, chất phác trong xã hội nông nghiệp cổ truyền. Sản phẩm tranh dân gian Đông Hồ phong phú đa dạng với nhiều bức tranh nổi tiếng thuộc các chủ đề khác nhau. Trong đó, bức tranh Đánh ghen là một trong số khá nhiều bức phản ánh sinh hoạt xã hội, gây được ấn tượng đặc biệt với du khách trong và ngoài nước.

1. Vài nét về dòng tranh dân gian Đông Hồ

Các dòng tranh dân gian nổi tiếng ở nước ta đều gắn liền với những vùng đất có bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa. Tranh Hàng Trống ở Hà Nội, tranh Kim Hoàng ở Hà Tây (cũ) nay cũng thuộc Hà Nội, tranh làng Sình gần Kinh đô Huế, thủ phủ các vua Triều Nguyễn và tranh Đông Hồ thuộc vùng đất Kinh Bắc xưa. Từ vị trí địa lý của các dòng tranh nêu trên, dường như tranh dân gian là sản phẩm kết tinh trí tuệ dân gian không chỉ của những người nông dân chất phác, lam lũ mà còn là sự ảnh hưởng, kết tinh cả tri thức, trí tuệ của các nhà nho và tầng lớp có học vấn lúc bấy giờ.

Làng tranh dân gian Đông Hồ thuộc xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh cách Hà Nội khoảng 30km theo đường bộ. Đông Hồ nằm trong vùng đất Kinh Bắc xưa với bề dày lịch sử, văn hóa lâu đời. Hiện nay, vùng đất này còn lưu giữ được nhiều di tích lịch sử, văn hóa và lễ hội truyền thống. Cư dân Đông Hồ là chủ nhân của dòng tranh dân gian nổi tiếng, mang đậm bản sắc dân tộc. Từ chất liệu giấy in đến màu sắc của tranh đều khai thác nguồn từ trong tự nhiên. Tranh Đông Hồ gần gũi, gắn bó với cuộc sống lao động, tập quán, sinh hoạt của người nông dân trong xã hội nông nghiệp cổ truyền.

Lịch sử ra đời dòng tranh dân gian Đông Hồ có những quan điểm khác nhau. Quan điểm thứ nhất, căn cứ vào sự phát hiện của ván in kinh phật có từ thời Lý cho rằng tranh dân gian Đông Hồ cũng là tranh khắc gỗ, xuất hiện ở thời kỳ này. Như vậy, dựa trên căn cứ từ thời Lý đã có nghề khắc gỗ để suy luận thì chưa có cơ sở khoa học thuyết phục. Quan điểm thứ hai, căn cứ vào thần phả các dòng họ, căn cứ vào ván in tranh còn lưu giữ được ở Đông Hồ, đặc biệt căn cứ vào sản phẩm tranh Đông Hồ TK XVII - XVIII, có thể suy luận nghề làm tranh Đông Hồ phải có trước TK XVII. Như vậy, quan điểm dòng tranh dân gian Đông Hồ xuất hiện khoảng TK XV -  XVI là hợp lý, có cơ sở khoa học đáng tin cậy.

Tranh dân gian Đông Hồ còn được gọi với nhiều tên gọi khác nhau như: tranh làng Mái, tranh điệp, tranh tết. Nội dung tranh Đông Hồ phản ánh cuộc sống với các chủ đề rất đa dạng, như: tranh chúc tụng, sinh hoạt, thờ cúng, minh họa văn học, lịch sử. Tranh Đông Hồ từ giấy đến màu đều thuần chất dân tộc. Giấy in tranh Đông Hồ là giấy dó có đặc điểm mỏng mịn, dai. Để khắc phục những mặt hạn chế của loại giấy này, người nghệ nhân Đông Hồ thường quét lên một lớp điệp, có thể quét thêm nước hoa hòe vàng hay nước gỗ vang đỏ. Từ trên nền giấy ấy, nghệ nhân lần lượt in ván gỗ các mảng màu cạnh nhau, sau cùng, in nét đen bao lấy các mảng màu. Màu sắc của tranh Đông Hồ gồm màu trắng điệp, vàng hòe, đỏ vang, xanh chàm, sỏi son, màu đen than lá che, toàn những thứ có sẵn trong tự nhiên.

Nghệ thuật tranh Đông Hồ xây dựng các hình ảnh không phụ thuộc vào mẫu trong tự nhiên, mà gây ấn tượng mạnh theo chủ đề. Vì vậy, cả ánh sáng, không gian, con người, cảnh vật đều được ước lệ có hình để thể hiện ý. Bố cục tranh mang tính dàn trải, các hình trong tranh được thể hiện ở nhiều góc độ, từ nhiều khoảng cách để người xem tranh quan sát được rõ, đầy đủ nhất. Trong bức tranh Lợn đàn, con lợn muốn nhìn rõ nhất được vẽ ở thế nhìn ngang, nhưng mõm lợn lại được nhìn từ phía trước. Hoặc như bức tranh Hứng dừa, cây dừa được thu lại để tương ứng với người trèo và người hứng (cốt có hình để gợi ý) chứ không theo tỷ lệ hoặc luật viễn cận.

Tranh Đông Hồ là tranh tết, do đó được sản xuất tập trung vào mấy tháng cuối năm. Trước đây, tranh được buôn bán tại nhà, chợ tranh đình làng Đông Hồ, đồng thời tranh cũng có mặt ở nhiều chợ quê thuộc các vùng lân cận. Đối tượng tranh Đông Hồ là tầng lớp bình dân, tranh dân gia Đông Hồ là dòng phổ biến đặc sắc, mang đậm chất dân gian, dân tộc nhất. Hiện nay, nghề làm tranh dân gian Đông Hồ đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể, nhà nước đã có quy hoạch bảo tồn, phát triển nghề làm tranh dân gian Đông Hồ gắn với sự phát triển kinh tế, xã hội thông qua hoạt động kinh doanh du lịch. Đây là hướng đi đúng đắn nhằm bảo vệ, phát huy tốt nhất giá trị di sản tranh dân gian Đông Hồ.

2. Cách tiếp cận về nội dung bức tranh Đánh ghen  

Cách tiếp cận truyền thống

Bức tranh Đánh ghen là sản phẩm của dòng tranh dân gian Đông Hồ. Tranh thuộc mảng tranh sinh hoạt xã hội, nội dung chính của bức tranh là châm biếm, đả kích xã hội phong kiến đa thê, người làm chủ gia đình không ứng xử công bằng giữa các thành viên, dẫn đến cuộc sống gia đình nảy sinh mâu thuẫn, lục đục. Bố cục tranh dân gian mang tính dàn trải, ít có khoảng trống, mục đích cho người xem có thể nhìn rõ nhất các hình ảnh trong tranh ở các góc nhìn khác nhau.

Bức tranh Đánh ghen có bố cục dàn trải. Bức bình phong và cây cổ thụ cho thấy đây là bối cảnh không gian của một gia đình phong kiến khá giả. Người xem còn thấy rõ bốn nhân vật trong một gia đình bao gồm: người chồng, vợ cả, vợ lẽ và đứa con của chồng và người vợ cả. Bốn nhân vật trong tranh được sắp đặt thành hai tuyến nhân vật đối lập. Một bên là: người chồng và người vợ lẽ, bên kia là: vợ cả và đứa con giữa vợ cả với người chồng. Toàn cảnh bức tranh cho thấy không khí gia đình căng thẳng, nặng nề. Các nhân vật này được tạo tác ở những tư thế lột tả đặc trưng tính cách nhân vật đúng tâm trạng trong ngữ cảnh đánh ghen. Bình thường, mái tóc dài của người phụ nữ rất đẹp và đáng yêu khi thả bay trong gió, nhưng sẽ rất nguy hiểm, trở thành điểm yếu khi tham gia đánh ghen để đối phướng nắm bắt được. Hình ảnh người vợ cả trong bức tranh này tóc búi cao gọn gàng, rõ ràng có sự chuẩn bị rất kỹ cho một trận đánh ghen. Tư thế đứng tay trái chống nạnh xắn váy quai cồng, tay phải cầm chiếc kéo to, giơ cao mở hết cỡ như đang xông vào để cắt đứt mái tóc dài của người vợ lẽ cho hả lòng, hả dạ, thỏa cơn ghen tức. Trong khi hình ảnh người vợ lẽ được người chồng yêu chiều, ăn mặc lẳng lơ, có mặc váy mà không mặc áo, cũng đứng tư thế tay trái chống nạnh, nhưng hơi ngả vào người chồng, tay phải nâng mái tóc dài lên như thách thức người vợ cả xem có dám cắt được mái tóc của mình không và đưa lời thách đố:

Măng non nấu với gà đồng

Thử chơi một trận xem chồng về ai

Hoàn cảnh như đổ thêm dầu vào lửa khiến người xem thấy bức xúc, khó chịu và có phần căm ghét người vợ lẽ. Đến lúc này tưởng rằng người chồng sẽ là nhân vật trung gian hòa giải mối quan hệ kịch tính căng thẳng của hai bà vợ để giữ hòa khí gia đình khi tay phải thì đưa ra như can ngăn và nói với vợ cả:

Thôi thôi nuốt giận làm lành

Chi điều sinh sự nhục mình, nhục ta

Mặc dù lời nói như có tính xoa dịu làm lành, nhưng không hiểu vô tình theo bản năng giới tính hay cố ý mà bàn tay trái đặt vào đúng bên ngực trái của người vợ lẽ, động tác nhạy cảm đã đẩy người vợ cả vào thế bế tắc, buồn và đau đến tột cùng. Nút thắt này nếu không được cởi, người vợ cả sẽ ra sao khi rơi vào thế “tiến thoái lưỡng nan”, đang hừng hực khí thế đánh trận xông tới cắt tóc đối phương, giờ rơi vào cảnh “hai đánh một” không thực hiện được mục đích, lúc này mà buông kéo quay về thì còn mặt mũi nhìn ai, tâm trạng sẽ ê chề và tủi nhục. Nhưng cái hay, cái tài tình, dí dỏm của người nghệ nhân Đông Hồ đã khắc họa hình ảnh người con trai xuất hiện là điểm tựa, là người tháo gỡ nút thắt bế tắc cho mẹ rất kịp thời bằng sự can ngăn chắp tay cúi lạy khuyên nhủ tình cảm nghiêng về phía mẹ:

Mẹ về tắm mát nghỉ ngơi

Tham (ham) thanh chuộng lạ mặc cho thày tôi với dì

Nghe lời khuyên nhủ của con, người vợ cả đã có cớ để rút lui trong danh dự. Bốn nhân vật trong tranh hình thành hai tuyến đối lập, nhưng quan sát tổng thể nối những điểm xa nhất của các nhân vật, bốn người như xếp thành một vòng tròn. Hình ảnh này cho thấy bầu không khí văn hóa trong gia đình này vẫn trong vòng tròn luẩn quẩn, chưa tìm thấy lối thoát cho mối quan hệ tình cảm giữa người chồng và hai người vợ. Từ những hình ảnh động tác các nhân vật trong bức tranh cho thấy người nghệ nhân và trí tuệ dân gian Đông Hồ rất tài tình, khéo léo, dí dỏm đã liên tục đẩy màn kịch đánh ghen lên cao trào, tột độ, khiến người xem không khỏi hồi hộp, bức xúc, căm ghét người chồng và người vợ lẽ, đồng thời lại có tâm trạng lo lắng, thương cảm cho người vợ cả và đứa con thơ. Bức tranh châm biếm đả kích chế độ đa thê đồng thời cũng là lời cảnh tỉnh cho các gia đình sống không chung thủy, dễ dẫn đến cuộc sống gia đình lục đục, không hạnh phúc.

Cách tiếp cận mới

Nếu như cách nhìn truyền thống trong bức tranh Đánh ghen có bốn nhân vật gồm: người chồng, vợ cả, vợ lẽ và đứa con chung giữa vợ cả và người chồng, thì với cách tiếp cận mới, vị thế người vợ lẽ được xác định lại. Thiết nghĩ, nhân vật vợ lẽ trong bức tranh này chưa chính danh phận (chưa phải vợ lẽ) mới xảy ra sự việc đánh ghen như vậy. Thời phong kiến, người đàn ông được phép lấy nhiều vợ, “Trai năm thê bảy thiếp”. Khi xã hội đã cho phép người đàn ông lấy nhiều vợ, thì vị trị vai trò các bà vợ trong một gia đình có tôn ti, trật tự rõ ràng. Người vợ cả quyền uy lớn nhất trong số các bà vợ và cứ theo thứ tự, sau đó đến vợ hai, vợ ba… Người phụ nữ giỏi giang tài hoa như: nữ sĩ Hồ Xuân Hương, nhà thơ nữ vô song của dân tộc, vậy mà khi phải làm lẽ, cũng có những lúc rơi vào tâm trạng buồn bã, bực tức vẫn phải cam tâm chấp nhận và than thân trách phận rằng: Chém cha cái kiếp lấy chồng chung

Đây là nhân chứng, chứng cứ cho thấy rõ ràng nhất vai trò của người vợ lẽ trong xã hội phong kiến không thể có quyền uy như vợ cả, càng không thể dám cãi lại, làm sao có thể nói tới chuyện đánh ghen. Giỏi giang như nữ sĩ Hồ Xuân Hương còn được chồng quan tâm một tháng cũng chỉ có “đôi lần” ghé thăm. Phải chăng Hồ Xuân Hương quá tham khi chồng ghé thăm mà vẫn thốt lên “một tháng đôi lần có như không”. Trong khi đó, những người phụ nữ cùng thời với Hồ Xuân Hương, nhưng thân phận thấp kém hơn, về làm lẽ, phải cam chịu sự vất vả, thiệt thòi hơn rất nhiều, ban ngày phải đi làm quần quật dưới sự chỉ bảo sai khiến của người vợ cả, nhưng đêm về ôm nỗi cô đơn lạnh lẽo và bình minh của ngày mới người vợ cả đã gọi dậy giao việc:

Lấy chồng làm lẽ khổ thay

Đi cấy đi cày, chị chẳng kể công

Trong hoàn cảnh phải lao động vất vả từ sáng sớm, tối về có chồng mà rơi vào cảnh “chăn đơn gối chiếc” người phụ nữ tỏ ra bất lực như một mẫu số chung họ cũng than thân trách phận:

Bởi chưng bác mẹ tôi nghèo

Cho nên tôi phải băm bèo thái khoai

Thậm chí có những thân phận làm lẽ rơi vào tột cùng của sự đau khổ, tủi nhục, thân phận không phải của kiếp người, không được ngủ trong ngôi nhà của mình, ban ngày phải lao động công việc đồng áng đầu tắt mặt tối, nhưng đêm về dường như không có cơ hội gần chồng khi mà:

Mong chồng chồng chẳng xuống cho

Đến khi chồng xuống thì gà đã o o gáy rồi

Đến thời điểm gà gáy, mọi người phải thức dậy và chuẩn bị công việc ra đồng cày cấy, vun trồng. Vòng quay thời gian cứ như vậy, cuộc sống của người làm lẽ thời phong kiến rất khổ cực, mặc dù rất m ghét người vợ cả nhưng dường như không có lối thoát ngoài lời thở than. Như vậy, có thể khẳng định bức tranh Đánh ghen không phải diễn ra giữa người vợ cả và người vợ lẽ như vẫn thường quan niệm, mà dường như đó là cuộc đánh ghen giữa vợ cả và cô nhân tình của chồng.

3. Kết luận

Qua phân tích bức tranh Đánh ghen, có thể thấy sự đặc sắc của dòng tranh dân gian Đông Hồ, sự tài khéo của các nghệ nhân đã khắc họa hình ảnh các nhân vật tham gia trong trận đánh ghen của một gia đình phong kiến đạt tới đỉnh cao về nghệ thuật, mang tính ước lệ và nghệ thuật tạo hình dân gian Việt nam. Tư thế, cử chỉ tạo tác đã lột tả được tận cùng tâm trạng của từng nhân vật trong không gian đánh ghen.

Trong khoa học, để có cái nhìn khách quan cần tiếp cận xem xét trên nhiều góc độ và phương diện. Với tinh thần tư duy “nhận thức không cũ” về “vấn đề không mới”, chắc chắn chúng ta có thể khám phá nhiều điều mới mẻ trong các bức tranh khác thuộc dòng tranh này như: tranh Hứng dừa, Đám cưới chuột... Dòng tranh Đông Hồ với bề dày truyền thống lịch sử,  mang đậm bản sắc dân tộc cần thiết phải bảo vệ và phát huy giá trị cho hiện tại và tương lai.


Nguồn : Tạp chí VHNT số 400, tháng 10 - 2017

Tác giả : NGUYỄN SỸ TOẢN

;