Cốt truyện, thành tố cốt lõi của một văn bản tự sự, không chỉ là khung diễn tiến của các sự kiện theo trật tự thời gian mà còn là thành quả từ quá trình chiếm lĩnh nhận thức bản chất cuộc sống của nhà văn. Chọn nội dung nào để phản ánh, kết nối các sự kiện theo cách thức ra sao để vừa chuyển tải được câu chuyện, vừa cuốn hút người đọc đều nằm trong chủ đích của người sáng tác. Nhìn từ kết cấu sự kiện, có bốn dạng thức cốt truyện nổi bật trong truyện truyền kỳ Việt Nam thời trung đại: cốt truyện liền mạch, cốt truyện lồng ghép, cốt truyện lắp ghép và cốt truyện hồi cố. Trong đó, cốt truyện lắp ghép là mô thức tự sự đặc thù, chiếm vị trí quan trọng trong các truyện truyền kỳ Việt Nam TK XVIII-XIX.
Mỗi nhà văn có thể sáng tạo cốt truyện truyền kỳ theo những cách khác nhau. Cốt truyện liền mạch triển khai liên tục các sự kiện theo trật tự thời gian, nhân quả. Cốt truyện lồng ghép là kiểu tổ chức trong truyện có truyện, nhân vật đồng thời cũng đóng vai người kể chuyện, nắm giữ câu chuyện riêng của mình hoặc người khác. Còn cốt truyện hồi cố thì trật tự thời gian bị đảo ngược, mạch tự sự từ hiện tại quay ngược trở về quá khứ, dữ liệu về nhân vật được tăng cường. Trong khi đó, cốt truyện lắp ghép được triển khai từ việc sắp đặt cạnh nhau các câu chuyện riêng biệt, ít có sự gắn kết.
Ở giai đoạn đầu, diễn trình sự kiện của truyện truyền kỳ được triển khai theo cách thức tương đối thống nhất, dựa trên nền tảng chủ yếu là mối quan hệ thời gian, nhân quả. Bước sang TK XVIII-XIX, việc thể nghiệm nhiều cách liên kết sự kiện mới mẻ hơn được áp dụng. Nhà văn truyền kỳ hướng tới việc mở rộng phương thức tiếp cận, chiếm lĩnh hiện thực. Cốt truyện lắp ghép vắng bóng ở giai đoạn đầu nhưng hiện diện, chiếm vị trí quan trọng trong tổ chức truyện truyền kỳ TK XVIII, XIX. Trong tập truyện Công dư tiệp ký có 5 tác phẩm, Thoái thực ký văn (5 tác phẩm), Thính văn dị lục (3 tác phẩm), Sơn cư tạp thuật (3 tác phẩm)… sử dụng cốt truyện lắp ghép.
Nếu như cốt truyện lồng ghép có sự phân tầng, truyện kể chính, truyện kể phụ, người kể chính, người kể phụ thì cốt truyện lắp ghép là sự sắp đặt từ nhiều câu chuyện kể khác nhau vào khuôn khổ một truyện. Chúng bình đẳng từ phương thức tạo lập văn bản đến khả năng dung chứa thông điệp biểu đạt. Nhìn chung, mô hình cốt truyện lắp ghép thường được tạo dựng theo cách kể lần lượt, hết chuyện này chuyển giao sang chuyện khác. Người viết dường như chỉ xếp đặt các nội dung hiện thực cạnh nhau mà không cần dụng công phối ghép, xáo trộn. Đối với tự sự hiện đại, đây được xem như một hình thức tối ưu để phản ánh bức tranh hiện thực trong tính phân tách, chia cắt, đứt gãy, biệt lập. Các nhà văn trung đại gần như chưa có ý niệm về một thế giới lắp ghép, nơi mỗi số phận là một sự sống riêng biệt, ít liên hệ kết nối. Bởi vì thời trung đại, những khó khăn về đường xá giao thông khiến trải nghiệm thực tế của con người thường bị giới hạn ở phạm vi không gian hẹp như: một địa phương, một vùng, miền, nhiều nhất chỉ là lấn chân sang địa phận quốc gia láng giềng. Thế giới trong mắt họ không quá rộng lớn để cảm thấy choáng ngợp, âu lo. Một phần bởi văn hóa Nho giáo, văn hóa truyền thống Việt Nam đều coi trọng tính cộng đồng. Ý thức về sự tồn tại của con người như một cá thể độc lập, riêng biệt hầu như không có môi trường phát triển. Ghép nối các mảng hiện thực, thay vì biểu đạt bức tranh thế giới rời rạc, được sử dụng như một thủ pháp liên kết để những con người không hoặc ít có quan hệ trực tiếp, những câu chuyện vốn cách biệt về không gian, thời gian tìm được tiếng nói chung.
Có hai phương thức chính thiết lập quan hệ giữa các câu chuyện trong cốt truyện lắp ghép truyền kỳ: quan hệ theo chiều dọc và quan hệ theo chiều ngang. Theo chiều dọc, các nhân vật với cuộc đời, số phận, trong những bối cảnh xã hội khác nhau được nhìn từ hành trình trải nghiệm luân hồi. Mỗi thân kiếp là một cuộc phiêu lưu riêng rẽ. Chúng kết nối không chỉ nhờ sự trở lại của ký ức tiền kiếp mà đơn giản, chỉ bởi các chủ thể hành động có chung xuất phát điểm. Về đại thể, mỗi câu chuyện là một đơn vị đơn lập tái hiện cuộc sống con người với mục đích riêng. Nhà văn truyền kỳ đem cái nhìn hư ảo về luân hồi sinh tử của Phật giáo kết nối những mảng màu hiện thực ấy vào một dòng chảy. Biến nhân vật này trở thành tiền kiếp, hậu kiếp của nhân vật kia, dù trong đời thực, không nhất thiết liên đới. Thực ra, việc tạo dựng tiểu sử nhân vật dựa vào những dữ liệu của tiền kiếp, nhìn đời người trong sự hoán đổi liên tục của các vòng đời là quan niệm về hiện thực, thủ pháp xây dựng nhân vật khá phổ biến của các loại hình tự sự trung đại. Quan niệm về siêu sinh, tái kiếp của Phật giáo, cách hình dung cuộc sống của con người như một chuỗi nhân quả liên tục, đời sống hiện tại chỉ là một mắt xích trong chu trình không ngưng nghỉ, ảnh hưởng đến tư duy về con người, thế giới của các nhà văn truyền kỳ. Tuy nhiên, việc tách từng vòng đời để kể như một câu chuyện trọn vẹn, hoàn tất, ít ràng buộc, phụ thuộc vào câu chuyện đã (sẽ) diễn ra trước (sau) đó thể hiện tham vọng của các nhà văn truyền kỳ. Không chỉ dừng lại khám phá hành trình bí ẩn của sự sống mà thông qua các trải nghiệm khác biệt để chiếm lĩnh nhiều hơn một phạm vi hiện thực. Từ cuộc đời của một thiếu phụ đoan trang, hiền hậu đến hành trình phiêu lưu của một nữ nhân phóng túng, đa tình, tới quá trình hiển linh để khẳng định uy quyền của một vị thánh là ba chuyến du hành của đệ nhị tiên chủ Quỳnh Nương. Thực chất là ba cuộc đời của ba nhân vật: Giáng Tiên, Liễu Hạnh công chúa, Chế Thắng Hòa Diệu đại vương (Vân Cát thần nữ trong Truyền kỳ tân phả). Từ không gian nhỏ hẹp của một trang ấp, một miền quê thanh bình, theo sự hoán kiếp của nhân vật, truyện kể được mở rộng đến nhiều vùng đất khác nhau: Đông Kinh, Lạng Sơn, Nghệ An, Thanh Hóa… Theo cùng sự di chuyển ấy, con người cũng được thể nghiệm hạnh phúc trong nhiều cảnh ngộ, phận vị, nhiều mối quan hệ: người phụ nữ gia đình (quan hệ với cha mẹ, chồng con), người phụ nữ nổi loạn, tìm kiếm tự do (quan hệ với cá nhân mình), người phụ nữ ban phước lộc (quan hệ với cộng đồng). Cốt truyện lắp ghép thiết lập theo diễn trình kết nối luân hồi là kết cấu khá lỏng lẻo, nhà văn mặc sức xếp đặt các số phận khác nhau vào khuôn khổ một tác phẩm. Thật khó để tìm thấy sự gắn kết trong đời thực giữa hành trạng của một nhà sư trụ trì ngôi chùa Việt với thân phận của một vị hoàng đế đất Trung Hoa (Chùa Quang Minh làng Hậu Bổng, Công dư tiệp ký), giữa số kiếp con gà, con lợn với cuộc sống của ông quan thượng thư (Nhớ ba kiếp, Lan Trì kiến văn lục), giữa viên tể tướng quyền uy nghiêng ngả với kẻ ăn mày già yếu, xin từng đồng bạc lẻ để sống qua ngày (Phan Đình Tá người Thiên Lộc, Thính văn dị lục)… nếu người viết không chỉ rõ quan hệ nhân quả, nghiệp duyên. Những dấu hiệu hình thức riêng để nhận ra nhau sau hành trình luân chuyển qua các kiếp nhiều khi cũng bị xóa mờ.
Đại đa số cốt truyện lắp ghép truyền kỳ được liên kết bằng quan hệ theo chiều ngang. Những phạm vi hiện thực có tính chất tương đồng được đặt cạnh nhau để bổ trợ, soi chiếu, nhằm chứng minh hay khẳng định một luận đề, một thông điệp nghệ thuật nào đó. Đây được xem như một phương thức để gia tăng quy mô, bổ sung dữ liệu, nhấn mạnh tính chất phổ biến cho những nội dung được tái tạo. Truyện truyền kỳ TK XVIII-XIX nghiêng về xu hướng thu hẹp phạm vi hiện thực được phản ánh vào một nhân vật, trong hoàn cảnh cụ thể với sự góp mặt của một số sự kiện. Để mở rộng không gian, thời gian cho truyện kể, thay vì đồng hành cùng nhân vật qua các tình huống, thiết lập thêm các quan hệ, nhà văn truyền kỳ giai đoạn này chọn cách kết nối các câu chuyện riêng biệt, tạo thành những mạch tự sự song song. Mạch truyện vừa độc lập vì không có sợi dây liên hệ trực tiếp, vừa gắn kết bởi cùng hướng đến một chủ đề chung. Xét về ý tưởng, thủ pháp liên cốt truyện là sự cố gắng của các tác giả nhằm xóa bỏ ấn tượng đơn nhất về sự hiện diện của đối tượng được phản ánh, nhưng xét về cấu trúc, nó phá vỡ tính chỉnh thể, khiến truyện kể bị chia cắt thành nhiều phần, mang dấu ấn chắp nối rõ rệt. Câu chuyện thứ hai được sắp đặt cạnh câu chuyện thứ nhất theo cách tùy hứng. Nhiều khi như nằm ngoài chủ ý của nhà văn. Mạch truyện chính trở nên đứt đoạn khi người viết tập trung chú ý vào chuyện đời tư của một nhân vật mới mà sao lãng chủ đề trung tâm đang được triển khai. Truyện kể rẽ theo một lối khác, từ vị trí phụ, nhân vật mới xuất hiện trở thành vai chính trong một khoảng thời gian trần thuật nhất định. Lối rẽ này giúp tác giả mở rộng biên độ phản ánh nhưng đôi lúc giống như bước lạc đường, nhà văn không kiểm soát được hướng của ngòi bút, truyện kể bị xô lệch trọng tâm. Như ở tác phẩm Đền thiêng cửa bể (Truyền kỳ tân phả), mạch tự sự theo sát cuộc đời nàng Bích Châu, từ lúc sinh thời đến khi nhân vật hóa kiếp. Hoàng đế Lê Thánh Tông hiện diện trong vai trò bổ trợ, người hóa giải gánh nợ oan khiên cho cung nữ tài sắc một thời. Nhưng sự có mặt của nhân vật này lại mở ra một mạch tự sự mới. Đoàn Thị Điểm say mê trình bày về công cuộc Nam chinh, đế nghiệp, hành trình diệt trừ thế lực bạo nghịch của vua Lê. Nhiệm vụ giải oan chỉ là một phần nhỏ trong chuỗi hành động. Đối tượng của truyện kể từ cung nữ Bích Châu được chuyển sang đức vương thượng tài danh.
Trong mô hình cốt truyện lắp ghép theo quan hệ chiều ngang còn phổ biến kiểu xếp đặt thuần túy các câu chuyện riêng biệt, đã hoàn tất. Nếu tách riêng, có thể tồn tại với tư cách truyện kể độc lập, đặt trong chỉnh thể là những mảnh ghép khá lỏng lẻo. Chúng song hành nhờ cùng thực thi nhiệm vụ truyền dẫn một thông điệp thống nhất về bản chất hiện thực. Hiện thực với mối giao kết mật thiết giữa thần và nhân qua câu chuyện của Giang Đông Hầu, thần thuồng luồng (Sông Dùng, Tang thương ngẫu lục). Hiện thực trong mối ân tình người và vật từ chuyện kể của bà đỡ Trần, của người tiều phu đốn củi (Con hổ có nghĩa, Lan Trì kiến văn lục). Hiện thực phơi bày sự tàn nhẫn, xảo trá của những tên lái buôn phương Bắc (Lái buôn phương Bắc giấu vàng, Sơn cư tạp thuật)… Có lẽ ý thức được sự lỏng lẻo, thiếu liền mạch khi lắp ghép các thành tố có cấu trúc khép kín với nhau nên ngay từ nhan đề, nhà văn truyền kỳ cũng đã chú thích rõ phần bổ sung vào tác phẩm thứ hai như: truyện Đế Thích, phụ chép truyện Trương Ba (Công dư tiệp ký); truyện Người thợ mộc ở Nam Hoa, kèm theo truyện Sư chùa Thanh Trì (Thính văn dị lục)… Tổ chức chắp nối các câu chuyện vừa mở ra triển vọng phản ánh bức tranh thực tại rộng lớn, bao chứa nhiều cuộc đời, nhiều số phận (vượt khỏi khung tự sự có quy mô nhỏ: truyện ngắn), vừa tạo cho người đọc cảm giác lan man, dàn trải.
Cốt truyện lắp ghép có thể xem là một thử nghiệm của các nhà văn truyền kỳ TK XVIII-XIX trên hành trình mở rộng quy mô biểu đạt hiện thực cho thể loại truyền kỳ. Ở những mức độ nhất định, cho phép người đọc kiểm chứng tính xác thực của nội dung thông tin qua sự lặp lại các hiện tượng biệt lập. Đồng thời cũng thể hiện khá rõ nét đặc điểm tùy hứng, không tuân thủ nghiêm ngặt tính chỉnh thể, tính hệ thống trong quy trình tự sự của lối viết truyện truyền kỳ giai đoạn này. Cốt truyện lắp ghép dường như là sự bù đắp cho những thiếu sót của xu hướng kể chuyện chỉ chú tâm vào một nhân vật, một tình huống, một giai đoạn. Tuy nhiên, sự lắp ghép bắt nguồn từ quá trình sắp đặt thô sơ các lớp chuyện kể khác nhau hơn là mô phỏng lại cấu trúc thế giới nên giá trị của dạng thức cốt truyện này còn khá nhiều hạn chế.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 380, tháng 2-2016
Tác giả : ĐỖ THỊ MỸ PHƯƠNG