LÀNG CỔ DÂN GIAN HAHOE

Làng Hahoe là một phần quan trọng của văn hóa Hàn Quốc, nó được bảo tồn nguyên vẹn những nét kiến trúc của giai đoạn đầu triều đại Joseon, các truyền thống văn hóa dân gian, nhiều thư tịch cổ giá trị và còn là một làng tộc truyền thống. Nơi đây đã được UNESCO đưa vào danh sách di sản thế giới theo thể loại Làng lịch sử tại Hàn Quốc vào 31 - 7 - 2010.

1. Làng dân gian Hahoe

Hahoe nằm ở phía đông của bán đảo Triều Tiên, thuộc khu trung tâm trong hơn 500 năm thời Joseon (1392 - 1910) cai trị. Làng Hahoe thuộc thôn Hahoe, xã Pungsan, huyện Pungcheon myeon, Andong, tỉnh Bắc Gyeongsang. Tên gọi Hahoe bắt nguồn từ vị trí địa lý của ngôi làng có con sông to rộng uốn quanh. Theo tiếng Hàn, ha là viết tắt của con sông, còn hoe là quay xung quanh hay vòng quanh, vì thế, tên làng có nghĩa là làng có con sông chảy vòng quanh. Trong tiếng Anh, người ta gọi Hahoe với nhiều nghĩa khác nhau như làng vòng xoáy sông, làng sông du mục, làng vòng quanh sông, làng sông rắn, sông uốn cong…

Làng cổ Hahoe nằm ở chân núi Hwasan, một nhánh của núi Taebaek, cao 271m nằm ở phía đông và kéo dài đến phía tây, bao trọn Hahoe như tấm bình phong. Vách đá Buyongdae dốc cao khoảng 64m được tạo hình do dòng nước của sông Nakdong bào mòn qua nhiều thế kỷ. Dòng sông Nakdong quanh co uốn khúc, chảy lững lờ bao quanh thị trấn vẽ nên hình ảnh đẹp mơ màng của hàng trăm ngôi nhà cổ nép trong vòng tay dịu dàng của dòng sông hiền hòa. Từ vách đá Buyongdae nhìn xuống, có thể bao quát cả khu làng. Rừng thông cổ cùng với những mái ngói, mái rơm xen kẽ nằm tĩnh lặng bên nhau, tạo nên không gian thanh bình yên ả. Quang cảnh thiên nhiên kết hợp cùng sự cổ kính đã làm nên nét hấp dẫn riêng của làng Hahoe.

Giữa làng là cây zelkova (cây quy hay cử nhật) 600 tuổi đứng bên đình Samshindang, trở thành trung tâm của tín ngưỡng dân gian trong làng. Tương truyền, cây zelkova là nơi ngự của nữ thần SamShin Halmeoni, vị thần quản lý về sinh nở và bảo vệ trẻ em. Theo phong tục, người dân viết những điều cầu nguyện vào một tờ sớ và đính lên sợi dây bện rơm quấn quanh gốc cây. Họ tin rằng, nếu cầu nguyện trong 100 ngày, nữ thần sẽ giúp cho điều ước thành hiện thực. Vào ngày rằm tháng giêng hàng năm, tại đình thường diễn ra lễ tế Dongje để cầu bình an cho dân làng.

Xung quanh đình là nhà của người dân. Ở làng Hahoe, ngoài nhà của giới quý tộc và thường dân, trong không gian chung của làng còn hiện diện hội trường, các học viện. Ở phía đông, cách làng 4km là Khổng học viện Byeongsanseowon.

Những căn nhà trong làng Hahoe được xây dựng dọc theo một đường cong hình chữ S theo hình dáng của dòng Nakdong hiền hòa bao quanh. Nhìn từ trên cao xuống, ngôi làng tựa như một bức tranh thủy mặc với hình dạng hai dấu phẩy lồng vào nhau hoặc trông như hai hình xoắn ốc được gọi là Taeguek. Không giống những làng cổ khác, mỗi căn nhà ở Hahoe đều nhìn về các hướng khác nhau, để quay mặt ra con sông và được che phủ bởi rừng, núi. Cách xây dựng ngôi làng được tổ chức theo phong thủy Pungsu (phong thủy Hàn Quốc), phản ánh văn hóa Nho giáo quý tộc đặc trưng những năm đầu của triều đại Joseon.

Hahoe có vị trí đắc địa với cổng vào nhỏ hẹp, nhưng lại to rộng khi vào bên trong, cách bố trí này nhằm ngăn chặn sự xâm nhập từ bên ngoài và tránh được thiên tai.

Không có nội dung nào trong thư tịch cổ của Hàn Quốc viết về thời gian ra đời của làng Hahoe. Theo một số ý kiến, ngôi làng cổ ở Andong được thành lập vào TK XVI. Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng, thời gian đó là khoảng TK XIV - XV và đến TK XVIII - cuối TK XIX, quần thể kiến trúc của Hahoe đã bổ sung thêm một số công trình khác…(1). Rất khó để khẳng định số tuổi của làng Hahoe, nhưng các nghiên cứu đều khẳng định, ngôi làng cổ này đã có từ triều đại Joseon.

Làng Hahoe là nơi dòng họ Ryu gốc Pungsan của Hàn Quốc tới sinh sống và xây dựng thành một khu làng có quy mô lớn. Đây là nơi sinh ra các học giả nổi tiếng thuộc thời kỳ Joseon như Gyeomam Ryu Un ryong và Seoae Ryu Seong ryong... Vì vậy, địa điểm này được coi là vùng đất cổ và dòng họ Ryu sinh sống đây suốt từ cuối thời Goryo đến nay, tạo thành ngôi làng dòng họ. Các Jongga (nhà chủ họ) và Jongtaek (nhà ở của chủ họ) trong làng Hahoe được lưu giữ đến nay chính là nguồn tư liệu dân gian quan trọng của văn hóa truyền thống Hàn Quốc.

2. Những nét văn hóa truyền thống ở làng Hahoe

Nhà cổ

Hiện nay, các kiến trúc xây dựng của ngôi làng cổ này vẫn được bảo tồn nguyên bản văn hóa cư trú truyền thống. Những căn nhà cổ của làng Hahoe nằm hài hòa với thiên nhiên xung quanh. Bước vào không gian làng Hahoe, dọc theo con đường mòn bụi bặm, gây ấn tượng trước hết đối với khách tham quan là ngôi nhà của các quý tộc xưa với những cánh cổng lớn. Những ngôi nhà ngói lợp mái (của quý tộc) và nhà mái tranh (của dân thường) bảo tồn phong cách kiến trúc thời Joseon.

Văn hóa của Hàn Quốc được đặt trên nền tảng của Nho giáo, theo đó, hành vi giao tiếp thường chứa đựng sự tôn trọng đối với những người lớn tuổi với việc sử dụng kính ngữ. Ngoài ra, vị trí, trách nhiệm của nam giới và nữ giới trong xã hội cũng được phân định rõ ràng, hiển thị qua kiến trúc ngôi nhà cổ với những gian phòng dành riêng cho họ.

Những căn nhà cổ ở Hahoe đối diện với sông và cây lớn ở trung tâm. Trong những ngôi làng thông thường khác ở Hàn Quốc, tầng lớp thượng lưu và người bình dân sống chung cùng nhau trong một ngôi làng, hầu hết cửa hướng ra hướng nam hoặc đông nam. Cấu hình của các ngôi nhà trong làng Hahoe tương phản rất nhiều. Nơi ở của giới quý tộc được đặt ở trung tâm, còn những người ở tầng lớp thấp hơn sống bao quanh phía ngoài. Hướng đặt nhà của người dân nơi đây đều quay mặt về trung tâm, như một cách tôn lên địa vị cao quý của quý tộc.

Ngày nay, làng được chia thành Namchon (làng Nam) và Pukchon (làng Bắc) với 127 cụm gồm 437 nhà cổ, trong đó có 12 ngôi nhà là báu vật quốc gia. Trước kia, các chi nhánh chính của gia tộc Pungsan Ryu và chi nhánh thứ cấp là Seoaepa (hậu duệ của Ryu Seong ryong, vị tướng dưới thời trị vì của vua Seonjo triều đại Joseon) phân bố ở Pukchon, còn Gyeomampa ở phía Namchon. Ngày nay cả hai chi nhánh sống khắp làng.

Là khu nhà tiêu biểu ở Hahoe, Pukchon nổi lên giữa làng như phần nhụy của bông hoa sen. Đây là khu nhà của quý tộc xưa có quy mô lớn với 72 gian gồm các gian nhà trong, nhà ngoài, biệt đường, từ đường và dãy ngoài dọc hành lang. Chủ nhân ngôi nhà này 7 đời được hưởng lộc nghìn thạch (1 thạch là 10 đấu xưa) của triều Joseon. Tuy công trình được xây dựng hoành tráng, nhưng không hề biệt lập với cảnh quan xung quanh. Thời Joseon, khu hành lang phía trong nhà quý tộc thường là nơi ở cho người hầu kẻ hạ. Tuy nhiên, dòng họ Ryu ở Pukchon lại xây 10 gian nhà rơm ở bên ngoài bờ tường làm không gian riêng cho những người làm công. Hiện nay, hậu duệ của họ Ryu sinh sống ở đây để gìn giữ những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể mà tổ tiên để lại.

Nhà Chunghyodang (Trung hiếu đường) là nơi ở của Ryu Seong ryong (1542 - 1607), quan triều đình giữ chức vụ chủ chốt tại Yeonguijeong thời vua Seonjo (1552 - 1608) và là vị tướng đã góp công bảo vệ đất nước trước cuộc xâm lăng của Nhật Bản (1592). Sau khi Ryu Seong ryong qua đời, hậu duệ và học trò đã xây dựng nhà  Chunghyodang để tưởng nhớ công lao và đức hạnh của ông.

Đại diện tiêu biểu khác cho khu nhà ở phía bắc làng Hahoe là Yangjindang (Dưỡng chân đường) cũng thuộc sở hữu của anh em nhà Ryu Seong ryong. Đây là một trong những kiến trúc cổ nhất làng và được mệnh danh là báu vật thứ 306 của Hàn Quốc. Công trình có mái cao, thể hiện đậm chất quyền uy và địa vị của giới quý tộc. Căn nhà được xây dựng để tưởng nhớ Ryu Un ryong (1539 - 1601), anh trai của Ryu Seong ryong.

Bên cạnh những ngôi nhà cổ, còn có các di tích khác về dòng họ Ryu Pungsan như nhà Ogyeonjeongsa (nơi Ryu Seong ryong đã viết Jingbirok, cuốn sách viết về cuộc xâm chiếm Joseon của Hideyoshi từ năm 1592 - 1598), trường Nho giáo… Ngoài ra, nơi đây còn duy trì được nghệ thuật dân gian múa mặt nạ Hahoe, nghi thức shaman tôn vinh tinh thần cộng đồng.

Giá trị di sản và góc độ bảo tồn

Làng dân gian Hahoe không chỉ đẹp bởi những kiến trúc thời Joseon, mà còn vì cả môi trường thiên nhiên tuyệt vời. Từ trên đỉnh núi cao nhìn xuống, ngôi làng nằm hiền hòa bên ngọn núi và dòng sông trong sắc vàng man mác. Cái hồn của một thời quá khứ như còn ghi dấu ở mọi cảnh vật nơi đây.

Thời Joseon, vào ngày rằm tháng bảy, tại vách núi Buyongdae thường diễn ra các buổi tao đàn của nho sĩ Hahoe và những trí giả ở làng bên. Trên chiếc thuyền neo lại giữa dòng sông, họ ca hát và nhảy múa. Những tấm cotton chứa nhiều vỏ trứng được thắp sáng bên trong, thả lững lờ trên sông Nakdong, tạo hình như nhiều bông hoa sen đang nổi trên mặt nước. Trên bờ sông, sợi dây thừng được bện từ hàng trăm gốc dâu tằm nối vách núi Buyongdae và cánh rừng thông cổ được đốt lên. Ngày nay, truyền thống này được lưu giữ bằng việc bắn pháo hoa trong thời gian diễn ra lễ hội múa mặt nạ quốc tế Andong.

Các cụm công trình nổi bật gồm những ngôi nhà, địa điểm và nhiều công trình kiến trúc truyền thống chính là phản chiếu đặc biệt của hệ thống xã hội và văn hóa thời Joseon, hệ thống làng gia tộc Hàn Quốc đặc trưng tồn tại qua 5 thế kỷ. Hiện nay, nhiều đạo diễn phim đã chọn những ngôi làng cổ này để quay các cảnh đòi hỏi có khung cảnh Hàn Quốc truyền thống. Ngoài ra, vẻ đẹp truyền thống của ngôi làng cổ ở Andong đã mê hoặc nhiều du khách trong và ngoài nước đến thăm quan, đây được coi là động lực để thúc đẩy hoạt động du lịch phát triển, tăng thu nhập góp phần nâng cao đời sống cho người dân nơi đây.

Nguồn thu nhập của người dân làng Hahoe có được từ việc sản xuất lương thực, từ trợ cấp của chính phủ và từ các hoạt động dịch vụ du lịch. Đối mặt với sự tăng trưởng kinh tế, chính phủ Hàn Quốc đã có nhiều nỗ lực để tiếp tục duy trì truyền thống văn hóa. Trong đó, vấn đề bảo tồn di sản văn hóa Hàn Quốc nói chung và làng dân gian Hahoe luôn được đặt ra.

Chính quyền thành phố Andong đã vận dụng Pháp lệnh Bảo vệ di sản văn hóa (2004), bao gồm các quy định về bảo tồn và quản lý các di sản văn hóa nói chung. Bên cạnh đó, Andong còn có các kế hoạch trong việc phát triển và bảo vệ những giá trị truyền thống văn hóa làng Hahoe: Đổi mới làng Hahoe (ban hành 2002), Đô thị tổng thể của thành phố Andong tới năm 2016 (tiến hành từ năm 1998), Phát triển khu liên hợp du lịch Hahoe... Trong các kế hoạch này, có những nội dung hướng dẫn chi tiết về kỹ thuật phục hồi và vật liệu phù hợp tất cả các ngôi nhà trong công tác bảo tồn. Ngoài ra, toàn bộ diện tích đất, vùng đệm và các vùng xung quanh khu vực làng Hahoe (khu vực nông nghiệp, rừng hay khu vực môi trường tự nhiên cần được bảo vệ) đều nằm dưới sự kiểm soát của chính phủ. Để bảo vệ cảnh quan truyền thống của làng Hahoe, cần thiết duy trì khu rừng thông, cây xanh và khu vực ven sông. Đảm bảo sự phát triển của chiến lược du lịch văn hóa trên cơ sở bảo tồn vững chắc các ngôi nhà cổ và sự chấp nhận của người dân. Trong đó, cần đảm bảo các tiêu chuẩn cao nhất về phòng cháy chữa cháy và phản ứng cháy tại chỗ.

Mặc dù Hàn Quốc đang chuyển mình mạnh mẽ trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nhưng Hahoe vẫn bảo tồn được bản sắc vốn có. Quang cảnh hoang sơ của sông, núi, khu rừng cổ và cánh đồng lúa mênh mông bao bọc lấy ngôi làng văn hóa dân gian này đã tạo nên một khung cảnh tuyệt đẹp. Các công trình mang phong cách kiến trúc thời Joseon, nền văn hóa Nho giáo lâu đời và những màn trình diễn múa mặt nạ trong ngày mùa bội thu chính là điểm riêng biệt mà chỉ đến Hahoe, du khách mới có dịp thưởng thức các giá trị văn hóa truyền thống này.

_____________

1. Yoo Myeongjong, The Discovery of Korea, Discovery Media, Seoul, 2005, p.117.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 391, tháng 1-2017

Tác giả : BÙI THỊ ÁNH VÂN

;