KHÔNG GIAN TRONG NGHỆ THUẬT TẠO HÌNH LÊ BÁ ĐẢNG

Kể từ sau khi tốt nghiệp học viện Nghệ thuật Toulouse, Pháp, năm 1948, họa sĩ Lê Bá Đảng (1921 - 2015) đã thực hiện nhiều cuộc thử nghiệm và khám phá nghệ thuật. Từ triển lãm cá nhân đầu tiên vào năm 1950 và liên tiếp những triển lãm tiếp sau đó, ông đã tạo được những dấu ấn trong việc biểu đạt ngôn ngữ nghệ thuật tạo hình mới. Phong cách nghệ thuật của ông là sự kết tinh tinh hoa của hai trường phái hội họa Đông - Tây và kết hợp nhiều loại hình trong một tác phẩm. Lối tạo hình và biểu hiện đặc biệt này đã giúp đưa tên tuổi ông được ông vinh danh trên toàn thế giới. Lê Bá Đảng đã đóng góp một phần rất lớn vào hình hài nghệ thuật tạo hình hiện đại Việt Nam TK XX. Kỷ niệm ba năm ngày mất của họa sĩ tài danh này, VHNT giới thiệu tới bạn đọc một nghiên cứu bước đầu về yếu tố không gian trong nghệ thuật tạo hình của ông (1).

Hội họa là nghệ thuật không gian. Không gian trong tác phẩm được họa sĩ điều phối qua mối quan hệ mật thiết giữa khối hình, màu sắc, ánh sáng. Sự chuyển động của nét, biến đổi của màu, chuyển động của hình thể, đậm nhạt, sáng tối tạo nên chiều sâu cho không gian trong tác phẩm.

Thời kỳ sáng tạo của Lê Bá Đảng gắn với cuộc cách mạng không gian trong hội họa, diễn ra từ những năm cuối TK XIX, bởi xu hướng hội họa ấn tượng. Các họa sĩ hiện đại phương Tây đã tiến hành nhiều cuộc thử nghiệm để tìm kiếm sự biểu đạt mới cho hệ thống ngôn ngữ trong tác phẩm. Họ chủ động điều phối quy luật của nghệ thuật tạo hình để thực hiện một cuộc cách mạng về không gian. Quá trình tìm kiếm đã giúp họ rút ra nhận thức: Sự vật khách quan không phải là đối tượng duy nhất để kiến tạo những tác phẩm nghệ thuật. Như vậy, đã có hai thế giới hiện thực cùng tồn tại: thế giới hiện thực khách quan tồn tại độc lập và thế giới của sự nhận biết, của tư duy tồn tại bên trong tâm hồn nghệ sĩ.

Sự ra đời của chủ nghĩa lập thể và nghệ thuật trừu tượng được coi là những nhân tố quan trọng trong cuộc cách mạng này. Chủ nghĩa lập thể đã nhìn sự vật từ nhiều điểm nhìn, tiến hành phân tích mổ xẻ sự vật để tìm ra bản chất đồng thời mở rộng phạm vi không gian trên mặt phẳng. Nghệ thuật trừu tượng đã thiết lập những bố cục từ những hình hình học và ngôn ngữ thuần túy của nghệ thuật. Sự giao lưu, chuyển động của các yếu tố ngôn ngữ trong tác phẩm theo ý đồ của họa sĩ nhằm tạo một nội dung về tinh thần cho tác phẩm. Họ thể hiện rõ cách giải quyết không gian của sự nhận biết bằng ngôn ngữ của nghệ thuật tạo hình.

Trở lại với họa sĩ tài danh Lê Bá Đảng, ông đã dựng lại hình hài dân tộc Việt bằng những hình tượng hội họa được lấy từ huyền tích, lịch sử. Các tác phẩm trong nhóm tranh Từ thời đại Hùng Vương đến Hồ Chí Minh, Đường mòn Hồ Chí Minh, Các anh hùng giải phóng dân tộc, Thánh Gióng tạo nên một toàn cảnh về đất nước Việt Nam từ thuở sơ khai. Lịch sử dân tộc Việt được tái hiện bởi sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa phong cách tạo hình phương Đông với kỹ thuật hội họa hiện đại phương Tây đồng thời với sự vận dụng linh hoạt tinh hoa nghệ thuật thư pháp, nghệ thuật dụng bút và tư tưởng triết học cổ đại Trung Hoa.

Không gian của thời dựng nước được khởi đầu từ huyền thoại Thánh Gióng; một câu chuyện mang nhiều dấu ấn hư cấu về góc độ lịch sử nhưng lại là một nét văn hóa đặc sắc. Một cậu bé mới 7 tuổi đã mang trên mình sứ mạng của cả một dân tộc. Với đề tài Thánh Gióng, ngoài việc tôn vinh truyền thống văn hóa dân tộc, Lê Bá Đảng còn khẳng định sức mạnh dân tộc từ một huyền thoại. Thời kỳ dựng nước, Lê Bá Đảng đã dựng lại hình ảnh Lý Thường Kiệt và một số anh hùng dân tộc khác như Bà Trưng, Bà Triệu, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Nguyễn Trãi... làm linh hồn cho các tác phẩm. Hình ảnh non sông gấm vóc Việt Nam được hiện lên trang trọng, hào sảng theo đúng tinh thần của lịch sử dân tộc.

Thời kỳ giữ nước, hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh được Lê Bá Đảng xây dựng thành hình tượng nghệ thuật trung tâm. Một số nhân vật lịch sử khác như Nguyễn Trung Trực, Phan Bội Châu, Hoàng Hoa Thám... cũng được ông tái hiện lại với một tấm lòng trân trọng và biết ơn. Tuy chưa tìm ra được con đường cứu nước đúng đắn nhưng họ đã đóng góp nhiều công lớn trong việc khơi dậy tinh thần dân tộc trong quá trình đấu tranh giành độc lập. Tất cả đều nhằm mục đích ca ngợi ý chí, trí tuệ dân tộc, Lấy yếu chống mạnh, lấy ít địch nhiều”, và tôn vinh Hồ Chí Minh. Đặc biệt, tác phẩm có kích thước lớn mang tên Đường mòn Hồ Chí Minh không chỉ có giá trị về mặt nghệ thuật mà còn có giá trị về lịch sử. Bức tranh là một minh chứng sử thi hoành tráng về cuộc kháng chiến chống Mỹ của dân tộc Việt Nam. Khi nói về tác phẩm này, Lê Bá Đảng đã bộc bạch: “Ðồng bào tôi mở ra con đường từ Bắc đến Nam với tài trí, sức lực để tìm lẽ sống. Tôi đắp con đường với màu sắc, với mỹ thuật để tỏ lòng kính trọng những ai đã không tiếc máu xương với con đường này. Tôi đưa vào đấy tất cả tâm hồn, tài nghệ và tấm lòng cao hãnh, kính trọng những con người không chịu khuất phục’’ (2). Bên cạnh đó, ông còn vẽ một loạt tranh mang tên Phong cảnh bất khuất. Các tác phẩm này cùng hướng tới một nội dung ca ngợi tinh thần dũng cảm của nhân dân trong cuộc chiến tranh giữ nước vĩ đại. Những tấm gương hy sinh, bị giặc bắt tra tấn trong các nhà tù, tinh thần bất khuất chống giặc thà chết không đầu hàng... Lê Bá Đảng đã triển lãm các tác phẩm trên tại nhiều quốc gia ở châu Âu để tranh thủ sự ủng hộ của nhân dân yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới.

Tiếp thu và học tập những khám phá mới về không gian của các trường phái nghệ thuật hiện đại và từ gợi ý của họa sĩ P. Cezanne và các họa sĩ phương Tây đầu TK XX, Lê Bá Đảng đã nghiên cứu để tạo nên những hình tượng nghệ thuật mới. Cách tổ chức bề mặt tác phẩm của ông là sự kết hợp của đa dạng ngôn ngữ. Ông đắp nổi, trổ thủng, vẽ, in màu... và nhiều thủ pháp khác để mang lại hiệu quả về tạo hình thông qua một bố cục có tổ chức dưới dạng trừu tượng. Chính vì cách vẽ này mà không gian của ông vừa thực vừa ảo, là sự đan xen giữa biểu hiện và trừu tượng hóa. Những hình thể trong tranh của ông như vừa được khai phá dưới tầng sâu của địa giới lịch sử. Người xem có cảm giác như được trở về với một khoảng không - thời gian rất xa, như có mà cũng chưa từng được lưu trong trí tưởng người xem. Đây là điểm khác biệt độc đáo trong cách tạo hình và tạo không gian trong hội họa của Lê Bá Đảng so với các họa sĩ phương Tây cùng thời. Sự hấp dẫn của tác phẩm Lê Bá Đảng là không chỉ đem lại những khoái cảm thẩm mỹ mà còn gợi mở ý nghĩa về khoảnh khắc, dấu ấn lịch sử về sự tồn tại của con người trong một thực thể vũ trụ.

Để thiết lập tính biểu đạt mới cho không gian trong tác phẩm hội họa, Lê Bá Đảng đã mạnh dạn phá vỡ những quy phạm về tính biểu đạt của ngôn ngữ và chất liệu hội họa. Trong quá trình sáng tạo, ông không hề phân biệt rạch ròi giữa đồ họa, hội họa hay điêu khắc, bởi với ông, mọi vật thể và phương pháp tạo hình đều có thể giúp ông tạo nên hình tượng nghệ thuật tạo hình. Từ những hình khối cơ bản của mọi vật thể trong thế giới tự nhiên, ông đã tạo những từ trường về ảo giác không gian nghệ thuật. Ánh sáng và bóng tối của nghệ thuật cổ điển vẫn được ông sử dụng triệt để để tạo ra không gian và nhằm cô đọng màu sắc bản thể, đồng thời biểu đạt một tư tưởng, quan niệm trong đời sống tinh thần của mỗi kiếp người.

Màu sắc trong tranh được ông giản lược, ít màu nhưng nhiều sắc độ. Ông thường vẽ màu mỏng, trong, chú trọng nhiều đến mối quan hệ giữa các sắ độ màu và tính biểu cảm của chúng. Lê Bá Đảng chủ yếu dùng màu đen sẫm, đỏ sẫm, màu đất và xanh dương đậm. Những sắc màu ấy nhằm biểu đạt ý nghĩa nội dung chủ đề, tầng sâu hơn nữa là tư tưởng và những trạng thái tâm hồn của ông. Những chấm sáng hay dải sáng mảnh, dài, hiện ra bất chợt trong tầng sâu của nhiều lớp không gian, đã tạo nên những điểm nhấn vừa để thay đổi trạng thái không gian vừa làm nổi bật chi tiết của tác phẩm. Nó chứng minh một sự độc đáo trong việc điều phối ngôn ngữ nghệ thuật và thể hiện những kỹ năng hội họa riêng biệt của Lê Bá Đảng.

Nội dung đề tài trong quá trình sáng tạo của Lê Bá Đảng chủ yếu là hướng về nguồn cội dân tộc, là hình ảnh đất nước, làng quê, con người Việt qua các chặng đường lịch sử. Từ đó, ông tìm những thủ pháp kỹ thuật diễn tả và điều phối sáng tối, đậm nhạt để hình thành những tổ hợp không gian. Không gian trong tác phẩm của Lê Bá Đảng được thiết kế bởi một tư duy lý trí song mang đầy đủ phong vị tinh thần của một nghệ sĩ Á Đông. Nếu so sánh với các tác phẩm hội họa trừu tượng của Paul Klee, hay Kandinsky thì tranh của Lê Bá Đảng có một phong cách biểu đạt hoàn toàn khác biệt, bởi nó không đơn giản chỉ là kết cấu của một tổ hợp những ngôn ngữ tạo hình trên bề mặt tác phẩm mà nó còn hàm chứa sắc thái tư tưởng của một thế giới tâm linh đang tồn tại, ngự trị đâu đó trong tinh thần và tình cảm của mỗi con người.

Lê Bá Đảng thiết lập sợi dây liên kết giữa các mảng hình thể bằng những chấm tròn hay hình quả trám. Sự giao thoa giữa chúng và các mảng hình thể trong tác phẩm tạo nên nhịp điệu, tiết tấu của một bản giao hưởng không gian. Ở đây, người thưởng thức có thể nhận thấy sự xuất hiện một thế giới hiện thực mà đầy huyền ảo lãng mạn. Có thể coi tác phẩm của ông là những kiệt tác không gian về thế giới vĩnh hằng của vũ trụ nhân sinh, đời sống nội tâm con người, sự biến đổi và hoàn thiện toàn vẹn của giới tự nhiên.

Từ ngôn ngữ tạo hình trừu tượng, Lê Bá Đảng đã sáng tạo ra nhiều khoảng không gian của quá khứ, thực tại và tương lai. Hiện thực được gợi lại như một thế giới ảo ảnh, chứa đựng nhiều cảm giác. Xem tranh Lê Bá Đảng, ban đầu người thưởng thức cảm thấy tác phẩm như là sự phối hợp, sắp xếp của các hình hình học (vuông, tròn, tam giác, chữ nhật...), gợi ra hình ảnh những vật thể không rõ ràng, như thể đó là những sinh linh đang tồn tại trong vũ trụ, đem lại những cảm nhận lạ và thú vị từ phía những người thưởng thức.

Không gian Lê Bá Đảng thể hiện một con đường hội họa riêng biệt, tân kỳ, một phong cách phá vỡ mọi hình thức, hướng tới sự tự do trong biểu đạt các ý tưởng nghệ thuật đồng thời khẳng định một cá tính đặc biệt mạnh mẽ, một đời sống nội tâm sâu sắc, một trường nhìn rộng lớn, sang trọng và hào hoa.

Hội họa Lê Bá Đảng là hội họa tổng hợp đa ngôn ngữ, nó vượt qua mọi rào cản định kiến đã từng tồn tại nhiều thập kỷ trước đó. Sự phối hợp tổng hòa của nhiều loại hình giúp Lê Bá Đảng tự do trong chuyển tải cảm xúc và biểu đạt, biểu hiện nghệ thuật. Những trải nghiệm thăng trầm của đời sống cá nhân chính là nguyên liệu cho tư duy lý trí, thâm sâu về nghệ thuật tạo hình. Cùng với bản lĩnh nghề nghiệp, trí tuệ và tài năng... tất cả đều là nền tảng quan trọng để ông kiến tạo những kiệt tác nghệ thuật. Nghệ thuật của ông chính là tinh hoa của một tâm hồn Việt đã được tôi luyện, rèn rũa để tỏa sáng.

Không gian trong nghệ thuật Lê Bá Đảng là một hiện tượng đặc biệt trong lịch sử mỹ thuật Việt Nam hiện đại. Các tác phẩm nghệ thuật của ông nói chung và về chủ đề không gian nói riêng đã định rõ một tài năng trong lĩnh vực nghệ thuật tạo hình. Nghệ thuật của ông đã minh chứng một điều: Yếu tố môi trường sống hay kỹ thuật nghề nghiệp chỉ là phương tiện hỗ trợ còn tư tưởng tình cảm cá nhân của người họa sĩ mới thực sự là yếu tố quyết định trong sáng tạo nghệ thuật.

Nghệ thuật Lê Bá Đảng là một di sản văn hóa cần được trân trọng. Các tác phẩm của ông không chỉ là những giá trị về nghệ thuật tạo hình mà còn là những giá trị thuộc về văn hóa Việt Nam.

_______________

1. Họa sĩ Lê Bá Đảng qua đời ngày 7-7-2015. Ở Huế hiện có Trung tâm nghệ thuật Lê Bá Đảng, hoạt động từ năm 2006, nơi lưu giữ nhiều tác phẩm và hiện vật từng gắn bó với hành trình sáng tạo của họa sĩ tài danh. Từ năm 2016, Quỹ Sáng tạo Lê Bá Đảng cũng chính thức hoạt động dưới sự điều hành của Chủ tịch Quỹ, đạo diễn điện ảnh Đặng Nhật Minh. Quỹ tìm kiếm, tuyển chọn và trao tặng học bổng cho sinh viên nghệ thuật có thành tích học tập xuất sắc và lập Giải thưởng sáng tạo Lê Bá Đảng dành cho các cá nhân họa sĩ, nhà điêu khắc có những sáng tạo nổi bật.

2. Trích trong một bài viết của Lê Bá Đảng, lưu trữ tại Trung tâm nghệ thuật Lê Bá Đảng, Huế. 

Nguồn : Tạp chí VHNT số 405, tháng 3 - 2018

Tác giả : LƯƠNG CÔNG TUYÊN

;