Khoan dung văn hóa và những vấn đề đặt ra trong bối cảnh hiện nay

   1. Đặc trưng của khoan dung trong văn hóa Việt Nam

   Sự thích ứng và bản địa hóa, các giá trị văn hóa

   Trong lịch sử phát triển của dân tộc ta, hiện tượng những tôn giáo lớn khi du nhập vào Việt Nam bị bản địa hóa theo tín ngưỡng, lối sống và cách tư duy của người Việt Nam không phải là điều hiếm gặp. Phật giáo là một ví dụ. Khi vào Việt Nam, trong quá trình giao lưu với các tín ngưỡng bản địa, Phật giáo đã ngay lập tức kết hợp chặt chẽ với các tín ngưỡng này, tạo nên những nét đặc trưng của Phật giáo Việt Nam. Kết hợp với tín ngưỡng thờ thần của người dân bản địa, Phật giáo Việt Nam đã tạo nên hệ thống Tứ pháp. Những ngôi chùa thờ Tứ pháp, tuy mang hình dáng chùa của Phật giáo, nhưng thực chất vẫn là những đền, miếu dân gian thờ các vị thần tự nhiên của người bản địa. Người Việt còn đưa thần thánh, thành hoàng làng, thổ địa, các anh hùng dân tộc có công với nước vào trong chùa, tạo nên một lối kiến trúc độc đáo tiền Phật, hậu thần. Đó không chỉ là nơi người dân đến cầu an lành, hạnh phúc, mà còn là nơi hội họp, sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của người dân lao động bên cạnh ngôi đình làng. Chùa còn là nơi giải thoát cho những linh hồn của những người đã mất. Chính vì vậy, hầu như không có ngôi chùa nào ở Việt Nam mà lại không có bia hậu, khu vực dành riêng để bát nhang tưởng nhớ những linh hồn đã khuất. Ở đây, sự bản địa hóa đã làm cho Phật giáo ở Việt Nam dần trở thành một tôn giáo nhập thế, khác xa với nguồn gốc xuất thế của nó.

   Đến từ phương Tây xa xôi, ngay từ ban đầu, Công giáo đã không thể phát triển mạnh mẽ như Phật giáo, Nho giáo hay Đạo giáo. Về sau, nhờ sự mềm dẻo, linh hoạt trong hoạt động truyền giáo, cùng với những giá trị tích cực, Công giáo nói riêng, văn hóa phương Tây nói chung đã ảnh hưởng khá sâu rộng trong nhiều lĩnh vực đời sống của người dân cũng như trong văn hóa Việt Nam. Chính ở đây, Công giáo và văn hóa phương Tây cũng từng bước bị bản địa hóa. Với sự mềm dẻo, biện chứng vốn có trong tâm thức của cư dân nông nghiệp vùng lúa nước, người dân đã tự tìm cho mình con đường chuyển hóa linh hoạt, tiếp nhận những giá trị có ích của văn hóa phương Tây, đồng thời biến đổi chúng cho phù hợp với lối sống của mình. Với sự thâm nhập, chuyển hóa của tư tưởng yêu nước, tinh thần cố kết cộng đồng bền chặt, lối sống nặng về tình cảm của người Việt Nam, những giáo dân Việt Nam đã và đang thực sự hòa mình với dân tộc, với khối đại đoàn kết dân tộc, tự giác xây dựng cho mình con đường “kính Chúa yêu nước”, đề cao tinh thần “sống phúc âm trong lòng dân tộc” (1).

   Sự hòa hợp tôn giáo, tín ngưỡng

   Nằm trên ngã ba đường của sự giao lưu văn hóa, kinh tế của phương Đông và phương Tây, không chỉ các giá trị văn hóa mà cả các tôn giáo lớn trên thế giới dường như đều có mặt ở Việt Nam. Khi vào nước ta, chúng được biến đổi cho phù hợp với lối sống và tâm lý của người dân. Điều đáng nói ở đây là, trong quá trình hòa nhập và bản địa hóa, các tôn giáo ở Việt Nam có thể chung sống hòa bình với nhau, tạo nên một sự hòa hợp rộng rãi” (2). Nghiên cứu lịch sử phát triển của dân tộc, một điều dễ dàng nhận thấy là, mặc dù có sự thâm nhập, giao thoa của rất nhiều loại hình tôn giáo, nhưng ở Việt Nam chưa hề có mâu thuẫn dẫn đến xung đột hay chiến tranh tôn giáo. Những khác biệt, tôn giáo thường không gay gắt và dường như được dung hòa bởi tính cố kết cộng đồng, lối sống tình cảm của người dân. Bước vào nơi linh thiêng nhất của người Việt - ngôi chùa làng, hiện tượng các vị thánh thần, Phật được thờ chung một điện là khá phổ biến. Bên cạnh đó, hiện tượng hòa hợp các tôn giáo cũng được thể hiện một cách rõ nét. Chẳng hạn, cùng giải thích về đạo đức, Nho giáo dạy nhân nghĩa, Đạo giáo dạy yêu quý thiên nhiên và sự sống, Phật giáo cấm sát sinh. Hay như khi bàn đến đời sống của con người, Nho giáo nhấn mạnh tới mặt tổ chức xã hội, Đạo giáo nhấn mạnh tới phần thân xác con người sao cho khỏe mạnh, Phật giáo chú trọng đến tâm linh của con người thoát khỏi cái khổ… Đó là những điều rất gần gũi với đời sống, với ước mong sống hạnh phúc, bình yên của người dân. Do vậy, người dân tiếp nhận cả ba tôn giáo, đồng thời lĩnh hội và phát huy những cái hay, cái tiến bộ của từng tôn giáo trong cuộc sống, làm cho các tôn giáo hỗ trợ, bổ sung mà không mâu thuẫn với nhau. Chính vì thế, ở thời xưa, cùng một người Việt Nam, “khi trẻ thì học Nho để ra giúp nước, khi khổ ải trầm luân thì cầu khấn Phật Trời phù hộ, khi ốm đau già yếu thì mời đạo sĩ chữa bệnh trừ tà hoặc luyện tập dưỡng khí an thần” (3).

   Có thể thấy rằng, văn hóa Việt Nam không những đã dung hợp các tôn giáo ngoại sinh mà hơn nữa, đã bản địa hóa chúng, kết hợp chúng với tín ngưỡng bản địa, tạo nên sự độc đáo riêng biệt trong đời sống sinh hoạt tinh thần cũng như trong văn hóa của dân tộc.

   Sự chủ động trong tiếp nhận các giá trị văn hóa

   Trong lịch sử hình thành và phát triển của đất nước, sự du nhập các giá trị văn hóa từ bên ngoài vào Việt Nam chủ yếu theo con đường áp đặt, qua bước chân của những kẻ xâm lược. Nhưng chính ở đây, yếu tố mềm dẻo, linh hoạt, sự khoan dung, thuần hậu vốn có trong văn hóa Việt Nam đã phát huy vai trò to lớn. Sự tấn công mạnh mẽ của các giá trị văn hóa bên ngoài đã góp phần thay đổi văn hóa Việt Nam ở một số lĩnh vực nhất định, song không phải tất cả những giá trị đó đều phát huy tác dụng, ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống của người Việt Nam. Điều gì có lợi, phù hợp với người Việt Nam thì được tiếp nhận, được biến đổi; điều gì không phù hợp thì chỉ có thể được chấp nhận một phần nào đó để tìm cách cải biến cho phù hợp hoặc bị đào thải.

   Sự chủ động tiếp nhận văn hóa ngoại sinh trong thời kỳ cuối TK XIX, đầu TK XX là một ví dụ điển hình. Trong tình thế bị đồng hóa, nhân dân Việt Nam chỉ đứng lên đấu tranh với thực dân Pháp mà không chống lại văn hóa, văn minh tiến bộ của Pháp. Với sự truyền bá những tư tưởng tiến bộ, cách mạng vào Việt Nam, văn hóa Pháp đã tạo nên sự biến đổi sâu sắc trong văn hóa Việt Nam, thức tỉnh người dân tinh thần yêu nước, kích thích nhu cầu nâng cao dân trí để phát triển đất nước, đấu tranh đòi độc lập dân tộc; đặc biệt, văn hóa Pháp đã góp phần hình thành những ngành khoa học mới ở Việt Nam, trong đó có nhiều ngành khoa học xã hội và nhân văn.

   Đứng dưới góc độ văn hóa, toàn cầu hóa là sự giao lưu văn hóa, tư tưởng giữa các dân tộc nhờ các phương tiện thông tin hiện đại. Thông qua toàn cầu hóa văn hóa, các dân tộc thiết lập được một nền văn hóa chung cho cả nhân loại. Tuy nhiên, trên thực tế, toàn cầu hóa văn hóa làm nảy sinh nhiều vấn đề, đặc biệt trong quá trình bảo vệ và phát triển các giá trị truyền thống lâu đời của mỗi dân tộc. Đây được xem là thách thức không nhỏ đối với nền văn hóa Việt Nam nói chung, giá trị khoan dung Việt Nam nói riêng.

   Khoan dung Việt Nam trong thời đại hiện nay thể hiện qua việc chủ động giao lưu, học hỏi tinh hoa văn hóa nhân loại, từ đó làm giàu thêm bản sắc văn hóa dân tộc. Khoan dung không bao hàm sự nhượng bộ mà là sự tôn trọng, chấp nhận trên tinh thần dung hòa những khác biệt. Trước những cơn lốc thông tin đang lan nhanh trên phạm vi toàn thế giới, khoan dung Việt Nam đóng vai trò tích cực trong việc hình thành nên tấm màng chắn, bảo vệ giá trị truyền thống trước những thách thức của thời đại.

   Bên cạnh những tích cực, toàn cầu hóa cũng đem đến không ít tiêu cực: chủ nghĩa vị kỷ, tệ nạn xã hội, giáo dục bị thương mại hóa, tính cộng đồng mờ nhạt, sự ngự trị của đồng tiền, văn hóa trở thành hàng hóa ở một chừng mực nhất định... Thông qua toàn cầu hóa, các nước đế quốc chủ nghĩa thực hiện các vấn đề như quyền lực mềm, xung đột sắc tộc và những cuộc chiến tranh... đe dọa cuộc sống con người. Không ngoài những xu thế đó, Việt Nam đang chịu những thách thức không nhỏ trước nhiều biến động của thế giới.

   2. Những vấn đề đặt ra trong bối cảnh mới

   Để tiếp tục phát huy được vai trò của khoan dung văn hóa trước xu thế toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế hiện nay, cần quán triệt các yêu cầu có tính nguyên tắc.

   Tiếp thu có chọn lọc những giá trị của các nền văn hóa khác

   Sự phát triển văn hóa Việt Nam trải qua bao thăng trầm của thời gian đã có sự tiếp thu, hòa nhập nhiều giá trị văn hóa khác nhau, bao gồm cả văn hóa phương Đông và văn hóa phương Tây. Với tinh thần khoan dung văn hóa, trong quá trình giao lưu, hội nhập với các nước phát triển, chúng ta đã tiếp thu được nhiều giá trị và kinh nghiệm sáng tạo mới. Mặc dù vậy, chúng ta cần phải chọn lọc những chuẩn mực giá trị mới phù hợp với mục tiêu phát triển văn hóa và nhân cách Việt Nam. Đó là những giá trị gắn liền với mục tiêu: dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh; những giá trị gắn với sự phát triển đa dạng và toàn diện nhân cách; những giá trị gắn với chân - thiện - mỹ.

   Ngăn ngừa và đấu tranh chống sự xâm nhập các sản phẩm phản văn hóa

   Cùng với việc tiếp thu có chọn lọc những giá trị của các nền văn hóa khác, cần tích cực ngăn ngừa và đấu tranh chống sự xâm nhập các sản phẩm phản văn hóa. Đảng ta khẳng định: “…còn tồn tại những biểu hiện thiếu lành mạnh, ngoại lai, trái với thuần phong, mỹ tục... Tình trạng nhập khẩu, quảng bá, tiếp thu dễ dãi, thiếu chọn lọc sản phẩm văn hóa nước ngoài đã tác động tiêu cực đến đời sống văn hóa của một bộ phận nhân dân…” (4). Điều này không có nghĩa là tự cô lập, bài xích văn hóa mà là bảo vệ các giá trị tốt đẹp của dân tộc, khoan dung nhưng không hòa tan văn hóa. Trong giai đoạn hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và toàn diện, những nguy cơ về “xâm lăng văn hóa”, văn hóa lai căng, phản động càng nguy hiểm hơn. Bởi vậy, chúng ta cần cảnh giác với chiến lược “diễn biến hòa bình” mà các thế lực thù địch đang sử dụng với mục đích xóa bỏ chế độ XHCN mà Đảng và nhân dân ta đã lựa chọn.

   Tăng cường giới thiệu lịch sử, đất nước, con người và văn hóa Việt Nam ra thế giới

   Không chỉ tiếp thu, khoan dung văn hóa còn bao hàm cả chức năng đóng góp những giá trị văn hóa tốt đẹp, đặc sắc của dân tộc Việt Nam để làm phong phú, đa dạng giá trị văn hóa của nhân loại. Những giá trị điển hình như tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, lối sống nhân văn cao cả, đoàn kết cộng đồng chính là những giá trị có vai trò rất lớn đối với sự phát triển của nhân loại, là động lực to lớn để thúc đẩy các dân tộc không ngừng đấu tranh bảo vệ mình trước nguy cơ bành trướng của các thế lực phản tiến bộ.

   Có thể nói, truyền thống khoan dung là một trong những đặc trưng tiêu biểu giúp nền văn hóa Việt Nam tồn tại qua bao thăng trầm của lịch sử, góp phần khẳng định bản sắc văn hóa của dân tộc trong sự giao lưu, tiếp biến với các nền văn hóa khác trong khu vực và trên thế giới. Khoan dung ngày nay với hàm nghĩa sâu sắc là sự khoan hòa chấp nhận những khác biệt giữa con người nói chung, các cộng đồng dân tộc nói riêng, giúp chúng ta kiến lập được một trạng thái ổn định, hòa bình, phát triển trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau. Trong điều kiện mới, việc phát huy hơn nữa truyền thống khoan dung của văn hóa Việt Nam sẽ góp phần khẳng định bản sắc văn hóa dân tộc, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

_________________

   1, 2, 3. Trần Ngọc Thêm, Cơ sở văn hóa Việt Nam, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1999, tr.291, 301, 302.

   4. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016, tr.125.

 

Tác giả: Trịnh Khắc Mừng

Nguồn: Tạp chí VHNT số 422, tháng 8-2019

 

 

;