Hoạt động thông tin địa chí thông tin về mọi mặt kinh tế, văn hóa, chính trị và tình hình phát triển của địa phương, mang tính đặc thù của các thư viện tỉnh, thành phố. Bài viết đề cập tới hoạt động thông tin địa chí tại một số nước điển hình trên thế giới như: Nga, Anh (châu Âu), Mỹ (châu Mỹ), Trung Quốc (châu Á), các nước Đông Nam Á, nhằm học hỏi, ứng dụng những kinh nghiệm phù hợp với đất nước ta.
Hoạt động thông tin địa chí tại Nga
Từ TK XIX, hoạt động địa chí của Thư viện công cộng Hoàng gia Nga đã được thực hiện. Ông M.A.Korfu, giám đốc thư viện là người đầu tiên quan tâm đến việc thu thập, xây dựng vốn tài liệu viết về Nga, bao gồm những tài liệu viết về các vùng đất, dân tộc Nga bằng bất cứ ngôn ngữ gì, xuất bản ở đâu. Sau Cách mạng tháng Mười năm 1917, hoạt động địa chí Nga được quan tâm hơn và việc xây dựng, phát triển vốn tài liệu địa chí trở thành nhu cầu cần thiết, phục vụ cho việc xây dựng, phát triển các địa phương. V.I.Lênin, cũng rất quan tâm đến việc thu thập vốn tài liệu địa chí. Ông đã chỉ thị cho chính quyền Xô Viết phải có trách nhiệm tập hợp vào thư viện những báo cáo, tổng kết kinh nghiệm quản lý của các cơ quan, tổ chức địa phương (1).
Hiện nay, hoạt động thông tin địa chí tại Nga cũng rất được coi trọng, luôn luôn được các thư viện ưu tiên, đặc biệt là công tác sưu tầm, phát triển vốn tài liệu. Thư viện Quốc gia Nga bổ sung đa dạng các tư liệu về địa phương, tài liệu về lịch sử khoa học, nghệ thuật, chú trọng tới việc hình thành kho tài liệu nghiên cứu về nước Nga (Nga học) (2). Các thư viện khuyến khích, thu hút tất cả những người quan tâm về lịch sử, văn hóa khu vực, thu thập tài liệu lịch sử, quảng bá kiến thức địa chí với nhiều hình thức: triển lãm sách, ảnh, triển lãm của nghệ sĩ dân gian, tọa đàm, họp mặt, tour du lịch, ngày kỷ niệm của địa phương... Bên cạnh đó, xu hướng xây dựng thư viện trong các bảo tàng vừa tăng hiệu quả hoạt động của thư viện, tăng số lượng khách du lịch, vừa thuận tiện trong việc tổ chức các cuộc thảo luận (3). Các thư viện liên hệ với các cơ quan văn hóa, chính quyền thành phố, cơ sở giáo dục về việc phát triển hoạt động địa chí, hình thành các câu lạc bộ lịch sử địa phương, tạo một bảo tàng thiên nhiên và lịch sử của khu vực. Thư viện cũng tích cực trong việc phối hợp công việc với nhà trường, viện bảo tàng. Hoạt động địa chí còn được thực hiện ở các trường đại học với trung tâm thông tin địa chí, khuyến khích sinh viên, giáo viên nghiên cứu lịch sử địa phương (4).
Bên cạnh đó, nước Nga cũng có đóng góp khá nhiều về lý luận hoạt động thông tin địa chí, tổ chức nhiều hội thảo chuyên đề, nhận được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo. Việc thu thập phát triển vốn tài liệu địa chí được coi trọng, khuyến khích, thu hút xây dựng và phát triển vốn tài liệu bằng nhiều hình thức. Cán bộ thư viện Nga năng động trong công tác phối hợp, liên kết giữa các thư viện. Hoạt động thư viện được tích hợp theo mô hình: thư viện - lưu trữ - bảo tàng. Hoạt động xã hội hóa được khuyến khích, phát triển triển khai và đã mang lại hiệu quả cao.
Hoạt động thông tin địa chí tại Anh
Ở Anh, theo J.Fisher, năm 1877 tại thư viện Mitchell, thành phố Glasgow, hoạt động địa chí đã được thực hiện (5). Hoạt động xây dựng, phát triển vốn tài liệu địa chí được quan tâm và đầu tư, vốn tài liệu địa chí được thu thập và quản lý ở các Trung tâm lịch sử địa phương. Trong đó, các thư viện địa chí thuộc trung tâm thực hiện công tác thu thập, xử lý, tổ chức tài liệu địa chí để phục vụ cho việc nghiên cứu về địa phương. Các thư viện tỉnh, thành phố ở nước Anh đã phối hợp với các cơ quan nghiên cứu địa phương tạo ra tài liệu địa chí cho thư viện, như quay video về lối sống của một địa điểm dân cư, ghi âm lời nói của những bô lão các dân tộc ít người.
Về phân loại tài liệu địa chí, cán bộ thư viện sử dụng bảng phân loại Dewey, một số thư viện địa phương còn biên soạn bảng tra chủ đề, bảng từ khóa để mô tả nội dung cho tài liệu.
Từ những năm 50 của TK XX, vấn đề tổ chức bộ máy tra cứu địa chí nói chung, tổ chức mục lục địa chí nói riêng đã được đề cập đến, bao gồm nhiều khía cạnh khác nhau như mục lục, cách tổ chức mục lục địa chí liên hợp... Mục lục địa chí được tổ chức thành 3 loại: môn loại, địa lý, nhân vật.
Về thư mục địa chí, trong các thư viện địa phương, có một bộ phận chuyên trách về nhân vật, dòng họ, gia tộc ở địa phương. Vì vậy, loại thư mục về nhân vật, dòng họ, gia phả, gia tộc được biên soạn nhiều. Các hình thức thông tin như tổng luận đã được sản xuất và sử dụng nhiều để khắc phục hiện tượng bùng nổ thông tin, khủng hoảng thông tin.
Các thư viện tổ chức hình thức cho độc giả mượn, đọc tài liệu gữa các thư viện với những tài liệu không được phép photocopy, không thể mua bán, trao đổi... Với hình thức này bạn đọc có thể đọc được những tài liệu cần mà ở thư viện mình không có.
Về quảng bá, tuyên truyền hướng dẫn sử dụng các sản phẩm và dịch vụ thông tin của thư viện cũng quan trọng như việc sản xuất các sản phẩm và dịch vụ thông tin. Ở Anh, cán bộ thư viện chưa có nhận thức đúng đắn về hoạt động này, chưa hiểu được sự cần thiết của việc quảng bá, tuyên truyền về sản phẩm thông tin địa chí. Thông tin phải do chính bạn đọc tìm thấy, việc trả tiền cho các dịch vụ thông tin được coi là hạ thấp nhân phẩm của cả người đưa và nhận.
Công nghệ thông tin cũng được ứng dụng vào các hoạt động thông tin địa chí. Điển hình, thư viện quốc gia của Vương quốc Anh đưa hình ảnh một số lượng lớn tài liệu quý hiếm (30.000 hình ảnh) trong sưu tập lên mạng tạo thành một phòng triển lãm trực tuyến (6).
Ngoài ra, lý luận về hoạt động thông tin địa chí rất được quan tâm và thường được đề cập trên các tạp chí chuyên ngành, đặc biệt như Tạp chí Local Studies librarian của Nhóm nghiên cứu địa chí CILIP ở nước Anh, xuất bản từ năm 1982. Những nghiên cứu địa chí của các thư viện được công bố hai lần mỗi năm. Các công trình này thường ngắn gọn, cô đọng, chủ yếu phản ánh hoạt động địa chí của các thư viện địa phương. Trong vai trò của mình các thư viện địa phương cũng quan tâm đến tổ chức bộ sưu tập tài liệu địa chí từ các tài liệu không công bố, các tư liệu truyền miệng ghi trên băng, đĩa từ.
Hoạt động thông tin địa chí được thực hiện theo mô hình: trung tâm lịch sử địa phương - thư viện địa chí. Hoạt động phối hợp với các cơ quan để tạo ra tài liệu địa chí đa dạng, phục vụ người dùng tin bằng mượn liên thư viện, triển lãm trực tuyến nhằm giới thiệu tài liệu quý hiếm, hoạt động lý luận thường xuyên để trao đổi, nâng cao hiệu quả hoạt động.
Hoạt động thông tin địa chí tại Mỹ
Các bộ sưu tập kho sách của các cá nhân cuối TK XVIII đầu TK XX là cơ sở để các thư viện Mỹ tiến hành hoạt động địa chí. Bộ sưu tập này bao gồm các tài liệu lịch sử, văn hóa, kinh tế, xã hội, tự nhiên của một địa phương cụ thể, nhân vật nổi tiếng, gia phả, dòng họ và sách hướng dẫn tra cứu theo địa chí, số điện thoại sẵn có, thậm chí cả phong bì, tem thư.
Hiện nay, hơn 800 thư viện công cộng vùng và thành phố thuộc các bang của Mỹ đóng vai trò chủ đạo trong hoạt động địa chí thư viện. Công tác bổ sung, sưu tầm tài liệu có mục đích rõ ràng, hướng độc giả quan tâm tới phạm vi lãnh thổ chứ không giới hạn ở khu vực. Đặc biệt, các thư viện tỉnh, thành phố rất coi trọng việc thu thập tài liệu viết tay và không công bố, bao gồm nhật ký, hồi ký các ghi chép đi đường, thư từ của từng cá nhân, tư liệu về nhà thờ, lễ thánh, ma chay, cưới xin, các tư liệu về sổ sách, xuất nhập của các hãng, công ty... Rất nhiều tư liệu được ghi trên băng từ về những câu truyện của các nhân chứng cụ thể của sự kiện nào đó, các cuộc phỏng vấn, bài phát biểu của các nhân vật nổi tiếng. Với cách làm này sẽ giúp cho độc giả xem xét lịch sử cụ thể hơn, so sánh các quan điểm khác nhau và nói về con người, sự kiện ở địa phương sống động hơn. Ngoài ra, việc thu thập, cung cấp tài liệu địa chí có cả ở trong các trường đại học.
Ở Mỹ đào tạo cán bộ thư viện theo chế độ tín chỉ, đầu vào là những sinh viên đã tốt nghiệp đại học thuộc các chuyên ngành khác nhau, trong đó có chuyên ngành lịch sử. Với cách đào tạo của Mỹ, sau khi ra trường sinh viên có thể làm việc ở bất kỳ thư viện nào, khâu nghiệp vụ nào và có thể làm tốt ở một lĩnh vực chuyên sâu, đặc biệt, những người tốt nghiệp chuyên ngành lịch sử có thể làm việc chuyên sâu về hoạt động thông tin địa chí hơn cả (7).
Hoạt động thông tin địa chí tại Trung Quốc
Các thư viện Trung Quốc có rất nhiều kinh nghiệm trong việc sưu tầm, lưu giữ bảo quản và phục chế sách cổ nói riêng và di sản thư tịch nói chung. Tin học hóa và việc sử dụng internet với việc kiểm soát truy cập chặt chẽ đã được triển khai ở hầu hết các thư viện trung ương và thư viện tỉnh. Các dịch vụ thông tin thư viện phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển nông nghiệp, nông thôn đã được triển khai. Nhiều tiêu chuẩn quốc tế đã được áp dụng, một số công trình nghiên cứu của Trung Quốc trong lĩnh vực thư viện đã đạt chuẩn quốc tế, mặc dù Trung Quốc vẫn sử dụng một khung phân loại riêng mang tính quốc gia (8).
Điều đó cho thấy, việc ứng dụng công nghệ thông tin đã và đang mạnh mẽ ở các thư viện tỉnh, thành phố ở Trung Quốc, việc ứng dụng công nghệ thông tin sẽ tăng cường vốn tài liệu số hóa và tạo ra các sản phẩm và dịch vụ thông tin địa chí đa dạng.
Hoạt động thông tin địa chí tại các nước Đông Nam Á
Hoạt động thông tin thư viện trong đó có hoạt động thông tin địa chí của các nước khu vực Đông Nam Á đang trên đà phát triển. Những thành tựu trong lĩnh vực hiện đại hóa hoạt động thông tin - thư viện ở khu vực Đông Nam Á không tách rời với sự quan tâm và nỗ lực của chính phủ các nước ASEAN. Việc ứng dụng công nghệ vào hoạt động thông tin về địa phương cũng được triển khai rầm rộ. Tại Singapore tổ chức cổng Những trang Singapore giới thiệu những hình ảnh quý hiếm số hóa về lịch sử Singapore. Thư viện quốc gia Thái Lan thực hiện Dự án số hóa các giải thưởng văn học Đông Nam Á cũng như sách hiếm, sách cổ, các bản chép tay. Thư viện Quốc gia Inđônêsia chọn lọc để số hóa các tư liệu và hình ảnh các đền, chùa ở các nước ASEAN. Ngày 19-4-2005, Philippin khánh thành thư viện điện tử công cộng đầu tiên, lưu giữ 25 triệu trang tài liệu số hóa bao gồm sách hiếm, xuất bản phẩm nhiều kỳ, xuất bản phẩm của chính phủ, bản đồ, ảnh và luận văn, luận án của nước mình.
Như vậy, ở các nước Đông Nam Á việc số hóa những tài liệu địa chí, những hình ảnh về lịch sử địa phương, đất nước là một bước tiến quan trọng, giúp cho những thông tin về địa phương được bảo quản bằng các phương tiện hiện đại và được phổ biến rộng rãi trong nhân dân.
Nhìn chung, phụ thuộc vào đặc điểm của từng địa phương, hoạt động thông tin địa chí có những nét khác nhau, nhưng chủ yếu các thư viện đều có những định hướng phù hợp để thực hiện tốt việc tuyên truyền và thông tin về địa phương. Qua nghiên cứu, tìm hiểu hoạt động thông tin địa chí của một số thư viện trên thế giới có thể thấy:
Hiện nay, các nước trên thế giới đều nhận thức được vai trò của hoạt động thông tin địa chí đối với sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Các nước đều có chính sách đầu tư xây dựng các trung tâm thông tin địa chí để lưư trữ, bảo quản di sản, thư tịch. Trung tâm thông tin địa chí sẽ là những trung tâm thông tin, văn hóa của cộng đồng, của mọi tầng lớp nhân dân trong xã hội.
Các nước đều có chính sách phát triển vốn tài liệu ở thư viện bằng nhiều hình thức, phương pháp, coi trọng việc phát triển vốn tài liệu địa chí, bảo quản di sản thư tịch của địa phương, đất nước.
Sản phẩm và dịch vụ thông tin địa chí đa dạng, phong phú, góp phần quan trọng vào việc tuyên truyền và quảng bá các sản phẩm, dịch vụ, hướng về người sử dụng, đem lại hiệu quả cao.
Công nghệ thông tin được ứng dụng vào các hoạt động thông tin địa chí, tăng cường vốn tài liệu, lưu giữ, bảo quản thư tịch cổ và tạo ra các sản phẩm, dịch vụ thông tin địa chí đa dạng.
Hoạt động xã hội hóa được khuyến khích và phát triển triển khai, đã mang lại hiệu quả cao.
Vấn đề đào tạo nhân lực được quan tâm và đầu tư, sau khi ra trường cán bộ thư viện có khả năng nắm bắt được kỹ thuật tổ chức nguồn thông tin, tri thức, biết sử dụng các phương tiện tìm tin hiện đại, có tinh thần tự học, không ngừng mở rộng kiến thức.
_____________
1, 7. Nguyễn Thị Thư, Hoạt động thông tin địa chí ở các thư viện tỉnh, thành phố phía Nam hiện nay, Đề tài cấp bộ, Bộ Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2005.
2, 6, 8. Tổng quan kinh nghiệm nước ngoài trong hoạt động thư viện, duthaoonline.quochoi.vn
3. Краеведческая работа муниципальных библиотек Как, rba.ru
4. Краеведческая работа библиотек края - Эра, altlib.ru
5. Butrenkov, Географические каталоги советская школа, Москва, 1984.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 387, tháng 9-2016
Tác giả : VŨ THỊ THÚY CHINH