Tôi trở về quê vào một ngày cuối tháng Chạp, khi ánh nắng mùa đông hanh vàng phủ tràn cả một khoảng không bao la, lên vạt mùi già của mẹ trĩu hạt đang đung đưa trước gió. Mẹ chậm rãi bước ra vườn, tay cầm liềm cắt sát gốc rồi dùng chính thân cây mùi già bó lại thành từng bó. Đứng giữa khoảnh vườn nhỏ, chạy xộc thẳng vào mũi tôi là mùi của cây mùi già hăng hắc, thoang thoảng nồng nàn thơm thơm. Lúc đó, đầu tôi đã mường tượng ra buổi chiều cuối năm với một nồi nước mùi già to đùng, khói bốc lên nghi ngút mẹ nấu sẵn cho cả nhà tắm. Nghe đâu đây Tết đã sắp về tới hiên nhà.
Những bó mùi già được mẹ mang vào sân, tận dụng chút nắng ít ỏi và bắt đầu phơi chúng. Có lẽ đây là đợt nắng cuối cùng của mùa đông. Thật may, tuy nắng yếu ớt nhưng khí trời mát mẻ, độ ẩm xuống thấp nên cây mùi già nhanh chóng được khô khén. Tôi nhớ hồi còn bé xíu, mẹ vẫn thường giao nhiệm vụ cho hai chị em ra vườn cắt cây mùi già rồi mang vào sân phơi. Từ buổi chiều hôm trước ra thăm vườn, thấy những quả mùi già chín, mẹ đã đánh tiếng ngày mai bắt đầu thu hoạch là hai chị em sẵn sàng tinh thần làm nhiệm vụ đi cắt mùi. Mùi được mẹ gieo khoảng ba tháng trước. Hai phần ba luống mẹ nhổ bán làm rau thơm cho thương lái, phần còn lại thì dùng làm giống lấy hạt và nấu nồi nước tắm tất niên.
Mùi là loại rau thơm không thể thiếu trong các món ăn. Từ nấu canh, làm nộm hay làm nem rán chỉ cần bỏ một nhúm rau vào là món ăn đã lên một tầng cao khác biệt. Chúng làm nổi bật hương vị của món ăn chính. Cây mùi già lớn lên cao ngất ngưởng đến thắt lưng trẻ con lên 7. Tự bản thân cây đã mang một mùi thơm dịu nhẹ, lúc già dường như lại càng thêm đặc biệt. Giữa không gian bao la, gió mùa đông phơ phất, một chiều đứng giữa vạt mùi già, khoang mũi tôi chợt khựng lại. Cái mùi dân dã thân thuộc biết nhường nào: hăng hắc, nồng nàn nhưng cũng rất ngọt ngào. Đó là sự kết tinh từ dinh dưỡng của đất, trời và của tiết trời mùa đông lạnh giá.
Tôi luôn chờ đợi nồi nước tắm của mẹ trong chiều tất niên. Lúc này, hương mùi già như được ủ chín qua lớp nước sôi sùng sục với màu vàng sóng sánh. Mẹ khéo léo múc ra chậu nước, pha thêm nước lạnh cho vừa đủ rồi gọi lần lượt chị em tôi vào tắm. Cơn gió đông vẫn rít ngoài kia sầm sập. Khói từ nồi nước mùi già bốc lên nghi ngút phả lên mặt tôi đỏ bừng, từng lỗ chân lông được nở ra và hấp thụ từng giọt thơm mùi già tinh túy. Một cảm giác sảng khoái ùa về, tâm trí tôi như bay bổng cùng làn khói, cùng hương mùi già thoang thoảng mà ngất ngây. Tôi tận hưởng khoảnh khắc và một khoảnh khắc nào đó tôi thấy mình như ở trong một cõi mộng, huyễn hoặc. Tôi thốt lên khe khẽ, bó mùi già thật kỳ diệu. Chẳng thể nào ngờ trong sắc xanh đậm nhạt của thân cây, của bông hoa trắng tím như màu khói và chi chít những trái mùi bé xíu lại có thể tạo nên một mùi hương nồng nào, vấn vương, ngọt ngào và thầm kín đến như vậy được.
Mẹ tôi vẫn thường nói tắm nước mùi già là để tẩy uế, người phải thật thơm tho mới không bị dông hay ma quỷ đến gần, năm mới được suôn sẻ. Chị em tôi ngoan ngoãn nghe lời mẹ vì chẳng vì lý do gì không tắm nước nước mùi già cuối năm - tắm xong thật vô cùng sảng khoái. Lớn lên, tìm hiểu, tôi còn hay đó không chỉ là thủ tục tắm bình thương nữa mà đã trở thành một phong tục đẹp, một nét văn hóa truyền thống đắc sắc của người dân đất Việt. Theo quan niệm của người dân quê tôi, việc tắm lá mùi già vào ngày cuối năm là để xua tan những chuyện không vui, những bụi trần vướng bận suốt một năm. Ai chưa được tắm nước lá mùi già tất niên thì cảm giác trong người day dứt, không thoải mái.
Tôi lớn lên qua bao nhiêu mùa Tết thân thương với hương mùi già thân thuộc. Đi xa mỗi dịp cuối tháng Chạp, sửa soạn chờ Tết, tôi lại thấy hương thơm mùi già ngai ngái quẩn quanh bên người. Tôi nhớ khoảnh vườn nhỏ xíu chi chít cây mùi già của mẹ, nhớ nồi nước tắm sóng sáng vàng mẹ nấu sẵn chờ hai chị em tắm. Với tôi, Tết trọn vẹn là khi được ngửi hương mùi già lẩn quất, được dội lên người thứ nước thơm đặc biệt đó. Mùi hương thơm của nước lá mùi già đó không chỉ là mùi thơm bình thường mà là mùi của sự chăm sóc, tình thương yêu của mẹ, nhắc những người xa quê nhớ về nguồn cội, gốc rễ…
NGỌC LINH
Nguồn: Tạp chí VHNT số 558, tháng 1-2024