Tết đoàn viên

 

Đón Tết là một phong tục truyền thống của mỗi gia đình. Dù có bận rộn việc gì đi nữa, hay đang đi làm ở đâu xa thì cũng phải thu xếp mà về lại bên mái ấm thân yêu của mình để vui xuân đón Tết. Sẽ không có gì hạnh phúc hơn khi tất cả những thành viên của gia đình được đoàn tụ bên nhau nói cười vui vẻ với những bữa cơm ngày Tết.

Ngày thường mỗi người làm một công việc, có khi phải bôn ba nơi xứ lạ quê người và chẳng có mấy khi rảnh rỗi mà về thăm nhau. Có chăng chỉ là những cuộc điện thoại với vài lời thăm hỏi rồi thôi.

Có những đứa con đi làm ăn xa nhà, quanh năm cứ bận rộn mãi, đôi khi chợt nhớ về cha mẹ già ở quê thì gọi điện về thăm cho cha mẹ đỡ nhớ. Vậy mà cũng bao lần chỉ mới nói có vài câu thì mẹ đã bật khóc rồi, chỉ vì quá thương con. Sợ nơi xa đó những bữa ăn của con không được chu đáo như mẹ vẫn thường lo ở nhà. Sợ con mình vất vả rồi sẽ gầy ốm thêm. Trái tim của những người mẹ khi để cho con mình rời xa vòng tay mà lao vào cuộc sống với bao điều thử thách thì luôn vậy đó. Cha thì cứng rắn hơn, mỗi khi con trẻ gọi điện về thăm hỏi thì cha vẫn không quên động viên con mình là phải cố gắng phấn đấu nhiều hơn nữa. Và nhớ tránh xa những cám dỗ nếu không dễ sa ngã vào thói hư tật xấu.

Thật ra đâu chỉ những đứa con xa quê mới biết trông đến dịp cuối năm để trở về bên mái ấm yêu thương của mình. Mà chính ở quê nhà, những người làm cha làm mẹ cũng ngóng trông ngày đoàn tụ ấy đến từng phút, từng giờ.

Những chuyến xe đò từ phố thị đưa người về khắp những nẻo miền quê, trên từng gương mặt của họ đều hiện lên sự nôn nao được chạm chân đến ngõ nhà mình. Nơi đó, những người thân cũng không kém phần nôn nao chờ phút giây tương ngộ.

Với cha mẹ của tôi cũng vậy. Đã bao lần tôi bắt gặp ánh mắt mừng rỡ hân hoan khi anh Hai, anh Ba, chị Tư trở về vui xuân đón Tết cùng gia đình thân thương của mình. Hồi còn nhỏ được cha mẹ chăm sóc từng ly từng tí, vậy mà khi lớn lên có chồng có vợ rồi, lại tiếp tục đi làm ăn xa. Anh Hai làm ăn thuận lợi nên dư được số vốn mua đất cất nhà ở gần thành phố. Anh Ba thì về quê vợ nuôi tôm, vốn liếng đầu tư hết vào đấy. Thời gian gần đây giá cả con tôm không được ổn định nên bị lỗ mãi. Anh Ba tính Tết này không về vì không có tiền, cộng thêm việc làm ăn thất bại nữa nên sinh nản. Chỉ mới nghe tin vợ chồng anh Ba không về ăn Tết cùng gia đình là cha mẹ tôi cũng buồn nhiều lắm. Anh Hai cũng la rầy anh Ba, bảo chuyện làm ăn là khi vầy khi khác, thất bại thì phải làm lại thì mới có ngày thành công. Còn chỉ biết buồn là người nhu nhược yếu đuối.

Vợ chồng của chị Tư thì đi làm trong công ty. Đồng lương thu nhập cũng tạm ổn định. Nghe anh chị tính ráng làm thêm vài năm nữa để có được số vốn kha khá rồi cũng về đây mà cất nhà trên cái nền mà cha mẹ đã cho.

Với những người còn trẻ, còn đầy sức khỏe thì họ luôn đặt công việc làm ăn lên hàng đầu. Đôi khi họ vô tình mà không cảm nhận được cách nghĩ của người già. Cũng như cha mẹ của tôi đây, niềm mong muốn của ngày Tết là được các con của mình hiện diện đầy đủ. Thời gian được quây quần trò chuyện bên nhau có bao nhiêu đâu. Những chuyện làm ăn hãy gác qua một bên để cuộc sum vầy được vui tươi ấm áp và thật sự ý nghĩa.

Trong nhà từng miếng bánh, ly trà cũng tỏa thơm vị Tết. Ngoài sân hoa nở ngan ngát hương thơm. Đám trẻ con tung tăng đùa giỡn trong màu áo mới tinh khôi. Xuân về Tết đến thật đầm ấm bình yên như đang mang đến cho ta những ước mơ lắng lại trong lòng!

 

HẠ VY

Nguồn: Tạp chí VHNT số 558, tháng 1-2024

 

;