Cổ vật Việt Nam hồi hương từ Mỹ - Ảnh: tác giả cung cấp
Xuân về, Tết đến, cũng như bao người con đất Việt, tôi muốn nói tới câu chuyện hồi hương. Nhưng, đó không phải là những chuyến trở về của người đi làm ăn xa, mong ngày được gặp mặt ông bà, cha mẹ, họ mạc xa gần, cho thỏa nỗi nhớ nhung. Tôi cũng không có đủ tư liệu để nói về những chuyến hồi hương của đồng bào xa Tổ quốc ở khắp mọi nơi trên thế giới, háo hức trở về quê hương bản quán, thắp hương trình tiên tổ, thăm thú sự đổi thay của đất nước, nơi chứa đựng bao kỷ niệm vơi đầy thuở thiếu thời. Tôi cũng không đủ những con số để nói về những kiều bào, nhân Tết đến, về những nơi thiên tai, dịch bệnh, giúp đỡ đồng bào, vượt qua những hoàn cảnh khó khăn mà họ đã đối mặt, để vơi đi nỗi vất vả, gian truân, dẫu là, Nhà nước và cả trăm triệu dân, cùng chung tay đồng hành trong những thời khắc gian nguy nhất. Tôi cũng chỉ mường tượng qua đài, báo về những dự án đầu tư có hiệu quả của những người con xa quê về địa phương, như một sự trả nghĩa nơi mình đã sinh ra, trưởng thành và vinh đạt. Tôi cũng vô cùng xúc động khi thấy những thế hệ thanh thiếu niên, không sõi tiếng Việt, được những tổ chức và cha mẹ, ông bà, tạo điều kiện về thăm quê, nhân ngày Tết đến, để tìm hiểu phong tục, tập quán, duyên cách văn hóa cội nguồn của đất nước để tránh đi sự gián đoạn, đứt gãy trong mối quan hệ giao tiếp với đồng bào ruột thịt.
Hồi hương, qua những câu chuyện nêu trên còn nhiều điều để nói, không chỉ là những tình tiết động lòng nhân ái, mà còn là những sự kiện, chứa đựng ý nghĩa tinh thần và vật chất, vốn đã được đăng tải trên những phương tiện thông tin đại chúng và sẽ tiếp tục được đánh giá, tổng kết, mà người viết bài này muốn đề cập nhân ngày Tết truyền thống, nhưng bất lực vì thiếu thông tin. Vì lẽ đó, hồi hương của bài viết này, xin chỉ nêu ở một lĩnh vực rất hẹp, nhưng rất thời sự, có cơ hội trở thành một xu hướng tích cực ở nước ta. Đó là sự hồi hương của những cổ vật Việt Nam, do một thời chiến tranh, nghèo khó đã dứt áo ra đi, nay có cơ hội trở về, nhờ vào chủ trương xã hội hóa văn hóa của Đảng và Nhà nước, nhờ vào sự nhiệt huyết của cộng đồng nói chung, những người ham mê và yêu thích cổ ngoạn nói riêng. Trong đó có cả những cá nhân và tập đoàn kinh tế tâm huyết với di sản cổ vật, hé lộ một con đường hồi hương mang tầm quốc gia, trả về nơi chúng sinh ra để phát huy và tỏa sáng những giá trị hồn cốt của dân tộc, giá trị triết lý của cha ông, hiển lộ và ẩn tàng ở chính và sau những cổ vật ấy, minh chứng cho một bề dày lịch sử và chiều sâu văn hóa dân tộc, vốn đã từng được thế giới ngợi ca và vinh danh.
Mở đầu cho xu hướng hồi hương cổ vật Việt Nam phải kể đến sự kiện đấu giá thành công chiếc xe kéo tay của Vua Thành Thái tặng thân mẫu, cùng chiếc long sàng của vua, vốn là hai cổ vật mang giá trị cung đình và hoàng gia triều Nguyễn, mà không hiểu vì lý do gì đã tha hương nơi xứ người. Để có được sự hồi hương thành công, phải kể đến sự vào cuộc quyết liệt của hệ thống chính trị địa phương, tạo nên sự hậu thuẫn mọi mặt cho cơ quan thực thi - Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, quyết tâm theo đuổi đến cùng từ nguồn ngân sách địa phương và sự ủng hộ tài chính của cộng đồng người Việt ở trong nước và nước ngoài. Nghe hồi cố từ những người tham gia trực tiếp vào sự kiện khảo sát, nghiên cứu hồ sơ và hiện vật, dự đấu giá… được tích hợp vào những câu chuyện lịch sử của sự kiện và nhân vật, mới thấy hết được sự kỳ thú từ khách tham quan, qua mỗi lần chiêm ngắm, khi những hiện vật ấy được trưng bày. Giá trị của cổ vật hồi hương mang những nét khác biệt, riêng có, lôi cuốn và hấp dẫn du khách thập phương.
Năm 2022, Tập đoàn Sunshine đầu tư kinh phí mua đấu giá thành công chiếc mũ quan và áo ngự bình tại Tây Ban Nha, tặng lại cho tỉnh Thừa Thiên -Huế, phát huy tại Bảo tàng Nghệ thuật Cung đình ở Trung tâm Di tích Cố đô. Để làm được việc này, Tập đoàn đã có nhiều chuyến khảo sát, nghiên cứu tại địa phương và công ty đấu giá, để hiểu về tâm nguyện của chính quyền và nhân dân, để tận tường nguồn gốc, tính chân ngoạn của cổ vật. Sunshine ý thức được giá trị của cổ vật hồi hương, hiểu rõ được giá trị trân quý của mũ quan và áo ngự bình, cùng với đó là sự lan tỏa nhiệt huyết từ những người đứng đầu chính quyền và sự mong mỏi của nhân dân, đưa những cổ vật ấy về chính nơi chúng sinh ra để phát huy là hợp lý và đắc địa, do vậy, họ đã vượt qua bao khó khăn, trở ngại để thực hiện như một mệnh lệnh của khối óc, con tim, được đánh thức từ quá khứ, hiện tại và tương lai qua việc làm mang đầy ý thức, trách nhiệm về văn hóa của một doanh nghiệp.
Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam nhận bàn giao cổ vật tại Bộ Ngoại giao Việt Nam - Ảnh: tác giả cung cấp
Tôi là một trong những thành viên đánh giá hai cổ vật này, trước khi chúng trở thành tài sản của bảo tàng, mới thấy hết được giá trị ẩn tàng, lấp lánh và hiển lộ ở bên trong tên gọi bình dân mũ, áo. Đó là chiếc mũ quan siêu hạng, mà theo điển chế, nó trên cả nhất phẩm triều đình, được nhận biết qua hoa văn trang trí. Chiếc áo có màu sắc hoàn toàn khác biệt với tất cả những chiếc áo ngự bình đã biết, vốn không nhiều trong các bảo tàng và sưu tập tư nhân. Câu chuyện đương thời, ai là người sở hữu chiếc mũ và áo ấy, hẳn còn chờ vào nghiên cứu, vốn là một thao tác, luôn được đặt ra với bất cứ bảo tàng nào, với những thông tin cần được bổ sung theo tháng, theo năm, không thể một sớm, một chiều.
Năm 2018, một sưu tập cổ vật thuộc các nền văn hóa thời sơ sử Việt Nam đã hồi hương, được quyết định trao cho Bảo tàng Lịch sử quốc gia lưu giữ và phát huy. Cái hay và lạ của chuyến trở về lần này, không phải là những cuộc đấu giá đầy kịch tính, không phải là sự nỗ lực của địa phương, hay quyết tâm của tập đoàn kinh tế lớn, mà là sự lặng lẽ của một cá nhân - vị đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Việt Nam tại Cộng hòa Liên bang Đức. Mãn nhiệm kỳ, trong chiếc vali ngoại giao của ông có mang theo 18 cổ vật, mà ông đã sưu tập được trong những năm, tháng công tác ở nước ngoài, như để lưu giữ hồn quê đất Việt, để vơi đi nỗi nhớ nhung nước nhà. Đó giống như một cách nghĩ của nhiều Việt kiều lớp trước, coi đó là một thoáng quê hương, đọng trong những chiếc rìu đá, rìu đồng thời Đông Sơn, ẩn trong những nét hoa văn, trên những chiếc bát, chiếc đĩa thời Lý, thời Trần, mà mỗi lần chiêm ngắm, họ thấy ảnh hình của đất nước, xóm làng, phố phường Việt Nam đầy kỷ niệm, để hồi ức của quá khứ tràn về. Cổ vật Việt Nam nói riêng, di sản văn hóa Việt Nam nói chung có sức sống và sự lan tỏa mãnh liệt đến nhường nào, nếu mỗi người đặt mình trong những hoàn cảnh như thế và tương tự như thế, ngay ở trên quê hương hay ở xa đất nước.
Tôi được nghe những đồng nghiệp ở Bảo tàng Lịch sử quốc gia kể lại rằng, buổi tiếp nhận diễn ra giản đơn và ấm cúng, không dềnh dang và ồn ã, hẳn là một sự thỏa mãn của vị đại sứ, coi đó như một nhiệm vụ được hoàn thành, qua sự tiếp nhận trân quý của Bảo tàng, khiến cho ông hài lòng, khi di sản được về với đất nước.
Đầu tháng 10-2022, Bảo tàng Lịch sử quốc gia lại được Bộ VHTTDL cho phép tiếp nhận bộ cổ vật, được đưa từ Mỹ về, thông qua Vụ Châu Mỹ, Bộ Ngoại giao Việt Nam, với một tập hợp những cổ vật thuộc văn hóa tiền Đông Sơn, hậu Đông Sơn cho đến TK XVII - XVIII. Đó là những chiếc rìu đá, rìu đồng, nồi gốm, bùa đeo bằng đá quý hình cá sấu, tẩu hút thuốc bằng đồng… do FBI thu được từ một vụ lưu giữ trái phép cổ vật của một công dân Mỹ. Đó là một sự trở về thông qua đường ngoại giao, do Nhà nước Việt Nam đã tham gia vào công ước chống buôn lậu cổ vật do UNESCO đề xuất và khởi xướng. Đó cũng là sự thể hiện, thiện chí và cam kết của Mỹ trong việc thực hiện các công ước của Liên Hợp quốc về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, mà cổ vật là một đối tượng cần được quản lý đặc biệt.
Sự hối thúc hồi hương cổ vật giờ đây đã lan tới những doanh nhân thành đạt, ở một thời đất nước mở cửa và hội nhập, làm ăn thịnh phát. Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng của công ty TNHH Nam Hồng, thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, mua về từ Nhật Bản một chiếc bình vôi bằng vàng, có niên hiệu Sùng Khang năm thứ 3 (1568), thời Mạc Mậu Hợp, với chiều cao 7,5cm, cân nặng 879,87 gram. Đây là chiếc bình vôi duy nhất bằng vàng, có niên đại thời Mạc, được biết cho tới nay ở Việt Nam. Đó cũng là chiếc bình vôi của Vua dùng, với đầy đủ tiêu chí ngự dụng (rồng năm móng, dòng lạc khoản, không chỉ ghi niên hiệu, năm sản xuất mà còn cả ngày khai sinh 15-8). Đó cũng là cổ vật thể hiện đậm nét sức sống của nghệ thuật Đông Sơn, qua dáng hình mô phỏng trống đồng và hồi văn chữ S, đặc trưng trên đồ đồng Đông Sơn mà trống đồng và thạp đồng là tiêu biểu.
Đứng trước một bảo vật quý, tôi không khỏi bận lòng suy nghĩ về lý do ra đi của cổ vật hoàng cung và trân trọng về ý thức trách nhiệm với cổ vật ấy, khi nó trở về từ một đất nước giàu có, sở hữu từ một nhà sưu tập giàu có. Với tôi, Nam Hồng như một đại diện cho một thế hệ hôm nay, sám hối cho một thế hệ đã qua, trên lĩnh vực cổ vật, bằng một việc làm có nghĩa lớn đối với di sản văn hóa Việt Nam đang trôi nổi ở xứ người, chưa có vị trí xứng tầm với lai lịch nó được khai sinh.
Cũng là tư nhân, nhưng không phải là một thiết chế bảo tàng ngoài công lập, một chủ trang trại trồng hoa là Công ty Anh Trí, mua từ nước ngoài về một chiếc thạp đồng Đông Sơn, có thể coi là chiếc thạp đẹp và lớn thứ hai, sau thạp Đào Thịnh (Yên Bái), hiện là bảo vật quốc gia, đang được trưng bày và phát huy ở Bảo tàng Lịch sử quốc gia. Đây chắc chắn là chiếc thạp thứ 34 trong phức hợp thạp có nắp đạy, đã từng phát hiện ở Việt Nam từ xưa tới nay trong văn hóa Đông Sơn. Loại hình ấy chỉ có số lượng khiêm tốn, 35/235 thạp có nắp và không nắp đã được bước đầu thống kê từ văn hóa Đông Sơn, vốn là một trung tâm luyện kim và đúc đồng nổi tiếng thời sơ sử Đông Nam Á, gồm cả Nam Trung Quốc hiện nay.
Trống đồng, thạp đồng được coi là cặp đôi biểu tượng của văn hóa Việt Nam. Nó giống như bộ đôi đỉnh và lịch của vùng Trung Nguyên người Hán. Xác định được giá trị biểu tượng ấy, chủ doanh nghiệp quyết tâm sưu tập, để hình thành bộ đôi, với trống đồng Kính Hoa, cũng thuộc sở hữu của Anh Trí, đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận bảo vật quốc gia năm 2021. Đó là một định hướng hồi hương có chủ đích, thể hiện tầm nhìn văn hóa của một doanh nhân, được thừa hưởng nền giáo dục mới, tiếp thu từ những thế hệ trước và trên thế giới, để nhận ra vai trò của trống - thạp trong nền văn hóa Đông Sơn, cùng với biểu tượng của chúng trong văn hóa Việt Nam.
Còn rất nhiều chuyến hồi hương cổ vật, khi thì cao trào, khi thì chìm lắng, đó là những điển hình, toát lộ một xu hướng, để rồi, sẽ trở thành một định hướng khi đất nước ngày một đi lên về kinh tế, khi cộng đồng ngày một giàu có lên vì đường lối mở cửa và hội nhập của đất nước, khi mà tầm nhìn văn hóa của mỗi người dân đang ngày càng được nâng lên, hẳn hồi hương cổ vật sẽ sớm hình thành một chiến lược lâu dài và bền vững.
Bình vôi vàng thời Mạc hồi hương từ Nhật Bản - Ảnh: tác giả cung cấp
Bấy lâu nay, không hiếm người nghĩ rằng, hồi hương như một sự chảy về đất nước bất cứ một loại cổ vật nào. Thực tế, có một thời, nước ta đã xảy ra một dòng chảy như thế, với những đồ sứ, đồ đồng, đồ gốm của Trung Hoa, Pháp, Đức, Nhật Bản… được mua về, phục vụ cho những đại gia mới giàu lên trong thời kỳ Đổi mới, mở cửa. Đó là những hàng hóa xuất khẩu, thuộc loại thứ cấp, được sản xuất tại các quốc gia, ngoài Việt Nam, do đó, quê hương của chúng là thuộc những nơi chúng sinh ra, nhưng với chúng ta, không có nhiều ý nghĩa. Xét cho thật khắt khe, đó chẳng khác gì đồ cũ, mà bài học từ những xe máy, tivi… thông qua đội tàu viễn dương vào Việt Nam, đáp ứng cho một sự háo hức của người dân thích điện máy tân kỳ của một thời xa lắc. Với cổ vật, chúng không quá nghiêm trọng như thế, nhưng ắt không phải là chuyện “hồi hương”. Hồi hương phải là những cổ vật Việt Nam, có giá trị lịch sử, văn hóa, được xác tin qua hồ sơ, lý lịch và giám định rõ ràng. Thế nhưng, câu chuyện ấy, dường như bấy lâu nay chưa được kiểm soát bằng chế tài và luật định.
Ở một chiều khác của hồi hương cổ vật Việt Nam, đầy khó khăn và gian khó, bởi chúng có quá ít để đấu giá công khai. Hơn thế, nếu nằm trong các sưu tập tư nhân, chúng cũng quá ít để thỏa mãn người săn tìm, bởi chủ sưu tập là những người Tây, người Việt, người Nhật… yêu thích văn hóa Việt, cổ vật Việt. Những chiếc long sàng, xe tay, mũ quan, áo ngự bình… là những hiện tượng đấu giá cổ vật Việt Nam hiếm hoi mà chúng ta thấy được. Chỉ tiếc rằng, bức tranh Chiều tà của Vua Hàm Nghi không thể trở về đất nước, do kinh phí tăng vọt qua những nhát búa, khiến những người được giao tham gia phiên đấu giá ấy bị động, buông bỏ với bao sự tiếc nuối của hàng triệu đồng bào ở trong và ngoài nước. Từ những kinh nghiệm ấy, vừa qua, Bộ VHTTDL đã chủ động có công văn gửi Bộ Ngoại giao Việt Nam, chỉ đạo Đại sứ quán nước ta tại Paris (Pháp) làm việc với Hãng đấu giá Millon, xác minh rõ thông tin về hai cổ vật triều Nguyễn, đó là ấn vàng “Hoàng đế Chi bảo” triều Vua Minh Mạng và bát vàng triều Vua Khải Định, như thông báo của hãng để nắm được về chủ sở hữu, tính hợp pháp của hai cổ vật ấy, giá dự kiến bán và khả năng đàm phán mua trực tiếp, không qua đấu giá. Trong công văn, Bộ VHTTDL cũng đề nghị nhanh chóng tìm hiểu và đề xuất phương án, cố gắng hồi hương hai cổ vật nêu trên trong thời gian sớm nhất, phù hợp với luật pháp nước sở tại và thông lệ quốc tế.
Đó là một tín hiệu rất vui, thể hiện sự chủ động, tích cực của ngành, tạo sự thuận lợi cho công việc hồi hương nói chung, hai cổ vật triều Nguyễn nói riêng có thể được trở về đất nước, dẫu còn rất nhiều trở ngại phải vượt qua. Tôi coi đây là một điểm sáng, thể hiện tầm nhìn chiến lược hồi hương cổ vật Việt Nam sẽ có bước đột phá.
Câu chuyện hồi hương cổ vật, nói như một nhà nghiên cứu nước ngoài, phải là trách nhiệm của cả cộng đồng, bởi một đất nước, dù giàu có đến mấy cũng không thể làm xuể. Luật Di sản văn hóa Việt Nam thừa nhận quyền sở hữu tư nhân về cổ vật, công nhận thiết chế bảo tàng ngoài công lập, với ông, đó là một bước tiến dài. Đó chính là sự cụ thể hóa chủ trương đường lối của Đảng và Nhà nước ta về xã hội hóa văn hóa, thiết tưởng đã và đang gặt hái được những thành quả đáng khích lệ. Sunshine và những ví dụ nêu trên, hẳn là những điểm sáng, minh họa sống động cho đường lối của Đảng và Nhà nước là hoàn toàn đúng đắn.
Tuy nhiên, hồi hương cổ vật, không thể và không chỉ có những điểm sáng trên đây. Nó phải trở thành một dải ngân hà, dẫn lối cho cộng đồng thực hành, bằng những đột phá mang tầm chiến lược, qua một cách làm bài bản, được thể chế hóa bằng luật định và chính sách cụ thể của Nhà nước. Tôi hy vọng rằng, Luật Di sản văn hóa sửa đổi bổ sung tới đây sẽ đặc biệt quan tâm điều này, chính sách của Nhà nước cần được điều chỉnh để phù hợp với xu hướng đang đổi thay hằng ngày, nhằm khuyến khích những doanh nhân, doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế lớn và cộng đồng, với những lợi ích hài hòa giữa các bên tham gia. Những bài học thành công về hồi hương cổ vật cùng với hạn chế của nó đã có nhiều quốc gia trên thế giới làm hình mẫu, chắc chắn sẽ là kinh nghiệm tốt để áp dụng vào Việt Nam cho phù hợp với hoàn cảnh.
TS PHẠM QUỐC QUÂN
Nguồn: Tạp chí VHNT số 521, tháng 1-2023