Tổ chức từ ngày 18 đến 23-11, Tuần Đại Đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam năm 2022 đã khép lại nhưng dấu ấn về một chương trình quy mô lớn, hoành tráng, được đầu tư tâm huyết của Ban tổ chức đã để lại dư âm tốt đẹp trong lòng công chúng.
Năm nay, Tuần đại đoàn kết dân tộc có một số nét mới mà nổi bật là: Lần đầu tổ chức Liên hoan trình diễn trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số (DTTS) phía Bắc; lần đầu một chương trình nghệ thuật khai mạc diễn ra hoành tráng trên sân khấu nổi…
Chương trình nghệ thuật đêm khai mạc "Tuần đại đoàn kết dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam" - Ảnh: Tuấn Minh
Sự tươi mới
Với chủ đề “Khát vọng Việt Nam”, chương trình nghệ thuật của Lễ khai mạc nhấn mạnh vào hai nội dung: Đại đoàn kết toàn dân tộc và Tôn vinh di sản văn hóa. Các tiết mục nghệ thuật đặc sắc, được dàn dựng công phu, mang đậm dấu ấn văn hóa các dân tộc, đã đưa khán giả trải qua những không gian di sản văn hóa của dân tộc Việt Nam theo chiều dài đất nước. Điều đặc biệt, toàn bộ chương trình diễn ra trên sân khấu nổi, được thiết kế theo hình chiếc quạt - hình ảnh quen thuộc trong văn hóa Việt Nam, với tất cả các nan quạt chụm về một hướng, tượng trưng cho tinh thần đại đoàn kết dân tộc. Trên tổng thể sân khấu lớn còn có 4 sân khấu nhỏ để 200 diễn viên chuyên nghiệp và 170 nghệ nhân tham gia đồng diễn (sân khấu đảo lớn, sân khấu mặt nước, sân khấu đường pist trước khu vực khán giả, sân khấu cầu xi măng).
Không chỉ vậy, phần trình diễn trang phục truyền thống được lồng ghép vào tổng thể chương trình nghệ thuật đã tạo nên điểm nhấn, sức hút đặc biệt cho khán giả. “Mãn nhãn” là cụm từ mà nhiều người phải thốt lên sau khi theo dõi chương trình được diễn ra trên bán đảo hồ Đồng Mô năm nay. Có thể nói, lễ khai mạc như một cơ hội hiếm có, để cả êkíp, những người làm nghệ thuật được phát huy tối đa sức sáng tạo, phô bày những kỹ năng, kỹ xảo trên con đường làm nghề của mình.
Dù chỉ diễn ra vỏn vẹn hơn một giờ đồng hồ, nhưng chương trình nghệ thuật đã truyền đạt đầy đủ thông điệp và chủ đề của Tuần đại đoàn kết - Di sản văn hóa Việt Nam 2022, bao gồm: di sản văn hóa, di sản âm nhạc các vùng miền, các dân tộc, từ ca khúc nhạc nhẹ ca ngợi quê hương, đất nước, sức trẻ… đến xẩm, ví dặm, nhã nhạc cung đình Huế, bài chòi, ca cổ, âm nhạc trong lễ hội Katê của người Chăm… Ngoài ra, nhiều nghệ sĩ trẻ như Đinh Mạnh Ninh, Lê Hà… cũng tham gia biểu diễn trong đêm khai mạc, đã mang đến “làn gió mới” cho chương trình, thể hiện sức trẻ, lòng nhiệt huyết của thanh niên Việt Nam trên hành trình bảo tồn, giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa dân tộc.
Chương trình nghệ thuật "Khát vọng Việt Nam" - Ảnh: Tuấn Minh
Cái “đầu tiên” thứ hai, như đã nói, đó là trong Tuần đại đoàn kết dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam năm nay, có sự xuất hiện của Liên hoan trình diễn trang phục truyền thống các DTTS phía Bắc. Xuyên suốt sự kiện là chuỗi các hoạt động trình diễn, giới thiệu, hội thảo khoa học liên quan đến trang phục truyền thống của các dân tộc. Có thể nói, Liên hoan đã để lại nhiều dấu ấn quan trọng trong việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền nói chung và lan tỏa tình yêu quê hương, tự hào bản sắc độc đáo của mỗi dân tộc nói riêng. 17 tỉnh, thành với 22 dân tộc, cùng 500 nghệ nhân, nghệ sĩ đã hội tụ về "Ngôi nhà chung", mỗi dân tộc khoác lên mình những bộ trang phục truyền thống đủ màu sắc tạo nên một “vườn hoa xuân” thơm ngát và tươi mới.
Theo Vụ trưởng Vụ Văn hóa dân tộc Nguyễn Hải Nhung, Liên hoan trình diễn trang phục các DTTS Việt Nam là dịp giới thiệu, quảng bá giá trị trang phục và văn hóa truyền thống các DTTS Việt Nam tới bạn bè trong nước và quốc tế, góp phần phát triển du lịch. Đây cũng là hoạt động nhằm khơi dậy khát vọng, niềm tự hào dân tộc, phát huy tính tích cực, ý thức tự lực, tự cường của đồng bào các DTTS.
Trình diễn trang phục truyền thống tại Liên hoan - Ảnh: Tuấn Minh
Liên hoan lần này là “sân khấu” để các trang phục truyền thống đến từ nhiều DTTS phía Bắc được phô diễn những gì riêng biệt, vẻ đẹp và sự độc đáo nhất của mình. Vinh dự được chọn tham gia trình diễn tại Liên hoan, nghệ nhân Trần Thị Nam (dân tộc Sán Dìu đến từ tỉnh Vĩnh Phúc) hồ hởi chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên tôi được tham gia một liên hoan lớn như thế này. Là số ít, đại diện cho dân tộc mình trong bản tham gia ngày hội lớn, được mặc bộ trang phục truyền thống giới thiệu cho bạn bè bốn phương cả nước, tôi cảm thấy rất vinh dự và tự hào. Mong rằng, các năm sau vẫn được Nhà nước quan tâm và tổ chức nhiều chương trình ý nghĩa như thế này, để chúng tôi có thể gặp gỡ và giao lưu với anh em các dân tộc khác”.
Nhiều nghệ nhân đã khắc phục mọi khó khăn, nhằm bảo vệ và trao truyền các di sản quý báu của đồng bào mình. Hầu hết các nghệ nhân không đòi hỏi bất cứ điều gì cho bản thân, họ thực hành và truyền dạy bằng niềm đam mê, lòng tự hào và mong muốn các di sản văn hóa không bị mai một. Trong những ngày diễn ra Tuần đại đoàn kết, thời tiết dù khá nắng nóng và oi bức, nhưng các nghệ nhân vẫn rất hăng say tập luyện, để làm sao khi lên sân khấu trình diễn được thuần thục nhất, phô diễn được tối đa những nét độc đáo của bộ trang phục truyền thống dân tộc mình.
Chị Mông Thị Dung, dân tộc Nùng đến từ tỉnh Thái Nguyên chia sẻ: “Nắng thì kệ nắng, chúng tôi vẫn sẽ tập luyện đến sát giờ khai mạc Liên hoan cho thật thuần thục. Không ai cảm thấy vất vả cả, chỉ thấy hồi hộp và háo hức thôi. Chúng tôi vẫn động viên nhau phải cố gắng hơn nữa. Mong sao phần trình diễn sẽ giúp người dân, du khách trong nuớc và quốc tế thêm hiểu, thêm yêu hơn văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc”. Chị cũng chia sẻ, quần áo của người Nùng rất giản dị, được cắt may từ loại vải chàm tự dệt tại nhà. Đến với Liên hoan lần này, đồng bào chị đã lựa chọn những bộ trang phục có hoa văn, phụ kiện mang đậm đặc trưng văn hóa của dân tộc Nùng, đây không chỉ là sản phẩm vật chất do con người tạo ra, mà trong đó còn chứa đựng niềm tự hào và tình yêu với quê hương, xứ sở của mỗi người.
Nét đẹp truyền thống
Đến với Tuần dại đoàn kết dân tộc - Di sản văn hóa năm 2022 tại Làng Văn hóa Du lịch các dân tộc Việt Nam, du khách không chỉ được hòa mình vào không gian văn hóa đa sắc màu đến từ nhiều dân tộc mà còn được tự mình trải nghiệm những trò chơi dân gian, thưởng thức những đặc sản đến từ mọi miền đất nước. Chị Nghiêm Minh Hòa (Phú Thọ) vui vẻ cho hay: "Chúng tôi đều đã về hưu, cuộc sống đã có nhiều thời gian để được nghỉ ngơi và đi tham quan nhiều nơi hơn. Đúng dịp này có Tuần lễ đại đoàn kết dân tộc, chúng tôi không đắn đo mà quyết định cùng nhau có chuyến tham quan trải nghiệm tại đây. Đến tận mắt chứng kiến mới thấy, Việt Nam ta thật đẹp biết bao. Nhiều giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc mà đến giờ nếu không có cơ hội lần này thì chúng tôi cũng không thể biết được. Hy vọng nhiều năm sau Nhà nước vẫn tiếp tục có những chương trình ý nghĩa như thế này để nhân dân chúng tôi được xích lại gần nhau hơn".
Ngoài ra, trong khuôn khổ chương trình, Giải vô địch Anh tài Vật dân tộc quốc gia năm 2022 cũng được tổ chức nhằm hưởng ứng Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”. Bên cạnh đó là các hoạt động giới thiệu phong tục tập quán cộng đồng các dân tộc vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ với nhiều lễ hội, di sản văn hóa truyền thống, tạo nên sắc màu văn hóa, thể hiện sự hội tụ, sức mạnh khối đại đoàn kết, kết tinh trong giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc Việt Nam. Trong đó, nổi bật có hoạt động Tái hiện Lễ mừng lúa mới của dân tộc Gia Rai, tỉnh Gia Lai đã diễn ra tại không gian Làng dân tộc Gia Rai. Mừng lúa mới là phong tục truyền thống của đồng bào dân tộc Gia Rai sau khi thu hoạch mùa màng, nhằm tạ ơn thần linh đã ban cho dân làng mùa màng tươi tốt, cuộc sống ấm no. Đây cũng là dịp để bà con chung vui, hưởng thành quả lao động và cầu mong thần linh tiếp tục phù hộ cho dân làng sức khỏe, mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu.
Hay Tái hiện Lễ hội cầu ngư tỉnh Phú Yên và giới thiệu di sản văn hóa phi vật thể quốc gia nghệ thuật Bài chòi cũng là điểm sáng của Tuần lễ Đại đoàn kết - Di sản văn hóa năm nay. Lễ hội cầu ngư là một loại hình lễ hội truyền thống dân gian độc đáo của ngư dân các làng chài ven biển ở khu vực Nam Trung Bộ nói chung và tỉnh Phú Yên nói riêng, là một trong những sinh hoạt văn hóa mang đậm yếu tố tâm linh của ngư dân vùng biển, gắn với các tín ngưỡng thờ cúng cá Ông. Nghệ thuật Bài chòi là một hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian truyền thống đặc sắc, có từ lâu đời của nhân dân các tỉnh Trung bộ Việt Nam nói chung và Phú Yên nói riêng, được thể hiện dưới hình thức hội chơi bài chòi và trình diễn các làn điệu bài chòi. Nghệ thuật Bài chòi hình thành trong quá trình lao động sản xuất, giao lưu văn hóa, rất gần gũi và gắn bó với cuộc sống đời thường của người dân. Những giá trị văn hóa đặc sắc của Nghệ thuật Bài chòi Phú Yên góp phần làm nên sự phong phú, đa dạng, giàu bản sắc của nền văn hóa dân tộc.
Đất nước ta có 53 DTTS với hơn 300 tên gọi và nhiều tộc người khác nhau, để bảo tồn và phát huy bản sắc, giá trị văn hóa truyền thống, cần lắm sự khuyến khích, động viên và tạo điều kiện cho các nghệ nhân giữ gìn và tích cực lan tỏa tình yêu quê hương, xứ sở… thông qua những chương trình, liên hoan, hội diễn… ý nghĩa như Tuần Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa vừa qua. Có như thế, việc giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa của từng dân tộc mới đạt được những kết quả tốt đẹp, tạo nên bức tranh đa dạng về văn hóa vừa thống nhất nhưng vẫn khác biệt trong nền văn hóa Việt Nam, đáp ứng yêu cầu “di sản vừa là động lực, vừa là mục tiêu của sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương”.
NGÔ HUYỀN