Giải pháp tuyên truyền giáo dục lịch sử quân sự cho học viên các trường quân đội của Bảo tàng lịch sử quân sự Việt Nam

Trong TK XXI, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ và xu hướng toàn cầu hóa trên toàn thế giới đã chi phối tới hoạt động của các bảo tàng nói chung và Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam (BTLSQS) nói riêng. Sự tác động này đã mở ra cả những cơ hội lẫn thách thức trong công tác tuyên truyền giáo dục lịch sử quân sự của BTLSQS. Bên cạnh những mặt thuận lợi về sự tiên tiến của thiết bị bảo tàng và sự hội nhập với các nền văn hóa khác, bảo tàng phải đối mặt với các thách thức mới. Nhu cầu tìm hiểu thông tin lịch sử của học viên ngày càng cao; hoạt động tuyên truyền giáo dục lịch sử quân sự được diễn ra ở nhiều địa điểm với đa dạng các hình thức, đã cạnh tranh trực tiếp với bảo tàng. Mặt khác, trong hơn hai năm thực hiện theo các chỉ thị, hướng dẫn của Chính phủ, Quân đội trong việc phòng chống dịch bệnh COVID-19, BTLSQS phải tạm ngừng phục vụ khách tham quan. Trước bối cảnh đó, BTLSQS chưa có những giải pháp kịp thời, do vậy, hoạt động tuyên truyền giáo dục lịch sử quân sự cho học viên các trường quân đội của Bảo tàng bị gián đoạn.

Nội dung và phương pháp tuyên truyền

Nội dung tuyên truyền giáo dục lịch sử quân sự của BTLSQS bao gồm các thông tin thuộc lĩnh vực quân sự trải dài từ thời kỳ Hùng Vương, An Dương Vương dựng nước tới thời đại ngày nay, xây dựng và bảo vệ xã hội chủ nghĩa, với gần 3.000 hiện vật và các phần trưng bày: Lịch sử quân sự Việt Nam từ thời Hùng Vương - An Dương Vương cho đến trước năm 1930; Kháng chiến chống thực dân Pháp; Kháng chiến chống Mỹ; Lịch sử quân sự Việt Nam từ năm 1975 đến nay. Ngoài ra, Bảo tàng còn tuyên truyền các chuyên đề lịch sử gồm: Thế giới ủng hộ Việt Nam kháng chiến; Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; Vũ khí thô sơ tự tạo trong chiến tranh giải phóng 1945-1975.

BTLSQS sử dụng đa dạng các phương pháp tuyên truyền, gồm: hướng dẫn khách tham quan; tổ chức các chương trình giáo dục; tổ chức hội thảo, tọa đàm khoa học, nói chuyện chuyên đề; xuất bản ấn phẩm liên quan đến hoạt động tuyên truyền giáo dục bảo tàng... Trong đó, hướng dẫn khách tham quan là phương pháp truyền thống và phổ biến nhất tại bảo tàng. Các phương pháp tuyên truyền khác cần có sự nghiên cứu, đầu tư bài bản từ khâu chuẩn bị đến tổ chức thực hiện, từ nguồn lực con người đến cơ sở vật chất và kinh phí đầu tư.

Vai trò của tuyên truyền giáo dục lịch sử quân sự cho học viên

Cùng với những bài học lịch sử trên giảng đường, hoạt động tuyên truyền của BTLSQS sẽ cung cấp và bổ sung những kiến thức lịch sử quân sự chính xác, sinh động, giúp học viên dễ dàng lĩnh hội, hình thành lượng tri thức lịch sử quân sự Việt Nam đầy đủ và đúng đắn; thỏa mãn nhu cầu tìm hiểu kiến thức lịch sử ngành của học viên; bồi dưỡng phẩm chất đạo đức, lý tưởng, nhân cách của người lính Bộ đội cụ Hồ trong thời kỳ mới.

Đồng thời, đây là cơ hội để học viên tiếp cận đầy đủ giá trị di sản văn hóa quân sự của dân tộc, qua đó nuôi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý chí vượt qua khó khăn, thử thách, tăng cường sự đoàn kết, thống nhất, vững vàng ý chí; là vũ khí tinh thần “sức mạnh mềm”, sắc bén trên mặt trận tư tưởng, văn hóa, đấu tranh, phòng, chống làm thất bại mọi âm mưu chống phá của các thế lực phản động, thù địch để giữ vững niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Tổ quốc và nhân dân; góp phần xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị, làm cơ sở nâng cao sức mạnh tổng hợp, khả năng chiến đấu và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao trong mọi tình huống.

Mặc khác, hoạt động tuyên truyền giáo dục lịch sử quân sự được diễn ra sinh động, hấp dẫn góp phần thu hút công chúng nói chung, bộ đội nói riêng đến tham quan, học tập, nghiên cứu tại BTLSQS; củng cố và khẳng định vị trí, thương hiệu của Bảo tàng. Đặc biệt, qua đó, Bảo tàng thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền chính sách của Đảng và Nhà nước về “xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, tuyên truyền công tác Đảng, công tác chính trị của Quân đội nhân dân Việt Nam, góp phần hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao.

Yêu cầu tuyên truyền giáo dục lịch sử quân sự cho học viên

Một là, tuyên truyền giáo dục lịch sử quân sự cho học viên phải đảm bảo tính chính xác của thông tin theo chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và quy định của Quân đội. Đây là yêu cầu quan trọng hàng đầu, mang tính nguyên tắc, đòi hỏi các chủ thể trong quá trình tuyên truyền giáo dục lịch sử quân sự cho học viên các trường quân đội phải quán triệt và thực hiện nghiêm túc. Thực hiện tốt yêu cầu này đảm bảo hoạt động tuyên truyền của Bảo tàng sẽ theo đúng định hướng chính trị, thiết thực, chặt chẽ, phù hợp với đặc điểm đối tượng và thực tiễn giáo dục, đào tạo ở các trường quân đội, góp phần hình thành ở mỗi quân nhân những hiểu biết đúng đắn về lịch sử đấu tranh dân tộc của quân và dân ta, bồi đắp lòng yêu Tổ quốc, tự hào dân tộc và quyết tâm bảo vệ nền hòa bình, độc lập của dân tộc.

Hai là, xuất phát từ thực tế, phần lớn học viên các trường quân đội đến với BTLSQS là đi cùng theo tập thể quân nhân, trong chương trình môn học Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam của nhà trường, do đó, Bảo tàng cần đảm bảo được nội dung tuyên truyền bám sát và bổ trợ cho chương trình học tập tại trường của học viên. Bảo tàng phải chứng minh và thuyết phục được rằng buổi tham quan, học tập tại BTLSQS là một buổi học tập hữu ích, sinh động giúp các em học viên chủ động tiếp nhận các kiến thức lịch sử quân sự chân thực và chính xác, xứng đáng là một tiết học ngoại khóa đặc sắc, ấn tượng trong chương trình giáo dục và đào tạo của các trường quân đội.

Ba là, yêu cầu thể hiện rõ đặc trưng hoạt động tuyên truyền của bảo tàng. Hiện vật của bảo tàng là những hiện vật gốc và là nhân tố làm nên sự khác biệt trong giáo dục lịch sử cho học viên của Bảo tàng và nhà trường. Khi đến với hệ thống trưng bày của Bảo tàng, học viên sẽ được nhìn các hiện vật gốc được sưu tầm và lưu giữ, kết hợp với lời thuyết minh của hướng dẫn viên, chắc chắn việc học tập lịch sử quân sự tại Bảo tàng sẽ mang đến những xúc cảm mạnh, ấn tượng nhất định ở mỗi học viên, giúp học viên dễ dàng ghi nhớ các kiến thức lịch sử hơn so với việc học tập trên giảng đường.

Bốn là, từ cán bộ quản lý đến lực lượng trực tiếp tiến hành tuyên truyền đều phải có trách nhiệm cao trong quá trình tổ chức thực hiện. Các chủ thể thực hiện phải cụ thể hóa mục tiêu, yêu cầu, sáng tạo nội dung, vận dụng các phương pháp tuyên truyền phong phú, đa dạng; thường xuyên tổng kết, rút kinh nghiệm sau mỗi hoạt động; nêu cao vai trò trách nhiệm của đội ngũ chủ thể tuyên truyền trong thực hiện các nhiệm vụ; thường xuyên theo dõi, giúp đỡ, tạo điều kiện cho học viên tự tìm tòi, học hỏi và trải nghiệm để lĩnh hội các kiến thức lịch sử quân sự Việt Nam chất lượng và đầy đủ nhất.

Năm là, học viên vừa là đối tượng tiếp nhận, vừa là chủ thể trong quá trình tự tiếp nhận các thông tin lịch sử quân sự Việt Nam. Quá trình tuyên truyền lịch sử quân sự chỉ có thể đạt được kết quả khi học viên có động cơ, nhu cầu tiếp nhận đúng đắn, thể hiện ở tính tích cực, chủ động trong quá trình tham quan, học tập. Do đó, các cán bộ quản lý, giảng viên của trường cần theo dõi, hướng dẫn, hỗ trợ, động viên; các chủ thể tuyên truyền bày tỏ thiện cảm, khích lệ và tạo điều kiện thuận lợi để học viên tư duy, bày tỏ ý kiến về các nội dung tuyên truyền, từ đó phát hiện những ý nghĩ lệch lạc, có giải pháp khắc phục.

Sáu là, sự phát triển mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đã mang tới nhiều tiện ích cho hoạt động tuyên truyền của Bảo tàng. Đó là phần mềm số liệu hóa các hiện vật bảo tàng, phần mềm thuyết minh tự động, phần mềm xây dựng bảo tàng ảo 3D… BTLSQS cần có những đổi mới trong hoạt động, nắm bắt và tổ chức áp dụng các thành tựu khoa học công nghệ vào hoạt động chuyên môn nhằm mang tới những tiện ích thỏa mãn nhu cầu của học viên các trường quân đội từ xa, thu hút sự quan tâm tìm hiểu của các em trong xã hội hiện đại.

Đề xuất giải pháp

Một là, BTLSQS xây dựng các kế hoạch tổ chức tuyên truyền giáo dục lịch sử quân sự chi tiết, phù hợp với điều kiện cụ thể từng nhà trường. Bảo tàng chủ động tìm hiểu chương trình đào tạo và nhu cầu tìm hiểu tri thức của học viên, căn cứ tình hình thực tế của các nhà trường, từ đó, xây dựng kế hoạch dự thảo gửi nhà trường xem xét, bổ sung và đưa vào kế hoạch công tác năm báo cáo cấp trên phê duyệt và triển khai phối hợp thực hiện. Quá trình triển khai phải tổ chức quán triệt hướng dẫn giao nhiệm vụ nghiêm túc, cụ thể tới từng cán bộ, nhân viên, để từng cá nhân hiểu và thực hiện. Bên cạnh việc tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch thì việc quản lý, giám sát thực hiện có ý nghĩa quyết định đến kết quả của kế hoạch tổ chức.

Hai là, BTLSQS chú trọng thiết kế nội dung tuyên truyền giáo dục lịch sử quân sự phù hợp với nhu cầu của học viên. Các mốc sự kiện, nhân vật trong tiến trình lịch sử quân sự là nhất quán; số liệu, thông tin rõ ràng, chính xác, đầy đủ. Do vậy, để thiết kế một bài tuyên truyền hấp dẫn, bổ ích với đối tượng tham quan, cán bộ tuyên truyền cần thiết phải hiểu rõ được nhu cầu tìm hiểu tri thức của đối tượng, khéo léo lồng ghép các mẩu chuyện thực, các câu văn, câu thơ, câu hát vào những sự kiện, nhân vật quân sự. Qua đó, truyền cảm hứng cho học viên khám phá lịch sử của dân tộc và quân đội, giúp học viên yêu thích và chủ động tìm tòi các kiến thức lịch sử, bồi đắp lòng yêu nước và tự hào dân tộc.

Ba là, cần sáng tạo, làm mới các phương pháp tuyên truyền để khơi dậy sự hứng thú, hào hứng trong học tập, lĩnh hội kiến thức lịch sử quân sự cho học viên. Trên cơ sở một số phương pháp tuyên truyền đã được thực hiện, căn cứ vào yêu cầu và tình hình thực tế của buổi tuyên truyền, BTLSQS nghiên cứu xây dựng đổi mới và kết hợp sáng tạo các phương pháp để đem lại hiệu quả tuyên truyền cao hơn, như sử dụng phương pháp hướng dẫn tham quan kết hợp với tương tác, trải nghiệm; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu lịch sử quân sự; đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục lịch sử quân sự trên mạng xã hội như Facebook, Zalo, Mocha. Làm mới các phương pháp yêu cầu tôn trọng tính chủ động, sáng tạo của các bên tham gia; khuyến khích hình thức giao lưu, trao đổi, tương tác giữa chủ thể và đối tượng tuyên truyền.

Bốn là, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, BTLSQS tiếp tục chú trọng triển khai thường xuyên các chương trình đào tạo nâng cao nghiệp vụ cho cán bộ tuyên truyền như: tổ chức lớp tập huấn về kỹ năng thuyết trình, đào tạo hướng dẫn viên; tổ chức tọa đàm trao đổi kinh nghiệm với đội ngũ làm tuyên truyền tại các bảo tàng, di tích khác; tổ chức hoặc phối hợp với các đơn vị, cơ quan khác tổ chức cuộc thi giữa những cán bộ tuyên truyền. Đồng thời, tăng cường tổ chức các đợt kiểm tra, sát hạch về trình độ hiểu biết, các tình huống dẫn đoàn cho hướng dẫn viên; thực hiện nghiêm quy chế thi đua - khen thưởng trong đơn vị nhằm động viên, khuyến khích cán bộ kịp thời.

 Năm là, tăng cường đầu tư trang bị, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ cho hoạt động tuyên truyền giáo dục lịch sử quân sự. Để đáp ứng nhu cầu của một bảo tàng hiện đại và không ngừng nâng cao hiệu quả của hoạt động tuyên truyền, BTLSQS cần tăng cường ứng dụng công nghệ mới vào hoạt động chuyên môn, như: lắp đặt các màn hình cảm ứng tại hệ thống trưng bày để học viên có thể tự tương tác, tìm kiếm thông tin lịch sử, đồng thời có thể phản hồi, đóng góp ý kiến về không gian trưng bày, nội dung và hình thức trưng bày; sử dụng công nghệ tương tác để nghe kể chuyện lịch sử; xây dựng khu tái hiện lịch sử bằng công nghệ hiện đại như màn hình led; thực hiện trưng bày bảo tàng ảo trên không gian mạng và các thiết bị kỹ thuật số. Khi hệ thống bảo tàng ảo được đưa vào sử dụng, học viên các nhà trường quân đội có thể học tập, nghiên cứu và tham quan Bảo tàng với một thiết bị kỹ thuật số thông dụng như điện thoại, máy tính bảng, máy tính xách tay. Học viên được quan sát sự phục dựng về mặt mỹ thuật các không gian trưng bày, hiện vật lịch sử, đồng thời có thể lưu lại thông tin, hình ảnh và chia sẻ trực tiếp trên mạng xã hội.

Sáu là, duy trì tổ chức các hoạt động dịch vụ. Ngày nay, công chúng đến với bảo tàng ngoài mục đích nghiên cứu, tìm hiểu lịch sử, văn hóa, còn có nhu cầu gặp gỡ, thư giãn, vui chơi giải trí, mua sắm quà lưu niệm. Chính vì vậy, nếu Bảo tàng biết cách tổ chức tốt các hoạt động dịch vụ, đây có thể sẽ là một kênh tuyên truyền giáo dục lịch sử tiềm năng, góp phần tích cực vào việc giới thiệu di sản văn hóa quân sự cho các đối tượng khách tham quan. Cụ thể, về dịch vụ bán hàng lưu niệm, BTLSQS có thể phát triển thành một kênh tuyên truyền giáo dục lịch sử quân sự thông qua hình thức giới thiệu tài liệu, tranh, ảnh, video với nội dung về lịch sử quân sự Việt Nam; ấn phẩm do Bảo tàng sản xuất; phối hợp sản xuất các quà lưu niệm có in hình ảnh của Bảo tàng. Về dịch vụ ăn uống, Bảo tàng mở rộng hoạt động dịch vụ như phục vụ các loại nước uống, đồ ăn nhẹ, đảm bảo sạch sẽ, văn minh, lịch sự, tạo sự thoải mái cho khách tham quan.

_____________

Tài liệu tham khảo

1. Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, Bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử quân sự Việt Nam, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2018.

2. Nguyễn Thị Lâm Hà, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam với công tác giáo dục thế hệ trẻ, Tạp chí Di sản văn hóa, số 3-2016, tr.53-56.

3. Nguyễn Thị Huệ, Cơ sở bảo tàng học, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội, 2008.

4. Nguyễn Thị Thu Loan, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia với việc tiếp cận và ứng dụng công nghệ hiện đại, baotanglichsu.vn, 22-6-2020.

5. Hồ Huyền Nga, Bảo tàng chuyển mình thời công nghệ số, nhandan.vn 6-7-2021.

6. Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, Bảo tàng học đại cương, Bài giảng, Hà Nội, 2014.

7. Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, Công tác giáo dục của bảo tàng, Bài giảng, Hà Nội, 2014.

ĐỖ KIỀU DUNG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 512, tháng 10-2022

;