Lan tỏa các giá trị di sản văn hóa của đồng bào Khmer Nam Bộ

Với chủ đề: “Bảo tồn, phát huy bản sắc bản sắc văn hóa đồng bào Khmer Nam Bộ: bình đẳng, đoàn kết, hội nhập và phát triển”, Ngày hội VHTTDL đồng bào Khmer Nam Bộ lần thứ VIII và Lễ hội Óoc Om Bóc - đua ghe Ngo Sóc Trăng khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long lần thứ V năm 2022 (diễn ra từ ngày 2 đến 8-11) đã thành công tốt đẹp.

Lễ hội đua ghe Ngo Sóc Trăng khu vực ĐBSCL lần thứ V năm 2022

Sức hút của Ngày hội

Trong cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam, đồng bào Khmer Nam Bộ có khoảng 1,3 triệu người sống tập trung tại các tỉnh như Trà Vinh, Sóc Trăng, Kiên Giang, An Giang, Bạc Liêu, Cần Thơ, Vĩnh Long... Qua quá trình cộng cư lâu đời cùng các dân tộc khác trên mảnh đất Nam Bộ, người Khmer đã có sự giao thoa văn hóa nhưng họ vẫn giữ được những nét đặc sắc, tinh hoa của dân tộc. Thể hiện rõ nét nhất là những ngôi chùa Khmer và sinh hoạt ở các phum sóc, gắn liền với Phật giáo Nam tông qua tiếng nói, chữ viết, lễ hội truyền thống, hình thức nghệ thuật (kiến trúc, điêu khắc, hội họa, âm nhạc, sân khấu, ca múa)…

“Công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đồng bào Khmer Nam Bộ luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm, các địa phương nỗ lực triển khai thực hiện, coi đó là nguồn nội lực quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế và xã hội hiện nay” - Thứ trưởng Bộ VHTTDL  Tạ Quang Đông,đã nhấn mạnh như vậy tại Lễ khai mạc Ngày hội VHTTDL đồng bào Khmer Nam Bộ lần thứ VIII năm 2022 (tối 6-11).

Ngày hội VHTTDL đồng bào Khmer Nam bộ lần thứ VIII và Lễ hội Óoc Om Bóc - đua ghe Ngo Sóc Trăng khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long lần thứ V năm 2022, do Bộ VHTTDL phối hợp với tỉnh Sóc Trăng, các Bộ ngành Trung ương và 12 tỉnh, thành có đông đồng bào Khmer sinh sống tổ chức, nhằm tôn vinh, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Khmer Nam Bộ, trong nền văn hóa thống nhất, đa dạng của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam; xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, theo Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9-6-2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI; Kết luận số 76-KL/TW ngày 4-6-2020 của Bộ Chính trị.

Trình diễn Lôi Protip (thả đèn nước) và ghe Cà Hâu trên dòng sông Maspero

Bảo tồn và phát huy di sản gắn với lan tỏa việc thực hành di sản trong cộng đồng. Ngày hội VHTTDL đồng bào Khmer Nam Bộ lần thứ VIII năm 2022 có sự tham gia của hơn 2.000 nghệ nhân, diễn viên, vận động viên quần chúng (trong đó có 677 nghệ nhân, diễn viên dân tộc Khmer) đến từ 12 tỉnh, thành phố. Trong khuôn khổ Ngày hội, nhiều hoạt động đã diễn ra như: Liên hoan Văn nghệ quần chúng; trình diễn trang phục dân tộc truyền thống; trình diễn giới thiệu trích đoạn lễ hội, nghi thức sinh hoạt văn hóa truyền thống dân tộc, ca múa và diễn tấu nhạc Ngũ âm tại TP Sóc Trăng và phục vụ nhân dân các huyện: Mỹ Xuyên, Châu Thành, Trần Đề, Long Phú và Vĩnh Châu…

Đặc biệt, Ngày hội tổ chức vào dịp Rằm tháng 10 âm lịch - thời điểm hằng năm diễn ra Lễ Óoc Om Bóc (cúng Trăng hay lễ đúc cốm dẹp) của đồng bào Khmer Nam bộ. Đồng thời Đua ghe Ngo Sóc Trăng vừa được Bộ VHTTDL đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Bởi vậy, điểm nhấn của Ngày hội là Lễ hội Óoc Om Bóc - Đua ghe Ngo Sóc Trăng (ngày 7 và 8-11) với hơn 6000 vận động viên; phục dựng trình diễn Lôi Protip (thả đèn nước) và ghe Cà Hâu trên dòng sông Maspero (tối 6 và 7-11).  

Chị Trần Thị Phượng – Đội trưởng nữ đua ghe Ngo chùa Đìa Muồng (TP Bạc Liêu) bộc bạch: "Chùa Đìa Muồng có hai đội đua ghe Ngo nam và nữ. Đội nữ thành lập hơn 10 năm rồi, từng đoạt giải với khoảng 70 tay bơi tuổi từ 30-40, được chùa đầu tư ghe Ngo và quản lý tập luyện. Trước khi tham gia Lễ hội năm nay ở Sóc Trăng, đội phải chuẩn bị cả tháng để tập luyện, mỗi ngày ít nhất là 20 phút, có khi phải tập luyện cả đêm. Cực lắm nhưng không ai than mệt cả, mà rất vui và hào hứng. Tham gia đội đua ghe Ngo với chúng tôi là đam mê và góp phần bảo tồn di sản của dân tộc mình. Hàng năm, đội đều tham gia thi đấu và đều có thành viên mới để bổ sung tay đua mạnh hơn".

Trong số rất đông khán gải tới xem và cổ vũ cho lễ hội đua ghe ngho, anh Lâm Ngọc Thanh – người dân tộc Khmer ở Sóc Trăng cho biết: "Hiện tôi sinh sống và làm việc ở tỉnh Đồng Nai, nhưng năm nào có tổ chức lễ hội Óoc Om Bóc và đua ghe Ngo là cũng xin nghỉ làm, ít nhất là ba ngày để về Sóc Trăng. Là người Khmer tôi luôn có ý thức góp phần bảo tồn văn hóa truyền thống và bản sắc dân tộc của mình, mong sau này đừng để mất đi bản sắc. Năm nay, Lễ hội Óoc Om Bóc và đua ghe Ngo rất lớn, khi có các tỉnh, thành tham dự nên không khí càng thêm vui và càng háo hức". 

Lễ dâng y cà sa (Kathina) ở Sóc Trăng 2022

Trong một tuần diễn ra các hoạt động, Ngày hội VHTTDL đồng bào Khmer Nam Bộ lần thứ VIII và Lễ hội Oóc Om Bóc - Đua ghe Ngo Sóc Trăng khu vực Đồng bằng sông Cửu Long lần thứ V năm 2022 tại TP Sóc Trăng đã thu hút đông đảo công chúng. Từ những hoạt động ý nghĩa của Ngày hội và lễ hội này sẽ góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm, giữ gìn, bảo tồn và phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp, trong cộng đồng đồng bào Khmer nói riêng và cộng đồng các dân tộc nói chung. Đồng thời giới thiệu, quảng bá, lan tỏa các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer Nam bộ tới du khách trong nước và quốc tế.

Lan tỏa các giá trị di sản 

Trong khuôn khổ Ngày hội VHTTDL đồng bào Khmer Nam Bộ lần thứ VIII năm 2022 còn có không gian Trưng bày giới thiệu, quảng bá di sản văn hóa, lễ hội truyền thống độc đáo, mang đậm bản sắc của đồng bào Khmer Nam Bộ tại 12 địa phương (An Giang, Bạc Liêu, Bình Phước, Cà Mau, Cần Thơ, Vĩnh Long, Trà Vinh, Kiên Giang, Hậu Giang, Tây Ninh, TP.HCM và Sóc Trăng). Khách tham quan được chiêm ngưỡng rất nhiều hiện vật, mô hình, hình ảnh, hoạt động như: bộ nhạc ngũ âm, bộ trống Xa dăm, phong tục lễ cưới, mặt nạ sân khấu Dù Kê, trang phục cô gái Khmer, bộ sách Kinh được viết trên lá buông, nghề dệt chiếu, điêu khắc gỗ, đan lát, giã cốm dẹp, lễ hội Dâng y Kathina, nghi thức cột chỉ tay, nghệ thuật nhạc trống lớn, lễ Chôl Chnăm Thmay, trang trí hoa văn ghe Ngo, trình diễn nhạc ngũ âm, không gian sân khấu múa Rô băm, Saravan, nghệ thuật trình diễn Dù Kê, các dụng cụ lao động, đồ dùng trong gia đình…

Một số hiện vật ở không gian Trưng bày giới thiệu, quảng bá di sản văn hóa dân tộc Khmer tại Ngày hội

Thông qua đó, khách tham quan có thể hình dung khá rõ nét về sự hiện diện, duy trì và bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer ở các địa phương. Bên cạnh đó, các tỉnh còn trưng bày nhiều hình ảnh tư liệu về sự quan tâm, chăm lo của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các ban ngành ở Trung ương, địa phương đối với đời sống tinh thần của đồng bào dân tộc Khmer nói riêng và của đồng bào các dân tộc trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói chung.

Bà Nguyễn Thị Hậu - Phó Trưởng phòng Nghiệp vụ Bảo tàng tỉnh Sóc Trăng cho chúng tôi biết: "Dân số Sóc Trăng là 1.195.741 người (số liệu năm 2020), trong đó dân tộc Khmer chiếm 30,19% và là tỉnh có số người Khmer cao nhất Đồng bằng sông Cửu Long. Dân tộc Khmer ở Sóc Trăng có 5 loại hình di sản văn hóa phi vật thể quốc gia gồm: Nghệ thuật sân khấu Dù Kê, Nghệ thuật Rô Băm, Nghệ thuật trình diễn dân gian Múa Rom Vong, Nghệ thuật trình diễn dân gian Nhạc Ngũ âm, Lễ hội đua ghe Ngo. Đồng bào Khmer ở Sóc Trăng còn bảo tồn và duy trì được nhiều nghề truyền thống: Nghệ thuật đúc hoa văn Khmer, dệt chiếu, đan lát, làm mặt nạ sân khấu Rô băm, điêu khắc trang trí ghe Ngo, đâm cốm dẹp, vẽ tranh trên kiếng, trình diễn nhạc ngũ âm, đúc mặt nạ Phật; hay các lễ hội như: lễ phước biển Vĩnh Châu, lễ cúng dừa, lễ hội cúng trăng, lễ hội Lôi protip (thả đèn nước), Chol Chnam Thmay, Sene Đolta, đua ghe Ngo, lễ hội dâng bông, dâng y… Tỉnh Sóc Trăng có nhiều ngôi chùa kiến trúc Khmer nổi tiếng như: chùa Dơi, Chén Kiểu, Kh’leang, chùa Bốn mặt…

Hằng năm, việc duy trì và khai thác các lễ hội thể hiện sự quan tâm, chăm lo của các cấp, các ngành, các địa phương trong việc giữ gìn, tôn vinh, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống, chăm lo đời sống tinh thần của đồng bào Khmer Nam Bộ. Sau khi được Bộ VHTTDL đưa vào danh mục di sản quốc gia, Sở VHTTDL tỉnh Sóc Trăng đã xây dựng đề án về bảo tồn Nghệ thuật sân khấu Dù Kê. Hiện tại đã có quyết định của UBND tỉnh về Đề án bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể quốc gia gồm: Nghệ thuật trình diễn dân gian Múa Rom Vong, Nghệ thuật trình diễn dân gian Nhạc Ngũ Âm của người Khmer".

Ông Võ Nguyên Thủy - Trưởng phòng Trưng bày - Giáo dục Bảo tàng TP Cần Thơ  cũng cho biết: Những giá trị di sản văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer được UBND tỉnh, các Sở, ban ngành của Cần Thơ rất quan tâm. Được sự chỉ đạo của UBND và Sở VHTTDL tỉnh, nhận nhiệm vụ tham gia Ngày hội này, Bảo tàng TP Cần Thơ đã có chuẩn bị rất kỹ về hiện vật, tư liệu, hình ảnh để giới thiệu đến tất cả mọi người, để người dân ở Sóc Trăng cũng như người dân ở tỉnh, thành khác hiểu thêm những nét văn hóa nổi bật của người Khmer ở Cần Thơ nói riêng và cả khu vực nói chung. Hiện nay, các loại hình văn hóa truyền thống dân tộc Khmer ở Cần Thơ vẫn được đồng bào Khmer gìn giữ, bảo tồn, phát huy như nghề chạm khắc, một số loại bánh dân gian (Nùm Bon, Bánh ống, Bánh Gừng), trình diễn âm nhạc Ngũ âm được cả giới trẻ yêu mến, nghệ thuật vẽ hoa văn Khmer trực tiếp lên cổng, tường chùa bằng tay rất độc đáo trong thời 4.0 này…

Thời gian qua, Bảo tàng TP Cần Thơ đã thực hiện một số dự án bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể, của đồng bào  Khmer sinh sống trên địa bàn như: Nghiên cứu, sưu tầm và phục dựng Lễ hội Óoc Om Bóc; khôi phục và truyền dạy nghệ thuật hát múa Dù Kê; Lễ dâng y cà sa… Các dự án, thông tin về di sản văn hóa truyền thống Khmer được lưu trữ và sản xuất thành phim tư liệu, để phục vụ khách tham quan trong và ngoài nước đến Bảo tàng TP Cần Thơ.

Trưng bày đồ dùng trong sinh hoạt và lao động

Trưng bày dụng cụ lao động

Chị Huỳnh Thu Thảo - ( Bảo tàng Cà Mau) thì chia sẻ: Vừa qua Nghệ thuật nhạc trống lớn (Plêng Skôr Thum) của dân tộc Khmer ở huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau đã được Bộ VHTTDL đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Nghệ thuật nhạc trống lớn ra đời, tồn tại và trao truyền ở Cà Mau hơn 100 năm qua. Để bảo tồn và phát huy Nghệ thuật nhạc trống lớn ở địa phương, Bảo tàng tỉnh Cà Mau thường xuyên mở các cuộc trưng bày hình ảnh, hiện vật kết hợp với biểu diễn để quảng bá, khơi gợi tình yêu, niềm tự hào, ý thức phát huy, bảo vệ và giữ gìn; đồng thời để các di sản khác ở địa phương có thêm động lực gìn giữ và phát huy các di sản đó.

Ngoài Nghệ thuật nhạc trống lớn thì Cà Mau còn có các di sản văn hóa phi vật thể khác như Nghề gác kèo ong và muối ba khía, Lễ hội Nghinh Ông Sông Đốc, Đờn ca tài tử Nam bộ (chung với 21 tỉnh, thành)… Sau khi các di sản của địa phương được công nhận, hằng năm Sở VHTTDL Cà Mau cùng với Sở Giáo dục và các trường học trên địa bàn tổ chức nhiều hoạt động trưng bày kết hợp ngoại khóa, các cuộc thi tìm hiểu về di sản văn hóa. Thông qua đó, để cho các em học sinh và đặc biệt là người dân địa phương, biết rõ hơn về di sản của địa phương mình. 

Đội nhạc ngũ âm ấp An Thạnh, An Hảo, Tịnh Biên, An Giang

Ghé thăm gian trưng bày tỉnh An Giang, chúng tôi được Trưởng đội nhạc Ngũ âm ấp An Thạnh, An Hảo, Tịnh Biên, An Giang hồ hởi cho biết:" Nhạc ngũ âm xuất hiện vào các dịp lễ hội lớn ở chùa và gia đình đồng bào Khmer trong các phum, sóc khi có đám cưới, đám tiệc… Đội nhạc chúng tôi thành lập được hơn 40 năm, với 8 thành viên đều là người Khmer, người cao tuổi nhất là 71 tuổi, còn lại từ hơn 50 đến 68 tuổi. Đội thường xuyên được tỉnh, huyện, xã, bà con ở địa phương mời trình diễn. Tham gia đội nhạc là đam mê và gìn giữ nghệ thuật truyền thống của dân tộc mình". Còn anh Lâm Phong Lưu - Thợ điêu khắc ở TP Cần Thơ - thì bộc bạch với phóng viên: "Năm nay 32 tuổi, tôi mê điêu khắc từ nhỏ, chính thức theo nghề được 5 năm. Đây là nghề truyền thống ông bà sáng tạo ra, lớp trẻ người Khmer như tôi theo nghề này là mong muốn góp phần gìn giữ, để không làm mất bản sắc của dân tộc mình".

Ngày hội VHTTDL đồng bào Khmer Nam Bộ lần thứ VIII và Lễ hội Oóc Om Bóc - Đua ghe Ngo Sóc Trăng khu vực Đồng bằng sông Cửu Long lần thứ V năm 2022 đã kết thúc song dư âm vẫn còn lưu mãi trong lòng du khách. Tin tưởng rằng, với sự quan tâm, chăm lo của Đảng bộ, chính quyền các tỉnh, thành và sự chung tay của nhân dân, công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản của đồng bào Khmer Nam Bộ sẽ tiếp tục lan tỏa và gặt hái được nhiều kết quả tốt đẹp, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế, xã hội địa phương.

XUÂN HƯỚNG

 

;