Giá trị của di tích quốc gia đặc biệt thành Điện Hải, Đà Nẵng

Thành Điện Hải là một di tích lịch sử, văn hóa mang nhiều giá trị về mặt lịch sử. Trải qua gần 200 năm tồn tại, di tích từng chứng kiến nhiều trận đánh lớn của nhân dân ta chống lại liên quân Pháp - Tây Ban Nha (giai đoạn 1858-1860) và cả sau này. Thành là biểu tượng cho ý chí quật cường, thể hiện tinh thần yêu nước mãnh liệt của nhân dân Đà Nẵng nói riêng và cả nước nói chung trong buổi đầu kháng Pháp. Di tích thành Điện Hải mang giá trị tiêu biểu và như một pho sử vàng son trong quá trình hình thành và phát triển của thành phố Đà Nẵng

1. Khái quát về thành Điện Hải

Di tích quốc gia thành Điện Hải có giá trị đặc biệt, ghi lại dấu ấn lịch sử hình thành và phát triển của thành phố Đà Nẵng nói riêng, lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc ta nói chung. Khu di tích thành Điện Hải là nơi ghi nhớ truyền thống đấu tranh giành độc lập dân tộc và bảo vệ lãnh thổ của nhân dân Đà Nẵng. Thành có giá trị đặc biệt về mặt lịch sử, mốc chuyển tiếp từ thời kỳ lịch sử trung đại sang cận đại của Việt Nam và là biểu tượng cho lòng yêu nước, truyền thống đấu tranh bất khuất của nhân dân Đà Nẵng trong những năm đầu chống Pháp.

Thành Điện Hải có giá trị về mặt kiến trúc, được xây dựng theo loại hình kiến trúc quân sự gồm thành lũy và pháo đài, theo đồ án thiết kế kiểu Vauban ở châu Âu. Những khẩu súng thần công bằng sắt được đúc dưới thời nhà Nguyễn từ năm 1802 đến năm 1860 đã được khai quật tại thành Điện Hải là bảo vật giá trị. Do đó, ngày 26-12-2017, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 2082/QĐ-TTg công nhận thành Điện Hải là Di tích quốc gia đặc biệt.

2. Giá trị di tích thành Điện Hải

Giá trị lịch sử của thành Điện Hải

Đà Nẵng có một vị trí hết sức quan trọng đối với Việt Nam cũng như khu vực Biển Đông vì thế từ thời chúa Nguyễn, đế quốc Pháp nhiều lần dò xét. Pháp đánh Đà Nẵng, thành Điện Hải cũng như căn cứ phòng thủ của ta tại Đà Nẵng nằm trong mục tiêu của chúng. Trong 2 lần liên quân Pháp - Tây Ban Nha đánh Đà Nẵng, chúng đã tấn công thành Điện Hải 3 đợt, 2 đợt vào tháng 9-1858 và 1 đợt vào tháng 4-1859 nhưng luôn nhận được sự thất bại.

Thắng lợi tại mặt trận Đà Nẵng là thắng lợi của lực lượng toàn dân tham gia đánh giặc cứu nước. Không chỉ có quân đội của triều đình Huế, mà nhân dân vùng Đà Nẵng đã tham gia đào hào đắp lũy, ngăn chặn đường tiếp quân của giặc. Chiến lược tản cư, vườn không nhà trống cũng đã được thực hiện trong trận mở đầu cuộc kháng chiến chống thực dân. Những tên đất như An Hải, Điện Hải, Cẩm Lệ, Liên Trì, Phước Ninh, Thạc Gián và tên người như Đào Trí, Lê Đình Lý, Nguyễn Tri Phương... gắn liền với những sự kiện, chiến công đã được ghi lại rất nhiều trong biên niên sử. Thắng lợi tại trận Đà Nẵng chống Pháp một lần nữa chứng minh cho sức mạnh của khối đoàn kết toàn dân, của tinh thần cả nước tham gia đánh giặc.

Gần 200 năm qua, thành Điện Hải vẫn tồn tại với thời gian bên đường Trần Phú như một chứng tích lịch sử thầm nhắc nhở mọi người nhớ về những năm tháng đau thương nhưng anh dũng của nhân dân Đà Nẵng trong cuộc chiến chống xâm lược bảo vệ quê hương, đất nước.

Ngày nay, thành Điện Hải là một di tích lịch sử, văn hóa mang nhiều giá trị về mặt lịch sử. Thành là biểu tượng cho ý chí quật cường, tinh thần yêu nước mãnh liệt của nhân dân Đà Nẵng trong buổi đầu kháng Pháp. Xuyên suốt lịch sử, nước ta liên tục chiến đấu chống ngoại xâm, riêng cuộc kháng chiến chống liên quân Pháp - Tây Ban Nha năm 1858 lại là cuộc chiến chưa từng có tiền lệ. Lần đầu tiên, quân và dân ở một đất nước nông nghiệp, phong kiến, đối đầu với quân địch, Pháp, Tây Ban Nha là nước tư bản chủ nghĩa có trình độ sản xuất, vũ khí chiến đấu, phương tiện di chuyển hiện đại hơn hẳn chúng ta. Song, dưới sự lãnh đạo của triều đình nhà Nguyễn, quân dân Đà Nẵng đại diện nhân dân cả nước và cùng nhân dân cả nước mở đầu cuộc kháng chiến chống thực dân phương Tây, cuộc va đập dữ dội này tại Đà Nẵng là “dấu mốc” mở đầu cho giai đoạn chuyển tiếp lịch sử Việt Nam từ cổ trung đại sang cận hiện đại - giai đoạn mà cả dân tộc phải đối mặt với áp lực của kẻ thù xâm lược phương Tây và cũng là giai đoạn có sự giao thoa mạnh mẽ giữa hai luồng văn hóa Đông - Tây.

Giá trị kiến trúc, kỹ thuật xây dựng

Về kiến trúc: thành Điện Hải là loại hình kiến trúc quân sự gồm thành lũy và pháo đài, được thiết kế theo kiểu Vauban (tên một vị tướng công binh Pháp đã nghĩ ra kiểu thành này). Thành Điện Hải được xây dựng bằng gạch có chu vi 556m, cao 5m, có hào sâu 3m, hình vuông có 4 góc lồi. Đây là loại hình kiến trúc quân sự được du nhập từ châu Âu vào nước ta, hầu hết được xây dựng vào TK XVIII-XIX. Hiện trên đất nước ta còn lại không nhiều các di tích loại này và hầu hết không còn nguyên vẹn. Về quy mô, thành Điện Hải là một trong những di tích còn tương đối rõ về quy mô kiến trúc. Tuy bị chiến tranh, thời gian tàn phá nghiêm trọng, nhưng thành Điện Hải vẫn còn giữ được một số thành phần kiến trúc cho phép có thể hình dung được quy mô cũng như kiến trúc của thành.

Tuy trải qua thời gian dài bị chiến tranh tàn phá và thiên nhiên bào mòn, song thành vẫn đứng vững và mang nhiều giá trị về kiến trúc của một tòa thành quân sự với tường cao, hào sâu, thể hiện sự vững chắc của một tòa thành quân sự. Thành Điện Hải tạo nên một điểm nhấn, một dấu lặng hồi tưởng về quá khứ oai hùng, vẻ vang trong một đô thị hiện đại đang phát triển nhanh bậc nhất miền Trung, nó sẽ trở thành một không gian cổ rất được chú ý, là địa chỉ đỏ thu hút du khách và các nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế.

Về kỹ thuật xây dựng: kết cấu gạch khối lớn đảm bảo tính ổn định, tính bền vững bằng kỹ thuật xây dựng và vật liệu truyền thống. Các dạng kết cấu chính: kết cấu tường chắn đất, kết cấu vòm cuốn, xử lý nền móng công trình… Thông qua kết quả khảo sát sơ bộ có đối chứng với tài liệu nghiên cứu và các tư liệu khác có thể mô tả kỹ thuật xây dựng như sau: tường thành được xây theo kết cấu tường chân đất dạng trọng lực, kết cấu vòm cuốn chỉ có ở cổng nhỏ của hai cầu; kỹ thuật xây của thợ xưa rất chuẩn mực về kích thước, hình dạng và tính đối xứng cao, sai sót về kích thước rất nhỏ, có thể nói là không đáng kể. Độ phẳng mặt tường không tô trát rất cao, mạch vữa đều và thẳng nhất là ở tường. Đặc biệt, ở vòm cuốn xây mạch vữa nhỏ, đều kể cả cung tròn về cao trình cũng như kích thước; sử dụng vật liệu từ gạch nung, vữa xây chất lượng cao cho đến nay vẫn rất tốt.

Như vậy, đời sống con người phát triển không ngừng, đặc biệt là đời sống vật chất, nhu cầu xây dựng cũng theo đó mà có nhiều sự biến đổi, với sự tồn tại của mình, thành Điện Hải chính là minh chứng, chứng minh kỹ thuật xây dựng thành có những nét đặc trưng riêng của thời đại và cũng chứng minh trình độ kỹ thuật xây dựng của nhân dân ta đã có sự phát triển, thay đổi vượt bậc theo thời gian.

Giá trị văn hóa, nhân văn

Việc bảo tồn, tu bổ phục hồi di tích thành Điện Hải không chỉ bảo tồn một di tích lịch sử có giá trị mà còn mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, giáo dục truyền thống yêu nước, tinh thần đấu tranh giành độc lập của cha ông cho các thế hệ mai sau. Đà Nẵng là một thành phố giàu tiềm năng, đặc biệt về du lịch, thành Điện Hải sau khi được tu bổ phục hồi và tôn tạo sẽ là điểm nhấn đáng chú ý trong việc khai thác tiềm năng du lịch Đà Nẵng.

Chọn Đà Nẵng cho sự mở đầu quá trình xâm lược Việt Nam và bành trướng thế lực ra vùng Viễn Đông rộng lớn, âm mưu này không chỉ một mình thực dân Pháp mà còn có nhiều tên thực dân phương Tây khác ở vào nửa cuối TK XIX đeo đuổi. Thấy được vị trí chiến lược của Đà Nẵng để rồi quyết tâm chiếm lấy nó là một hành động “nhanh chân” hơn thực dân Anh của Pháp, song, khi chiến tranh xảy ra chúng mới thấy hết sự chủ quan sai lầm về chiến thuật của mình. Sự phản công quyết liệt của nhân dân ta tại mặt trận Đà Nẵng đã làm cho hàng ngàn tên xâm lược phải bỏ mạng, từ bỏ ý định đánh chiếm nơi này, đó quả thực là một chiến công vang dội của ông cha ta.

Khởi đầu cuộc chiến, thực dân Pháp đã thể hiện rõ những ưu điểm hơn hẳn của mình đối với đối phương như: quân đội thiện chiến, súng trường hiện đại, đại bác bắn xa và chính xác, có sức công phá dữ dội, tàu chiến có mức trọng tải lớn và nhiều thuyền tam bản rất cơ động cho việc đổ bộ vào đất liền… những thuận lợi ấy được bổ sung thêm một điều kiện tiên quyết nữa đó là sự hưởng ứng của giáo sĩ và một số giáo dân. Từ những thuận lợi trên, Rigault de Genouilly đã quyết định đánh thốc vào cửa Đà Nẵng để nhanh chóng chiếm lấy nơi này làm bàn đạp vượt Hải Vân Quan ra chiếm kinh đô Huế, bẻ gãy sức phản kháng của nhân dân ta và đưa một người có cảm tình với đạo Thiên chúa lên nối ngôi để dễ bề cai trị.

Có thể nói, ngay từ đầu người dân xứ Quảng đã bất chấp hy sinh lăn xả vào quân thù. “Người nghĩa dũng” thì ra trận đánh Tây, dân thường thì lo tản cư, lập vườn không nhà trống, không để một hạt thóc, một con gà rơi vào tay quân giặc: “Bất cứ nơi nào chúng tôi đi qua nhân dân cũng đều trốn chạy, để lại cho chúng tôi những nhà bỏ trống và làng xóm vắng tanh… tôi chưa hề thấy một con gà” (1), đó là một xác nhận của những tên xâm lược. Nguyễn Tri Phương thực hiện bao vây quân thù bằng thành lũy; nhân dân Hòa Vang, Đà Nẵng cắt nguồn lương thực của chúng, đó là hai yếu tố đẩy đội quân xâm lược Pháp rơi vào vòng khốn đốn. Dưới sự lãnh đạo của danh tướng Nguyễn Tri Phương, nhân dân Đà Nẵng - Quảng Nam đã giam hãm đội quân viễn chinh của Pháp tại bán đảo Sơn Trà, đó là một thắng lợi lớn và nguyên nhân cơ bản nhất buộc thực dân Pháp hai lần thất bại tại Đà Nẵng. Cuối cùng, một nguyên nhân có tính quyết định đó là tinh thần chiến đấu chống thực dân Pháp của nhân dân ta diễn ra mạnh mẽ với hàng ngàn người lính đã tử trận, nhiều tướng lĩnh đã xả thân vì đại nghĩa, rất đỗi ngoan cường, tất cả họ đã hy sinh anh dũng, buộc chính tướng Rigault de Genouilly, người chỉ huy liên quân Pháp - Tây Ban Nha phải viết trong một báo cáo: “Chính phủ đã nhầm lẫn về tính cách cuộc can thiệp ở Việt Nam... Người ta nói rằng xứ này không có binh lính, quân đội, thì sự thật, quân đội ở đây rất dũng cảm và dân quân gồm tất cả những người lành mạnh trong dân chúng” (2).

Làm phong phú thêm hệ thống di tích thành quách, góp phần bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc

Nếu lãnh thổ quốc gia - không gian sinh tồn/ không gian sống cho cả một dân tộc - là loại di sản văn hóa vật thể ở tầm vĩ mô nhất thì đô thị/ thành phố là loại di sản đô thị ở cấp độ thứ hai tạo không gian sống cho một tập hợp các tầng lớp cư dân đô thị thật cụ thể. Đấy là những bằng chứng về khả năng thích ứng của con người với các điều kiện thiên nhiên và lịch sử ở một địa phương đã xác định để tạo lập cuộc sống ổn định lâu dài. Với quan niệm như vậy, cần xem xét thành Điện Hải như là một hợp phần quan trọng tạo thành di sản kiến trúc đô thị Đà Nẵng trong quá khứ, hiện tại và tương lai. Nhìn trên mặt bằng quy hoạch đô thị (hay ý tưởng quy hoạch ban đầu cho điểm cư dân lịch sử vùng cửa biển sông Hàn) của Đà Nẵng, thành Điện Hải chắc chắn phải đóng vai trò là một trong những trọng điểm quy hoạch quyết định hướng phát triển cho cả đô thị tương lai với tư cách là một “điểm nhấn” đô thị chứ không chỉ có một chức năng duy nhất là hệ thống phòng thủ quân sự. Vì một thời chúng ta có cái nhìn sai lệch về giá trị kiến trúc đô thị của thành Điện Hải mà đã có cách ứng xử chưa đúng, gây ra những ý kiến bức xúc trong xã hội. Đây là vấn đề cần được quan tâm, xử lý trong quá trình đô thị hóa thành phố Đà Nẵng trong tương lai. Bởi vì xét cho cùng, không có thành phố nào xây dựng từ bình địa mà chúng luôn là kết quả của một quá trình kiến tạo không gian đã có và cũng là quá trình can thiệp vào cái cũ để tạo dựng cái mới.

Di tích thành Điện Hải dưới hai góc độ: di tích lịch sử và kiến trúc quốc gia đặc biệt (với tư cách là di sản văn hóa - tài sản văn hóa - sản phẩm văn hóa) và là loại tài nguyên du lịch đặc thù có tiềm năng lớn góp phần thúc đẩy phát triển du lịch bền vững cho Đà Nẵng nếu ta biết kết hợp giữa văn hóa với kinh tế du lịch.

______________________

1, 2. Phần thuyết minh cho du khách đến thăm thành Điện Hải của hướng dẫn viên Bảo tàng Đà Nẵng.

Tài liệu tham khảo

1. Trương Quốc Bình, Thành Điện Hải, Nxb Đà Nẵng, Đà Nẵng, 2019.

2. Lưu Anh Rô, Đà Nẵng buổi đầu đánh Pháp (1858-1860), Nxb Đà Nẵng, Đà Nẵng, 2019.

3. Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Đà Nẵng, Lý lịch di tích thành Điện Hải (phường Thạch Thang, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng), 2017.

VÕ THỊ BẢO THÙY

Nguồn: Tạp chí VHNT số 518, tháng 12-2022

;