Indonesia là quần đảo lớn ở khu vực Đông Nam Á, có quá trình phát triển văn hóa hải đảo lâu đời. Cho đến nay, sự ảnh hưởng của các nền văn hóa lớn trên thế giới đã có tác động mạnh mẽ đối với văn hóa của cư dân ở đây. Trong đó, sự xuất hiện và phát triển văn hóa Ấn Độ có tác động sâu sắc đối với sự hình thành nền văn hóa. Từ góc nhìn lịch sử, chúng tôi tập trung làm rõ những con đường di chuyển của Hindu và Phật giáo ở quần đảo người Malay, sự xuất hiện ban đầu của cộng đồng người Hindu ở Indonesia, chỉ ra sự thâm nhập và ảnh hưởng của các giá trị văn hóa Ấn Độ giáo đến văn hóa bản địa Indonesia.
1. Sự du nhập và tiếp nhận Hindu và Phật giáo của người Indonesia
Cho đến nay, có rất nhiều giả thuyết về sự du nhập Hindu và Phật giáo vào khu vực Đông Nam Á, trong đó có Indonesia. Nhìn chung, các nghiên cứu đều cho rằng những nhân tố ảnh hưởng đến sự du nhập này là quần đảo người Malay có vị trí địa lý thích hợp, bối cảnh kinh tế quốc tế, nhu cầu của người Ấn; nguồn lực địa phương, cơ cấu tổ chức xã hội hiện tại và đặc tính ôn hòa của người dân bản địa.
Có thể thấy, các đảo của Indonesia nằm ở ngã ba của tuyến giao thương quốc tế biển. Sau một thời gian có sự giao thương quốc tế, các khu vực gần cửa sông và tiếp giáp với biển hình thành những cảng lớn hỗ trợ tích cực cho việc buôn bán khắp các khu vực. Hơn thế, các trung tâm kinh tế và đô thị dọc tuyến đường này xuất hiện và là mắt xích quan trọng trong mạng lưới thương mại dọc theo Ấn Độ Dương trong giai đoạn đầu của lịch sử. Không những thế, Indonesia cũng như quốc gia khác đã sử dụng mô hình tổ chức vương quyền, tổ chức xã hội của Ấn Độ, để xây dựng nhà nước cổ đại Đông Nam Á.
Từ những năm đầu tiên sau CN, Ấn Độ giáo được truyền bá đến đây, sau đó Phật giáo vào khoảng TK II và IV. Đó là khi các thương nhân, thủy thủ từ Ấn Độ đến Sumatra, Java và Sulawesi, mang theo tôn giáo của họ. Do đặc tính gió mùa của vùng biển ở đây, việc lưu trú an toàn là cần thiết, nên thương nhân ở lại vài tháng trong năm và sau đó có nhiều người định cư ở đây. Không chỉ có thương nhân, thông qua con đường truyền giáo, các giáo sĩ xâm nhập vào quần đảo Indonesia một cách nhanh chóng. Có nhiều thương nhân cũng như gia đình của họ làm ăn, sinh sống, định cư và đóng vai trò quan trọng đối với sự thịnh vượng của các tiểu vương quốc (Kutai, Srivijaya, Majapahit và Sailendra). Sự thịnh vượng đó còn lưu giữ qua những ngôi đền Phật giáo lớn nhất thế giới Borobudur và ngôi đền Hindu được xây dựng vào thời kỳ hoàng kim của Hindu giáo (1). Đất nước Indonesia có sự ảnh hưởng lớn của Hindu giáo tập trung ở Đông Kalimantan, Tây Java, Trung Java, Đông Java và lan rộng đến Bali trong quá khứ. Đến nay, Bali trở thành nơi tồn tại nhiều giáo lý Ấn Độ giáo.
Nhìn chung, Ấn Độ giáo là một trong những tôn giáo lâu đời nhất trên thế giới, có đặc điểm đa thần, phiếm thần, độc thần, độc tôn, bất khả tri, vô thần và có tính nhân văn. Đặc trưng của Ấn Độ giáo là mang đến niềm tin về cuộc sống khác như sự tái sinh của kiếp sau. Chính vì vậy, khi Hindu và Phật giáo du nhập vào, người Indonesia tiếp nhận với niềm tin rằng cuộc sống sẽ có được những điều hạnh phúc và trở nên đầy đủ, sung túc. Họ dễ dàng hòa hợp giữa Ấn Độ giáo và Phật giáo với thuyết vật linh để làm nên đặc trưng tôn giáo cổ, có ảnh hưởng sâu rộng trong văn hóa ngàn đảo. Có thể thấy Hindu giáo, Phật giáo vào Indonesia, hợp nhất văn hóa Java và các ý tưởng Ấn Độ giáo, Phật giáo đã có từ trước, phát triển thành phiên bản Ấn Độ giáo của người Indonesia. Những tư tưởng này tiếp tục phát triển trong thời đế chế Srivijaya và Majapahit sau đó (2).
Khoảng năm 1297 sau CN, các thương nhân Islam giáo từ Ấn Độ, Oman và Yemen đã sang Indonesia và xuất hiện cộng đồng Islam giáo cùng tồn tại giữa người Ấn giáo. Trong TK XV và XVI, một chiến dịch Islam đã tấn công các tiểu vương quốc Hindu - Phật giáo và kiểm soát Bắc Sumatra (Aceh), Nam Sumatra, Tây và Trung Java, Nam Borneo (Kalimantan). Islam tuyên bố là quốc giáo, chống lại những người Ấn giáo và những kẻ ngoại đạo khác bằng cách áp thuế. Chính vì thế, tín đồ Hindu - Phật giáo chuyển sang Islam giáo để thoát thuế và vẫn tiếp tục tín ngưỡng cũ hoặc chuyển đến nơi ở mới để lánh nạn như ở Bali.
Trong khi tôn giáo diễn ra nhiều mâu thuẫn và xung đột, người Hà Lan xuất hiện và cai trị xã hội Indonesia, ngăn chặn sự thống trị của Islam giáo và phục hồi Hindu - Phật giáo, đặc biệt là ở Java và các đảo phía Tây. Sau khi Indonesia độc lập, Islam trở thành độc tôn và có vai trò lớn đối với hệ thống chính trị quốc gia. Ngược lại, Ấn Độ giáo không được công nhận. Sau nhiều cuộc đấu tranh và kiến nghị của người theo đạo Hindu (3), năm 1959, Tổng thống Indonesia Sukarno ủng hộ bộ phận người Ấn theo Ấn Độ giáo. Đến năm 1962, Indonesia trở thành quốc gia thứ 5 được công nhận Hindu giáo từ Chính phủ Ấn Độ, trước tiên là cộng đồng Balani và sau đó là các tín đồ cộng đồng khác (4).
Có thể thấy, người dân bản địa có sự tiếp nhận và ảnh hưởng của văn hóa người Ấn mang đậm dấu ấn Hindu và Phật giáo, tạo nên những đặc trưng riêng cho văn hóa Indonesia thời kỳ đầu. Sự khuếch tán văn hóa Ấn bằng con đường hòa bình và được tiếp nhận một cách tự nguyện vì có ích về mặt xã hội, phù hợp với tình hình phát triển của các nhà nước cổ đại Đông Nam Á thời kỳ khủng hoảng nội bộ. Bên cạnh đó, yếu tố kinh tế như ảnh hưởng mạnh mẽ của hệ thống mạng lưới thương mại người Ấn đối với khắp quần đảo người Malay trong đó có Indonesia như là nhân tố thúc đẩy sự phổ biến văn hóa càng mạnh mẽ.
2. Dấu ấn Hindu và Phật giáo trong nền văn hóa hiện đại
Cho đến nay, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, đi khắp đất nước Indonesia, ở đâu cũng thấy phảng phất văn hóa Ấn nhưng không rõ ràng và cụ thể. Điều này có thể thấy từ lịch sử phát triển văn hóa Indonesia qua các thời kỳ. Người dân địa phương tiếp nhận nhưng không đồng nhất văn hóa mà tái tạo lại các giá trị đó làm phong phú thêm văn hóa bản địa. Sự tiếp nhận văn hóa Ấn Độ này đậm nét nhất ở Java và Bali.
Đối với văn hóa, sau khi Hindu và Phật giáo trải rộng trên quần đảo Malay, người Indonesia chấp nhận những nhiên thần của Ấn Độ và mong muốn được ban phát cuộc sống sung túc. Từ lịch sử phát triển, người Indonesia nhận thức sâu sắc về sự tồn tại của Ấn Độ giáo và Phật giáo trong văn hóa của họ.
Sau khi văn hóa Islam giáo du nhập vào, những giá trị văn hóa Hindu và Phật giáo không bị bài trừ tất cả mà vẫn được tiếp biến có chọn lọc. Mặc dù những ảnh hưởng của Islam giáo ngày càng tăng nhưng thực sự các giá trị Ấn Độ giáo đã ăn sâu vào tâm trí và linh hồn của người dân Indonesia từ quá khứ đến hiện tại. Với đặc điểm địa lý có nhiều quần đảo khác nhau, sự khác biệt của nhiều vùng văn hóa vẫn không làm cho Indonesia có sự chia rẽ mà thống nhất trong đa dạng. Thực tế, khi Islam giáo lan rộng từ TK XIII, người Indonesia đã có sự kết hợp giữa văn hóa Hindu - Phật giáo với Islam giáo một cách linh hoạt, điển hình là văn hóa Java.
Nhìn chung, người Indonesia có tâm thế tiếp nhận tôn giáo độc đáo. Theo họ, tất cả tôn giáo đều có những điều tốt đẹp. Chính vì thế, người Java vẫn theo thuyết vật linh, Ấn Độ giáo và Phật giáo. Hơn thế, bản thân Islam giáo không thoát ly khỏi Islam giáo Trung Đông mà có sự bổ sung thêm từ văn hóa bản địa, cho nên, Java là một nền văn hóa đặc trưng của sự giao thoa và tiếp biến nhiều nền văn hóa khác nhau từ tiền sử đến nay. Sự tập trung hướng vào tâm linh và hòa hợp các giá trị tôn giáo mới đã làm cho nền văn hóa Java vô cùng phong phú và đa dạng. Trong đó, wayang của Indonesia là biểu tượng đặc trưng nhất cho sự sáng tạo của người Indonesia khi tiếp nhận nhân vật mang đặc trưng Ấn Độ (Yudhishthira, Arjuna, Bima….) và nhân vật người hầu (Semar, Gareng, Petruk, Bagong) mang đậm nét tâm linh và có kỹ năng khác biệt trên cơ sở con rối của Ấn Độ.
Hiện nay, Ấn Độ giáo là 1 trong 6 tôn giáo chính thức của người Indonesia. Hiện có 4.012.116 người Ấn giáo ở Indonesia (2010), chiếm khoảng 1,7% tổng dân số và hơn 83% dân số ở Bali. Một đặc điểm chung của cộng đồng Hindu mới ở Java là những ngôi đền thờ cúng của đạo Hindu. Phật giáo, Ấn Độ giáo tồn tại và hiện diện trong nhiều ngôi đền Hindu mới ở phía Đông Java, đặc biệt đền Mandaragiri Sumeru Agung, nằm trên sườn núi cao nhất Java là Mt. Semeru.
Bên cạnh đó, sự ảnh hưởng của văn hóa Ấn qua Tamil đến các đảo Indonesia, đặc biệt là Bali, có sự hợp nhất giữa Phật giáo Đại thừa với Ấn Độ giáo. Điều đặc biệt là tôn giáo có nguồn gốc từ Java và có sự hòa trộn giữa Shiva và Phật giáo. Về cơ bản, yếu tố thần học xuất phát từ triết học Ấn Độ, còn nghi lễ tôn giáo được hình thành bởi các tín ngưỡng bản địa. Yếu tố tâm linh, sức mạnh của thiên nhiên và thờ cúng tổ tiên đều nằm trong đức tin vào đấng tối cao (Brahaman), linh hồn (atma), nghiệp (karma phala), luân hồi (reinkarnasi) và sự giải thoát (moksa).
Ấn Độ giáo của người Bali có đặc trưng riêng thể hiện qua nghi lễ và đức tin giữa những người theo đạo Hindu. Nghi lễ, người Bali rất phong phú gắn với các vị thần và ác quỷ tồn tại khắp nơi. Trong các giá trị văn hóa, đức tin của tôn giáo này có tính biểu tượng cao đặc biệt đối với nghệ thuật biểu diễn. Những điệu nhảy theo nhạc gamelan, điệu wali và bebali phản ánh đức tin và sự tôn thờ đấng tạo hóa. Người theo đạo Balani tin rằng các hình thức nghệ thuật vừa là di sản văn hóa nghệ thuật, vừa là phương tiện để tôn thờ Sang Hyang Widhi, nên nghệ thuật được tạo ra vì hòa bình và niềm tin vào cuộc sống.
Hiện nay, có 97% người dân đảo Bali là người Ấn Độ giáo. Đặc tính khoan dung tôn giáo phổ biến nhất, nên người theo Ấn Độ giáo Balani tin rằng chỉ có một Chúa nhưng có nhiều tín ngưỡng, nhưng Ấn Độ giáo là mẹ của tất cả các tôn giáo và của cả nền văn hóa. Như vậy, người Ấn giáo được dạy không được coi thường các tôn giáo khác và sống hòa hợp. Hiện nay, do những ảnh hưởng lớn của văn hóa nước ngoài, người Bali đã có nhiều thay đổi nhưng vẫn còn lưu giữ các phong tục cổ xưa nhất của người Indonesia.
Thông qua trường hợp tiêu biểu như Java và Bali, có thể thấy người Indonesia có khả năng sáng tạo và linh hoạt trong việc tạo ra những giá trị văn hóa riêng. Điều quan trọng nhất là những đặc điểm văn hóa Hindu - Phật giáo du nhập vào đây không còn nguyên bản như đặc trưng văn hóa Ấn và đậm đà bản sắc bản địa ở Indonesia hay còn gọi là văn hóa nguồn ở đây. Cho đến khi văn hóa Islamlan rộng khắp quần đảo thì người Indonesia cũng có quá trình tiếp biến bằng cách riêng của họ. Tính sáng tạo của người Indonesia trong quá trình tiếp nhận văn hóa đã làm nên sự mới mẻ và đặc trưng cho nền văn hóa đương đại.
Không chỉ có Indonesia, Ấn Độ giáo xuất hiện và lan rộng khắp khu vực Đông Nam Á đầu TK IX. Nhìn chung, Hindu giáo hòa hợp với Phật giáo và kết hợp các đặc điểm tín ngưỡng địa phương tạo nên văn hóa mới ở các nước. Ngày nay, đền được sử dụng như một ngôi chùa Phật giáo và thực hành Phật giáo diễn ra ở các đền thờ Hindu phổ biến ở Campuchia cũng như Borobudur và Loro Jonggrang (Prambanan) của Java (5). Một số nhà nghiên cứu cho rằng Phật giáo Đông Nam Á đã hấp thụ ảnh hưởng của Ấn Độ giáo và mối quan hệ giữa hai tôn giáo tồn tại ở những thời gian và địa điểm khác nhau và tồn tại cho đến ngày nay (6). Cho đến nay, Ấn Độ giáo vẫn tồn tại bên cạnh Phật giáo, Islam và Thiên chúa giáo ở khu vực.
3. Một số nhận xét
Sự du nhập Hindu - Phật giáo vào Indonesia từ rất sớm, khá thuận lợi và chủ yếu thông qua các con đường giao thương. Có thể khẳng định rằng, đặc tính ôn hòa và linh hoạt của người Indonesia và sự hòa hảo của người Ấn đã tạo nên sự hòa hợp giữa tín ngưỡng địa phương và tôn giáo nước ngoài, tạo nên đặc trưng văn hóa bản địa. Tính ôn hòa tạo nên những thuận lợi cho người Ấn Độ định cư lâu dài và Hindu - Phật giáo đi sâu vào đời sống người dân Indonesia. Cộng đồng của các thương nhân Ấn Độ định cư tại nhiều cảng quan trọng dọc theo Đông Nam Á thường có bản tính ôn hòa và tôn trọng người bản địa. Suốt thời gian dài đóng góp cho sự phát triển kinh tế, xã hội địa phương nhưng họ không có sự độc chiếm hay cai trị kiểu thực dân. Ngoài ra, các giá trị văn hóa truyền thống của họ được lan tỏa đến khắp đời sống người dân bản xứ. Đối với người Indonesia, từ trước họ cũng coi trọng sự hài hòa vì họ tin rằng chỉ sống hòa hảo là cách tốt nhất để tồn tại. Cho nên, khi Ấn Độ giáo và Phật giáo vào đây, người Indonesia dễ dàng chấp nhận và hòa hợp với tâm thế đón nhận tôn giáo. Thực tế, cùng thời kỳ, sự hài hòa tôn giáo giữa Hindu và Phật giáo, giữa Hindu và Islam giáo xuất hiện ở cả Ấn Độ, các quốc gia Đông Nam Á và ở Indonesia. Bên cạnh đó, người Indonesia dễ dàng chuyển đổi tôn giáo của họ vì lợi ích kinh tế hơn là tâm linh. Điều này dễ nhận thấy khi họ chuyển sang Ấn Độ giáo và Phật giáo trong thời điểm Ấn Độ cổ đại đang ở đỉnh cao của kinh tế khu vực, các nước đều có lợi trong giao thương như Indonesia hay các nước Đông Nam Á khác.
Bên cạnh đó, trong quá trình phát triển, Hindu - Phật giáo đã có những thay đổi bởi sự lất lướt của Islam giáo. Tuy nhiên, một số giá trị văn hóa mang dấu ấn Hindu - Phật giáo vẫn được Islam tiếp nhận. Dù không còn phổ biến như trong giai đoạn thịnh vượng, những giá trị văn hóa của tôn giáo này vẫn được xem là văn hóa nguồn của Indonesia và còn lưu lại nhiều dấu ấn ở Bali và Java. Không chỉ ở quốc gia ngàn đảo này, Hindu - Phật giáo trải rộng hầu hết các quốc gia Đông Nam Á khác (7).
_____________
1. Bằng chứng bằng văn bản và các đối tượng khảo cổ của giáo lý Ấn Độ giáo ở Indonesia đã được tìm thấy vào TK IV sau CN. Có sự phát hiện ra bảy Yupa, di sản của nhiều vương quốc Kutai ở Đông Kalimantan, các bản khắc Tây Java bằng tiếng Phạn và sử dụng chữ Pallawa trong TK V- Ciaruteun, Kebonkopi, Guava, Pasir Awi, Muara Cianten, Tugu và Lebak. Punawarman là người theo đạo Hindu bằng cách tôn thờ Tri Murti như là biểu hiện của đấng toàn năng.
2. Trước thời Majapahit, đã có một vương quốc có văn hóa Ấn Độ giáo ở Bali vào thời đại Mataram cổ đại, giữa năm 600-1000 sau CN.
3. Phong trào tự quyết chính trị ở Bali vào giữa những năm 1950 dẫn đến một phong trào đấu tranh phi bạo lực và đưa ra kiến nghị chung vào năm 1958 đòi hỏi Chính phủ Indonesia phải công nhận Ấn Độ - Phật giáo.
4. Dayak của tôn giáo Kaharedan ở Trung Kalimantan, người Manusela và Nuaulu Seram theo Naurus, Tana Toraja của Sulawesi, Batak của Sumatra.
5. asiasentinel.com
6. iseas.edu.sg
7. Bài viết thuộc đề tài cấp Bộ Ảnh hưởng văn hóa Ấn Độ tới các quốc gia Đông Nam Á hải đảo (Trường hợp Indonesia và Malaysia) do TS Phạm Thanh Tịnh làm chủ nhiệm.
Tác giả: Phạm Thanh Tịnh - Hoàng Thị Mỹ Nhị
Nguồn: Tạp chí VHNT số 425, tháng 11 - 2019