Theo số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông, Việt Nam có quy mô dân số khoảng 98,5 triệu người, trong đó có hơn 77 triệu người sử dụng mạng xã hội (Báo cáo Digital marketing 2023). Việt Nam được xem là một trong những quốc gia có số lượng người sử dụng internet đông nhất thế giới. Văn hóa kỹ thuật số có mặt ở khắp nơi và ảnh hưởng mạnh mẽ đến mọi mặt của đời sống xã hội. Nghiên cứu công chúng cho thấy, đám đông sử dụng mạng xã hội đã tạo ra một lượng thông tin khổng lồ và lan truyền thông tin đó trên môi trường văn hóa số. Những hành động tập thể của đám đông vừa có tác động tích cực, vừa có tác động tiêu cực, việc kiểm soát hành động này không dễ dàng, bởi mạng xã hội là không gian văn hóa công cộng dành cho tất cả mọi người. Nhiều đám đông gây nên hiệu ứng mạnh chỉ sau một vài giờ xuất hiện với diễn biến khôn lường, rất khó nắm bắt, kiểm soát. Điều này đặt ra cho các nhà quản lý truyền thông - văn hóa những thách thức to lớn trong việc điều chỉnh, duy trì và xây dựng môi trường văn hóa số lành mạnh.
1. Hiệu ứng đám đông trên mạng xã hội
Hiệu ứng đám đông (the crowd effect) do đám đông tạo ra và tác động tới đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Khi nói tới đám đông hay hiệu ứng đám đông, cách tư duy truyền thống vẫn luôn gắn chúng với các biểu hiện tiêu cực, phức tạp, ảnh hưởng xấu đến đời sống. Gustave LeBon coi đám đông như một đối tượng tội phạm, gây hấn bởi đặc tính của cá nhân trong đám đông là cá nhân không còn là bản thân mình nữa (1).
Theo Nguyễn Mạnh Dũng: “Hiệu ứng đám đông là chuỗi phản ứng tương đồng của tập hợp người, cùng hướng vào đối tượng chủ thể, khách thể nào đó trong xã hội, tạo ra ảnh hưởng, tác động nhất định đến xã hội” (2). Hiệu ứng đám đông là hiệu ứng tâm lý mang tính lây truyền. Theo đó, cách hành xử của đám đông có tác động đến tâm lý của người ngoài cuộc. Số lượng người tham gia vào hiệu ứng càng nhiều thì kết quả của hiệu ứng càng lớn. Mặt khác, hiệu ứng đám đông cũng có thể là những suy nghĩ hoặc hành vi của con người thường xuyên chịu ảnh hưởng của những người khác. Tâm lý con người thường chạy theo những thứ mà số đông cho là hay và đúng, nhưng bản thân có thể chưa có đủ kiến thức và kinh nghiệm để nhìn nhận vấn đề. Chính vì vậy, hiệu ứng đám đông chứa đựng cả hai dạng thức tích cực và tiêu cực. Tích cực nếu vấn đề mà đám đông đang nhìn nhận, đánh giá, bình xét là đúng, sáng suốt và ngược lại.
Như vậy, có thể thấy, hiệu ứng đám đông là những phản ứng tâm lý lây truyền, có thể tích cực hoặc tiêu cực, phụ thuộc vào nhận thức của đám đông. Hiệu ứng đám đông trên truyền thông mạng xã hội hiện nay khá phức tạp và khó kiểm soát. Tuy nhiên, dưới góc độ quản lý nhà nước, cần thiết phải nhìn nhận đây là một kênh thông tin cần thiết để các cơ quan quản lý, nhà hoạch định chính sách tiếp nhận thông tin từ công chúng và các vấn đề xã hội đang diễn ra.
2. Yếu tố tác động đến việc hình thành hiệu ứng đám đông trên mạng xã hội
Thứ nhất, yếu tố tác động đầu tiên dẫn đến việc hình thành hiệu ứng đám đông trên mạng xã hội xuất phát từ nhận thức của công chúng. Nếu thừa nhận mạng xã hội là một thế giới ảo, phản ánh ngày càng toàn diện các hoạt động của đời sống thật, thì rõ ràng, truyền thông đã tạo ra cơ hội cho con người tự tin thể hiện quan điểm cá nhân cũng như có thể đưa tin, phản ánh về sự kiện mọi lúc, mọi nơi. Nhiều người có tâm lý thích thể hiện cái tôi cá nhân, thích được chú ý hoặc vì mục đích tăng lượng xem hoặc theo dõi để được nổi tiếng nên tìm mọi cách để đăng tải những thông tin gây sốc, giật gân, câu khách. Bên cạnh đó, nhiều người dùng mạng xã hội còn bị chi phối bởi tâm lý chạy theo số đông, nhiều người không muốn bày tỏ ý kiến trái chiều của mình vì sợ khác biệt so với số đông cộng đồng hoặc sợ bị tẩy chay, lên án, phê phán. Họ chấp nhận hòa mình vào đám đông, chung ý kiến, quan điểm nhận định với đám đông.
Kết quả nghiên cứu 300 người dùng mạng xã hội (3) cho thấy, có tới 42% số người được hỏi cho rằng, yếu tố tác động nhiều tới việc hình thành hiệu ứng đám đông trên mạng xã hội là do người dùng mạnh dạn thể hiện quan điểm cá nhân bởi tài khoản Facebook của họ là tài khoản ẩn danh, hoặc cho rằng hành động theo đám đông sẽ an toàn hơn. Việc đám đông tích cực cổ vũ, chia sẻ các trò chơi bạo lực, nghe và xem các clip có nội dung không lành mạnh cũng gây ra những tác động không nhỏ đối với người dùng. Một số người có thể bị ảnh hưởng tâm lý bởi thông tin lan truyền trên mạng xã hội. Do đặc trưng thông tin mạng xã hội khó kiểm soát, cùng với đó là tính năng nặc danh, ẩn danh của người sử dụng nên truyền thông mạng xã hội đang dần trở thành công cụ để các thế lực xấu, thù địch, chống phá Đảng và Nhà nước ta, sử dụng gây rối loạn thông tin, mất trật tự xã hội và an ninh quốc gia. Nguy hiểm hơn, đa phần người sử dụng mạng xã hội lại là người trẻ, chưa có nhiều trải nghiệm cuộc sống, chưa đủ bản lĩnh để sàng lọc thông tin, nên khi tiếp cận với những thông tin độc hại với tốc độ phát tán, lan truyền rất nhanh, dễ bị lôi kéo, bắt chước, “a dua”, tạo thành hiệu ứng đám đông làm sai lệch nhận thức, tác động tiêu cực đến hành vi của nhiều người.
Thứ hai, các tiêu cực, sai phạm trên truyền thông mạng xã hội diễn ra ngày càng nhiều. Thông tin trên mạng xã hội phong phú, đa dạng với nhiều quan điểm ý kiến đối lập nhau, thậm chí nhiều vấn đề được đưa ra ít mang tính xây dựng, thậm chí bị thổi phồng, làm quá lên, khó kiểm soát. Việc đưa thông tin trên mạng xã hội cũng dễ bị “tam sao thất bản”, thiếu tính chính xác và bị chi phối bởi phản ứng lan truyền, cổ động, lây lan và bắt chước từ những nhóm công chúng hoặc đám đông trên mạng xã hội. Báo cáo tổng kết công tác năm 2022 của Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) cho biết: “Năm 2022, đơn vị đã đấu tranh, triệt phá, phối hợp với cơ quan điều tra các cấp khởi tố 37 vụ án, 245 bị can; ngăn chặn, xử lý các vụ việc, điểm “nóng” gây dư luận xấu, phức tạp trên mạng; kịp thời phát hiện, xử lý hoạt động tấn công mạng” (4).
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, trong 6 tháng đầu năm 2023, mạng xã hội Facebook đã gỡ bỏ 2.549 bài viết, 12 tài khoản, 54 trang quảng cáo; nền tảng mạng xã hội YouTube gỡ 6.101 video, 7 kênh; nền tảng TikTok gỡ 415 liên kết và 149 tài khoản vi phạm (5). Những hành vi vi phạm Luật An ninh mạng, vi phạm Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội bị xử lý nghiêm theo quy định. Tuy nhiên, những can thiệp của cơ quan quản lý truyền thông thường có độ trễ về thời gian và trong một số trường hợp trước khi những nội dung độc hại được gỡ bỏ đã kịp tạo ra hiệu ứng đám đông.
Thứ ba, hệ thống quy định pháp luật quản lý truyền thông mạng xã hội đã có nhưng chưa đầy đủ, còn chồng chéo chức năng nhiệm vụ của các ngành. Có những vấn đề chưa được nghiên cứu đưa vào văn bản quy phạm pháp luật để quản lý dẫn đến lúng túng khi xử lý. Các quy định về an toàn, an ninh mạng tại Chương V, Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15-7-2013 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng về cơ bản không còn phù hợp với Luật An ninh mạng năm 2018 và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Thứ tư, hạn chế trong công tác dự báo, phòng ngừa, xử lý đám đông và hiệu ứng đám đông. Chúng ta chưa xây dựng hệ thống phòng ngừa khủng hoảng hoặc dự báo tác động của truyền thông xã hội, do vậy khi có các vấn đề xảy ra trên không gian mạng thì công cụ và phương pháp xử lý hiệu ứng đám đông thể hiện rõ sự bất cập, thậm chí nhiều vụ việc chúng ta buông xuôi, để “trôi” theo hiệu ứng đám đông. Do đó, cần tăng cường nghiên cứu và xây dựng hệ thống dự báo, phòng ngừa và xử lý hiệu ứng đám đông. Để làm được điều này, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về tư tưởng, nhận thức, về nét đẹp truyền thống Việt Nam, lên án những tiêu cực đang xảy ra trên mạng xã hội. Việc này phải được sự tham gia của toàn xã hội chứ không riêng các cơ quan quản lý nhà nước. Bên cạnh đó, phải tăng cường công tác kiểm tra giám sát, xử lý nghiêm các vi phạm, công khai cho người dân được nhìn nhận để họ biết và tuân thủ theo đúng pháp luật.
Nếu công chúng có nhận thức đầy đủ, biết phân tích đúng sai, biết suy ngẫm rồi mới hành động (bình luận, like, chia sẻ) thì họ là người sử dụng mạng xã hội có văn hóa, còn nếu công chúng thiếu nhận thức, thiếu cẩn trọng trong việc sử dụng mạng xã hội sẽ phải đối mặt với nhiều vấn đề tiêu cực của văn hóa số như: tiếp nhận những thông tin không chính thống, tin giả, bị mất tài khoản, bị lừa đảo từ đó dẫn đến những hành động ứng xử thiếu văn hóa hoặc vi phạm pháp luật trên không gian mạng (like, chia sẻ tin giả, tiếp tay cho tệ nạn lừa đảo, sử dụng ngôn từ thiếu văn hóa, quấy rối, đe dọa).
3. Thách thức trong công tác quản lý hoạt động truyền thông mạng xã hội
Việc quản lý thông tin trên mạng xã hội đang là thách thức lớn với các cơ quan quản lý nhà nước. Nhiều đơn vị không đủ nhân sự và khả năng để tiếp cận thông tin nhanh, nhiều chiều, đôi lúc việc nắm bắt, phân tích, dự báo tình hình chưa kịp thời, nhất là những thông tin nhạy cảm, ảnh hưởng đến số đông người dân. Nếu thừa nhận mạng xã hội là một thế giới ảo, phản ánh ngày càng toàn diện các hoạt động của đời sống thật, thì rõ ràng chỉ có hai cơ quan quản lý nhà nước là Bộ Thông tin và Truyền thông cùng với Bộ Công an tham gia quản lý hoạt động này là chưa khả thi. Bởi lẽ, hiện nay, chúng ta đang có hơn 20 cơ quan Bộ, cơ quan ngang Bộ và hệ thống chính quyền hành chính 4 cấp, với hàng triệu công chức, viên chức tham gia quản lý, điều hành hệ thống chính trị. Qua thực tế phát sinh một số vụ việc tạo hiệu ứng đám đông trên mạng xã hội, bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt Bộ Thông tin và Truyền thông cùng với Bộ Công an, có thể thấy nhận thức về trách nhiệm và sự phối hợp của các Bộ, ngành khác trong việc quản lý thông tin trên mạng xã hội còn nhiều khoảng trống. Do vậy, để giảm thiểu sự tác động hiệu ứng đám đông trên mạng xã hội cần có sự chung tay tham gia của nhiều Bộ, ngành, nhiều tổ chức xã hội theo đúng chức năng, nhiệm vụ đã được pháp luật quy định. Nghiên cứu của chúng tôi cũng nhận được câu trả lời tương tự là việc hình thành hiệu ứng đám đông có nguyên nhân tác động từ yếu tố quản lý hoạt động truyền thông: 44,33% số người được hỏi cho rằng đây là yếu tố tác động nhiều tới việc hình thành hiệu ứng đám đông trên mạng xã hội; chỉ có 5% số người được hỏi cho rằng công tác quản lý truyền thông hoàn toàn không tác động đến việc hình thành hiệu ứng đám đông (6).
Bên cạnh đó, cần phát huy vai trò của công tác tuyên truyền trong các tổ chức chính trị xã hội và các cơ quan truyền thông, phát huy hơn nữa lợi thế của mạng internet, cung cấp, cập nhật thường xuyên hệ thống văn bản pháp luật, quan điểm chính thống của Đảng, Nhà nước nhằm định hướng người dân cảnh giác trước những thông tin nhạy cảm, trở thành những người có văn hóa khi tham gia mạng xã hội.
Từ những biểu hiện hiệu ứng đám đông trên mạng xã hội, các cơ quan tổ chức cần vào cuộc để truyền thông cho công chúng hiểu rằng những thông tin đăng tải trên mạng xã hội có tính cá nhân nhưng phải nằm trong khuôn khổ của pháp luật, phải có sự chia sẻ, thấu hiểu để công chúng đặt mình vào vị trí của người trong cuộc. Đặc biệt, phải xử lý nghiêm những hành vi lợi dụng mạng xã hội để tạo hiệu ứng đám đông và trục lợi.
Với các vụ việc phức tạp, có hiệu ứng lan truyền rộng cần phát huy vai trò chỉ đạo điều hành của Ban Chỉ đạo 35 các cấp, Ban Tuyên giáo Trung ương cũng như vai trò quản lý nhà nước của cơ quan quản lý thông tin, truyền thông, cơ quan quản lý văn hóa, vai trò điều tra xử lý vi phạm của Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an), Phòng an ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng CNC (Sở Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương).
4. Kết luận
Truyền thông mạng xã hội đang tạo ra một “cuộc chơi” mới khiến các cơ quan quản lý nhà nước cũng như các tổ chức truyền thông phải thay đổi nhận thức, để vừa định hướng dư luận, vừa xây dựng môi trường văn hóa số lành mạnh. Các yếu tố tác động đến việc hình thành hiệu ứng đám đông trên mạng xã hội liên quan đến nhận thức của công chúng cũng như thực thi chính sách trong quản lý hoạt động truyền thông - văn hóa, công tác dự báo phòng ngừa, xử lý hiệu ứng đám đông của các cơ quan quản lý nhà nước. Do đó, để tăng cường quản lý thông tin trên mạng xã hội một cách hiệu quả, nhằm giảm thiểu tác động của hiệu ứng đám đông, cần có sự vào cuộc và phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành có liên quan và cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận, hiểu biết của người dân. Văn hóa số sẽ làm thay đổi lối sống và cách thức mà cá nhân tham gia vào đời sống xã hội, đòi hỏi mỗi người cần thích ứng với nó và phát triển các chuẩn mực văn hóa trong bối cảnh xã hội đương đại.
_________________
1. Gustave Le Bon, Tâm lý học đám đông, tái bản lần thứ 13, Nxb Tri thức, 2020.
2. Nguyễn Mạnh Dũng, Vấn đề đám đông, hiệu ứng đám đông trong quản lý phát triển xã hội ở Việt Nam - Từ lý luận đến thực tiễn, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, 2022.
3, 6. Kết quả thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hiệu ứng đám đông trên mạng xã hội, 2023.
4. Bộ Công an, Báo cáo tổng kết của Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm CNC, bocongan.gov.vn, 2022.
5. Vũ Quỳnh Trang, Ứng xử thiếu văn minh trên môi trường mạng, tuyengiao.vn, 2023.
Tài liệu tham khảo
1. Quang Khải, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao chủ động, quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, bocongan.gov.vn, 2022.
2. Phan Thăng An, Công tác bảo vệ chính trị nội bộ, chú trọng vấn đề chính trị hiện nay, phòng chống suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, xaydungdang.org.vn, 2023.
TS LẠI THỊ HẢI BÌNH
Nguồn: Tạp chí VHNT số 554, tháng 12-2023