Hợp tác xây dựng mô hình thư viện số đại học dùng chung tại Việt Nam

Hợp tác phát triển xây dựng thư viện số (TVS) dùng chung đại học là yêu cầu tất yếu trong quá chuyển đổi số đại học hiện nay với mục đích nâng cao phục vụ, tiết kiệm chi phí, tăng cường sự giao lưu, học hỏi kinh nghiệm hợp tác giữa các thư viện đại học (TVĐH). Hợp tác, chia sẻ TVS dùng chung với nhiều mô hình theo khối đại học quốc gia, khối lĩnh vực đạo tạo, khối đại học vùng. Sự phát triển các mô hình TVS bị tác động bởi nhiều yếu tố về cơ chế chính sách, hạ tầng công nghệ, các chuẩn hóa, nguồn lực con người, tài chính và sự sẵn sàng tham gia của các TVĐH trong việc xây dựng phát triển TVS dùng chung hiện nay.

1. Một số vấn đề về mô hình hợp tác xây dựng TVS dùng chung đại học hiện nay

Mô hình TVS dùng chung là việc kết nối và tích hợp dữ liệu của nhiều TVS độc lập thành một hệ thống thống nhất trên cổng thông tin tìm kiếm tập trung, cung cấp nhanh chóng và chính xác siêu dữ liệu và toàn văn từ các kho tri thức số của hệ thống.

Lợi ích hợp tác xây dựng TVS dùng chung: làm tăng giá trị và hiệu quả của nguồn lực thông tin (khi có nhiều người dùng); mở rộng khả năng truy cập đến các nguồn thông tin, chọn người dùng tin; giảm bớt chi phí; tận dụng tối đa các nguồn lực thông tin (chia sẻ với các đơn vị khác trong khi không sử dụng hết nguồn lực) (1).

Hợp tác xây dựng TVS dùng chung đại học cho phép các TVS đại học có nguồn tài nguyên số đa dạng, làm tăng giá trị và hiệu quả phục vụ nguồn tài nguyên số; giúp các thư viện tiết kiệm một khoản kinh phí lớn trong bổ sung tài liệu; tăng cường vai trò, vị thế cho các thư viện và các trường đại học, cao đẳng trong hệ thống giáo dục Việt Nam cũng như khu vực và quốc tế; điều kiện tăng chỉ số phục vụ trong đánh giá kiểm định chất lượng đại học; hỗ trợ, tăng cường cho công tác xếp hạng đại học của các trường và các thư viện (2).

Hợp tác xây dựng TVS dùng chung đại học góp phần xây dựng cơ chế quản lý, chính sách và các quy định chung trong tổ chức hoạt động TVS dùng chung; cung cấp cho các nhà lãnh đạo, quản lý cơ cấu và kết quả đào tạo các ngành/ chuyên ngành và quảng bá kết quả đào tạo, nghiên cứu của các trường đại học.

2. Thực trạng mô hình hợp tác xây dựng TVS dùng chung đại học hiện nay

Mô hình TVS dùng chung khối Đại học Quốc gia

Mô hình TVS dùng chung đại học Việt Nam được khởi động xây dựng từ năm 2017, đến năm 2021 các TVS đại học Việt Nam kết nối dùng chung ban đầu gồm 7 thư viện thành viên với số lượng 150.000 biểu ghi thư mục, đến nay có gần 70 TVS đại học kết nối hệ thống TVS dùng chung đại học Việt Nam. Mô hình đã tổ chức liên thông, kết nối, tích hợp được các cơ sở dữ liệu (CSDL) thư mục của TVS độc lập thành một CSDL thống nhất ban đầu đến năm 2022 thông qua Cổng tìm kiếm tập trung của Trung tâm tri thức số - Đại học Quốc gia Hà Nội. Năm 2023, Viện Nghiên cứu và Phát triển Tri thức số thuộc Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam (AVNUC) đứng ra làm đầu mối.

Hoạt động kết nối xây dựng TVS dùng chung được chia làm hai giai đoạn: chia sẻ về CSDL biểu ghi; đảm bảo các điều kiện sẽ tiến tới chia sẻ toàn văn. Các TVĐH thành viên tham gia gửi đường truy cập kết nối đến Cổng thông tin tìm kiếm tập trung theo giao thức OAI-PMH để kết nối vào hệ thống chung.

Tổ chức hoạt động của mô hình trên cơ sở tự nguyện, Viện Nghiên cứu và Phát triển Tri thức số thuộc AVNUC đứng ra chủ trì làm đầu mối, Liên Chi hội Thư viện khu vực phía Bắc (NALA) giữ vai trò chủ động hoạt động liên kết, kết nối TVS khu vực phía Bắc.

Mô hình TVS dùng chung Đại học Quốc gia TP.HCM gồm 9 thành viên, tổ chức hoạt động liên thông, kết nối, chia sẻ các dữ liệu thư mục, dữ liệu số thống nhất thông qua cổng tìm kiếm tập trung của Thư viện Trung tâm Đại học Quốc gia TP.HCM làm đầu mối đảm bảo chung về quản lý hệ thống máy chủ, lưu trữ, bảo mật thông tin mạng, phần mềm quản lý thư viện, phần mềm quản lý tìm kiếm tập trung. Các TVĐH thành viên tham gia dùng chung hạ tầng công nghệ thông tin, phần mềm thư viện và được cấp quyền đăng nhập vào hệ thống. Mô hình xây dựng cơ chế chính sách phối hợp, chuẩn nghiệp vụ, chuẩn trao đổi dữ liệu và xây dựng nhóm chuyên trách vận hành và mở các lớp tập huấn. Tuy nhiên, khi tham gia vào hệ thống TVS dùng chung các TVĐH thành viên vẫn đảm bảo quyền riêng tự tạo bộ CSDL tài liệu, CSDL người dùng tin và xây dựng chính sách lưu thông, tổ chức quản lý riêng mà không bị ảnh hưởng.

Mô hình thống nhất nguồn tài nguyên thông tin số kết nối chia sẻ dễ dàng, thông suốt giữa các thành viên. Người dùng tin của các TVĐH thành viên cùng lúc có thể sử dụng nguồn tài nguyên thông tin số mọi lúc, mọi nơi nhanh chóng, chính xác mà không bị trùng lặp; tiết kiệm được chi phí khi không phải đầu tư về hạ tầng công nghệ thông tin, phần mềm thư viện lại tự chủ được nguồn tài nguyên thông tin số của mình và dễ dàng tìm kiếm tài liệu trong CSDL dùng chung, khi một thư viện gặp sự cố sẽ không ảnh hưởng đến hệ thống chung. Mô hình cũng đang gặp khó khăn do kinh phí đầu tư trang bị hạ tầng công nghệ, phần mềm cho thư viện trung tâm lớn để duy trì toàn hệ thống hoạt động 24/7. Khi gặp sự cố ở Thư viện trung tâm sẽ ảnh hưởng đến cả hệ thống, không tra cứu trên nguồn tài nguyên thông tin số dùng chung.

Mô hình TVS dùng chung khối đại học theo lĩnh vực đào tạo

Mô hình thư viện khối các trường Đại học Kinh tế: hợp tác chia sẻ tài nguyên thông tin số dùng chung theo dự án “Xây dựng thư viện điện tử dùng chung cho các cơ sở giáo dục đại học ở Việt Nam” thuộc dự án Nâng cao chất lượng giáo dục đại học do Ngân hàng Thế giới tài trợ với 45 trường đại học tham gia và 6 trường thành viên, Thư viện Trường Đại học Kinh tế Quốc dân giữ vai trò là thư viện đầu mối, bảo đảm hệ thống cơ sở hạ tầng, CSDL, nhân lực vận hành và các điều kiện kỹ thuật cần thiết để TVS dùng chung hoạt động thông suốt. Mô hình này thực hiện theo khuôn khổ dự án với mục tiêu tăng số người học, giảng viên tiếp cận với mục tiêu khoảng 600.000 sinh viên và 27.000 giảng viên từ các cơ sở giáo dục đại học được tiếp cận nguồn tài nguyên học tập, nghiên cứu phong phú, thông qua quyền truy cập vào thư viện điện tử dùng chung của khối ngành kinh tế, kinh doanh và quản lý sử dụng CSDL điện tử nội sinh, ngoại sinh.

Mô hình tổ chức hoạt động chủ yếu các trường thành viên tham gia sẽ được quyền truy cập CSDL ngoại sinh (sách và tạp chí có bản quyền) và khai thác tài liệu, CSDL nội sinh từ thư viện đầu mối. Các thư viện thành viên được tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng không phải chia sẻ nguồn thông tin của mình, hoạt động độc lập tự chủ.

Mô hình tiết kiệm kinh phí đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin và mua CSDL nước ngoài. Các đơn vị tham gia không phải đóng góp cho hệ thống, có đơn vị đầu mối được đầu tư cơ sở hạ tầng công nghệ đảm bảo theo dự án và các thư viện thành viên được khai thác nguồn thông tin số từ đơn vị đầu mối. Người dùng có thể sử dụng mọi lúc, mọi nơi nguồn thông tin số dùng chung. Thực hiện tuân thủ các chính sách quy định thống nhất về khai thác nguồn thông tin số dùng chung. Các thư viện thành viên vẫn tự chủ được nguồn tài nguyên thông tin số, khi một thư viện gặp sự cố sẽ không ảnh hưởng đến hệ thống chung.

Tuy nhiên, mô hình này rời rạc, lỏng lẻo vì thực hiện theo dự án hoặc nguồn vốn tài trợ, nên việc đảm bảo duy trì phát triển sẽ không chắc chắn vì dự án có thời gian nhất định. Mô hình thực hiện cho một phần, một phần tự chủ và có những chính sách chung về sử dụng nguồn tài nguyên thông tin số nhưng đóng góp và cam kết của các đơn vị thư viện thành viên rất ít.

Mô hình thư viện khối các trường Đại học Kỹ thuật: Mô hình liên kết giữa Thư viện Tạ Quang Bửu, Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội với khoảng 28 trường đại học khác thuộc khối kỹ thuật hình thành một mạng lưới thư viện để chia sẻ các tài liệu khoa học kỹ thuật, tạo hiệu quả rất tốt. Mô hình đã kết nối được CSDL biểu ghi thư mục của khối các trường kỹ thuật với nhau và tổ chức tập huấn, hội thảo chung. Tuy nhiên, mô hình hoạt động gặp nhiều khó khăn cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ và chưa có Cổng tìm kiếm tập trung, chủ yếu là sử dụng khai thác, tìm kiếm tài liệu từ các TVĐH thành viên. Các thư viện cũng chưa thống nhất được việc dùng chung hạ tầng công nghệ, phần mềm thư viện và các chuẩn xử lý dữ liệu. Nhiều thư viện không tham gia liên kết chia sẻ nguồn lực thông tin, có thư viện tham gia liên hiệp mang tính hình thức, chưa hiệu quả vì chưa nắm rõ tầm quan trọng của việc liên kết chia sẻ. Mô hình cũng chưa có dịch vụ mượn liên thư viện. Về cơ bản, các thư viện vẫn biên mục lặp đi, lặp lại cùng một tài liệu. Mô hình chưa tạo được động lực mạnh mẽ để các thành viên tham gia.

Mô hình khối thư viện các trường Đại học Luật: hợp tác, chia sẻ tài nguyên thông tin giữa các thư viện luật ở Việt Nam được triển khai thực hiện ở thư viện của các cơ sở đào tạo ngành Luật, gồm 6 trường đại học. Cơ sở pháp lý cho việc hợp tác chia sẻ thông tin giữa các thư viện luật là Biên bản ghi nhớ về việc trao đổi, chia sẻ tài liệu. Mô hình tổ chức thực hiện trên cơ sở thỏa thuận hợp tác song phương giữa các trường, với các nội dung: trao đổi tài liệu giáo trình, tạp chí khoa học, các ấn phẩm khác thuộc sở hữu của mỗi trường, chia sẻ tài liệu nội sinh, tài liệu số cấp quyền truy cập. Mô hình có ưu điểm thông qua hợp tác hình thành mối qua hệ khăng khít giữa các thư viện trường luật, tạo điều kiện thuận lợi để tiếp cận nguồn thông tin và dịch vụ của các thư viện luật khác; góp phần thúc đẩy hoạt động chuyên môn và tăng lượt truy cập, tiết kiệm được kinh phí bổ sung. Bên cạnh đó, mô hình cũng có những hạn chế số lượt truy cập tài liệu số, số lượt sử dụng dịch vụ cung cấp thông tin theo yêu cầu ở mức thấp; dịch vụ mượn liên thư viện thấp.

Mô hình khối thư viện Công an nhân dân: chủ yếu là các bản ghi nhớ hợp tác chia sẻ trong khối thư viện trường, học viện công an như hợp tác giữa Trung tâm Lưu trữ và Thư viện của Học viện Chính trị Công an nhân dân, Học viện Cảnh sát nhân dân, Học viện An ninh nhân dân trong việc trao đổi thông tin, chương trình, kế hoạch, hoạt động nghiệp vụ và hoạt động khác.

Mô hình thư viện số dùng chung đại học vùng

Mô hình Trung tâm số Đại học Thái Nguyên: Đại học Thái Nguyên có 7 trường đại học thành viên, 1 trường và 1 khoa trực thuộc, 1 phân hiệu đại học có Trung tâm số Đại học Thái Nguyên chung cho các trường thành viên. Trung tâm số của Đại học Thái Nguyên đã thỏa thuận hợp tác, chia sẻ với các Trường Cao đẳng Công thương, và một số thư viện các trường thuộc phía Bắc, Liên Chi hội TVĐH khu vực phía Bắc. Nguồn thông tin số mà các trường đại học chia sẻ với nhau gồm tài liệu nội sinh (khóa luận, đồ án, luận văn, luận án, giáo trình, báo cáo khoa học), được lưu trữ tại thư viện, sử dụng làm tài liệu tham khảo cho các công trình nghiên cứu, giảng dạy. Mô hình kết nối này cũng chưa được chặt chẽ, vẫn mang tính chất rời rạc.

Mô hình các trường Đại học Huế: Đại học Huế có 8 trường đại học thành viên và 6 đơn vị đào tạo, 5 trung tâm trong hệ thống, có Trung tâm học liệu Huế là đơn vị đầu mối đứng ra liên kết, chia sẻ thông tin giữa các TVĐH thành viên trong Đại học Huế. Việc hợp tác, kết nối trong việc chia sẻ nguồn tài nguyên thông tin số nội sinh và mua CSDL nước ngoài. Hiệu quả hoạt động hợp tác, kết nối của các thư viện thành viên trong Đại học Huế gặp khó khăn về cơ chế quản lý, sự phối hợp giữa các thành viên với nhau chưa cao, nên hiệu quả hoạt động chung của các thành viên Đại học Huế chưa tạo thành kết nối chung của hệ thống.

Mô hình các trường Đại học Đà Nẵng: Đại học Đà Nẵng có 6 trường đại học thành viên và 7 đơn vị đào tạo trong hệ thống này. Trung tâm Thông tin Học liệu và Truyền thông Đại học Đà Nẵng giữ vai trò chủ chốt trong việc quản lý, điều hành hệ thống sử dụng chung, thống nhất về các chuẩn nghiệp vụ thông tin - thư viện quốc tế, đảm bảo sự liên thông, đồng bộ giữa các thư viện cơ sở giáo dục đại học thành viên và toàn hệ thống.

Ngoài ra, hiện nay hầu hết các TVĐH ở Việt Nam đều đã tổ chức liên kết, chia sẻ và có bản ghi nhớ hợp tác phối hợp với nhau giữa các thư viện trường đại học trong đó có các TVĐH ở các địa phương, TVĐH khối lĩnh vực y tế, văn hóa, nghệ thuật, thể thao, du lịch, sư phạm… Tuy nhiên, TVĐH địa phương, TVĐH các khối văn hóa, nghệ thuật chưa có tiềm lực đủ mạnh để liên kết và chia sẻ dùng chung dữ liệu.

3. Kết luận

 Hợp tác, chia sẻ, liên thông xây dựng mô hình TVS đại học dùng chung là xu hướng tất yếu của quá trình phát triển các TVĐH Việt Nam. Mô hình TVS dùng chung cho đại học Việt Nam đã đi vào hoạt động với nhiều mô hình khác nhau và cũng đã có những hoạt động hiệu quả. Tuy nhiên, để tiếp tục phát triển và phát huy được thế mạnh của TVĐH trong thời gian tới, các TVĐH cần đẩy mạnh hơn nữa trong việc liên kết, liên thông chia sẻ, hợp tác để xây dựng mô hình TVS dùng chung cho đại học Việt Nam với nguồn tài nguyên thông tin số khổng lồ, trở thành nguồn lực thông tin đủ mạnh để hợp tác khu vực và quốc tế trong quá trình phát triển đại học. Đẩy mạnh hợp tác giữa các thư viện sẽ mang lại hiệu quả kinh tế thông qua việc chia sẻ nguồn lực thông tin, cải thiện chất lượng dịch vụ thông tin - thư viện, tạo điều kiện cho người sử dụng tiếp cận tối đa các nguồn tin và mục tiêu cuối cùng là góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đại học hiện nay.

______________________

1. S.M.Manna, M. L., Resource sharing and information networking of libraries in Bangladesh: a study of user satisfaction (Chia sẻ tài nguyên và mạng lưới thông tin của thư viện Bangladesh: nghiên cứu về sự hài lòng người dùng), Malaysian Journal of Library & Information Science, 1998, tr.67-86.

2. Nguyễn Hoàng Sơn, Lê Bá Lâm, Hoàng Văn Dưỡng, Xây dựng TVS đại học dùng chung thông qua công cụ tìm kiếm thông minh Primo và phần mềm quản trị tài liệu số nội sinh Dspace, Thư viện thông minh 4.0 công nghệ - dữ liệu- con người, Trung tâm Thông tin - Thư viện Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội, 2018, tr.492-501.

Tài liệu tham khảo

1. Bùi Thu Hằng, Lê Vũ Ngọc Duyên, Trần Huệ Vân, Trần Bảo Ngọc, Vũ Nguyên Anh, Mô hình liên thông nguồn học liệu giữa thư viện nhánh và thư viện trung tâm tại các trường đại học, Tạp chí Thư viện Việt Nam, số 6, 2019, tr.21-26.

2. Chatterjee, A. (n.d.). Resource sharing among libraries in digital era (Chia sẻ tài nguyên giữa các thư viện trong kỷ nguyên số), Jadavpur University: Depterment of library & information Science.

3. Lê Thị Hạnh, Hợp tác chia sẻ tài nguyên thông tin giữa các thư viện luật ở Việt Nam: thực trạng và giải pháp, Tạp chí Thư viện Việt Nam, số 6, 2019, tr.3-9.

4. Đỗ Văn Hùng, Hợp tác chia sẻ tài nguyên thông tin số giữa các trường Đại học trong kỷ nguyên số, Xây dựng và phát triển TVS Việt Nam Quá khứ - Hiện tại - Tương lai: sách chuyên khảo, Trung tâm Thông tin - Thư viện Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội, 2017, tr.194-220.

5. Lê Bá Lâm, Đào Thị Phương Thảo, Tìm hiểu và đề xuất mô hình trung tâm tri thức - thư viện cho các thư viện đại học Việt Nam, Sách chuyên khảo Phát triển mô hình trung tâm tri thức cho các thư viện Việt Nam, Đại học Quốc gia Hà Nội, 2020, tr.65-75.

6. Nguyễn Thị Huyền, Hợp tác liên thư viện giữa các thư viện đại học tại Việt Nam: Cơ hội và thách thức, Tạp chí Thư viện Việt Nam, số 5, 2013, tr.20-25.

NGUYỄN THỊ NHUNG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 554, tháng 12-2023

;