Phát triển văn hóa đọc đối với đồng bào dân tộc thiểu số các tỉnh Tây Bắc Việt Nam

Tây Bắc được thiên nhiên ban tặng cho một vẻ đẹp hùng vĩ với nhiều cảnh quan như đỉnh Phan Xi Păng, thị trấn Sa Pa mờ sương, ruộng bậc thang Mù Cang Chải, rừng Mường Phăng, cao nguyên Mộc Châu… là tiềm năng phát triển kinh tế du lịch. Tây Bắc còn là nơi sinh sống của nhiều dân tộc như Tày, Nùng, Thái, Mường, Mông, Dao… với những phong tục, tập quán, lễ hội văn hóa truyền thống cần được bảo tồn. Tuy nhiên, thực tiễn phát triển vùng Tây Bắc đang cần có sự quan tâm nhiều hơn nữa của toàn xã hội. Để góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo thêm cơ hội cho người dân vùng Tây Bắc được học tập suốt đời, nâng cao mức hưởng thụ văn hóa tinh thần, việc phát triển văn hóa đọc cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nơi đây có một ý nghĩa quan trọng.

Sách giúp con người phát triển thêm nhiều kỹ năng sống - Ảnh: Hùng Mạnh

1. Đặt vấn đề

Tây Bắc là địa bàn chiến lược về phát triển kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng. Đây là nơi sinh sống của đa số đồng bào DTTS ở các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái. Đồng bào DTTS Tây Bắc đã có nhiều đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng của đất nước. Họ là một bộ phận quan trọng của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Do địa hình phức tạp, dân cư phân tán, mặt bằng dân trí thấp, hạ tầng cơ sở kém phát triển nên đời sống vật chất, tinh thần gặp nhiều khó khăn. Trong những năm gần đây, Đảng và Nhà nước đã đặc biệt quan tâm và có nhiều chính sách hỗ trợ cho đồng bào DTTS. Tuy nhiên, thực tế về đời sống kinh tế, xã hội nói chung và đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào DTTS vẫn gặp không ít khó khăn. Sinh kế cho người DTTS Tây Bắc còn thiếu bền vững. Nguyên nhân một phần là do trình độ học vấn và chất lượng giáo dục - đào tạo còn thấp so với yêu cầu đặt ra. Do vậy, phát triển văn hóa đọc cho đồng bào DTTS các tỉnh Tây Bắc đã và đang trở thành ưu tiên hàng đầu, là vấn đề cấp bách hiện nay nhằm nâng cao dân trí, cải thiện chất lượng nguồn nhân lực và nâng cao chất lượng đời sống văn hóa tinh thần cho người dân, góp phần đưa đồng bào DTTS Tây Bắc có thể phát triển cùng sự phát triển của đất nước.

2. Quan niệm về văn hóa đọc, phát triển văn hóa đọc

Văn hóa đọc có vị trí, vai trò rất quan trọng đối với mỗi quốc gia, dân tộc, từng nhóm cộng đồng xã hội và mỗi cá nhân cụ thể. Nó định hình nhận thức và chi phối hành vi ứng xử của mỗi cộng đồng, mỗi con người đối với việc tìm hiểu, tiếp thu, lĩnh hội cũng như trao truyền, chia sẻ tri thức trong đời sống xã hội loài người. Văn hóa đọc phát triển lành mạnh, tích cực sẽ góp phần nâng cao dân trí và chất lượng nguồn nhân lực, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế, xã hội.

Ở góc độ nào đó, văn hóa đọc còn có thể coi là một chỉ báo về trình độ phát triển của mỗi quốc gia, phản ánh sự phong phú, đa dạng và văn minh của đời sống văn hóa tinh thần. Mức độ phát triển văn hóa đọc phản ánh trình độ nhận thức của cộng đồng đối với những giá trị của nền văn minh nhân loại được phản ánh trong tài liệu.

Hiện nay, có nhiều định nghĩa về văn hóa đọc với những quan điểm khác nhau. Theo tác giả Trần Thị Minh Nguyệt: “văn hóa đọc xem xét ở cấp độ cá nhân bao hàm khía cạnh định hướng của chủ thể tới đối tượng đọc (nhu cầu đọc), khả năng, trình độ lĩnh hội, thông tin (kỹ năng đọc), cả ở phản ứng với đối tượng đọc (ứng xử văn hóa)” (1); hay văn hóa đọc với cách hiểu là thước đo mức độ tiếp thu và vận dụng sáng tạo, tri thức, kinh nghiệm, các giá trị văn hóa trong tài liệu vào thực tiễn đã trở thành yếu tố quan trọng đối với sự phát triển của xã hội, đặc biệt trong xã hội hiện đại - xã hội thông tin (2). Tác giả Vũ Dương Thúy Ngà cho rằng, văn hóa đọc là một hoạt động văn hóa của con người, thông qua việc đọc để tiếp nhận thông tin và tri thức. Việc tiếp nhận này sẽ đạt được thông qua sự tích hợp của các yếu tố nhu cầu đọc, thói quen đọc và được biểu hiện qua hành vi, tập quán đọc của cá nhân và cộng đồng (3). Theo ông Lưu Xuân Thủy, Vụ trưởng Vụ Dân tộc thiểu số, Ủy ban dân tộc, văn hóa đọc là thái độ của cá nhân đối với tri thức sách vở. Văn hóa đọc bao gồm thói quen đọc, sở thích đọc và kỹ năng đọc của mỗi người (4).

Một số công trình nghiên cứu khác cho rằng, văn hóa đọc là một dạng hành vi văn hóa tích cực của chủ thể trong quá trình thực hành hoạt động lao động và giải trí. Theo đó, văn hóa đọc là một yếu tố cấu thành của hệ giá trị văn hóa, có thể của cá nhân, nhóm cộng đồng hoặc rộng lớn hơn, của mỗi quốc gia, dân tộc. Tác giả Nguyễn Hữu Viêm cho rằng, “văn hóa đọc là ứng xử đọc, giá trị đọc và chuẩn mực đọc của mỗi cá nhân, của cộng đồng xã hội và của các nhà quản lý, cơ quan quản lý nhà nước” (5).

Mỗi cách tiếp cận và lý giải về văn hóa đọc đều có những điểm hợp lý. Tuy nhiên, có thể nhận thấy điểm chung trong các quan điểm về văn hóa đọc là quan tâm đến chất lượng đọc - yếu tố tạo nên giá trị của việc đọc, là điều kiện quan trọng để mỗi người có thể tiếp cận và vận dụng tri thức, giá trị văn hóa vào cuộc sống.

Phát triển văn hóa đọc là từng bước nâng cao năng lực tiếp cận, tiếp thu và vận dụng tri thức, giá trị văn hóa của mỗi người, mỗi cộng đồng. Tác giả Đoàn Tiến Lộc cho rằng, phát triển văn hóa đọc là một quá trình làm thay đổi văn hóa đọc từ trạng thái cũ sang trạng thái mới, đó là sự biến đổi cả về chất và lượng của quá trình đọc của từng cá nhân, tập thể hay cộng đồng… Như vậy, phát triển văn hóa đọc của mỗi người hay của một cộng đồng chính là tạo những điều kiện thuận lợi để mỗi cá nhân hay cộng đồng đó có thể nâng cao năng lực đọc, hiểu và vận dụng tri thức đã đọc vào cuộc sống (6).

Chính vì vậy, phát triển văn hóa đọc đã trở thành yếu tố quan trọng trong xã hội hiện đại. Đối với mỗi cá nhân, phát triển văn hóa đọc như là một nhu cầu tất yếu để nâng cao vị thế và cơ hội tham gia vào chuỗi lao động trong một thế giới đang toàn cầu hóa với tốc độ rất nhanh. Ở phạm vi quốc gia, dân tộc, phát triển văn hóa đọc đang dần dần định hình như là một chiến lược nhằm ổn định và nâng cao giá trị quốc gia trong thời đại kinh tế tri thức và kỷ nguyên số.

Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi số ở mọi lĩnh vực hoạt động, từng bước hội nhập với thế giới. Phát triển văn hóa đọc là vấn đề cấp thiết với cộng đồng các dân tộc Việt Nam, đặc biệt với cộng đồng các DTTS sinh sống tại Việt Nam.

3. Vai trò của văn hóa đọc đối với đồng bào DTTS các tỉnh Tây Bắc

Cộng đồng DTTS ở các tỉnh Tây Bắc có những điểm đặc thù về điều kiện sống, trình độ dân trí, ngôn ngữ và mục tiêu, cơ hội phát triển. Trong quá trình khảo sát thực địa tại các tỉnh Tây Bắc, nhóm nghiên cứu nhận thấy rằng, việc đọc sách của đồng bào DTTS các tỉnh Tây Bắc chủ yếu tập trung vào nhóm đối tượng là học sinh, sinh viên, viên chức làm việc trong môi trường liên quan đến sách vở, còn nhóm bạn đọc là công nhân, nông dân lại không có thói quen đọc sách. Do điều kiện sống còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, các thư viện, phòng đọc cộng đồng ở cấp xã, thôn, bản về cơ sở vật chất, hạ tầng còn thiếu và yếu, việc đọc sách cũng như cập nhật các nguồn sách mới hầu như không đầy đủ. Điều đó đã tạo ra sự phân hóa rõ rệt với từng đối tượng bạn đọc.

Phát triển văn hóa đọc cho đồng bào DTTS là nâng cao năng lực tiếp cận tài liệu của từng nhóm bạn đọc, giúp họ khai thác có hiệu quả tri thức, giá trị văn hóa của dân tộc Việt Nam, đồng thời tiếp thu tinh hoa tri thức của nhân loại; góp phần nâng cao dân trí, bồi dưỡng nguồn nhân lực, đóng góp vào sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của các tỉnh Tây Bắc.

Phát triển văn hóa đọc góp phần nâng cao dân trí, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS

Đọc và lĩnh hội tri thức trong sách sẽ giúp con người tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm, mở mang những kiến thức về nhiều lĩnh vực, ngành nghề; giúp tư duy con người sáng tạo, và phát triển thêm nhiều kỹ năng hơn. Phát triển văn hóa đọc cho đồng bào DTTS sẽ giúp nâng cao dân trí cho đồng bào, giúp họ có thêm các cách tiếp cận mới trong kinh doanh và sản xuất. Điều này có thể tạo ra cơ hội kinh doanh và việc làm cho nhân dân. Đồng bào DTTS các tỉnh Tây Bắc chủ yếu là canh tác nông nghiệp, những kiến thức, kinh nghiệm được tích lũy khi được chuyển tải tới người dân đã được áp dụng vào sản xuất và cuộc sống, mang lại năng suất cao; góp phần phát triển kinh tế hộ gia đình.

Văn hóa đọc được phát triển cũng góp phần tuyên truyền đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước đến với người dân. Thông qua việc đọc, nghe nhìn, các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đã đến được với người dân, nhằm nâng cao nhận thức của đồng bào DTTS, cổ vũ, động viên họ thực hiện chính sách; đấu tranh ngăn chặn âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, góp phần giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

Về mặt văn hóa, việc phát triển văn hóa đọc giúp bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử, truyền thống của các DTTS ở các tỉnh Tây Bắc. Đồng thời, việc phát triển văn hóa đọc cũng giúp đồng bào DTTS tiếp cận và học hỏi các kiến thức, kinh nghiệm, văn hóa của các dân tộc khác trong và ngoài nước, góp phần nâng cao nhận thức, tư duy và sáng tạo của họ.

Văn hóa đọc góp phần phát triển kinh tế

Việc phát triển văn hóa đọc góp phần nâng cao trình độ giáo dục, kỹ năng và năng lực lao động của đồng bào DTTS ở các tỉnh Tây Bắc Việt Nam, giúp họ có thể tham gia vào các hoạt động kinh tế hiệu quả hơn, tận dụng các cơ hội hợp tác, đầu tư, kinh doanh, khởi nghiệp, đổi mới và hội nhập quốc tế. Việc phát triển văn hóa đọc cũng tạo ra các nguồn thu từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh các sản phẩm và dịch vụ văn hóa, như sách, báo, tạp chí, truyện tranh, sách nói, sách điện tử, phần mềm học tập, văn hóa, giải trí...

Phát triển văn hóa đọc góp phần củng cố khối đoàn kết các dân tộc anh em

Phát triển văn hóa đọc góp phần củng cố sự đoàn kết, gắn bó, hòa hợp giữa các DTTS ở các tỉnh Tây Bắc, cũng như giữa họ và các dân tộc khác trong cả nước. Việc phát triển văn hóa đọc cũng giúp đồng bào DTTS có thêm những hoạt động văn hóa, giải trí, giáo dục bổ ích, lành mạnh, góp phần phòng ngừa và ngăn chặn các tệ nạn xã hội, những giá trị văn hóa tiêu cực, những thói quen lạc hậu, bất hòa.

Như vậy, phát triển văn hóa đọc cho cộng đồng các DTTS chính là việc góp phần hiện thực hóa các mục tiêu về dân chủ, công bằng, bình đẳng, văn minh mà nhân loại hướng tới.

4. Định hướng phát triển văn hóa đọc cho đồng bào DTTS các tỉnh Tây Bắc

Việc phát triển văn hóa đọc đối với đồng bào DTTS các tỉnh Tây Bắc chỉ có thể đạt hiệu quả nếu tận dụng được tiềm năng của các tỉnh Tây Bắc, đồng thời có sự phối hợp giữa các tổ chức chính quyền, đoàn thể xã hội.

Hoàn thiện cơ chế chính sách thúc đẩy phát triển văn hóa đọc cho đồng bào DTTS

Thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, Bộ VHTTDL về phát triển văn hóa đọc cho phù hợp với điều kiện thực tiễn của các tỉnh Tây Bắc, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến vấn đề dân tộc nói chung và vấn đề phát triển văn hóa đọc cho đồng bào DTTS nói riêng. Ngày 15-3-2017, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định số 329/QĐ-TTg Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Bên cạnh đó nhiều chủ trương, chính sách thúc đẩy các điều kiện thuận lợi cho phát triển văn hóa đọc đã được ban hành, trong đó có những văn bản liên quan đến các tỉnh miền núi như: Chỉ thị số 39/1998/CT-TTg ngày 3-12-1998 của Thủ tướng Chính phủ về công tác văn hóa thông tin ở miền núi và vùng đồng bào các DTTS; Pháp lệnh Thư viện năm 2000, Luật Thư viện 2019 đã có những điều, khoản quy định về tài liệu DTTS; Quyết định số 59/QĐ-TTg, ngày 16-1-2017 Về việc cấp một số ấn phẩm báo, tạp chí cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn; Quyết định 1974/QĐ-BVHTTDL ngày 21-7-2023 của Bộ trưởng Bộ VHTTDL về việc triển khai thực hiện nhiệm vụ “hỗ trợ xây dựng tủ sách cộng đồng cho các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi” năm 2023…

Những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước chính là căn cứ để mỗi địa phương vận dụng phù hợp với điều kiện địa phương, thực thi một cách có hiệu quả. Mỗi tỉnh nên thể chế hóa các quy định của Nhà nước thành các cơ chế thích hợp với điều kiện cụ thể của địa phương.

Phát triển mạng lưới thư viện công cộng và thư viện nhà trường, tạo môi trường học tập suốt đời cho đồng bào DTTS

Thư viện tỉnh, huyện phải làm tốt công tác tham mưu cho chính quyền địa phương về các cơ chế, chính sách thúc đẩy sự phát triển của hệ thống thư viện, chế độ đãi ngộ đối với nhân viên thư viện. Quan tâm, tổ chức những hoạt động thu hút người dùng tin đến với thư viện, phòng đọc cộng đồng… Người làm thư viện là người lưu giữ, bảo quản vốn tài liệu nhân loại, cung cấp thông tin cho người dùng; cần nhận thức rõ được vai trò và trách nhiệm của mình trong việc phát triển văn hóa ở địa phương. Người sử dụng thư viện cần hiểu rõ những lợi ích mà thư viện mang lại cho họ và tham gia tích cực vào các hoạt động và sử dụng sách của các thư viện.

Những năm gần đây, nhiều dự án đưa sách đến với học sinh nông thôn, vùng sâu, vùng xa như: 1.001 thư viện bản xa, Sách hóa nông thôn, Tủ sách vùng cao, Tủ sách yêu thương, Sách cho trẻ em vùng cao… Từ những dự án đó, đã có hàng nghìn tủ sách, hàng trăm thư viện được xây dựng và hàng chục nghìn trẻ em được tiếp cận nguồn tri thức.

Đổi mới phương pháp, nâng cao hiệu quả phục vụ bạn đọc trong hệ thống thư viện công cộng, thư viện trường học, tủ sách…; chú trọng phục vụ đối tượng là học sinh, sinh viên, người dân vùng sâu, vùng xa có điều kiện kinh tế khó khăn nhằm hình thành thói quen đọc sách, góp phần xây dựng xã hội học tập, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng dân cư.

Tăng cường xuất bản phẩm bằng tiếng các DTTS

Trong số 54 dân tộc anh em, gần 30 DTTS có chữ viết, tiêu biểu như: Tày, Thái, Hoa, Khmer, Nùng, Mông, Gia Rai, Ê Đê, Ba Na, Xơ Đăng, Cơ Ho, Chăm, Hrê, M’nông, Raglai... Hiện nay, đã có một số ngôn ngữ, chữ viết DTTS được sử dụng trên các phương tiện thông tin đại chúng từ Trung ương tới các địa phương, như: Tày, Thái, Dao, Mông, Jrai, Ê Đê, Ba Na, Chăm, Khmer… Một số địa phương rất quan tâm đến việc bảo tồn ngôn ngữ, chữ viết của đồng bào DTTS, nhưng một số địa phương chưa được quan tâm đúng mức. Để phát triển nhu cầu đọc của các tầng lớp cư dân DTTS cần tăng cường xuất bản các ấn phẩm như sách, báo, tạp chí, video, lập các trang tin điện tử bằng bằng chữ viết DTTS để tiếng nói, chữ viết và các giá trị văn hóa của đồng bào DTTS được thể hiện gắn liền với cuộc sống, sinh hoạt của họ; sáng tạo, xuất bản, phát hành, quảng bá các công trình văn học, nghệ thuật về các DTTS Việt Nam dưới dạng sách in, sách điện tử (ebook), sách 3D, các phim tài liệu, phim chuyên đề và hệ thống thư viện số.

Phối hợp giữa các tổ chức xã hội, các đoàn thể trong phát triển văn hóa đọc cho đồng bào các DTTS

Kinh phí dành cho hoạt động thư viện tại các tỉnh miền núi phía Bắc không cao, nên để phát triển văn hóa đọc ở địa phương, rất cần có sự chung tay của các tổ chức, cá nhân trong việc: hỗ trợ kinh phí, nguồn nhân lực. Trong thực tế, rất nhiều cá nhân, tổ chức đã xây dựng, tặng cho đồng bào DTTS những tủ sách thôn bản, điểm trường như: Câu lạc bộ Vùng cao yêu thương đã trao tặng 4 tủ sách cho các em học sinh Trường Tiểu học và THCS tại xã Nghĩa Đô, Tân Tiến, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai; 2 tủ sách cho các em học sinh Trường PTDTBT Tiểu học Tả Giàng Phình và Trường PTDTBT THCS Tả Giàng Phình, xã Ngũ Chỉ Sơn, thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai…

 Phát triển văn hóa đọc đối với đồng bào DTTS các tỉnh Tây Bắc là việc làm cần thiết, nhưng cũng rất phức tạp, cần có sự chung tay của toàn xã hội và sự hiệu quả của quản lý nhà nước. Xây dựng một môi trường thuận lợi cho việc đọc, phát triển một cộng đồng ham đọc sách và đọc sách một cách có hiệu quả là điều kiện quan trọng để cộng đồng các DTTS ở Việt Nam vươn tới sự bình đẳng với các dân tộc anh em, đáp ứng yêu cầu của xã hội thông tin, nền kinh tế tri thức và một xã hội phát triển bền vững.

____________________________

1. Trần Thị Minh Nguyệt, Văn hóa đọc trong xã hội thông tin, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, số 297, 3-2009, tr.30.

2. Trần Thị Minh Nguyệt, Góp bàn về văn hóa đọc trong xã hội hiện đại, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, số 530, 4-2023, tr.45-49.

3. Vũ Dương Thúy Ngà, Để phát triển thư viện, tủ sách cơ sở - tất cả bắt đầu từ chính sách, Tạp chí Thư viện Việt Nam, số 6, 2013, tr.4-8.

4. Nguyễn Hữu Viêm, Văn hóa đọc và phát triển văn hóa đọc ở Việt Nam, nlv.gov.vn.

5. Phỏng vấn Vụ trưởng Vụ Dân tộc thiểu số, Ủy ban Dân tộc Lưu Xuân Thủy, 25-9-2023.

6. Đoàn Tiến Lộc, Nghiên cứu phát triển văn hóa đọc các tỉnh miền núi phía Bắc Việt Nam, Luận án tiến sĩ, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, 2017.

Tài liệu tham khảo

1. Thu Hương, Trao tặng tủ sách và lan tỏa văn hóa đọc đến với trẻ em vùng cao của huyện Bảo Yên, baoyen.laocai.gov.vn, 14-10-2022.

2. Nguyễn Hương, Tặng tủ sách cho học sinh vùng cao Sa Pa, baolaocai.vn, 13-4-2021.

3. Trần Quỳnh, Bảo tồn tiếng nói, chữ viết của các dân tộc thiểu số ở Việt Nam, dangcongsan.vn, 7-9-2012.

NGUYỄN THỊ  HỒNG VÂN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 551, tháng 11-2023

;