Hát văn Phủ Dày

Hát văn là một thành tố không thể thiếu trong nghi thức chầu thánh, gắn chặt với tín ngưỡng hầu bóng của người Việt. Đây là một loại hình sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng đã có từ lâu đời, từng tồn tại và phổ biến trong đời sống của nhân dân ở thành thị cũng như nông thôn. Hát văn Phủ Dày có nhiều nét giá trị đặc sắc.

     1. Nghi thức lễ hội Phủ Dày

     Lễ hội Phủ Dày xã Kim Thái, Vụ Bản, Nam Định, trước đây mở từ mồng 1 đến 10 - 3 âm lịch, gồm có hoạt động tế và những hội thi hát văn, kéo chữ, thả rồng, đèn trời. Ngày mùng 3 long trọng nhất vì đó là ngày kỵ của Mẫu. Chủ tế là người có chức sắc trong tỉnh, chủ nhang, đồng cựu... Lễ vật dâng cúng thường là: bánh dày, lợn sống, xôi, rượu, hoa quả. Văn bia tại phủ Tiên Hương còn ghi: con bò, 2 mâm xôi, 1 buồng cau, 2 vò rượu, trong dân gian thì tùy theo các gia đình.

      Ngày nay, lễ hội diễn ra từ mùng 3 đến 8 - 3, nhưng khách thập phương thường đến lễ Mẫu từ Tết Nguyên đán đến hết tháng 3. Phần lễ gồm: tế và rước thỉnh kinh, rước đuốc. Phần hội gồm hội kéo chữ, thi hát chầu văn, hội thả rồng bay, thả đèn trời, hội chợ. Lễ hội Phủ Dày được lãnh đạo địa phương cùng toàn dân tham gia tổ chức, bảo tồn những nét đẹp truyền thống.

       Ngày 3 - 3 diễn ra lễ khai mạc hội tại quảng trường xã Kim Thái, sau đó, về các đền, phủ làm lễ dâng hương. Ngày 4 - 3, sáng tại phương du phủ Tiên Hương, chiều tại phương du phủ Vân Cát tổ chức thi hát văn. Ngày 5, 6 - 3 có hội rước Mẫu thỉnh kinh; ngày 5 rước từ phủ Vân Cát lên Tiên Linh từ, ngày 6 rước từ phủ Tiên Hương lên Tiên Linh từ. Đêm mồng 5, phủ Tiên Hương còn có hội rước đuốc lên Linh Sơn tự. Ngày 7 - 3, phủ Vân Cát, ngày 8 - 3, phủ Tiên Hương tổ chức hội kéo chữ với khoảng 300 người nam, trang phục quy định, tay cầm gậy dài 1 trượng. Mỗi năm kéo 1 chữ khác nhau như: thiên hạ thái bình, vạn thọ vô cương…, sau đó bế mạc lễ hội. Một hoạt động nổi bật, đặc sắc của lễ hội không thể không đề cập đến là hầu bóng. Trong những ngày hội, hầu như ở mỗi ban thờ trong các điện, phủ thờ đều diễn ra hầu bóng từ sáng đến đêm.

      Hội Phủ Dày là một lễ hội lớn, thu hút đông đảo quần chúng đến đây với nhiều mục đích khác nhau: cúng lễ, xem hội… Và tất cả mọi người đều chung một ý thức tâm linh về hội để lễ Thánh Mẫu Liễu Hạnh. Ở đó, mọi người đắm chìm vào một loại hình nghệ thuật văn hóa dân gian độc đáo là hát văn kết hợp với hầu bóng bao trùm không gian lễ hội.

     2. Các giá đồng tại lễ hội Phủ Dày

    Tín ngưỡng tứ phủ thờ các vị thần linh của bốn miền vũ trụ: thiên phủ (trời), địa phủ (đất), nhạc phủ (rừng núi), thoải phủ (sông nước). Cao nhất trong hệ thống tín ngưỡng này là Ngọc Hoàng. Hệ thống các vị thánh xuất hiện theo các giá đồng có thể sắp xếp như sau: Tam tòa Thánh Mẫu: Mẫu đệ nhất (thượng thiên), Mẫu đệ nhị (thượng ngàn), Mẫu đệ tam (thoải phủ); ngũ vị quan lớn; tứ phủ chầu bà (11 vị); mười ông Hoàng; mười một Cô; mười một Cậu; ngoài ra còn có một số giá văn hầu đức Thánh Trần, nhị vị Vương cô, nhị thập bát tú (28 vị tinh tú), thiền sư Không Lộ.

    Trong buổi hầu đồng, đầu tiên cung văn hát những bài văn chầu có nội dung ca ngợi và thỉnh mời các vị thánh của tứ phủ công đồng về dự lễ còn gọi là văn công đồng. Ngoài ra, có thể cung văn sẽ hát một số bài văn thờ Thánh Mẫu, ở Phủ Dày có bài văn thờ Thánh Mẫu đệ nhất Vân Cát thôn quê. Tiếp đến thường là sự xuất hiện các giá văn. Một buổi hầu đồng gồm từ 10 đến 20 giá tùy theo con đồng. Thời gian một buổi hầu đồng có thể 2 - 3 tiếng, cũng có khi tới 5-7 tiếng, hoặc suốt đêm.

    Hầu đồng được diễn ra vào nhiều dịp trong năm: đầu năm mới, đầu mùa, tất niên, các ngày tiệc của thánh. Lễ vật dâng cúng thánh cũng là thức ăn, hoa, quả... đặc biệt phải có tam sinh là gà, vịt, lợn tượng trưng cho tam phủ. Cúng xong người ta đốt vàng mã, rắc đồ lễ chúng sinh quanh đền.

    Các lễ vật dâng cúng trong buổi hầu cũng được chuẩn bị kỹ lưỡng như: khi hầu các giá hàng Quan, ông Hoàng thường có rượu, trà, thuốc, đao, kiếm..., các giá hàng Chầu, hàng Cô thường có hoa, quả, khăn mặt, nước hoa, quạt, đuốc..., giá hàng Cậu có khi có cả đồ chơi... Khi vị thánh nào giáng đồng có các lễ vật là vàng mã thì “hóa” luôn sau khi thánh đó thăng.

    Trước khi hầu đồng, mỗi con đồng đều phải chuẩn bị những bộ trang phục có màu sắc sặc sỡ, họa tiết cầu kỳ, khăn, đai, trang sức, vòng ngọc, thẻ ngà... đúng theo tính cách, đặc trưng từng vị thánh mà họ hầu. Trang phục dùng nhiều lần của buổi hầu là khăn phủ diện màu đỏ, trùm lên khi thánh nhập đồng hay thăng đồng. Màu sắc của trang phục phải theo quy định. Mỗi vị thánh đều có một bộ trang phục, đạo cụ riêng.

    Mẫu đệ nhất mặc áo, khăn, quạt màu đỏ giáng người hầu giơ tay trái lên báo Mẫu đã giáng, cung văn biết để tụng kinh theo tiếng chuông, mõ. Khi người hầu khẽ rùng mình, bắt chéo hai tay trước trán là Mẫu thăng, cung văn hát điệu xe giá hồi cung. Mẫu đệ nhị trang phục màu xanh đôi khi hầu lộ diện. Mẫu đệ tam trang phục màu trắng hầu tráng mạ. Các vị thánh giáng đồng mở khăn dành cho các thánh hàng quan trở xuống. Song trong một buổi hầu, số lượng các giá xuất hiện thường không đầy đủ. Hãn hữu có một số trường hợp thánh không giáng đồng, nhập đồng, người hầu đành tung khăn phủ diện rời chiếu hầu đồng.

    Khi thánh giáng đồng, nhập đồng, con đồng dùng tay ra hiệu, nếu là thánh nam, ngồi xếp chân vuông, dùng các ngón tay trái, ví dụ: khi quan đệ nhất giáng, sẽ đưa 1 ngón tay trái để ra dấu, quan đệ tam sẽ đưa 3 ngón tay trái ra dấu... Cách vị thánh nữ hàng mẫu ngồi xếp chân vuông, hàng chầu, hàng thì ngồi quỳ, dùng ngón tay phải ra dấu rồi tung khăn phủ diện. Cô bé, cậu bé thì ra dấu bằng ngón tay út. Lúc này người hầu dâng khẩn trương thay trang phục, hóa trang sao cho phù hợp với vị thánh nhập giúp con đồng. Các vị thánh cùng hàng thường cùng kiểu trang phục nhưng khác về màu sắc, đạo cụ hoặc những chi tiết hợp với gốc tích, tiếp theo đó con đồng làm lễ dâng hương. Tay trái con đồng cầm một bó hoặc vài nén hương rút một nén lên trước gọi là khai quang xua đi cái trần tục, ma quỷ, chết chóc, làm trong sạch hương để dâng các vị thánh. Sau đó, con đồng cầm hương đến trước bàn thờ làm lễ. Thánh nam giáng thì con đồng quỳ lạy, giơ cao bó hương trước trán. Thánh nữ thì quỳ dâng hương, rập trán xuống đất ba lần. Mỗi lần lạy sẽ thỉnh một tiếng chuông. Mùi thơm của hương, hoa, quả... kết hợp với màu sắc sặc sỡ của trang phục, sự nhộn nhịp của âm nhạc hát văn... tạo nên một không gian sống động, linh thiêng, xua đuổi tà ma, tan biến sự chết chóc, thiếu sức sống. Tất cả những yếu tố đó đã tạo nên một sân khấu kỳ ảo, độc đáo, hấp dẫn.

    Ngoài ra, góp phần tăng thêm sự hấp dẫn cho sân khấu linh thiêng này còn phải kể đến nghệ thuật múa trong các giá đồng. Những động tác múa này rất đơn giản, phản ánh sinh hoạt hằng ngày của người dân lao động như: múa chèo đò, múa hái hoa, múa cung…

    Các vị thánh hàng quan thường có múa kiếm, đao, kích… cung văn hát, đàn những làn điệu hát dồn, lưu thủy, trống trận đặc biệt có sử dụng trống cái, thanh la tạo nên không khí tưng bừng, náo nhiệt. Múa kiếm, múa đao, múa kích thường hai tay quay tròn đạo cụ trước mặt, sang 2 bên theo tiếng trống dồn dập, có lúc tay cầm kiếm giấu sau lưng, chân nhún bước tiến rồi lùi theo nhạc. Ngoài ra, còn có động tác kiếm vác lên vai, bắt chéo kiếm trước mặt.

    Các vị thánh hàng chầu thường có múa mồi, múa quạt âm nhạc sử dụng điệu Xá thượng, Xá giây lệch. Khi múa mồi, con đồng 2 tay cầm 4 mồi lửa múa chéo trước ngực, guộn tay, giang tay, khi đưa mồi lên cao, khi xuống thấp, kết hợp với nhảy múa… trên nền nhạc tạo thêm không khí linh thiêng, huyền bí. Các thánh hàng ông Hoàng thường có múa hèo, múa cung, múa cờ, múa trùy theo nhịp điệu lưu thủy, bỏ bộ, trống trận... Múa cung, người hầu đồng dùng một dây cung bằng tre, một nén hương tượng trưng cho tên bắn, rồi cầm cung quay quanh người mình, nhảy hoặc quỳ xuống, rút nén hương bắn. Hoặc là cây gậy ngắn có gắn quả nhạc để biểu hiện động tác đi ngựa, lúc các ông co chân, nhảy bước nhỏ, lúc vác lên vai.

    Các thánh hàng cô có múa mồi, múa quạt, múa chèo đò, múa hái hoa... theo nhịp của làn điệu bỏ bộ, lưu thủy, điệu xá... Múa chèo đò dùng mái chèo có buộc dây đỏ ở đầu hay dùng vải đỏ thay mái chèo. Con đồng cầm mái chèo múa động tác như chèo thuyền trên sông, người ngả ngiêng theo mái chèo hay dùng dải vải đỏ thay mái chèo, lúc chập mái chèo cầm một tay (chèo đơn) hoặc mở mái chèo ra hai tay (chèo kép). Các vị thánh hàng cậu thường có múa hèo, múa lân theo nhạc điệu lưu thủy, bỏ bộ, nhạc trống sư tử.

    Sau khi múa xong, các vị thánh ngồi xuống nghe nhạc, thơ, phán truyền, phát lộc. Cung văn thường hát những bài văn có nội dung ca ngợi vẻ đẹp, công đức, chiến tích sao cho hợp với tâm tư của vị thánh giáng đồng (nịnh đồng). Các vị thánh cảm thấy hay, hài lòng sẽ vỗ tay xuống gối và thưởng lộc, tiền cho cung văn. Ngoài ra, những người dự lễ lúc này cũng đến gần các vị thánh để nghe phán truyền, dâng lễ cầu tài lộc. Có khi con đồng đáp truyền lại bằng lời cũng có khi chỉ bằng ánh mắt, cử chỉ do họ nhập đồng kiểu “cấm khẩu”.

    Khi các vị thánh ngồi yên, khẽ rùng mình, hai tay vắt chéo trước trán... là dấu hiệu thánh thăng. Hai người hầu dâng phải nhanh tay phủ khăn lên đầu con đồng, cung văn chuyển ngay sang câu hát thánh thăng. Tiếp đó, con đồng lại chuẩn bị cho sự xuất hiện của vị thánh khác. Khi kết thúc buổi hầu, con đồng cởi bỏ trang phục thánh, tạ ơn các vị thánh, cảm ơn những người đến dự, mời họ và khách ăn bữa cơm.

    3. Hình thức hát văn ở lễ hội Phủ Dày

    Hát văn thờ là hát những bài văn kể về sự tích hoặc ca ngợi công đức của các vị thánh được thờ phụng, thường hát vào những lúc trước khi lên đồng, ngày tiệc, ngày rằm, mồng một, ra hè, vào hạ... Mở đầu là hát văn công đồng (có trong mọi cuộc lễ, kể cả lễ không có hầu bóng) có nội dung thỉnh các vị thánh chứng cho buổi lễ. Tiếp theo là hát những làn điệu về vị thánh của ngày mừng tiệc đó. Cuối buổi hát thờ là đoạn văn tạ tỏ lòng thành kính.

     Hát văn thi diễn ra vào những dịp lễ hội lớn trong năm nhằm thúc đẩy tài năng của cung văn, lựa chọn những người có giọng hát hay, thuộc nhiều bài bản, nắm vững lề lối thứ tự các làn điệu, tạo nên không khí đua tài tưng bừng của lễ hội Phủ Dày. Qua đó còn để khẳng định, đánh giá tài năng của các cung văn, thúc đẩy tay nghề của họ ngày càng nâng cao. Các bài văn thi được các cung văn có kinh nghiệm, lão luyện chuẩn bị trước. Khi hát, cung văn phải kiêng tên húy của các vị Thánh, nếu vi phạm sẽ bị trừ điểm nặng thậm chí còn phải rời cuộc thi. Người dự thi phải có giọng hát hay, vừa đàn vừa hát, có thể mượn thêm người gõ phách, giữ nhịp. Cần nắm vững niêm luật, cách chuyển giọng, chuyển lối của làn điệu. Khi cung văn hát hay sẽ được thưởng bằng cách gõ vào tang trống, được tính điểm. Khi hát sai sẽ bị phạt bằng tiếng boong gõ vào khánh, trừ điểm. Người hát chỉ hát trong thời gian quy định, quá giờ sẽ bị trừ điểm. Cuối cùng ban giám khảo cộng điểm và trao giải cho những người có điểm cao.

     Hát văn hầu rất phong phú về làn điệu bởi lối hát này phục vụ cho nghi thức hầu bóng diễn ra vào nhiều dịp trong năm. Khi một vị thánh tứ phủ nhập đồng cung văn sẽ hát những bài văn phù hợp. Một buổi hầu đồng cung văn hát những làn điệu theo lề lối nhất định của các giá đồng. Hát văn hầu thỉnh mời các vị thánh giáng đồng có 36 giá, song do bản mệnh và điều kiện kinh tế của mỗi thanh đồng mà số lượng các giá trong một buổi hầu có thể khác nhau. Mỗi vị thánh có công việc, phong cách, tính cách, sở thích khác nhau nên thời gian các thánh nhập đồng cũng khác. Thánh mẫu thường giáng đồng rồi thăng luôn; các quan nhập đồng sau khi làm việc thanh rồi mới thăng; các ông hoàng, cô, cậu giáng đồng lâu hơn, họ làm việc, ban phát lộc, nhảy múa, nghe nhạc, nghe thơ... nên hệ thống bài bản có phần phong phú hơn.

     Hát văn hầu rất phát triển ở lễ hội Phủ Dày. Hầu như ở các ban thờ chính của phủ chính như: Vân Hương, Vân Cát đều có cung văn để phục vụ những người đến hầu. Ở những điện thờ này, hầu đồng diễn ra liên tục không kể ngày đêm. Cung văn sử dụng kỹ thuật hát lấy âm vang của xoang trán và vòm mũi tạo nên những âm thanh thực thực, hư hư. Tuy nhiên, lời hát lại rất rõ nét, giúp mọi người hiểu rõ nội dung các giá văn. Cả ba loại hát văn đều sử dụng các nhạc cụ dân tộc để đệm, chủ yếu là đàn nguyệt, bên cạnh đó còn có bộ nhạc cụ gõ: phách, cảnh, sênh, trống chầu, chuông. Những buổi hầu có quy mô lớn còn có sự xuất hiện của dàn bát âm.

     Có thể nói, thông qua tín ngưỡng tứ phủ, mọi người sẽ cảm nhận được sự kết hợp hài hòa, tinh tế giữa các loại hình nghệ thuật như âm nhạc, múa, hội họa, văn học và hơn cả là đạo đức, nhân văn của con người. Trong đó không thể không kể đến nghi thức hầu đồng, mà hát văn giữ vai trò quan trọng trong việc làm sống dậy những chiến công hào hùng, hiển hách của các vị thần, thánh, vẽ nên khung cảnh thiên nhiên sinh động, hữu tình của đất nước.

Tác giả: Đoàn Thị Thanh Vân

Nguồn: Tạp chí VHNT số 422, tháng 8-2019

;