Từ sau 1975, văn xuôi đã chuyển dần từ tư duy sử thi sang tư duy tiểu thuyết. Không khí chiến tranh dần lui vào dĩ vãng, chất sử thi nhạt dần. Sau mấy chục năm miêu tả cái anh hùng, cao cả, nay văn học có điều kiện đi sâu vào khai thác cái đương đại đang diễn ra, biến đổi với không ít những mảng màu đen tối, nhức nhối của cuộc sống thời kinh tế thị trường. Không khí dân chủ, tinh thần dũng cảm “nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật” đã khuyến khích các nghệ sĩ khám phá mặt trái, mặt tiêu cực của đời sống. Cái hài cuộc đời được chuyển hóa thành cái hài văn học với sự xuất hiện phong phú các sắc thái tiếng cười hài hước, phê phán, suy ngẫm, âu lo… trong tiểu thuyết từ sau 1986. Trong đó, đáng chú ý là sắc thái hài hước đen góp phần thể hiện sự vận động của tiếng cười từ truyền thống đến hiện đại.
Tiếng cười mang sắc thái hài hước đen là tiếng cười đã tiếp cận gần với cái bi, hài mà không có hài. Nó không chỉ là sự phê phán đả kích mà đằng sau nụ cười ấy, người đọc cảm thấy bi đát, tuyệt vọng vì nhận ra cái đáng cười cũng là cái khủng khiếp, khó bề thay đổi. Đó là tiếng cười người ta phải khóc sau khi đã cười. Đặng Anh Đào khi phân tích tác phẩm của Kafka đã viết rằng cái khủng khiếp đan cài với cái thường nhật, tạo thành một không khí bi đát kệch cỡm, nét độc đáo của tác phẩm Kafka mà người ta thường gọi là u mua đen, sự đan cài giữa u mua và cái quái dị. Nhà nghiên cứu dẫn ra định nghĩa của Excapit cho rằng: “Đó là sự sử dụng vừa có tính nghệ thuật, vừa có tính tư tưởng cái cực đoan”. Ở TK XX “nó cặp kè với cái phi lý… Đó là ngôn ngữ của một thứ lo âu đang cưỡng lại với chính mình” (1). Phương Lựu đã đề cập đến khái niệm hài hước đen (black humor): “Kết hợp giữa hoang đường khủng khiếp với hoạt kê, thông qua cái hài để biểu đạt cái bi đát nhất. Tác giả thường lập ý quái dị, tưởng tượng phong phú, nhưng là nhằm vạch ra cái tính chất buồn cười trong những sự việc thường thấy, cười cợt khôi hài một cách chua chát, kể cả tự trào trong một trạng thái lạnh lùng, bế tắc, tiến thoái lưỡng nan. Nhân vật thì tầm thường, tình tiết lộn xộn, kết cấu lỏng lẻo, nhưng tất cả đều tạo ra một cảm xúc dự báo cho ngày tận thế. U mua màu đen, do đó, là sự phản ánh vào văn học loại khôi hài tuyệt vọng, nó cố gây tiếng cười cho con người, xem như sự phản ứng lớn nhất của loài người đối với những cái vô nghĩa hoang đường mà lại thường thấy trong cuộc sống” (2). Tiếng cười ở đây kéo cái hài gần với cái bi nhiều hơn, tạo nên một kết hợp đặc biệt giữa bi và hài.
Những năm gần đây, tiếng cười có xu hướng dịch chuyển sự quan tâm từ hiện tượng tiêu cực trong xã hội sang hướng đến con người, trạng thái tồn tại của con người trong thế giới. Hài hước đen mang đậm cảm quan hậu hiện đại, xuất hiện trong một số tiểu thuyết tiêu biểu như Thiên sứ (Phạm Thị Hoài), T mất tích, Paris 11 tháng 8 (Thuận), Người sông Mê (Châu Diên), Khải huyền muộn (Nguyễn Việt Hà)…
1. Hài hước đen sinh ra từ những cái phi lý, khác lạ đến mức kinh sợ
Câu chuyện trong T mất tích bắt đầu từ một buổi chiều, người vợ không đến đón con gái ở trường. Không có sự thay đổi này, cuộc sống vẫn trôi qua trong mối quan hệ phi giao tiếp, giữa những con người sống cạnh nhau, như những cỗ máy vô cảm. Sáng, trưa, chiều, tối với những công việc đơn điệu, lặp đi lặp lại. Người chồng Pháp, nhân vật tôi, không có thói quen bộc lộ, không muốn ai biết về mình, không có nhu cầu biết về người khác, sống dửng dưng ngay từ nhỏ. Trải qua thời gian, cuộc sống càng tô đậm cái dửng dưng đến vô tâm đó. Anh ta cô đơn, sống lạc lõng trên cõi đời mà không hề ý thức được. Nhân vật tôi cắt đứt mình ra khỏi mọi mối quan hệ, kể cả những mối quan hệ quan trọng, tất yếu nhất. Mẹ mất mà không thấy đau đớn. Lúc còn nhỏ sống với bố trong một căn hộ nhưng hiếm khi gặp nhau. Khi đã lớn, hai mươi năm không liên lạc, không biết gì về cuộc sống của nhau, “tôi chưa bao giờ tò mò về đời tư của ông, chưa lần nào thử hình dung xem ông sống ra sao”. Biết tin bố đã chết không hề xúc động, “ngạc nhiên biết rằng bố tôi hơn tôi đúng ba mươi tuổi”, cũng không biết bố mất vì bệnh gì. Người vợ chung sống sáu năm bỗng nhiên biến mất mà không mảy may lo lắng, “tôi chẳng làm gì nên tội. T mất tích thì cảnh sát cứ việc đi tìm”. Anh ta tự thấy vui sướng vì không bao giờ phải “hứng chịu” bầu tâm sự của vợ. Không hiểu gì về vợ ngoài tính ít nói, thân hình khá quyến rũ. Ngay cả tên vợ cũng không bao giờ gọi, cũng không viết được. Đời sống tình dục vợ chồng diễn ra theo thói quen, không đam mê, không cuồng nhiệt, không hứng thú, “mười lăm phút, vài động tác cơ bản và im lặng từ đầu đến cuối”.
Hầu hết các nhân vật trong T mất tích đều ít nói, xa cách, khó chịu trước cảm giác bị người khác biết về mình. Sự quan tâm biến thành thói soi mói. Quyền con người “là vũ khí khá ư lợi hại mà người ta sử dụng để thanh toán lẫn nhau”. Con người hoài nghi tất cả. “Tôi tránh đến ngân hàng cũng chỉ vì không muốn giáp mặt với những kẻ biết rõ bí mật tài chính của tôi”. Quan tâm đến việc viên cảnh sát điều tra hơn việc vợ mất tích. Cô bé Hanal 5 tuổi trong môi trường như vậy cũng có thói quen luôn im lặng, không biểu lộ cảm xúc. Mic, đứa em trai cùng cha khác mẹ với nhân vật tôi cũng lạnh lùng đến kỳ lạ trong một cơ thể gầy gò, xấu xí. Họ tồn tại cạnh nhau rời rạc, tẻ nhạt, gượng ép, giá lạnh. Đánh mất các mối quan hệ ràng buộc giữa người với người, con người trở nên cô đơn trong lớp vỏ lạnh lùng. Tôn trọng đời sống riêng tư bị đẩy đến cực đoan khiến con người trở nên vô tâm với cả những người thân yêu nhất. Tình trạng trống rỗng, nhạt nhẽo trong tâm hồn, đơn điệu trong lối sống, sự thờ ơ, vô cảm đến mức khó tin trong các mối quan hệ được khắc họa sắc nét trong tiểu thuyết. Con người có thể sống như những cỗ máy trong thời đại công nghiệp chỉ biết kiếm tiền, cạnh tranh, hạ bệ nhau để duy trì sự tồn tại. Họ trở nên hoang mang, bi đát khi không tìm thấy ý nghĩa của đời mình. Tình trạng tha hóa, xói mòn các giá trị tinh thần mang tính bản thể đã trở thành nỗi trăn trở của nhà văn. Tác phẩm thấm đượm nỗi cay đắng về sự tồn tại phi lý, vô nghĩa của cuộc đời, của thân phận con người trong xã hội hiện đại. Tính nhân bản của thông điệp cảnh báo về các mối quan hệ lỏng lẻo và sự vô cảm khiến người đọc phải bàng hoàng.
2. Hài hước đen mang màu sắc tuyệt vọng, bi đát
Con người biết rằng thế giới cần phải thay đổi nhưng không biết làm gì để thay đổi. Tiểu thuyết của Thuận nổi bật âm hưởng âu lo, hoang mang trước trạng thái tồn tại trống rỗng, nhạt nhẽo. Con người soi chiếu vào chính mình, thấy mình thật đáng thương. Từ đó, dấy lên những câu hỏi về bản thể, sự tồn tại và ý nghĩa của cuộc sống. Những tiểu thuyết của Thuận không chỉ lưu tâm người đọc đến thân phận kẻ tha hương, sự lo lắng bất an của con người bé mọn nơi công sở, trong cuộc sống nhiều bất trắc mà còn là nỗi cô đơn hoang hoải, bế tắc của con người giữa đô thị hiện đại… Paris 11 tháng 8 nói về hai nhân vật nữ, đi từ Hà Nội và gặp nhau tại Paris. Họ là hai con người hoàn toàn khác biệt. Mai Lan xinh đẹp, quyến rũ, từng làm diễn viên nổi tiếng khi ở trong nước. Còn Liên từng làm cán bộ công đoàn, xấu xí “mặt nổi mụn như bánh đa kê”, đã vậy “mắt gườm gườm” như một vũ khí tự vệ. Một người dạn dĩ, người kia nhút nhát; một người kiếm sống bằng tình dục, người kia chưa bao giờ nếm trải hương vị của tình yêu. Mặc dù vậy, cả hai đều không tìm thấy hạnh phúc nơi xứ người. Paris 11 tháng 8 “không đủ màu hồng để các lọ lem thế giới thứ ba tiếp tục mơ về hoàng tử phương Tây với trái tim cũng rộng như tài khoản ngân hàng”, Thuận đã chia sẻ như vậy. Liên là một cô gái mang trong mình mặc cảm xấu xí từ khi còn nhỏ. Đến khi lớn lên, ra nước ngoài, cô vẫn không sao thoát khỏi con mắt ghẻ lạnh của người đời. Cô rơi vào đáy sâu của sự tuyệt vọng, ngay cả khi tìm đến sự an ủi bằng tình dục với một người đàn ông già nua cũng bị chối từ. Cuộc sống của những người dân nhập cư như Mai Lan hay Liên cứ trôi qua trong tẻ nhạt, bấp bênh, hoang mang, vô định.
Nếu nhân vật tôi của Chinatown không ngừng giễu cợt quá khứ, hiện thực thì Liên của Paris 11 tháng 8 lại hoàn toàn lãnh đạm: Hà Nội hay Paris? Làm cán bộ công đoàn hay đi tắm cho người già? Tiếp tục hay kết thúc cuộc sống độc thân? Nên về nước hay nên ở lại? Có lẽ bi kịch của nhân vật này không nằm ở sự lãnh đạm trong tính cách mà ở cái khối mâu thuẫn khác thường. Liên chưa từng hy vọng mà lại bình tĩnh đón nhận thất vọng, chưa từng yêu mà lại chán yêu, chưa từng tiếp xúc mà lại chai sạn, chưa từng sống mà lại muốn chết. Điều gì đã khiến Liên rơi vào trạng thái lãnh đạm đáng sợ đến như thế? Phải chăng bởi quá khứ và hiện tại trống rỗng, nhạt nhẽo, vô nghĩa đến mức con người không có niềm tin ở tương lai. Con người cam chịu, chấp nhận, sống hay chết vì thế chẳng còn quan trọng, chết có lẽ là giải pháp cuối cùng. Đó là tình trạng bi đát thê thảm của con người. Một tình trạng khác cũng mang âm hưởng bi đát tiểu thuyết của Thuận là nhân vật tự ý thức sâu sắc về sự lạc loài của mình trong gia đình, ngoài xã hội. Liên trong Paris 11 tháng 8, tôi trong Chinatown, hắn trong Chỉ còn 4 ngày là hết tháng tư đều là những nhân vật mang trong mình thân phận lạc loài nơi cố quốc, xứ tha hương. Họ không tìm được sự hòa hợp với thế giới xung quanh. Một thế giới mà đồng tiền, tham vọng thống trị nên con người luôn cảm thấy cô độc, chán nản, không có lẽ sống. Nhân vật nàng trong Chỉ còn 4 ngày là hết tháng tư không thể chịu đựng nổi, cố tình lựa chọn cái chết ở nơi đã từ đó ra đi, để gửi vào biển nỗi bất hạnh của mình: “Nhưng còn nàng, không ai trong số 44 người có mặt trên tàu giải thích nổi tại sao khi mà mọi người đều cố chạy thì nàng cứ đứng trơ ra nhìn nước biển tràn vào boong” (3). Cái bi đát thể hiện ở chỗ con người đã cảm thấy quá sức chịu đựng, lặng lẽ chấp nhận cái chết như một giải thoát cuối cùng.
Người sông Mê của Châu Diên mang âm hưởng nỗi cô đơn hoang hoải, sự bi đát của kiếp người. Mỗi nhân vật đều chất chứa những nỗi niềm u uẩn không thể chia sẻ cùng ai. Bao nhiêu nhân vật là bấy nhiêu mảnh vỡ phân rã, cho dù họ cùng một dòng máu, chung những người thân. Sống bên nhau nhưng con người luôn cảm giác trống trải. Họ đối thoại với người khác mà cũng là đối thoại với chính mình. Điều đó càng làm rõ hơn nỗi cô đơn cùng cực của con người. Những người phụ nữ khát khao hạnh phúc, khát khao sự sẻ chia cuối cùng đều không thỏa nguyện. Cái chết có thể đến với con người bất cứ lúc nào. Một cậu sinh viên chỉ băng qua đường, bị chẹt xe, vậy là ra đi khi còn chưa ăn xong bữa cơm sinh viên xoàng xĩnh. Sau 18 tháng chiến đấu chống lại căn bệnh ung thư, cái chết của Hoa đã đặt dấu chấm hết cho mọi ước mơ về tương lai, hạnh phúc. Những nỗ lực của con người trong việc giành giật sự sống đều vô nghĩa. Con người đã cố gắng tạo dựng, sắp xếp đời sống như mong muốn, nhưng vẫn bị khuất phục bởi trò chơi của tạo hóa: “Vì số mệnh bao giờ cũng nhắm mắt. Nó cũng không biết chiều ý thích của con người” (4). Sự không can thiệp được vào trò chơi số phận, là sự tận cùng bi thương của con người. Như Châu Diên từng tâm sự về hoàn cảnh sáng tác Người sông Mê: “Thực ra cũng có một cú hích. Cái chết của một người bạn mà tôi có ghi làm kỷ niệm ở cuối sách... Khi gặp người bạn ấy, trong đầu mình cứ láng váng ý nghĩ: tiếc thật, những người như thế bỗng dưng phải chết thì tiếc thật” (5).
Với Nguyễn Việt Hà, nếu Cơ hội của Chúa bộc lộ một cái nhìn hoang mang về thời cuộc thì Khải huyền muộn lại thể hiện ý thức trình bày sự tha hóa của con người. Nhân vật Vũ không phải là một mẫu quan chức lý tưởng. Anh ta cũng không hoàn hảo gì vì can dự vào mọi sự tha hóa được đề cập trong tác phẩm: lừa dối, chạy chọt, tiêu tiền nhà nước, ngoại tình, chơi gái… Vũ có sám hối, đi tìm một sự thanh thản trong tâm hồn nhưng rốt cuộc anh ta cũng chẳng đi tới cùng con đường sám hối đó. Vũ vẫn tiếp tục sống như thế, vẫn cần được hưởng thụ, làm những việc có ích cho mình. Nguyễn Việt Hà đã miêu tả một kẻ tha hóa không phải bằng thái độ phẫn nộ, ngạc nhiên mà bằng một nỗi buồn thăm thẳm đằng sau những tiếng cười. Phải chăng vì anh thấy sự tha hóa đang được chấp nhận, đang dần dần bình thường hóa, như một phần tất yếu của cuộc sống, không dễ gì thay đổi. Với Ba ngôi của người, Nguyễn Việt Hà lại xây dựng những nhân vật có cuộc đời sóng gió, nổi trôi, thậm chí không biết cả gốc tích sinh ra của mình. Họ là thị dân của Hà Nội năm sáu chục năm gần đây, thời đô thị này xóa đi khuôn dạng cũ để rồi lại loay hoay tìm lại, nên họ mang tâm trạng hoang mang, bơ vơ của kẻ lạc loài, tha hương ngay trên chính nơi chôn rau cắt rốn. Không khí hư vô, uể oải, yếm thế luẩn quất trong tác phẩm. Nhân vật rơi vào hẫng hụt, chới với trước sự hỗn độn, đổi thay chóng mặt của một thế giới quen thuộc đã dần trở nên xa lạ, thiếu vắng niềm tin. Rượu và đàn bà như những cứu cánh khi nhân vật muốn lãng quên ký ức, lãng quên cuộc sống hiện tại của mình.
Nhìn chung, nếu tiếng cười trong các giai đoạn văn học trước chủ yếu mang tính đơn trị, tập trung châm biếm, đả kích sâu cay những mặt tiêu cực của xã hội, thì giờ đây, tiểu thuyết gây ấn tượng về sự đa dạng các sắc thái của tiếng cười. Tiếng cười đa trị với những cung bậc khác nhau. Trong đó, ngoài dấu ấn đậm nét của tiếng cười phê phán, chống tiêu cực, đáng chú ý là sự xuất hiện trở lại của tiếng cười hài hước bông lơn. Sự hiện diện của tiếng cười hài hước đen mang âm hưởng bi đát. Tiếng cười đương đại đã mang trong nó sự nhập nhằng, lưỡng lự, không nguyên khiết, nhiều âm hưởng đan xen giữa bi và hài, phê phán và khoan dung, giễu nhại và chua xót.
_____________
1. Văn học phương Tây, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1998, tr.650.
2. Văn học hậu hiện đại thế giới, những vấn đề lý thuyết, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội, 2003, tr.81.
3. Thuận, Chỉ còn 4 ngày là hết tháng tư, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội, 2015, tr.169.
4. Châu Diên, Người sông Mê, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội, 2005, tr.271.
5. Nhà văn Châu Diên và Người sông Mê, vnexpress.net.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 391, tháng 1-2017
Tác giả : VŨ THỊ THANH HOÀI