Trường Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ Huế được thành lập năm 1962 (1). Năm 2007, Trường đổi thành Học viện Âm nhạc Huế nhằm đáp ứng nguyện vọng về đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân khu vực miền Trung - Tây Nguyên và cả nước (2).
Nhiệm vụ chính của Học viện Âm nhạc Huế là nghiên cứu, bảo tồn và phát huy các giá trị âm nhạc truyền thống, đặc biệt là các di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận như: Nhã nhạc cung đình Huế, Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên (3). Học viện đào tạo nhiều chuyên ngành như: sáng tác âm nhạc, lý thuyết, chỉ huy, nhạc cụ dân tộc, nhạc cụ phương Tây. Đội ngũ giảng viên guitar cổ điển có thể kể đến các nghệ sĩ nổi tiếng như: Trương Huệ Mẫn, Mai Anh, Ngô Thị Giang, Nguyễn Khắc Việt, Nguyễn Quốc Triều. Nội dung chương trình, giáo trình hệ trung cấp và đại học được xây dựng khá chuẩn so với đào tạo guitar cổ điển quốc tế. Tuy nhiên, việc sử dụng nhiều tác phẩm guitar thế giới từ TK XVI-XXI trong toàn bộ thời gian đào tạo đã hạn chế cơ hội tham gia vào công cuộc bảo tồn và phát huy âm nhạc truyền thống của nhạc cụ guitar. Trong các festival hay sự kiện âm nhạc, sự quan tâm theo dõi của khán giả quốc tế đối với guitar cổ điển cũng giảm sút do nhu cầu của họ muốn được nghe âm nhạc dân tộc với những đặc trưng độc đáo, còn âm nhạc guitar thường được biểu diễn lại là những tác phẩm phương Tây vốn đã quen thuộc với họ. Đối với khán giả Huế, ngay từ khi sinh ra đã quen với những câu hò, âm nhạc cung đình, tiếng đàn tranh, đàn bầu, nên đối với họ, việc tiếp cận và tiếp nhận âm nhạc phương Tây còn nhiều hạn chế. Thực tế đó dẫn đến việc học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp đều trở thành các giảng viên, nghệ sĩ giỏi nghề, nhưng do chưa đáp ứng tốt nhu cầu nên người học và khán giả ngày càng ít dần đi. Không những thế, nhạc cụ guitar cổ điển cũng gần như không có cơ hội tham gia vào sứ mệnh bảo tồn và phát triển âm nhạc dân tộc của Huế. Thực trạng này nếu không có hướng giải quyết kịp thời thì ngành guitar cổ điển sẽ khó có thể hòa vào dòng chảy âm nhạc Huế và đạt được sự phát triển mạnh mẽ.
Các nghiên cứu về guitar cổ điển Huế chủ yếu là các luận văn với đề tài nâng cao chất lượng đào tạo. Gần như chưa có nghiên cứu nào đề cập đến việc bổ sung các yếu tố để giúp cho guitar cổ điển Huế tăng cường khả năng đáp ứng nhu cầu thưởng thức của khán thính giả và thực hiện sứ mệnh bảo tồn, phát huy âm nhạc truyền thống.
Chương trình, giáo trình đào tạo guitar cổ điển tại Học viện Âm nhạc Huế sử dụng các tác phẩm được lấy từ kho tàng âm nhạc guitar cổ điển thế giới từ TK XVI-XXI. Điển hình như trong giáo trình trung cấp hệ 4 năm. Trung cấp năm thứ nhất sử dụng các tác phẩm của TK XVI, XVII như: 5 Suite dedicated to King Louis XIV của R.Visse hoặc các tổ khúc viết cho đàn lute (nhạc cụ tiền thân của guitar) của J.S.Bach. Trung cấp năm thứ hai sử dụng các tác phẩm guitar thế giới TK XVIII, XIX như: Trois Rondo op.3 của M.Giuliani, Danzas y Canciones của F.Tarrega. Trung cấp năm thứ ba sử dụng các tác phẩm của TK XX, XXI như: Elogio de la danza của L.Brouwer, Libra Sonatine của R.Dyens. Trung cấp năm tư sẽ sử dụng toàn bộ âm nhạc từ TK XVI-XXI một cách linh hoạt (4).
Trong chương trình đào tạo bậc đại học có sử dụng những tác phẩm như: La Cathedral của A.Barrios, các tác phẩm Fuga trong các tuyển tập khác nhau của J.S.Bach, Homage a Tarrega của J.Turina, Tarantella của M.Castelnuovo Tedesco, Suite Castellana của F.M.Torroba… Trong giới guitar cổ điển thế giới, những tác phẩm nêu trên đòi hỏi nghệ sĩ thể hiện cần có trình độ kỹ thuật và khả năng thể hiện nghệ thuật cao. Đồng thời, đây cũng là những tác phẩm thường được sử dụng trong đào tạo hệ đại học tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam và Nhạc viện TP.HCM. Như vậy, Học viện Âm nhạc Huế đã làm tốt công tác đào tạo theo ngành dọc, tức là phát triển về chuyên môn, mang đến cho đào tạo guitar cổ điển Huế sự chuẩn mực về bài bản, tác phẩm. Phần cần bổ sung để góp phần tạo nên động lực phát triển mạnh mẽ hơn chính là tăng cường đầu tư phát triển về chiều ngang. Tức là đưa guitar tham gia vào sứ mệnh bảo tồn và phát huy âm nhạc dân tộc để các giảng viên, nghệ sĩ guitar có thể cống hiến vì sự phát triển chung của âm nhạc Huế. Tăng cường thu hút sự quan tâm của khán thính giả quốc tế khi đến Huế du lịch cũng như của chính người dân địa phương bằng các giai điệu âm nhạc dân tộc, những nét đặc sắc của dân gian được thể hiện trên cây đàn guitar.
Sơ đồ: Giải pháp chung thúc đẩy guitar cổ điển Huế phát triển
Để hiện thực hóa giải pháp chung nêu trên cần phát triển mảng chuyển soạn và hòa tấu với các nhạc cụ dân tộc khác. Cách này sẽ tận dụng được nhiều thế mạnh của guitar cổ điển. Đó là về hòa âm, có thể đáp ứng gần tương đương một dàn nhạc. Âm sắc trên đàn phong phú có thể phù hợp được với nhiều các loại nhạc cụ khi ghép chung. Nghệ sĩ được đào tạo bài bản nên khả năng về kỹ thuật và thể hiện nghệ thuật đủ để thực hiện gần như mọi ý tưởng cũng như sự mô phỏng các nhạc cụ khác.
Có thể bổ sung giảng dạy kỹ năng chuyển soạn và hòa tấu theo 4 bước như sau:
Bước 1: Học về hòa âm và ứng dụng hòa âm trên đàn guitar. Trong các học viện âm nhạc, nhạc viện tại Việt Nam đã có dạy môn học hòa âm. Tuy nhiên, môn học này dạy các nguyên tắc chuyển động hòa âm dựa trên các phím đàn piano. Đây là môn học chung cần thiết để đảm bảo sự phát triển đầy đủ kiến thức hòa âm châu Âu cho học sinh, sinh viên. Tuy nhiên, chuyển động hòa âm trên đàn guitar có nhiều khác biệt so với trên đàn piano. Phạm vi âm vực trên đàn guitar hẹp hơn so với piano. Ngón bấm có thể sử dụng trên cần đàn guitar là 4 ngón, trong khi ngón bấm trên piano có thể huy động cả 10 ngón. Số lượng nốt tối đa trong một hợp âm guitar là 6 nốt do đàn guitar có những nốt dây buông cũng góp phần hỗ trợ trong những hợp âm phức tạp, đòi hỏi số lượng nốt nhiều hơn 4 ngón bấm, còn đối với piano có thể là 10 nốt tương đương 10 ngón bấm. Như vậy, nếu trên đàn piano có thể thực hiện chuyển động hòa âm tuân thủ triệt để các nguyên tắc của âm nhạc châu Âu, thì trên cần đàn guitar cần dựa vào những yếu tố tự nhiên của nhạc cụ như các nốt dây buông, hoặc các nốt có phím bấm nằm gần nhau. Cho nên việc học về hòa âm và ứng dụng hòa âm trên đàn guitar là bước cần thiết đầu tiên để giúp cho học sinh, sinh viên chuyên ngành guitar có thể khai thác tối đa tính năng nhạc cụ trong hoạt động hòa tấu sau này.
Nội dung môn hòa tấu sẽ là guitar hòa tấu với một nhạc cụ dân tộc. Trong đó guitar đóng vai trò là bè đệm. Phần bè đệm này sẽ được người học tự viết, dưới sự hỗ trợ của thày cô chuyên ngành guitar và sáng tác. Bởi, trong hòa tấu, các nhạc cụ dân tộc thường giữ bè giai điệu chính. Mỗi nhạc cụ lại có âm sắc, cách diễn tấu và hiệu quả âm nhạc khác nhau. Ví dụ như tiếng đàn tranh có độ sắc của kim loại, tiếng đàn bầu có sự ấm áp, trữ tình. Khi diễn tấu phần nhạc đệm, các em học sinh, sinh viên chuyên ngành guitar cần hiểu về nhạc cụ dân tộc và nội dung tác phẩm. Từ đó có thể tìm cách vận dụng tối đa các tính năng nhạc cụ trên đàn guitar như về âm thanh, hòa âm để tạo nên phần bè đệm hay, hấp dẫn và phù hợp.
Bước 2: Chuyển soạn những giai điệu âm nhạc dân tộc ngắn. Sau khi học sinh, sinh viên đã có những hiểu biết nhất định về tính năng nhạc cụ dân tộc như về âm sắc, cách luyến láy, rung nhấn, chuyển động giai điệu thông qua hoạt động đệm hòa tấu cho các nhạc cụ đó, các em sẽ chọn ra những mẩu giai điệu ngắn, điển hình để tiến hành mô phỏng cách diễn tấu nhạc cụ dân tộc, đồng thời kết hợp bổ sung thêm phần hòa âm đệm bằng việc chuyển soạn sang cho đàn guitar. Bước luyện tập này giúp cho người học thấu hiểu hơn nữa cách diễn tấu giai điệu trên các nhạc cụ dân tộc và cách lựa chọn hợp âm đệm đơn giản nhưng phù hợp và hiệu quả với chuyển động của giai điệu.
Nội dung môn hòa tấu vẫn là guitar hòa tấu với một nhạc cụ dân tộc. Trong đó, phần đệm của guitar sẽ được người học viết đa dạng hơn. Nếu như trong bước 1, phần đệm của guitar được soạn với tư duy là phần bè đệm cho giai điệu nhạc cụ dân tộc diễn tấu, tức là nhạc cụ dân tộc là chính, guitar là phụ, thì trong bước 2, phần đệm của guitar được soạn với tư duy là hai nhạc cụ hòa tấu với nhau, tức là vai trò của 2 nhạc cụ trong tác phẩm hòa tấu là ngang nhau. Nói như vậy, không có nghĩa là bè guitar sẽ diễn tấu giai điệu chính của bản nhạc thay nhạc cụ dân tộc, mà là nhạc cụ guitar ngoài các hòa âm đệm, sẽ có thêm những đoạn mô phỏng giai điệu ngắn nhằm tôn lên giai điệu chính và tạo nhiều chuyển động bè phong phú đa dạng cho tác phẩm hòa tấu.
Bước 3: Chuyển soạn hoàn chỉnh một bài bản trong âm nhạc dân tộc Việt Nam. Học viên sẽ tự trình tấu bản chuyển soạn trong kỳ thi học kỳ. Khi bắt đầu có thể chuyển soạn thành công một tác phẩm âm nhạc dân tộc sang cho guitar diễn tấu tức là học sinh, sinh viên đã thấu hiểu về nhạc cụ dân tộc đó và có thể phát triển khả năng đệm hòa tấu một cách độc lập. Tức là khi có thể chuyển soạn thì học sinh, sinh viên đã đạt được sự tự do trong lúc chơi hòa tấu với các nhạc cụ dân tộc. Họ thấu hiểu nhạc cụ, chuyển động của toàn bộ giai điệu, toàn bộ hòa âm bè đệm. Từ đó, có thể kết hợp giữa việc đệm cho nhạc cụ dân tộc với chơi thêm những đoạn đan xen mô phỏng giai điệu hoặc chơi cả giai điệu và bè đệm một cách ngẫu hứng.
Nội dung môn hòa tấu sẽ là guitar hòa tấu với nhiều nhạc cụ dân tộc. Vai trò của nhạc cụ guitar trong dàn hòa tấu sẽ để các học viên tự chọn lựa. Từ đó, họ sẽ chuyển soạn âm nhạc phù hợp với các nhạc cụ dân tộc khác. Hòa tấu nhiều nhạc cụ dân tộc chính là hoạt động tiếp cận với thực tế đời sống âm nhạc dân gian Huế. Khi học sinh, sinh viên đạt tới trạng thái chủ động trong khi hòa tấu với nhiều nhạc cụ dân tộc tức là họ đã sẵn sàng ứng dụng vào nghề nghiệp thực tế, cũng như góp phần đưa guitar vào với cuộc sống, với dòng chảy âm nhạc dân gian Huế.
Bước 4: Khuyến khích chơi chính tác phẩm chuyển soạn từ âm nhạc dân tộc của bản thân trong kỳ thi tốt nghiệp. Chương trình tốt nghiệp đại học thường bao gồm nhiều tác phẩm guitar cổ điển mẫu mực TK XVI-XXI. Để một tác phẩm do chính bản thân sinh viên chuyển soạn và thể hiện trong kỳ thi tốt nghiệp cùng với những tác phẩm mẫu mực như vậy là một động lực mạnh mẽ thúc đẩy sinh viên cố gắng nỗ lực chuyển soạn hết mình để cấu trúc tác phẩm, các kỹ thuật trình tấu, màu sắc nghệ thuật của tác phẩm chuyển soạn không bị thấp hơn nhiều so với các tác phẩm guitar cổ điển quốc tế. Đồng thời, âm hưởng giai điệu dân gian, dân tộc được vang lên trong cả nội dung chương trình toàn tác phẩm quốc tế cũng góp phần tạo nên nét nghệ thuật đặc sắc cho chương trình tốt nghiệp. Phần bè guitar trong hòa tấu nhiều nhạc cụ dân tộc sẽ do người học tự viết.
Sau khi hoàn thành 4 bước nêu trên, sinh viên có khả năng vận dụng trình độ học thuật của mình một cách linh hoạt để đáp ứng những yêu cầu thực tế phát sinh trong hoạt động giảng dạy và biểu diễn tại thành phố Huế cũng như tham gia vào nhiệm vụ chung của âm nhạc Huế là bảo tồn và phát huy âm nhạc truyền thống.
Có thể nói, kể từ khi thành lập đến nay, Học viện Âm nhạc Huế nói chung và bộ môn guitar cổ điển nói riêng đã đóng góp tích cực vào sự phát triển của nền âm nhạc Việt Nam. Đã có những giai đoạn guitar cổ điển Huế phát triển mạnh mẽ, đào tạo được nhiều tài năng trẻ, thạc sĩ chuyên ngành guitar, như những năm 2010-2015. Tuy nhiên từ đó cho đến nay, phong trào guitar có vẻ như bị trầm lắng xuống. Một trong những nguyên nhân chính đó là số lượng thí sinh dự thi chuyên ngành guitar bị sụt giảm. Họ chưa nhìn thấy ở ngành nghề guitar một tương lai sáng đủ đảm bảo đời sống để gửi gắm hy vọng và theo đuổi đến cùng. Tăng cường sự linh hoạt trong đào tạo sẽ góp phần khơi dòng chảy guitar Huế và thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ trở lại.
Học viện Âm nhạc Huế cần đưa môn học chuyển soạn và hòa tấu với nhạc cụ dân tộc vào chương trình giáo trình đào tạo guitar cổ điển sớm. Kỹ năng chuyển soạn có tác dụng giúp học sinh, sinh viên tăng cường sự linh hoạt trong hoạt động âm nhạc, tạo được giá trị âm nhạc phù hợp với nhu cầu khán giả Huế và quốc tế. Như vậy, dần dần sẽ có thể thu hút sự quan tâm yêu thích của đông đảo khán giả và đưa phong trào guitar Huế phát triển mạnh mẽ. Kỹ năng hòa tấu với các nhạc cụ dân tộc mở ra cơ hội tham gia vào sứ mệnh bảo tồn, phát huy giá trị âm nhạc dân tộc, âm nhạc cung đình Huế.
______________
1. Kỷ niệm 55 năm ngày truyền thống và 10 năm thành lập Học viện Âm nhạc Huế, dbqh.thuathien hue.gov.vn, 20-11-2017.
2. Thân Văn, Học viện Âm nhạc Huế ra đời sẽ là điểm nhấn văn hóa cho thành phố Festival, Tạp chí Âm nhạc Huế, 6-2008.
3. Học viện Âm nhạc Huế, Giới thiệu Học viện, hocvienamnhachue.edu.vn.
4. Học viện Âm nhạc Huế, Giáo trình trung cấp chuyên ngành guitar (hệ 4 năm).
TS NGUYỄN VĂN PHÚC
Nguồn: Tạp chí VHNT số 518, tháng 12-2022