GIỌNG ĐIỆU THƠ XUÂN QUỲNH SAU 1975

Hiện ra như một yếu tố cơ bản thuộc phong cách nghệ thuật, giọng điệu văn chương cho phép người đọc nhận ra vẻ riêng của nghệ sĩ. Với Xuân Quỳnh, ngay từ những bài thơ đầu tay, có thể thấy rõ chất giọng của một người đàn bà khát yêu, khát sống, một trái tim phụ nữ quá mẫn cảm với sự chảy trôi, đổi thay. Cùng với những bước thăng trầm của cuộc đời, chất giọng này ngày càng hiện rõ, trở nên khắc khoải ở những tập thơ sau chiến tranh của chị. Điều này đã góp phần làm nên một cái tôi Xuân Quỳnh luôn băn khoăn xao động, phấp phỏng những âu lo nhưng lúc nào cũng trẻ trung, tươi mới, tràn đầy niềm tin yêu như sức xuân mười bảy.

Khi Xuân Quỳnh cất tiếng reo vui như một lời Tự hát: “Em trở về đúng nghĩa trái tim em” cũng là lúc chị bắt đầu một hành trình sáng tác mới: hành trình thơ hậu chiến. Vẫn là cái tôi Xuân Quỳnh trong những băn khoăn, xao động từ thuở Chồi biếc (tập thơ đầu tay của chị) nhưng đây là hành trình lộ diện rõ nhất chân dung người đàn bà yêu và làm thơ trong nét giọng điệu trăn trở, âu lo, đầy ưu tư, khắc khoải. Sự trở về với cái tôi cá nhân không nhòe lẫn của một trong những cây bút xuất sắc nhất nền thơ hiện đại Việt Nam cho thấy rõ hơn tính quy luật của văn học giữa hai thời điểm trước và sau chiến tranh.

Trong bài thơ Không đề viết tặng Lưu Quang Vũ, Xuân Quỳnh thú nhận: “Chẳng có gì để em nói về em”. Nhưng khi đọc thơ chị, người ta lại thấy rất rõ một Xuân Quỳnh hào phóng nồng nhiệt, tha thiết yêu, tha thiết sống; một Xuân Quỳnh nhạy cảm, luôn băn khoăn xao động, lúc nào cũng trẻ trung, tươi mới. Đặc biệt, nét giọng điệu của ngày thường, đời thường vang lên từ trái tim của người đàn bà khát yêu, khát sống, ám ảnh như một chủ âm, giúp Xuân Quỳnh nhanh chóng tìm được chỗ đứng, trong khi nhiều nhà thơ còn loay hoay tìm đường đi cho riêng mình. Tự hát (1984) và Sân ga chiều em đi (1984) là những trái chín ở một mùa gặt mới của Xuân Quỳnh, góp phần làm đa sắc diện gương mặt thơ Việt Nam sau chiến tranh.

Là người luôn sống ở đỉnh cao của cảm xúc, vui cũng vui hơn mọi người mà buồn cũng buồn hơn mọi người, thơ Xuân Quỳnh nhiều xao động, trăn trở. Ngay từ thuở Chồi biếc, chất giọng ấy đã hiển lộ, như một thứ định mệnh, ám ảnh suốt hành trình thơ chị, đặc biệt hiện hữu, khắc khoải ở những tập thơ sau chiến tranh.

Trở về với đời thường, ngày thường, ngày của bộn bề lo toan, cảm giác về thời gian, sự hữu hạn của đời người là cảm nhận thường trực, mang đậm nữ tính nhất trong thơ Xuân Quỳnh. “Cuộc đời tuy dài” nhưng năm tháng vẫn “đi về trên mái tóc”, rồi sẽ đến một ngày “mái tóc xanh bắt đầu pha sợi bạc” để “buồn nỗi vui cũng khác ngày xưa”. Nhạy cảm với sự chảy trôi của thời gian, sự đổi thay của lòng người, tình yêu, hạnh phúc là một cảm giác đầy nữ tính. Nó quyết định giọng thơ Xuân Quỳnh: khắc khoải âu lo, tạo nên một Xuân Quỳnh đa đoan, mỏng manh, tội nghiệp trước giông bão cuộc đời. Nhưng cũng nhờ chất giọng đó, thơ Xuân Quỳnh lôi cuốn, dễ chạm vào trái tim người đọc, mắc lại ở đó như một suy tư mang đầy cảm xúc.

Sống sâu sắc cuộc sống của chính mình nên luôn trăn trở, dày vò vì sự chảy trôi của thời gian cũng là điều tất yếu trong cái tôi trữ tình Xuân Quỳnh. Trở về với cuộc sống ngày thường sau chiến tranh, trạng thái cảm xúc ấy lại càng được bộc lộ tinh tế hơn. Tưởng như là nghịch lý, trong chiến tranh, khi ranh giới giữa sự sống và cái chết mỏng manh như sợi tóc thì lòng người cứ phơi phới lạc quan. Lúc trở về cuộc sống ngày thường lại thường trực một niềm lo.

Vốn mang một tâm hồn thơ đầy nữ tính, cảm nhận về thời gian trong thơ Xuân Quỳnh cũng là cách cảm riêng của một người phụ nữ, người vợ, từ nỗi âu lo “trời trở rét” đến trạng thái cảm xúc bất ổn “thời gian trôi sau cánh cửa một mình, tờ lịch mỏng trôi theo lòng ngóng đợi”. Cứ bình dị như thế, mà sâu sắc, đa đoan trong hình dung của người đọc về người đàn bà yêulàm thơ. Một nhà thơ của hạnh phúc đời thường, của sự gắn kết giữa truyền thống và hiện đại.

Nhạy cảm với sự chảy trôi của thời gian, bằng trái tim yêu và bản năng của một người phụ nữ, Xuân Quỳnh đã thể hiện cách ứng xử mang đầy tính nhân bản. Không thể chống chọi lại quy luật của tự nhiên, chị cố gắng níu giữ bằng chính nỗ lực của bản thân:

Chi chút thời gian, chi chút từng giờ

Như kẻ khó tính từng hào keo kiệt

                                   (Có một thời như thế)

Xúc động hơn cả là bằng chính bàn tay chăm chút của một người phụ nữ:

Khi anh vắng bàn tay em biết nhớ

Lấy thời gian đan thành áo mong chờ

                                     (Bàn tay em)

bằng sự trân trọng, nâng niu và thái độ sống hết mình với hiện tại:

Nhưng lúc này anh ở bên em

Niềm vui sướng trong em là có thật

                                    (Nói cùng anh)

Cảm giác về thời gian luôn đồng hành với những nỗi buồn, niềm lo, tạo nên giọng điệu chính trong những tập thơ sau chiến tranh của Xuân Quỳnh. Khi Xuân Quỳnh khẳng định sự bất biến của thời gian, không gian một cách mạnh mẽ: “Chẳng có thời gian chẳng có không gian/ Chỉ tuổi trẻ tình yêu là vĩnh viễn”, chính là lúc tâm hồn chị trở nên yếu đuối. Nghe trong giọng thơ đã hằn lên nỗi lo âu, lo tuổi trẻ sẽ vụt qua như một áng mây, tình yêu cũng bảng lảng, phiêu du như màu khói... Lúc chị bình tĩnh nhận ra sự chảy trôi, không bền vững, giọng thơ lại cứng cỏi: “Em biết tình yêu không phải vô biên/ Như tia nắng chúng mình không sống mãi”. Cứ như thế, đời chị, thơ chị là một nghịch lý cho đến suốt đời chị vẫn chưa tìm ra được lời giải đáp. Theo những biến đổi thăng trầm của cuộc đời, một cuộc đời tuy không dài nhưng cũng chẳng ngắn trong bộn bề suy tư của Xuân Quỳnh, cảm giác ấy càng ngày càng rõ nét, khắc khoải trong những bài thơ chị viết. Giọng thơ Xuân Quỳnh, nhất là ở chặng đường sau chiến tranh, lúc đằm thắm da diết, khi mạnh mẽ cứng cỏi nhưng bao giờ cũng ám ảnh một niềm lo. Lo ngày mai, em đã không còn là em của hôm nay: “Bao mùa thu hoa vẫn vàng như thế/ Chỉ em là đã khác với em xưa”. Nhất là nỗi lo vì sự mong manh, dễ vỡ của tình yêu trong cuộc đời đầy biến động: “Em đâu dám nghĩ là vĩnh viễn/ Hôm nay yêu mai có thể xa rồi”. Có những nỗi lo tưởng như bâng quơ nhưng lại nói lên rất rõ chất Xuân Quỳnh: “Mùa thu nay sao bão mưa nhiều/ Những cửa sổ con tàu chẳng đóng”.

Lo âu đích thực là chất giọng Xuân Quỳnh, làm nên một cái tôi khắc khoải, ưu tư. Không còn sự ác liệt, thương đau của chiến tranh nhưng giữa bộn bề của đời thường, giữa thị phi của nhân tình thế thái, dường như Xuân Quỳnh nhìn đâu cũng thấy bão giông, mất mát. Có những bài thơ từ đầu đến cuối, giọng thơ cứ bâng khuâng, hư ảo nhưng lại rất thật một niềm lo:

Khắp nẻo dâng đầy hoa cỏ may

Áo em sơ ý cỏ găm dầy

Lời yêu mỏng mảnh như màu khói

Ai biết lòng anh có đổi thay

                              (Hoa cỏ may)

Người phụ nữ đang yêu trong thơ Xuân Quỳnh rất trân trọng, khao khát tình yêu, hạnh phúc đời thường. Tình yêu, với chị, là sức mạnh nhưng cũng thật mong manh, dễ đổ vỡ. Chị đã kiếm tìm, yêu thương gắn bó, rồi chia lìa bất hạnh để lại hi vọng tìm thấy tình yêu mới. Trải qua những cung bậc ấy, tình yêu trong thơ Xuân Quỳnh vẫn say đắm nhưng bớt dần vẻ rạo rực, sôi nổi ban đầu mà trầm tĩnh, lắng sâu hơn: “Em lo âu trước xa tắp đường mình/ Trái tim đập những điều không thể nói”.

Lo âu làm cho thơ Xuân Quỳnh giàu chất ưu tư, những trạng thái cảm xúc vẩn vơ đầy nữ tính. Một cơn gió chuyển mùa, một tiếng còi tàu, vài chiếc lá rơi, cánh buồm ngoài sông, một mùa thu lắm mưa nhiều bão... tất cả đều khiến chị vơ vào mà cả nghĩ. Nếu như mỗi trạng thái cảm xúc đều có những biểu hiện riêng thì lo âu luôn gắn với nỗi khắc khoải ưu tư. Ở Xuân Quỳnh, trong nỗi lo ấy lại có cả niềm tin. Lo âu không làm cho cái tôi trữ tình trong thơ Xuân Quỳnh trở nên bi quan, chán nản, trái lại vẫn tin tưởng, hy vọng. Sự hòa quyện ấy góp phần làm nên sức quyến rũ trong giọng thơ Xuân Quỳnh. Chỉ một câu hỏi tưởng chừng như bâng quơ, chị đã mở ra trước mắt người đọc một thế giới tình yêu đầy biến động, có mong ngóng, đợi chờ và hy vọng, có niềm tin và cả sự hoài nghi: “Cửa kính mờ trong mưa đẫm ướt/ Em chờ anh anh có về không?”. Lo âu và tin tưởng, tin tưởng rồi lại lo âu. Băn khoăn, thấp thỏm nhưng người yêu, người vợ trong thơ Xuân Quỳnh vẫn chờ, vì “ngày mai trời còn mưa”. Em chờ, bởi dù hoài nghi nhưng sâu thẳm em vẫn tin, tin anh sẽ hiện ra từ khung cửa kính đẫm nước mưa ấy, ngày mai... Chao liệng giữa trăn trở hoài nghi và niềm tin hy vọng về một sự gắn kết vững bền, Xuân Quỳnh đã tạo được chất giọng riêng cho thơ mình, không hẳn là hiện sinh, vụt hiện trong những dấu hiệu cảm quan của thơ hậu hiện đại nhưng cũng không đơn thuần là xúc cảm truyền thống. Sự kết hợp ấy khiến Xuân Quỳnh có những ý thơ đẹp, đi xa trong màu sắc huyền thoại rồi lại về gần với hiện thực của nỗi lòng: “Mùa thu nay sao bão mưa nhiều/ Những cửa sổ con tàu chẳng đóng/ Dải đồng hoang và đại ngàn tối sẫm/ Em lạc loài giữa sâu thẳm rừng anh”. Sự kết nối giữa truyền thống và hiện đại trong hành trình sáng tạo của thơ Việt Nam sau chiến tranh là cần thiết để có những tìm tòi, thể nghiệm và đổi mới.

Trăn trở với những đổi thay còn mất, những bình yên và bão tố cuộc đời, thơ Xuân Quỳnh lúc nào cũng phấp phỏng một niềm lo. Nhưng lo âu không làm Xuân Quỳnh chùn bước. Càng cả lo, cả nghĩ bao nhiêu chị càng tin, càng gắn bó với cuộc đời, con người bấy nhiêu. Nỗi lo của chị nhiều khi không đơn thuần là những lo âu thường nhật của một người phụ nữ về tình yêu, hạnh phúc, những thay lòng đổi dạ... Sâu xa hơn, đó còn là những âu lo về một sự mai một, mất mát, biến đổi những giá trị tốt đẹp trong cuộc sống. Vì thế, trong thơ, Xuân Quỳnh là người “gắng gỏi đến hao mòn, kiệt sức để cố níu giữ cái mình hằng tôn thờ mà đang có nguy cơ bị tuột mất, bị hủy diệt” (1). Chị lẳng lặng hy sinh, khao khát được tự hoàn thiện hơn nữa để có ích cho cuộc đời. Cái tôi trong thơ chị vẫn khắc khoải, trăn trở: “Biết bao giờ em trở nên tốt được”, “Em chỉ thấy em là người có lỗi”. Ngay trong những ngày nằm viện, với những nhịp đập nặng nhọc của một trái tim đau, Xuân Quỳnh vẫn không nghĩ cho riêng mình, vẫn lo bao điều: “Trái tim này chẳng còn có ích/ Cho anh yêu, cho công việc bạn bè”. Bằng giọng thơ khắc khoải lo âu, cái tôi trữ tình trong thơ Xuân Quỳnh, chặng đường sau chiến tranh đã hiện ra với một sắc độ mới nhưng vẫn nhất quán trong suốt hành trình thơ chị. Đó là cái tôi hạnh phúc nhưng không bình yên thỏa mãn, luôn khắc khoải kiếm tìm, băn khoăn xao động nhưng vẫn lấp lánh một niềm tin yêu hi vọng. Nỗi âu lo luôn thường trực, day dứt trong thơ Xuân Quỳnh. Biết rằng yêu là khổ, là phấp phỏng lo âu nhưng thơ Xuân Quỳnh vẫn phơi phới một niềm yêu. Bởi chị tin: “Mỗi sáng khi mặt trời hiển hiện/ Là một ngày tôi lại bắt đầu yêu”. Lo âu mà vẫn tin tưởng. Đó là những sắc điệu chính trong giọng thơ Xuân Quỳnh.

Đã gần ba mươi năm, cũng vào một mùa thu lắm mưa nhiều bão như mùa thu nay, Xuân Quỳnh đi xa... Ba mươi năm, quãng thời gian đủ dài để có thể làm phai mờ đi những gì là hời hợt, nông nhẹ. Nhưng những trang thơ Xuân Quỳnh vẫn còn đấy, ấm áp như mới ngày qua. Trang thơ nào cũng bắt gặp một con người thèm yêu, thèm sống. Đặc biệt, cái chất giọng khắc khoải âu lo, mang tâm tình với đời, với người, nồng nàn, tha thiết của chị vẫn là một nét giọng điệu rất riêng trong nền thơ Việt Nam hiện đại. Với giọng điệu thơ ấy, Xuân Quỳnh đã làm một cuộc trở về đầy ý nghĩa, vừa tiếp tục khẳng định cái tôi cá nhân trong sáng tạo nghệ thuật, vừa cho thấy tính quy luật của thơ ca Việt Nam nói riêng, văn học Việt Nam nói chung những năm sau chiến tranh. Không chỉ ở thời điểm mười năm hậu chiến, khi thơ Việt còn tìm đường cho một thời kỳ sáng tác mới, mà giữa sự đa dạng phong phú, nhiều ngã rẽ hướng đi của thơ hiện nay, chất giọng vừa truyền thống, vừa hiện đại của Xuân Quỳnh vẫn là một sự lựa chọn phù hợp với nhiều chuẩn mực, giá trị.

___________

1. Xuân Quỳnh, Lưu Quang Vũ - Tình yêu và sự nghiệp, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội, 1994, tr.37.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 391, tháng 1-2017

Tác giả : HOÀNG THỊ HUỆ

;