Chiến tranh luôn là đề tài được các nhà điện ảnh trên thế giới khai thác từ nhiều góc độ khác nhau. Cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam của Mỹ kéo dài suốt hơn 20 năm và kết thúc với đại thắng mùa xuân năm 1975 của nhân dân ta, đánh dấu lịch sử đất nước ta sang một trang mới. Hollywood đã sản xuất một loạt phim về chiến tranh Việt Nam sau khi cuộc chiến chấm dứt. Nếu trong giai đoạn trước, các bộ phim ít ỏi về cuộc chiến tranh Việt Nam mang ý nghĩa tuyên truyền và phóng đại nhiều hơn (ít đề cập đến thực tế cuộc chiến cũng như hệ lụy của nó) sau 1975 một loạt phim sản xuất về đề tài Việt Nam phản ánh một cách chân thực hơn cuộc chiến tranh khốc liệt này.
Không ít bộ phim Hollywood được các đề cử và nhiều giải Oscar của Viện Hàn lâm Nghệ thuật Mỹ: Người săn hươu (Deer Hunter) của đạo diễn Cimino, Trở về (Coming home) của đạo diễn Hal Ashby, Trung đội (Platoon), Sinh ngày mùng 4 tháng 7 (Born on the Fourth of July) của đạo diễn Oliver Stone... Tuy nhiên, vào năm 1979 khi đạo diễn nổi tiếng Francis Ford Coppola trình làng bộ phim mới nhất của ông, Giờ là tận thế (Apocalypse Now) thì “bỗng nhiên Việt Nam trở nên thời thượng” (1).
Giờ là tận thế là bộ phim có cốt chuyện trên cuốn tiểu thuyết Trái tim tăm tối (Heart of Darkness), của nhà văn Joseph Conrad người gốc Ba Lan - Anh. Tiểu thuyết kể về chuyến phiêu lưu của thuyền trưởng Charles Marlow trên sông CôngGô trong thời kỳ chủ nghĩa đế quốc xâm chiếm châu Phi. Marlow ngược sông tìm kiếm nhân vật Kurtz, một kẻ buôn ngà voi và là người muốn đưa văn minh tới châu Phi, khai sáng cho người bản địa. Kurtz đã thất bại và phát điên. Cuốn tiểu thuyết cho thấy ranh giới mỏng manh giữa những người văn minh và những kẻ hoang dã.
Lấy cảm hứng từ cuốn tiểu thuyết của Conrad, đạo diễn Coppola xây dựng bộ phim Giờ là tận thế với phông nền là cuộc chiến tranh Việt Nam, kể lại câu chuyện về đại úy Willar được CIA giao nhiệm vụ tới giết đại tá Walter Kurtz thuộc lực lượng đặc biệt của Mỹ. Kẻ bị kết tội đã thủ tiêu bốn điệp viên hai mặt người Việt của CIA, kẻ từ bỏ quân đội và thiết lập quân đội riêng, trở thành chúa trời của bộ lạc thổ dân. Câu chuyện diễn ra trên suốt chặng đường đại úy Willar trên con tàu tuần tra của Hải quân Mỹ, ngược dòng sông tìm giết Kurtz. Trong cuộc phiêu lưu này, Willar đã trải nghiệm những khía cạnh khác nhau của cuộc chiến, hiểu được sự điên rồ phi lý của nó. Anh hoàn thành nhiệm vụ, giết chết Kurtz và quay trở về.
Mặc dù có cốt truyện và lối dẫn chuyện tương ứng với các phim kinh điển của Hollywood: có nhân vật chính (đại úy Willar), có mục tiêu của nhân vật chính (đi tìm giết đại tá Kurtz) và có kết thúc (đại tá Kurtz bị nhân vật chính giết chết), cả bộ phim giống với một màn trình diễn kinh hoàng siêu thực về cuộc chiến tranh Việt Nam theo quan điểm người Mỹ: bom đạn, chết chóc, hủy diệt, điên loạn... Chính các nhà phê bình điện ảnh Mỹ cũng phải thốt lên rằng: “Hai phần ba đoạn đầu thì hay, đáng khen nhưng một phần ba đoạn cuối thì đáng buồn là một đống hỗn độn mù mịt và “nhiều khán giả lúng túng vì chẳng hiểu bộ phim nói gì” (2).
Trên thực tế, bộ phim đã phần nào phản ánh sự thực về những gì mà lính Mỹ đã làm ở Việt Nam: giết chóc, bắn phá, tàn sát... Ta thấy những cảnh xác chết người Việt đầy trên đường làng trong một trận càn của lính Mỹ và tên chỉ huy cầm bộ bài đi rải lên từng cái xác để nói cho mọi người biết hắn đã ở đó. Rồi cảnh một ngôi làng thanh bình khác vào buổi sáng với lớp học đầy trẻ nhỏ, những người dân đang chuẩn bị công việc hằng ngày ở sân kho bỗng chốc, biến thành mục tiêu săn đuổi của súng đạn khi một dàn trực thăng điên cuồng xả súng ở khắp nơi, đuổi theo từng người bắn giết. Nhà cửa cháy, cầu sập, xác chết khắp nơi... Rồi một loạt máy bay ném bom theo lệnh đến rải bom Napal suốt dọc cánh rừng ven làng và giọng tên chỉ huy trên nền khung cảnh lửa Napal cháy rừng rực phía sau hào hứng nói : “Tôi rất thích mùi của Napal. Mùi của chiến thắng”. Ta cũng chứng kiến cảnh những tên lính lục soát một con thuyền của dân thường trên sông, hoảng hốt bắn chết tất cả mọi người trên con thuyền chỉ vì nghĩ có ai đó núp bên trong… nhưng hóa ra đó là một chú chó nhỏ. Cuối cùng, để có thời gian sớm tiếp tục hành trình, đại úy Willard đã dùng súng bắn chết cô gái bị thương nặng. Sinh mạng của người Việt trong phim thật mỏng manh, bèo bọt làm người ta nhận ra sự giả dối của cái gọi là dân chủ, tự do, sự phi nghĩa của cuộc chiến do Mỹ gây ra. Nó còn được nhấn mạnh trong lời mà đại úy Willard thốt ra sau đó: “Chúng ta cắt đôi người họ bằng một tràng tiểu liên và sau đó lại băng bó cấp cứu họ. Đó là sự lừa dối và càng trông thấy họ, tôi càng căm ghét sự lừa dối”.
Bên cạnh đó, bộ phim cũng phơi bày nỗi sợ hãi, sự đau đớn thể xác và tinh thần, sự điên khùng, nỗi tuyệt vọng của mỗi người lính Mỹ trước hơi lạnh tử thần rập rình khắp mọi nơi trên đất Việt... Phim mô tả rất chân thực những gì tự thân họ đã nếm trải từng ngày, từng phút, từng giây của cuộc chiến: từ cảnh đầu tiên của nhân vật chính - mơ mơ màng màng nhận ra anh ta đang ở Sài Gòn và đấm tay vào gương bê bết máu, nửa tỉnh, nửa mê khi có người đến giao nhiệm vụ; rồi đến màn lướt sóng ven biển khi máy bay điên loạn bắn giết thường dân, những cô gái Mỹ đến nhảy nhót mua vui cho lính Mỹ và bỏ chạy khi đám lính cuồng nhiệt đổ xô lên sân khấu; cảnh khu trại bẩn thỉu, hoang tàn, không người chỉ huy; nỗi sợ hãi bất cứ cái gì của rừng rậm hai bên sông nơi trú ẩn của các loại kẻ thù: thú dữ, tên bắn, lao đâm, đạn lạc... Một anh lính da đen trẻ tuổi (đi cùng con tàu tuần tra với nhân vật chính) bị bắn chết khi đang nghe tin nhà qua cuốn băng người mẹ gửi. Người thì đã tắt thở nhưng lời người mẹ Mỹ da màu hy vọng con trở về và lấy vợ sinh con đẻ cái vẫn cứ vang vang trên dòng sông vắng lặng... Mỗi người chết theo cách khác nhau nhưng người xem có thể thấy được sinh mạng những người lính Mỹ ở đây cũng mỏng manh và bèo bọt không kém... Hiện thực cuộc chiến trong phim cho thấy chiến tranh là sự tàn khốc, chiến tranh như cơn lốc hủy diệt mọi thứ mà nó quét qua không loại trừ một ai.
Tuy nhiên, đúng như nhiều nhà phê bình đã nhận xét, đạo diễn Coppola đã đưa khá nhiều những yếu tố hoang đường vào bộ phim. Cuộc chiến lên màn ảnh trở thành màn trình diễn hoành tráng của chiến tranh với mọi góc cạnh của nó. Bộ phim trở nên lan man, phức tạp, khó hiểu, nửa hư, nửa thực với rất nhiều ẩn ý bên trong làm người xem trở nên hoang mang và lúng túng. Bộ phim là mớ hỗn độn các thể loại: phiêu lưu mạo hiểm, hành động, kinh dị, lịch sử...
Ngay từ những cảnh đầu tiên ta đã thấy nhân vật chính là đại úy Willard trong tình trạng nửa tỉnh nửa mê, đầu lộn ngược. Anh ta nhận ra hình như mình đang ở Sài Gòn, vì anh ta ngỡ mình vẫn đang trong rừng rậm. Anh ta đấm vỡ gương và chảy máu rồi lấy tay bôi máu lên mặt. Anh ta cứ u u mê mê như vậy cho đến khi những người đến dẫn anh ta đi gặp cấp trên, phải xả nước lạnh lên đầu cho anh ta tỉnh lại. Willard đang sống cùng ác mộng. Đó cũng là những cơn ác mộng mà dường như mỗi người lính Mỹ quay trở về từ Việt Nam đều có thể gặp. Những màn trình diễn tiếp theo của phim dần dần đưa người xem đi từ cơn ác mộng này qua cơn ác mộng khác với muôn hình vạn trạng của nỗi kinh hoàng, nỗi sợ, sự điên khùng, tàn bạo, giết chóc, vô vàn kiểu chết... Khán giả đi theo lời dẫn chuyện của nhân vật chính, trải qua hết sự việc này đến sự việc khác trên hành trình của đại úy Willard đi tìm giết Kurtz. Người xem có thể nhận ra từ khung cảnh tràn ngập màu sắc, ánh sáng con thuyền ngược dòng sông càng đi càng ẩn sâu vào vùng tối tăm, với cái chết rình rập từng bước chân và những người trên thuyền cứ thay nhau từng người từng người ra đi.
Dĩ nhiên là thực tế không bao giờ có cảnh dàn trực thăng đi càn lại như đi hội ở bờ biển, với các phi công buổi tối tràn trên bãi biển ăn uống, cười đùa, đàn hát, rồi cảnh lính Mỹ lướt ván khi bom rơi đạn vãi xung quanh. Trường đoạn vui vẻ lướt ván giữa đám lửa chiến tranh tạo nên sự tương phản đối lập là bằng chứng cho thấy cuộc chiến tranh Việt Nam của Mỹ đã bộc lộ những khía cạnh tối tăm nhất của bản thể con người. Nhân vật đại tá Kilgore không còn thấy hứng thú với chuyện bắn giết mà đi tìm trò vui. Những hành động quái đản, sự phấn khích quá độ của ông ta trên chiến trường là ví dụ hoàn hảo về sự biến dạng nhân cách của những người lính Mỹ, xóa nhòa hình tượng người hùng của lính Mỹ trong các bộ phim chiến tranh trước đó (3).
Dường như cung cách thách thức cái chết của nhân vật khôi hài là đại tá Kilgore - chỉ huy sư đoàn kỵ binh bay số 9 - làm người xem nhận ra ông ta không sợ chết, bởi ông ta biết rõ ở nơi đây sinh mạng con người hoàn toàn đã thuộc về thần chết, đã nằm ở cửa tử, sống sót mới là điều kỳ diệu. Đây chính là địa ngục. Ông ta đang chơi trò cá độ với tử thần. Cách ông ta thể hiện bản thân giữa khung cảnh bom đạn, cháy nổ làm ta gợi nhớ về nhân vật bộ phim Người săn hươu (Deer Hunter) chơi trò Rulet kiểu Nga (quay ngẫu nhiên ổ đạn rồi chĩa súng vào đầu anh bắn, có đạn thì chết, không đạn thì sống).
Một yếu tố hoang đường khác được dàn dựng rất công phu là cảnh hàng chục máy bay lên thẳng diễu hành đến nơi cần hủy diệt bay trên nền bản nhạc bi tráng Khúc tử thần nổi tiếng của Wagner hoàn toàn biến vụ càn vào làng trở thành buổi trình diễn hoành tráng của công nghệ chiến tranh hiện đại, hướng khán giả vào hình ảnh sắc màu rực rỡ, chuyển động máy quay đa dạng. Cảnh này giống với màn ca ngợi cuộc chiến nhiều hơn, làm cho những hình ảnh đau thương, chết chóc phía dưới bị lu mờ. Nó cũng mang một ẩn ý: cỗ máy chết chóc hiện đại (phi đội máy bay lên thẳng với hàng chục lính tay lăm lăm súng máy) đang lừ lừ tiến đến bắn phá như điên, không chừa một ai nên chắc hẳn các vị thần Valkies của thần thoại Bắc Âu cũng khó mà kịp lựa chọn chiến binh nào phải chết, chiến binh nào được tha trên cái chiến trường hỗn loạn, điên loạn này? Không có gì ngạc nhiên khi có những nhà phê bình cho rằng Giờ là tận thế mang tính hai mặt: vừa chống, vừa ủng hộ chiến tranh (4).
Những cảnh tiếp theo của bộ phim trên hành trình đại úy Willard đi tìm kiếm đại tá Kurtz cũng không kém phần kỳ quái. Tác giả đặt màn diễn của các cô gái nhảy Mỹ ở sân khấu của một doanh trại lính Mỹ có hàng rào dây thép gai ngăn những người dân Việt đứng xem bên ngoài. Hiển nhiên việc các nghệ sĩ Mỹ đến thăm và biểu diễn cho lính Mỹ ở miền Nam Việt Nam là chuyện có thật, nhưng khung cảnh mà đạo diễn dựng vào phim lại khiến người xem nhận ra sự khác biệt rõ ràng giữa hai thế giới, hai cộng đồng và tự hỏi chưa biết thế giới nào mới đáng để sống: cái thế giới của những người lính Mỹ xa nhà khao khát dục vọng đang bị kích thích và điên cuồng đuổi theo các cô gái đang hốt hoảng bỏ chạy; hay thế giới hiền hòa, lặng lẽ, đơn giản phía bên kia… Mọi thứ đương nhiên được dàn dựng quá lên. Tiếp theo là cảnh các cô gái đó bán thân lấy hai thùng dầu tại một doanh trại tan hoang, rệu rão, ngập những bùn lầy, không có chỉ huy, cho thấy sự sa sút tinh thần, sự bàng quan, cách suy nghĩ sống được ngày nào hay ngày đấy của lính Mỹ trên chiến trường Việt. Thế giới xung quanh con tàu của đại úy Willard ngày càng trở nên tăm tối, mông muội. Nó dường như mô tả hành trình cuộc chiến tranh Việt Nam đối với nước Mỹ: càng leo thang càng rơi vào vũng lầy không lối thoát… Đạo diễn cũng đưa vào phim một trường đoạn đại úy Willard ghé vào đồn điền người Pháp nằm cạnh dòng sông mà anh ta đang ngược dòng chỉ để nhân vật chủ đồn điền nói về việc Mỹ đã không rút kinh nghiệm từ những sai lầm của Pháp ở Đông Dương. Cái đồn điền tồn tại hàng trăm năm này vốn là những sự kiện có thật trong lịch sử thuộc địa của Việt Nam, được đạo diễn sử dụng như thủ pháp để phản ánh suy nghĩ của mình về chiến tranh Việt Nam.
Cuối cùng, vùng đất mà đại tá Kurtz làm chủ cũng hiện ra trước mắt khán giả. Ta thấy nhân vật Kurtz từ trong bóng tối dần dần hiện ra. Ta nhận ra sự tàn bạo, điên khùng của ông ta qua những khung cảnh gợi nhớ đến các bức tranh siêu thực: xác chết ở lẫn với người, đầu người đặt ở mọi nơi, người đi lờ phờ như xác sống, bùn lầy, tối tăm, bẩn thỉu... Tuy nhiên, ông ta lại được những người thổ dân tôn thờ như vị thánh. Nhân vật Kurtz của Coppola chẳng thể giống với người thường. Qua những gì ông ta làm, có thể thấy đấy là một con người đã phát điên, tàn bạo tới mức khó chấp nhận. Nhưng những lời ông ta nói, dường như chưa đủ tàn bạo, chưa đủ quyết tâm như Việt cộng? Đây chính là sự hoang đường nhất của bộ phim. Câu chuyện Kurtz kể về việc, những trẻ em được lính Mỹ tiêm vắc xin phòng bại liệt… rõ ràng là chuyện hoang đường nhất. Gibert Aidar trong bài phê bình về bộ phim đã phải nhận xét rằng: “Cách bịa đặt để tạo ra kịch tính rẻ tiền đó thật đáng thất vọng”(5). Và cách lý giải sự thất bại của Mỹ trong cuộc chiến tranh Việt Nam của bộ phim quả là hoang đường, vì nó đặt người Mỹ (qua lời nói của Kurtz) vào vị trí người tốt hơn do không thể giết người theo bản năng không suy tính, không lý do, không phán xét (6) như người Việt. Dường như đạo diễn Coppola đã rất lúng túng trong xử lý cái kết bộ phim. Một mặt, tác giả né tránh những gì liên quan đến lý do chính trị khi Mỹ can thiệp vào Việt Nam, bỏ qua những sự kiện lịch sử của cuộc chiến. Mặt khác, bộ phim đã mô tả đối phương là những nhân vật câm lặng, vô hình, không có diện mạo rõ ràng. Chính vì thế, bộ phim đã không phản ánh sự thực về cuộc chiến tranh Việt Nam. Tác giả chỉ lấy nó làm nền cho ý tưởng nghệ thuật của mình. Phê phán tính lưỡng đề (vừa chống, vừa ủng hộ chiến tranh) trong cách thể hiện chiến tranh Việt Nam của bộ phim Giờ là tận thế, tác giả Tomasulo đã nhận xét một cách hài hước rằng: Có thể giả dụ rằng nếu nước Mỹ tạo ra cuộc chiến tranh với sự say mê của đại tá Kilgore, với sự lạnh lùng của đại úy Willard và sự trung thực tàn bạo của đại tá Kurt nước Mỹ sẽ chiến thắng”? (7)
Mặc dù tác giả không đề cập đến lý do và nguyên nhân cơ bản vì sao Mỹ lại can thiệp vào Việt Nam, đem con em của họ nướng vào lò lửa cuộc chiến kéo dài suốt 20 năm, gây bao nhiêu đau thương chết chóc cho người Việt, cũng như đưa quá nhiều yếu tố hoang đường, siêu thực, gây sốc vào bộ phim, nhưng Giờ là tận thế đã “mang đến những trải nghiệm về nỗi kinh hoàng, sự điên loạn, sự nhục cảm, tính hai mặt của vấn đề đạo đức của cuộc chiến tranh Việt Nam”(8) do người Mỹ gây ra... để người xem chiêm nghiệm.
_______________
1. Eusebio V.Llácer & Esther Enjuto, Coping Strategies: Three Decades of Vietnam War in Hollywood (Chiến lược kiểu mẫu: Ba thập kỷ phim chiến tranh Việt nam của Hollywood),T.4
2. Baran Danış, Apocalypse Now- Pro-war sentiments in “Anti - War Film (Giờ là tận thế, những ẩn ý ủng hộ chiến tranh trong một bộ phim mang màu sắc phản chiến), Luận văn thạc sĩ 2007 Khoa truyền thông và thiết kế , Đại học Mỹ thuật, Trường tổng hợp Bilkent (Thổ Nhĩ Kỳ)
3. Shao Bing-qing, Liu Xiao, The Vietnam War in the New Century: The Evolution of Apocalypse Now Redux (2001) in Narrative Perspective (Chiến tranh Việt Nam trong thế kỷ mới : Sự thay đổi lối dẫn chuyện của phim của Giờ là tận thế bản bổ sung (2001)), National University of Defense Technology, Changsha, China Journal of Literature and Art Studies, February 2015, Vol. 5, No. 2, 100-106
4, 8. Kinder, Marsha, The Power of Adaptation in Apocalypse Now, Film Quarterly 33 (1979-1980): 12-20.
5, 6. Gilbert Adair, Vietnam on film: From Greeen Berets to Apocalypse Now (Việt Nam trên phim: từ Mũ nồi xanh đến Giờ là tận thế), Proteus Publishing Co. Inc.1981.
7. Tomasulo, Frank P., The Politics of Ambivalence: Apocalypse Now as Prowar and Antiwar Film (Tính lưỡng đề trong chính trị: Phim Giờ là tận thế là phim vừa ủng hộ vừa chống chiến tranh), trong From Hanoi to Hollywood: The Vietnam War American Film (Từ Hà Nội đến Hollywood : chiến tranh Việt Nam trong phim Mỹ) Eds. Linda Dittmar & Gene Michaud. New Brunswick: Rutgers UP, 145-158.
Tác giả: Ngô Đặng Trà My
Nguồn: Tạp chí VHNT số 425, tháng 11-2019