Giải pháp việc làm cho cử nhân ngành Công tác xã hội (Nghiên cứu tại Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long)

Công tác xã hội (CTXH) là ngành nghề quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống xã hội, đặc biệt các nhóm đối tượng yếu thế, thiểu số. Sứ mạng của ngành là nỗ lực hành động giảm thiểu những rào cản trong xã hội, bất công, bất bình đẳng. Từ năm 2010 đến nay, mỗi năm nước ta có hàng ngàn cử nhân CTXH tốt nghiệp. Đây là lực lượng quan trọng bổ sung vào đội ngũ những người làm CTXH ở Việt Nam. Tuy nhiên, hiện nay số lượng cử nhân ra trường làm việc đúng chuyên môn không nhiều, họ phải làm những công việc trái với chuyên ngành mình được học trong khi đây vẫn là một nghề khá “hot”. Điều này gây nên tâm lý lo âu cho cử nhân trong vấn đề tìm kiếm việc làm đúng chuyên môn.

Quyết định 112/QĐ-TTg về ban hành chương trình phát triển CTXH giai đoạn 2021-2030 nhằm đẩy mạnh phát triển CTXH tại các ngành, các cấp phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế, xã hội (1). Mục tiêu Đề án 32 của Thủ tướng Chính phủ về nhu cầu nhân lực trong ngành Lao động Thương binh và Xã hội giai đoạn 2010-2020 là tổ chức đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng cho 60.000 cán bộ, nhân viên và cộng tác viên CTXH (2). Hiện tại, nhân lực ngành CTXH của Việt Nam đang thiếu trầm trọng. Nhưng hàng nghìn cử nhân tốt nghiệp lại đang thất nghiệp hoặc làm việc không đúng chuyên môn do đãi ngộ, lương thấp, tuyển dụng ít.

Cơ hội việc làm của nghề CTXH

Ở Việt Nam hiện nay với gần 9 triệu người cao tuổi; 6,7 triệu người khuyết tật; 1,5 triệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khoảng 2,7 triệu đối tượng bảo trợ xã hội thuộc diện hưởng trợ cấp hàng tháng, chính vì thế nhu cầu người cần trợ giúp dịch vụ CTXH rất lớn (3).

Trong khi đó, xu hướng của quốc tế cần ở mỗi quận, huyện có 1 trung tâm. Mỗi trung tâm cần 20 người, Việt Nam đang có 700 quận, huyện thì cần đội ngũ rất lớn bổ sung. Trong khi đó, CTXH chủ yếu tập trung ở cấp quận, huyện là chính. Như vậy, chúng ta luôn phải duy trì một đội ngũ nhân lực hơn 100.000 nhân viên và giảng viên CTXH (4).

Thực trạng việc làm của cử nhân CTXH Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long

Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long bắt đầu đào tạo đại học ngành CTXH từ năm 2016. Trong lĩnh vực việc làm, theo kết quả khảo sát từ Phòng Công tác học sinh, sinh viên, trong 12 tháng sau khi tốt nghiệp năm 2020 có 73% cử nhân CTXH tốt nghiệp tìm được việc làm. Theo kết quả khảo sát của tác giả vào tháng 4-2022, cử nhân CTXH tốt nghiệp 1-2 năm có việc làm đạt 76,6%, cử nhân làm việc đúng chuyên môn đạt 14,4%, cử nhân làm việc trái ngành chiếm 62,2%, cử nhân thất nghiệp chiếm 23,3%. Tỉnh Vĩnh Long tuyển dụng CTXH rất ít, một năm chỉ tuyển dụng 2 đến 3 vị trí liên quan. Tuy nhiên, việc tuyển dụng diễn ra thiếu khách quan, không minh bạch cử nhân thường rất khó trúng tuyển (5).

Một số yếu tố tác động đến quá trình tìm việc làm của cử nhân ngành CTXH

Thứ nhất, nhu cầu tuyển dụng CTXH không nhiều

Hiện nay, nghề CTXH còn mới nên việc tuyển dụng không nhiều, một phần do nhận thức của xã hội về nghề còn mờ nhạt, hệ thống dịch vụ CTXH chậm phát triển; Khuôn khổ pháp lý chưa đảm bảo; Chất lượng đào tạo còn nhiều bất cập do nội dung đào tạo chưa phù hợp, còn nặng về lý thuyết và đào tạo chưa thật sự gắn với chuẩn đầu ra.

Thứ hai, thiếu định hướng nghề nghiệp trước khi học

Chọn trường, chọn nghề đặc biệt quan trọng đối với học sinh lớp 12 vì đó chính là sự lựa chọn tương lai của các em. Thế nhưng hiện nay, hầu hết học sinh lớp 12 còn rất lúng túng và mơ hồ trước quyết định của mình, không dám chắc nghề mình định chọn có phải là nghề phù hợp với mình hay không, các em thiếu thông tin cần thiết để làm cơ sở trước khi ra quyết định.

Thứ ba, cử nhân ra trường thiếu kỹ năng làm việc

Cử nhân có kiến thức nhưng thiếu kỹ năng cần thiết để làm việc, trong khi đó, các nhà tuyển dụng nhất là các công ty nước ngoài luôn chú trọng đến những kỹ năng làm việc, giao tiếp, ứng xử, làm việc theo nhóm, khả năng lập kế hoạch mục tiêu, xử lý nhanh các khó khăn trong tình huống bất ngờ.

Thứ tư, chất lượng đào tạo chưa thực sự gắn với nhu cầu xã hội

Chính phủ đã đầu tư rất nhiều vào các trường đại học quốc gia nhưng kết quả không có gì khả quan khi số lượng lớn cử nhân vẫn thất nghiệp. Với tiếp cận xã hội hóa giáo dục cho phép nhiều trường đại học tư được mở ra, kích thích cạnh tranh giữa trường công và trường tư. Trường đại học tư vì lợi nhuận chỉ cấp bằng, họ không đào tạo “đúng và trúng”. Cả hai cách cải tiến trên đều làm nảy sinh số người tốt nghiệp cao nhưng không có kỹ năng làm việc.

Một số giải pháp tìm việc làm đúng chuyên ngành đào tạo cho cử nhân CTXH

Nhóm giải pháp về cơ chế chính sách của Đảng, Nhà nước

Thứ nhất, cần xác định rõ vị trí làm việc và tiêu chuẩn hóa một số chức danh cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, cán bộ làm công tác bảo trợ xã hội thuộc khối cơ quan nhà nước từ trung ương đến cấp tỉnh, huyện, xã.

Thứ hai, ưu tiên tuyển dụng những người được đào tạo cơ bản có trình độ đại học, cao đẳng vào các cơ quan quản lý nhà nước ở các cấp, các ngành, các cơ sở cung cấp dịch vụ CTXH.

Thứ ba, tạo khuôn khổ pháp lý để phát triển các tổ chức cung cấp dịch vụ CTXH, kể cả khu vực nhà nước và tư nhân.

Thứ tư, tạo hành lang pháp lý cho việc hành nghề tự do cung cấp dịch vụ CTXH với tư cách là nhà tham vấn, nhà nghiên cứu khoa học để sử dụng số cán bộ được đào tạo cơ bản này thật sự hiệu quả.

Thứ năm, tổ chức các chiến dịch truyền thông nâng cao nhận thức của người dân, cộng đồng xã hội về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của CTXH và dịch vụ CTXH, thông qua đó để “kích cầu” sử dụng dịch vụ CTXH.

Thứ sáu, các Bộ, ngành liên quan cần nhanh chóng nghiên cứu ban hành một số văn bản quy phạm pháp luật để tạo hành lang pháp lý và môi trường xã hội thuận lợi cho việc sử dụng nguồn nhân lực đã qua đào tạo cơ bản về CTXH.

Thứ bảy, cần làm tốt công tác dự báo cung - cầu nguồn nhân lực về CTXH để có kế hoạch đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực này một cách hiệu quả nhất, tiết kiệm chi phí đào tạo cho người học và Nhà nước.

Nhóm giải pháp từ phía Bộ, ngành, địa phương

Thứ nhất, cần nâng cao quyền lợi và thu nhập cho nhân viên CTXH. Hiện nay, mức lương của nhân viên CTXH rất thấp dao động từ khoảng 3,5-5,5 triệu, trong khi đó mức sống, chi phí sinh hoạt ngày càng tăng cao đã gây rất nhiều khó khăn đối với nhân viên CTXH. Áp lực và khối lượng công việc của một nhân viên CTXH rất lớn, chính vì thế cần có những hỗ trợ cụ thể từ Đảng, Nhà nước, các cấp quản lý, ngành chức năng cả về tinh thần và vật chất, đặc biệt là khung pháp lý và chính sách ưu đãi, thu hút nguồn nhân lực.

Thứ hai, sửa đổi cơ chế, chính sách phát triển nhân viên CTXH ngoài công lập. Nguồn nhân lực làm CTXH hiện có một số bất cập thực tiễn như thiếu về số lượng nhân viên làm nghề, yếu về năng lực nên chất lượng chuyên môn không đảm bảo, hoạt động thiếu chuyên nghiệp. Những bất cập trên ảnh hưởng đến lợi ích những người có quyền được hưởng các dịch vụ CTXH. Số lượng người dân nhất là những người có hoàn cảnh đặc biệt như người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và các nhóm đối tượng bảo trợ xã hội có nhu cầu trợ giúp xã hội được tiếp cận, thụ hưởng dịch vụ CTXH còn ít.

Thứ ba, hình thành và phát triển mạng lưới nhân viên CTXH trong hệ thống trường học, bệnh viện, hệ thống tư pháp. Cần đảm bảo các cơ sở xã hội như trường học, bệnh viện, cơ quan tổ chức cấp xã, phường, đều có nhân viên CTXH đúng như luật định. Phân định rõ vai trò nhân viên CTXH trong các cơ sở xã hội, hạn chế sự kiêm nhiệm nhằm tạo cơ hội cho các cử nhân mới ra trường có cơ hội tham gia vào nguồn nhân lực của cơ sở.

Thứ tư, xây dựng nội dung chương trình đào tạo nghề CTXH. Cần bổ sung thêm một số học phần mới có tính chất thực hành nghề nghiệp. Chuẩn đầu ra chương trình đào tạo của ngành cần đặc biệt chú trọng đến thực hành, rèn luyện kỹ năng cho sinh viên. Thực hành, thực tập là khâu quyết định trực tiếp đến trình độ, năng lực nghề nghiệp trong tương lai của sinh viên. Vì thế, cùng với việc trang bị kiến thức, lý thuyết phải tăng cường thực hành trong đào tạo.

Thứ năm, đẩy mạnh tuyên truyền nghề CTXH tại các địa phương. Tích cực tuyên truyền CTXH đến với người dân, đề cao giá trị, tầm quan trọng của nghề, tuyên truyền hiệu quả khoa học, dễ hiểu, dễ nhớ nhằm mục đích để mọi người thấy được sự cần thiết của CTXH trong đời sống nhân dân.

Thời gian qua, các cơ sở trợ giúp xã hội đã được quy hoạch, đầu tư xây dựng, đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng đối tượng bảo trợ xã hội. Tuy nhiên, các cơ sở trợ giúp xã hội thiếu sự liên kết, kết nối mang tính hệ thống với các cơ quan phúc lợi xã hội, cơ sở y tế, cơ sở giáo dục, các cơ sở cung cấp dịch vụ chăm sóc, trợ giúp xã hội khác; các mô hình trợ giúp cho đối tượng còn mang tính hành chính; mô hình, cấu trúc hệ thống từ trung ương đến cộng đồng chưa có tính chuyên nghiệp và chủ yếu vẫn dựa vào bộ máy hành chính.

Nhóm giải pháp từ phía nhà trường

Thứ nhất, cần có sự liên kết giữa cơ sở đào tạo với đơn vị sử dụng lao động. Nhà tuyển dụng quan tâm chất lượng đào tạo cử nhân cả về chuyên môn, kỹ năng mềm, thái độ trong công việc. Giải quyết bài toán khó về đào tạo nhân sự giúp người trẻ định vị được vị trí của họ trong môi trường doanh nghiệp nói riêng, xã hội nói chung. Các đơn vị sử dụng lao động hiện nay đều có xu hướng chú trọng kiến thức thực tiễn hơn là kiến thức hàn lâm thu được trong sách vở. Đây được xem là thách thức đối với cả người học và người dạy trong việc đào tạo nguồn nhân lực khi trong Nhà trường vẫn còn tồn tại tình trạng thiếu sự kết nối kiến thức giữa các ngành, kỹ năng xử lý tình huống của sinh viên vẫn chưa đạt hiệu quả như mong đợi.

Thứ hai, nâng cao chất lượng đào tạo ngành CTXH. CTXH là giải quyết những vấn đề của xã hội, bệnh xã hội nên rất cần tính nghề nghiệp, tính chuyên nghiệp và đạo đức nghề nghiệp như bao nghề nghiệp khác. Nếu làm CTXH không được đào tạo bài bản, không có tay nghề, không có đạo đức nghề nghiệp thì sản phẩm họ tạo ra sẽ không chất lượng.

Thứ ba, chú trọng vấn đề việc làm đầu ra cho cử nhân. Nhà trường cần có kế hoạch chiến lược về giải quyết việc làm cho cử nhân. Đào tạo có kế hoạch không đại trà. Cần tổ chức các cuộc gặp gỡ và các buổi sinh hoạt giữa sinh viên và các tổ chức xã hội khi sinh viên còn đang trên ghế nhà trường, nhằm tạo sự thấu hiểu giữa cả hai và tăng cơ hội việc làm cho cử nhân có nguyện vọng và mong muốn làm việc tại các tổ chức đó.

Giải pháp từ phía cử nhân

Cử nhân cần trang bị đầy đủ kỹ năng, kiến thức, thái độ tích cực trong suốt quá trình học tập tại trường và cả khi hoạt động xã hội. Chủ động tham gia các chương trình và hoạt động có liên quan đến ngành tại trường, địa phương nhằm nâng cao kỹ năng, tích lũy kinh nghiệm và mở rộng mối quan hệ. Xác định rõ định hướng nghề nghiệp để phấn đấu phát huy thế mạnh bản thân, có kế hoạch chiến lược tìm việc.

Nhóm giải pháp từ phía đơn vị tuyển dụng CTXH Thứ nhất, công bằng trong tuyển dụng công chức, viên chức CTXH để tuyển dụng được người thật sự có năng lực. Chúng ta nên đổi mới phương pháp thi tuyển: hội đồng coi và chấm thi độc lập, giám sát trong chấm bài và công bố kết quả.

Thứ hai, tạo điều kiện cho các cử nhân làm việc và nâng cao trình độ chuyên môn CTXH. Các đơn vị sử dụng lao động, các cơ sở, trung tâm CTXH tạo điều kiện hơn nữa cho cử nhân thử việc, làm việc vì đây là cơ hội tốt giúp đơn vị sử dụng lao động tìm ra được một nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng đúng yêu cầu tại cơ sở.

_____________

1. Quyết định số 112/QĐ-TTg ngày 22-1-2021 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành chương trình Phát triển công tác xã hội giai đoạn 2021-2030.

2, 3. Vũ Thị Thanh Nga, Thực trạng việc làm của cử nhân ngành Công tác xã hội và định hướng phát triển năng lực cho sinh viên hiện nay, Tạp chí Khoa học, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội, số 38, 2020, tr.199-204.

4. Phan Minh, Cần hơn 100.000 nhân sự ngành Công tác xã hội, dantri.com.vn, 30-11-2014.

5. Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long, Đồng hành cùng sinh viên trong hỗ trợ việc làm, vlute.edu.vn, 2020.

Tài liệu tham khảo

1. Thùy Anh, Nhân lực ngành công tác xã hội: Nơi thừa vẫn thừa, nơi thiếu vẫn thiếu, danviet.vn, 3-9-2020.

2. G.Nam, 60% sinh viên chọn sai ngành học, nld.com.vn, 5-1-2019.

3. Ngọc Quang, 225.000 cử nhân thất nghiệp và cái giá phải trả của một nền giáo dục ì ạch, giaoduc.net.vn, 25-1-2016.

4. Nguyễn Thị Thu Trang, Sinh viên thất nghiệp sau khi ra trường - Nguyên nhân và cách khắc phục, Khoa Kinh tế tài nguyên và môi trường, Trường Đại học Tài nguyên và môi trường Hà Nội, 2017.

5. Hà Thị Ngọc Thịnh, Việc làm sau khi tốt nghiệp của sinh viên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, thực trạng và giải pháp - 2016, Luận văn Thạc sĩ Xã hội học, Đại học Quốc gia Hà Nội, 2016.

6. Nguyễn Hoàng Thủy, Đào tạo thực hành nghề Công tác xã hội ở Việt Nam hiện nay, Tạp chí Khoa học Xã hội Việt Nam, Trường Đại học Quảng Bình, 2020.

7. Đào Thanh Trường và Nhóm nghiên cứu, Kết quả khảo sát tình trạng việc làm sau tốt nghiệp của sinh viên, trong sách Lựa chọn giải pháp nhằm thu hẹp khoảng cách giữa đào tạo trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn với nhu cầu thị trường lao động, Nxb Thế giới, Hà Nội, 2012.

NGUYỄN THỊ BẢO TRÂM - TS LÊ THỊ TÂM

Nguồn: Tạp chí VHNT số 506, tháng 8-2022

;