Thực trạng việc dạy đàn phím điện tử ở bậc trung học cơ sở (THCS) hiện nay còn nhiều khó khăn và bất cập. Bên cạnh những kết quả đã đạt được trong thời gian qua vẫn còn tồn tại nhiều bất cập về cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên, cơ chế chính sách của địa phương… ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng học tập của môn Âm nhạc nói chung và việc học đàn phím điện tử nói riêng.
Nhiều trường ở thành phố đạt chuẩn quốc gia có phòng học đàn phím điện tử riêng đạt tiêu chuẩn về cách âm, diện tích... Nhưng một số trường ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa thì thông thường phòng học đàn cũng chính là phòng học của các môn khác hay còn gọi là phòng đa chức năng. Về trang bị đàn phím cho giảng viên và người học cũng còn nhiều hạn chế. Nhiều trường giảng viên được trang bị đàn giảng dạy còn học sinh tự túc. Nếu học sinh nào gia đình có điều kiện thì mua đàn cho con em học, ngược lại các em có thể học chung hoặc dùng đàn của giáo viên ngoài giờ học để luyện tập. Hầu hết giáo viên môn Âm nhạc ở cấp THCS có trình độ đạt chuẩn, tức là đã có bằng cử nhân. Đa số các giáo viên âm nhạc có bằng cử nhân hệ vừa làm vừa học, chỉ một phần nhỏ có bằng cử nhân chính quy tại các cơ sở đào tạo như Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật T.Ư, Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội và Khoa Nghệ thuật, Trường đại học Sư phạm Hà Nội. Trước khi theo học chương trình đại học, hệ vừa làm vừa học, các giáo viên đã có bằng trung cấp âm nhạc hoặc cao đẳng sư phạm âm nhạc do các trường văn hóa, nghệ thuật hoặc cao đẳng sư phạm trên địa bàn các địa phương đào tạo. Sự đa dạng cơ sở đào tạo, đa dạng chương trình và điều kiện đào tạo khiến chất lượng giáo viên âm nhạc phổ thông cũng có sự đa dạng.
Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đã ban hành nhiều thông tư, chính sách đối với việc dạy và học âm nhạc trong trường phổ thông phục vụ sự nghiệp giáo dục thẩm mỹ cho học sinh. Tuy nhiên, tùy thuộc vào điều kiện, chính sách của từng tỉnh thành đối với bộ môn Âm nhạc trong các trường lại có cách thức đầu tư, chú trọng khác nhau. Đây cũng là nguyên nhân dẫn tới nhiều bất cập trong việc dạy học đàn phím điện tử ở bậc THCS. Để khắc phục những khó khăn, hạn chế và nâng cao chất lượng việc giảng dạy đàn phím điện tử đối với bậc THCS cần có các biện pháp cụ thể, gắn với thực tiễn.
1. Đảm bảo cơ sở vật chất, phương tiện dạy học âm nhạc
Cơ sở vật chất dành cho dạy môn âm nhạc ở đây là phòng học âm nhạc đạt chuẩn phòng chức năng, có sự tách biệt với khu phòng học các môn văn hóa. Khi đã nhận thức đúng đắn về vai trò của giáo dục thẩm mỹ trong giáo dục phổ thông ở bậc THCS, chắc chắn, cơ sở vật chất phục vụ cho mục tiêu giáo dục này sẽ được chú ý, cải thiện. Như vậy, việc cần làm ngay là đảm bảo cho tất cả các trường Tiểu học và THCS có phòng chức năng dành riêng cho giáo dục thẩm mỹ (dạy âm nhạc, mỹ thuật). Phòng chức năng này cũng quan trọng không kém các phòng học khác. Bố trí riêng phòng chức năng thẩm mỹ, trong đó để sẵn hệ thống trang âm, loa đài, nhạc cụ đàn phím điện tử, máy chiếu, sân khấu nhỏ, đủ bàn ghế cho học sinh của một lớp; giáo viên chỉ cần mang theo máy tính cá nhân là có thể làm việc ngay. Cũng có thể tích hợp phòng chức năng này với phòng truyền thống, tùy điều kiện thực tế của mỗi trường.
Bộ GDĐT cần có thiết kế quy chuẩn cho một phòng chức năng âm nhạc chung cho toàn bộ hệ thống giáo dục phổ thông. Trong đó, bên cạnh các quy định cứng chung, nên có các phần quy định mềm (mở) để các địa phương có thể vận dụng phù hợp với điều kiện và đặc trưng văn hóa vùng miền. Cần coi nhạc cụ là phương tiện thiết yếu trong dạy học âm nhạc ở các cấp học phổ thông. Thực tế cho thấy, rất nhiều giáo viên âm nhạc hiện tại “bỏ qua” nhạc cụ mà ỷ lại vào các phương tiện công nghệ thông minh, khai thác những thứ có sẵn trên mạng. Họ cho rằng trên mạng có tất cả những gì họ cần mà lại hay hơn nhiều so với việc họ dùng nhạc cụ; thế nên tội gì phải mệt đầu, tội gì phải vất vả với đàn phím điện tử. Họ coi đó là một sự giải phóng. Họ không biết rằng làm như vậy là đã tự biến mình thành một phương tiện kết nối học sinh với học liệu trên mạng, tự làm giảm ý nghĩa, vai trò định hướng tri thức và cảm xúc âm nhạc cho học sinh của một giáo viên âm nhạc trong lớp học.
Vì thế, giáo viên dạy âm nhạc phổ thông cần gắn với nhạc cụ, phải biết chơi tương đối thành thạo một nhạc cụ nhất định (nhạc cụ nào cũng tốt). Tất nhiên, đàn phím điện tử là phương tiện phù hợp và phổ biến nhất hiện nay. Mặt khác, các cơ sở đào tạo sư phạm âm nhạc đều dạy đàn phím điện tử (môn bắt buộc). Điều đó cho thấy, đây là lựa chọn của ngành GDĐT. Trên thực tế, một người biết thành thạo một nhạc cụ bất kỳ đều có thể sử dụng được đàn phím điện tử sau một khoảng thời gian làm quen với nó.
Các giáo viên âm nhạc phổ thông cần có cho mình lựa chọn gắn bó với ít nhất một loại nhạc cụ, thường xuyên thực hành âm nhạc trên nhạc cụ đó. Trong phạm vi trách nhiệm của mình, họ hoàn toàn có thể đề nghị nhà trường trang bị loại đàn phù hợp với khả năng cũng như sở thích của mình. Nếu được nhà trường ủng hộ thì tốt, nếu nhà trường chưa có điều kiện thì vẫn nên tự mình mua sắm, vì đó là đồ nghề gắn bó với nghiệp dạy nhạc của bản thân.
Thực trạng không đồng đều các loại đàn phím điện tử và trong phân bố đàn không phải là vấn đề quá quan trọng mà ở năng lực và tâm huyết với nghề của người sử dụng. Thực trạng phân bố đàn tại các trường THCS vùng miền núi hoàn toàn có thể giải quyết tốt, tránh lãng phí tiền của Nhà nước và tránh lãng phí đàn vì không được sử dụng nếu gắn việc sử dụng đàn vào quy định hoạt động nghiệp vụ của giáo viên dạy âm nhạc. Điều này cần đến các quy định cụ thể của Bộ GDĐT và sự quan tâm vận dụng vào thực tiễn của các nhà quản lý giáo dục phổ thông ở các địa phương.
Tất nhiên, mỗi nhạc cụ có những thiết bị ngoài, phụ trợ kết nối với hệ thống khuếch đại âm thanh để đáp ứng khả năng nghe của số đông học sinh. Vì thế, kèm theo nhạc cụ là các thiết bị như tăng âm, loa và các vị trí lựa chọn để lắp đặt các thiết bị trong lớp học. Giáo viên cũng hoàn toàn có thể khai thác các công cụ tiện ích khác như máy tính, máy chiếu, màn hình, tuy nhiên không nên quá ỷ lại vào các công cụ đó mà rời bỏ nhạc cụ, phương tiện chính yếu để dạy âm nhạc.
2. Gắn việc sử dụng nhạc cụ vào thực dạy âm nhạc trên lớp
Sử dụng nhạc cụ để dạy bao giờ cũng khó hơn mở máy tính, bật loa, bấm nút phương tiện công nghệ. Vì thế cần đưa việc sử dụng nhạc cụ để dạy học âm nhạc thành quy định trong nhà trường. Trong chương trình đào tạo giáo viên âm nhạc cho giáo dục phổ thông ở các cơ sở đào tạo đại học sư phạm âm nhạc, môn Nhạc cụ là bắt buộc. Tức là sinh viên sẽ không thể tốt nghiệp, trở thành giáo viên âm nhạc THCS nếu không có điểm số ít nhất đạt yêu cầu (điểm 5 trở lên) môn Nhạc cụ (đàn phím điện tử). Tuy nhiên, không có cơ chế nào quy định giáo viên phải sử dụng nhạc cụ trong dạy học môn âm nhạc ở các cấp học phổ thông, trong đó có THCS. Chính vì thế, hiện nay, đa số giáo viên môn Âm nhạc ở các trường phổ thông không sử dụng nhạc cụ, với rất nhiều lý do khác nhau.
Quy định việc sử dụng đàn phím điện tử trong giờ dạy âm nhạc đối với giáo viên không đồng nghĩa với cấm giáo viên sử dụng các tiện ích khác trong giờ dạy. Giáo viên hoàn toàn có thể khai thác các khuôn mẫu có sẵn, có thể dùng nhạc beat, nhưng không được xa rời, hay nói cách khác, loại hoàn toàn nhạc cụ ra khỏi giờ dạy học đọc nhạc, giờ dạy hát. Quy định việc sử dụng đàn không có nghĩa là giáo viên cứ phải đứng bên cây đàn, trong suốt giờ dạy, không “thoát ly” được đàn để quán xuyến toàn bộ lớp học.
Thứ nhất, bắt buộc giáo viên sử dụng đàn (đàn phím điện tử) như một công cụ sư phạm không thể thiếu trong giờ dạy tập đọc nhạc và dạy hát. Quy định này cần được thực hiện chung cho tất cả các giáo viên dạy âm nhạc phổ thông, ở tất cả các cấp học có dạy môn âm nhạc. Thứ hai, giáo viên phải thể hiện mẫu tổng thể giai điệu bài đọc nhạc hoặc bài hát trực tiếp trên đàn trước khi giáo viên đọc mẫu hay hát mẫu và dạy từng câu; trước khi giáo viên sử dụng các tiện ích công nghệ khác. Thứ ba, đưa việc sử dụng đàn vào nội dung các cuộc thi/ sát hạch giáo viên định kỳ hằng năm hoặc chu kỳ vài năm một lần ở các phòng GDĐT.
Vấn đề giám sát việc thực hiện quy định rất quan trọng, bởi vì đưa ra quy định mà không có sự tuân thủ nghiêm túc thì sẽ phản tác dụng, quy định vô nghĩa. Sự giám sát quy định sử dụng đàn trong giờ dạy âm nhạc ở cấp THCS cần có các yếu tố: thẩm quyền và trách nhiệm của người giám sát, cơ chế và các mức độ giám sát, kết luận sau giám sát. Như vậy, cần xây dựng chế tài đối với việc sử dụng đàn trong dạy học âm nhạc các cấp học phổ thông. Làm tốt có khen thưởng, khuyến khích; làm không tốt hoặc không thực hiện sẽ là cơ sở đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ (gắn với vị trí việc làm).
3. Điều chỉnh nội dung chương trình dạy nhạc cụ trong đào tạo ngành Sư phạm âm nhạc
Một trong những giải pháp căn cơ để cải thiện khả năng sử dụng đàn phím điện tử trong các trường THCS là đào tạo. Sinh viên ngành Sư phạm âm nhạc ra trường, trở thành giáo viên đứng lớp mà không biết sử dụng hoặc sử dụng ở mức độ kém trong công việc của họ, một phần lớn do lỗi của đào tạo. Ngành Âm nhạc có đặc thù riêng, ngành Sư phạm âm nhạc cũng vậy, không giống các ngành khoa học xã hội khác, vì thế thời gian và chương trình đào tạo cần phù hợp với đặc thù ngành.
Đặc thù ngành Âm nhạc (trong đó có Sư phạm âm nhạc) là gì? Đó là ngành gắn chặt với thực hành, trong suốt quá trình từ học cho đến khi ra trường, cống hiến cho xã hội. Chỉ cần không thực hành âm nhạc một thời gian ngắn, năng lực tự nó dần suy giảm. Thực hành âm nhạc đòi hỏi phải biết sử dụng/ chơi một loại nhạc cụ. Đây cũng là một đặc thù ngành, bởi vì bất cứ ai học âm nhạc cũng đồng thời phải học một nhạc cụ nào đó (kể cả những người theo ngành Thanh nhạc). Đối với người theo học ngành Sư phạm âm nhạc, nhạc cụ mà các cơ sở đào tạo ngành này lựa chọn để cho sinh viên học là đàn phím điện tử. Khi trở thành giáo viên âm nhạc phổ thông, họ cũng chủ yếu sử dụng đàn phím điện tử.
Qua nghiên cứu thực tế, tác giả đề xuất thời gian đào tạo đại học ngành Sư phạm âm nhạc nên điều chỉnh phù hợp với đối tượng đầu vào. Đầu vào của ngành Sư phạm âm nhạc ở bậc đại học có hai loại đối tượng: đã qua đào tạo âm nhạc và chưa qua đào tạo âm nhạc. Đối với các thí sinh đầu vào đã qua đào tạo âm nhạc, có bằng trung cấp hoặc cao đẳng, thời gian đào tạo có thể giữ nguyên như hiện tại (4 năm). Đối với đối tượng đầu vào chưa qua đào tạo âm nhạc, cần kéo dài thêm thời gian đào tạo một hoặc hai năm nữa (5 hoặc 6 năm). Thời gian một hoặc hai năm đầu của chương trình đào tạo dành cho đối tượng này chỉ bố trí học nhạc lý cơ bản và học đàn phím, sao cho tương xứng với trình độ trung cấp chuyên ngành âm nhạc hoặc cao đẳng sư phạm âm nhạc trước khi theo học nội dung chính quy đại học ngành Sư phạm âm nhạc. Điều chỉnh nội dung chương trình dạy đàn phím điện tử theo hướng sát với thực tế công việc cần sử dụng đàn phím điện tử ở các trường THCS.
Bên cạnh các kỹ thuật cơ bản được thực hiện bài bản theo chương trình học từ thấp lên cao vẫn sử dụng, nên có thêm nội dung hướng dẫn sinh viên tự biên soạn bài hát thiếu nhi hoặc bất cứ giai điệu nào mà họ yêu thích thành bản nhạc biểu diễn trên đàn. Trong chương trình thi kết thúc học phần nên khuyến khích sinh viên có bài tự biên soạn từ ca khúc (ví dụ, được cộng thêm điểm). Lưu ý là bài do sinh viên thi tốt nghiệp tự biên soạn, không phải bài do người khác soạn hộ hoặc bài soạn có sẵn đã xuất bản.
Nửa sau của chương trình (trước tốt nghiệp) cần tăng thời lượng thực hành đệm hát (trên lớp và biểu diễn thực tập; đệm có phần đệm chuẩn bị trước và đệm trực tiếp không có chuẩn bị trước). Cụ thể: Nên thay một phần của nội dung tiểu phẩm nhạc đàn trong chương trình học và thi học phần bằng đệm hát ngẫu hứng; tức là không được biết trước bài hát và người hát, xử lý đàn phím điện tử đệm theo ngay (tất nhiên, đối với thi học phần, có thể cho sinh viên chuẩn bị trước 15 phút). Tình huống phải xử lý đàn tức thì theo từng bối cảnh sử dụng đàn phím điện tử thường xuyên xuất hiện trong công việc của giáo viên âm nhạc ở các trường THCS miền núi. Nếu kỹ năng này được rèn luyện ngay trong thời gian học đại học thì các giáo viên âm nhạc trong tương lai sẽ thích nghi nhanh với thực tế và sử dụng đàn phím điện tử hiệu quả hơn. Đàn phím điện tử ở các trường THCS không chỉ sử dụng trong các hoạt động giáo dục chính khóa mà còn trong nhiều hoạt động ngoại khóa.
________________
Tài liệu tham khảo
1. Nguyễn Ngọc Anh, Nâng cao chất lượng giảng dạy Keyboard cho sinh viên Đại học Sư phạm Âm nhạc tại Hà Nội, Luận văn Thạc sĩ Sư phạm Âm nhạc, Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, 2013.
2. Dương Viết Á, Âm nhạc Việt Nam từ góc nhìn văn hóa, tập 1, 2, Nxb Hà Nội, Hà Nội, 2005.
3. Nguyễn Bách, Tiến Lộc, Hạnh Thi, Thuật ngữ âm nhạc, Nxb Âm nhạc, Hà Nội, 2000.
4. Ban biên soạn chuyên từ điển New Era, Từ điển tiếng Việt, Nxb Từ điển Bách khoa, Hà Nội, 2007.
5. Phan Trần Bảng, Phương pháp giảng dạy âm nhạc trong nhà trường phổ thông, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2000.
6. Nguyễn Quốc Bình, Nâng cao chất lượng giảng dạy, học môn Nhạc lý phổ thông và Đọc - Ghi nhạc tại trường Đại học An Giang, Luận văn thạc sĩ (Khóa 1) chuyên ngành Lý luận và Phương pháp dạy học âm nhạc, Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật T.Ư, Hà Nội, 2014.
7. Bộ Giáo dục và Đào tạo, Thông tư Ban hành Quy định tiêu chuẩn cơ sở vật chất các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông và các trường phổ thông có nhiều cấp học, Số 13/2020/TT-BGDĐT, 26- 5-2020.
8. Nguyễn Lệ Chi, Ca khúc Thiếu nhi của nhạc sĩ Phong Nhã với chương trình giáo dục Âm nhạc Tiểu học và Trung học cơ sở, Luận văn thạc sĩ (Khóa 1) chuyên ngành Lý luận và Phương pháp dạy học âm nhạc, Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật T.Ư, Hà Nội, 2014.
9. Phạm Chỉnh, Hướng dẫn thực hành phần đệm trên đàn Organ, Nxb Âm nhạc, Hà Nội, 2001.
10. Chương trình môn Âm nhạc THCS của Bộ GDĐT.
Ths NGÔ THỊ VIỆT ANH
Nguồn: Tạp chí VHNT số 506, tháng 8-2022