Giải pháp nâng cao đạo đức công vụ của cán bộ, công chức, viên chức hiện nay

Đạo đức công vụ là đạo đức thực thi công vụ của cán bộ, công chức, viên chức bao gồm hệ thống nguyên tắc, chuẩn mực dùng để điều chỉnh mối quan hệ giữa cán bộ, công chức, viên chức với tổ chức, công dân, thể hiện ở lương tâm và trách nhiệm vì lợi ích chung, ý thức việc cần phải làm và mong muốn được làm vì lợi ích chung đó. Đạo đức công vụ của cán bộ, công chức, viên chức Việt Nam được Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nhà nước và nền công vụ nước ta coi là “cái nền”, “cái gốc” của đội ngũ cán bộ, công chức và được gói gọn trong 4 chữ “cần”, “kiệm”, “liêm”, “chính”, suy rộng ra là “nhân, nghĩa, trí, dũng, tín”.

1. Một số vấn đề về đạo đức công vụ

Đạo đức được hiểu là hệ thống các nguyên tắc, quy phạm hình thành một cách tự nhiên trên cơ sở quan niệm về lẽ phải, sự công bằng, cái thiện, cái ác trong đời sống xã hội của loài người, giữa những nhóm người với nhau, trong các tầng lớp xã hội, giai cấp, dân tộc, quốc gia… đó là những biểu hiện thể hiện ý chí, cách ứng xử của con người với nhau.

Công vụ là một loại hoạt động mang tính quyền lực - pháp lý được thực thi bởi đội ngũ cán bộ, công chức hoặc những người khác khi được Nhà nước trao quyền, nhằm thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của Nhà nước trong quá trình quản lý toàn diện các mặt hoạt động của đời sống xã hội. Công vụ là phục vụ Nhà nước, phục vụ nhân dân, gắn với quyền lực Nhà nước. Hay nói một cách gọn hơn, công vụ là một hoạt động do công chức nhân danh Nhà nước thực hiện theo quy định của pháp luật và được pháp luật bảo vệ nhằm phục vụ lợi ích của nhân dân và xã hội.

Như vậy, có thể hiểu công vụ “là hoạt động mang tính quyền lực và pháp lý do đội ngũ cán bộ, công chức thực thi, sử dụng ngân sách của Nhà nước trong việc quản lý toàn diện các mặt của đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội của một quốc gia, vì mục đích phục vụ nhân dân” (1). Ở Việt Nam, hoạt động do các cán bộ, công chức, viên chức trong bộ máy của Nhà nước, trong tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội và nhiều tổ chức xã hội khác thực hiện thực chất đều là hoạt động phục vụ lợi ích công. Điều này bắt nguồn từ bản chất Nhà nước của dân, do dân, vì dân và mục tiêu chung của hệ thống chính trị. Hoạt động đó mang tính chuyên nghiệp, thường xuyên và được bảo đảm bằng ngân sách Nhà nước, hay một phần từ ngân sách Nhà nước.

Hướng dẫn dịch vụ công trực tuyến cho người dân - Ảnh: chinhphu.vn

Đạo đức công vụ là đạo đức thực thi công vụ của cán bộ công chức, viên chức, bao gồm hệ thống nguyên tắc, chuẩn mực dùng để điều chỉnh mối quan hệ giữa cán bộ công chức, viên chức với tổ chức, công dân, thể hiện ở lương tâm và trách nhiệm vì lợi ích chung, ý thức việc cần làm và mong muốn được làm vì lợi ích chung đó.

Đạo đức công vụ được xem xét từ hai góc độ: Thứ nhất là góc độ của tồn tại người. Đó là đạo đức của bản thân người cán bộ, công chức, viên chức. Nói cách khác, chủ thể đạo đức công vụ là người cán bộ, công chức, viên chức. Với tư cách là công dân, người cán bộ, công chức, viên chức phải mang trong mình những nguyên tắc, chuẩn mực, giá trị đạo đức xã hội mà trong đó họ sống, hoạt động. Thứ hai là góc độ đạo đức nghề nghiệp. Với tư cách là cán bộ, công chức, viên chức, họ phải tuân thủ những nguyên tắc, chuẩn mực quy định cách ứng xử của người cán bộ, công chức, viên chức trong hoạt động thực thi công vụ mà không bao giờ được vi phạm đạo đức nghề nghiệp. Ph.Ăngghen từng viết rằng: “Trong thực tế, mỗi giai cấp và ngay cả mỗi nghề nghiệp đều có đạo đức riêng của mình” (2).

Đạo đức công vụ không chỉ dừng lại ở sự nhận thức mà cần được pháp điển hóa trong nền công vụ. Nếu thiếu sự pháp điển hóa này thì những nguyên tắc, chuẩn mực, giá trị đạo đức cũng chỉ là những lời giáo huấn chung chung, không có sức sống trong thực tế. Theo Ph.Ăngghen, người ta sẵn sàng vi phạm đạo đức nghề nghiệp, “mỗi khi thấy có thể vi phạm mà không bị trừng phạt” (3). Nếu như sức mạnh của pháp luật là sự cưỡng chế, bắt buộc thì sức mạnh của đạo đức là niềm tin cá nhân, là truyền thống dân tộc, là sức mạnh của dư luận xã hội. Chính vì vậy, nâng cao nhận thức đạo đức, biến nhận thức đạo đức thành hành vi đạo đức, thành thực tiễn đạo đức là việc làm hết sức cần thiết trong đời sống xã hội nói chung và cán bộ công chức, viên chức nói riêng. Vì vậy, nâng cao đạo đức công vụ là quá trình tác động tích cực, có mục đích của các chủ thể tới đối tượng với nội dung, hình thức và phương pháp thích hợp nhằm làm biến đổi đời sống đạo đức của cán bộ, công chức, viên chức theo hướng ngày càng hoàn thiện hơn về mặt nhân cách của họ.

2. Thực trạng đạo đức công vụ hiện nay

Việt Nam hiện có hơn 2,8 triệu cán bộ, công chức, viên chức. Đánh giá một cách khách quan, đại bộ phận cán bộ, công chức, viên chức nước ta hiện nay có ý thức rèn luyện, nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống; có thái độ tôn trọng nhân dân, tận tâm phục vụ nhân dân, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, được nhân dân tin tưởng; thực hiện tốt lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “anh em viên chức bây giờ cần có bốn đức tính là cần, kiệm, liêm, chính” (4) trong hoạt động công vụ; luôn luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, ý thức tập thể; có lòng yêu nghề, tận tụy với công việc; tôn trọng đồng nghiệp, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Cán bộ, công chức, viên chức Việt Nam về cơ bản đáp ứng được các yêu cầu, nhiệm vụ. Cán bộ, công chức, viên chức tham gia công tác quản lý, lãnh đạo các cấp phát huy tốt vai trò và khả năng của mình, không ngừng nâng cao hiệu quả lãnh đạo, quản lý, góp phần quan trọng vào sự đổi mới hoạt động của hệ thống chính trị.

Bên cạnh những ưu điểm đã được khẳng định, góp phần quan trọng vào thắng lợi to lớn có ý nghĩa lịch sử trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đại hội XI, Đảng ta khẳng định rằng - vẫn còn “một bộ phận cán bộ, công chức yếu cả về năng lực và phẩm chất... quyền làm chủ của nhân dân chưa được phát huy đầy đủ; kỷ luật, kỷ cương chưa nghiêm; tham nhũng, lãng phí còn nghiêm trọng, chưa được đẩy lùi” (5).

Ngoài ra, trước xu thế toàn cầu hóa, không gian mở và biên giới mềm như hiện nay, cùng với tình hình thế giới, khu vực và trong nước diễn biến phức tạp, khó lường, tác động không nhỏ đến tâm tư, tình cảm của cán bộ, công chức, viên chức. Tình trạng suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức ngày càng nghiêm trọng. Nguyên nhân của sự suy thoái đạo đức ở một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức chủ yếu do:

 Thứ nhất, công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục đạo đức công vụ chưa được coi trọng đúng mức. Hiện nay, tại nhiều cơ sở giáo dục, đào tạo nghề nghiệp nói chung, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức nói riêng còn nặng về đào tạo nghiệp vụ, kỹ năng, chưa chú trọng đúng mức đến giáo dục và thực hành đạo đức công vụ. “Chưa chú trọng đúng mức đến phát triển phẩm chất và kỹ năng người học. Giáo dục “làm người”, đạo đức, lối sống còn bị xem nhẹ”. Bên cạnh đó, “nội dung, chương trình giáo dục và đào tạo còn nặng lý thuyết, nhẹ thực hành” (6) cũng khiến cho việc giáo dục đạo đức cho người học chưa hiệu quả.

Thứ hai, năng lực, đạo đức của nhiều cán bộ, công chức, viên chức còn rất hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu trong công tác quản lý Nhà nước. Một số cán bộ, công chức, viên chức có năng lực công tác, phẩm chất đạo đức còn hạn chế trong thực hiện công vụ, gây ảnh hưởng xấu đến hình ảnh của bộ máy công quyền.

Thứ ba, hệ thống nội quy, quy định của một số cơ quan, đơn vị về trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ chưa chặt chẽ, cụ thể. Bất kỳ công việc nào, khi phân cấp, phân quyền, phân công công việc thì quy định trách nhiệm càng cụ thể, việc thực hiện nghĩa vụ đạo đức của cá nhân sẽ càng mang tính tự giác. Trong hoạt động công vụ, nếu cơ quan, đơn vị xây dựng hệ thống nội quy, quy định cụ thể, chặt chẽ thì sẽ góp phần nâng cao ý thức đạo đức và hành vi đạo đức công vụ của cán bộ, công chức, viên chức. Ngược lại, nếu hệ thống nội quy, quy định của cơ quan, đơn vị về trách nhiệm công vụ còn chung chung, thiếu chặt chẽ, cụ thể thì việc lệch chuẩn đạo đức công vụ dễ xảy ra. Cùng với đó, việc đề ra nội quy, quy định nhưng không có cơ chế kiểm tra, giám sát, kỷ luật nghiêm cũng khó siết chặt kỷ luật công vụ. Đại hội XIII của Đảng thẳng thắn đánh giá thực trạng trên: “Thực hiện đổi mới lề lối làm việc, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan Nhà nước chưa đi vào thực chất” (7) ; “Hoạt động giám sát, kiểm tra, thanh tra còn chồng chéo” (8), “Công tác kiểm tra, giám sát, theo dõi, đôn đốc thực hiện trong thực thi công vụ ở một số cơ quan, đơn vị còn chưa nghiêm, nhất là ở cấp cơ sở” (9).

Thứ tư, lãnh đạo một số cơ quan chưa thật sự gương mẫu về đạo đức, lối sống và trách nhiệm trong công việc, đã tác động tiêu cực đến tư tưởng của cấp dưới trong thực thi nhiệm vụ. Một số cơ quan, đơn vị chưa quan tâm đúng mức đến giáo dục tinh thần trách nhiệm, cũng như xử lý trách nhiệm nghiêm đối với các trường hợp vi phạm đạo đức công vụ nên chưa thật sự có tính răn đe, làm gương.

3. Giải pháp nâng cao đạo đức công vụ

Trong bối cảnh thế giới đang thay đổi nhanh chóng, phức tạp, khó lường, những tác động tích cực và tiêu cực, thuận lợi và khó khăn, cơ hội và thách thức, đan xen hết sức phức tạp, đòi hỏi phải xây dựng được cán bộ, công chức, viên chức có chất lượng, ngang tầm, toàn tâm, toàn ý phục vụ sự nghiệp cách mạng, đào tạo được một lực lượng lao động có chất lượng cao. Để góp phần nâng cao đạo đức công vụ cho cán bộ, công chức, viên chức, cần thực hiện tốt một số giải pháp cơ bản sau:

Một là, tiếp tục tuyên truyền, quán triệt, triển khai việc thực hiện việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh theo Chỉ thị 05-CT/TW ngày 15-5-2015 của Bộ Chính trị gắn với việc thực hiện Nghị quyết số 04/NQ-TW ngày 30-10-2016, Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến” và “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Hai là, xây dựng và hoàn thiện quy chế công vụ, đạo đức công vụ thông qua hệ thống pháp luật và các văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan Nhà nước cho từng loại, từng chức danh công chức. Cụ thể hóa những giá trị đạo đức như cần, kiệm, liêm chính… thành những chuẩn mực cụ thể trong hành vi công vụ. Phát huy dân chủ trên cơ sở những quy định và chuẩn mực pháp luật, tạo điều kiện để nhân dân tham gia xây dựng và giám sát hoạt động của đội ngũ cán bộ, công chức và cơ quan Nhà nước. Xây dựng và hoàn thiện quy chế đánh giá cán bộ, công chức, viên chức (quy trình, nội dung đánh giá) theo hướng công khai, dân chủ, có sự tham gia của dư luận xã hội và công dân. Nghiên cứu luật hóa các chuẩn mực đạo đức công vụ để tăng cường tính kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ, bằng xây dựng Luật Đạo đức công vụ. Bên cạnh đó, cần hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật nhằm tăng cường vai trò giám sát, phản biện xã hội của các tổ chức chính trị - xã hội, cộng đồng dân cư và của người dân.

Ba là, có chế độ, chính sách đãi ngộ phù hợp với cán bộ, công chức, viên chức dựa trên nguyên tắc về sự công bằng giữa cống hiến và hưởng thụ, giữa quyền lợi và trách nhiệm. Cải cách hệ thống tiền lương, tiền thưởng, đảm bảo trả đúng sức lao động và giá trị cống hiến của cán bộ, công chức, viên chức tạo động lực thực hiện công vụ là giải pháp có ý nghĩa quan trọng trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng nhằm khuyến khích sự tận tâm thực hiện công vụ, khen thưởng thích đáng về vật chất và tinh thần đối với cán bộ, công chức, viên chức làm việc tốt, tận tụy và trong sạch.

Bốn là, nâng cao chất lượng công tác giáo dục, bồi dưỡng đạo đức công vụ. Bên cạnh việc trang bị kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ cho người học, cần chú trọng giáo dục các chuẩn mực đạo đức công vụ, các yêu cầu đạo đức nghề nghiệp. Cùng với việc giảng dạy lý thuyết cơ bản, cần áp dụng những phương pháp giảng dạy mang tính thực hành, như thảo luận, trao đổi, ứng xử các tình huống nghề nghiệp nhằm nâng cao năng lực và phẩm chất đạo đức nghề nghiệp cho cán bộ, công chức, viên chức. Cùng với quá trình được đào tạo, bồi dưỡng, cần nâng cao ý thức tự rèn luyện đạo đức công vụ của cán bộ, công chức, viên chức. Sự tự ý thức, tự giáo dục, rèn luyện và thực hiện chuẩn mực đạo đức công vụ của cán bộ, công chức có vai trò rất quan trọng. Trong quá trình thực thi công vụ, cán bộ, công chức, viên chức không chỉ nâng cao năng lực chuyên môn để đáp ứng yêu cầu công việc, mà còn phải rèn luyện các chuẩn mực đạo đức công vụ để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Đề cao vai trò nêu gương của cán bộ, công chức, viên chức đặc biệt là người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Xây dựng cơ chế, chính sách khen thưởng kịp thời đối với những cán bộ, công chức, viên chức thực hiện tốt các nguyên tắc, quy tắc đạo đức công vụ; đồng thời xử lý kỷ luật nghiêm minh đối với những cán bộ, công chức, viên chức có ý thức, hành vi lệch chuẩn đạo đức công vụ.

Năm là, xây dựng cơ chế trách nhiệm người đứng đầu, trong đó có quy định về từ chức. Vấn đề từ chức rất cần sức mạnh của dư luận xã hội, như là một nguyên tắc được dư luận xã hội thừa nhận. Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, tổ chức, từng cá nhân cán bộ, công chức, viên chức, loại bỏ những cơ chế, thủ tục dẫn tới khả năng tiêu cực, sách nhiễu nhân dân nhằm tạo điều kiện cho cán bộ, công chức làm điều tốt, có điều kiện cống hiến, phát huy năng lực phục vụ đất nước và nhân dân. Quy định rõ trách nhiệm của cơ quan chủ trì và trách nhiệm của các cơ quan phối hợp.

Tóm lại, nâng cao đạo đức công vụ của cán bộ, công chức, viên chức là công việc thường xuyên, lâu dài, là một đòi hỏi tất yếu và đòi hỏi sự tham gia tích cực không chỉ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức mà còn của các cấp, các ngành cũng như của toàn thể nhân dân, không những thế cần thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm giúp mang lại giá trị đạo đức, sự hướng thiện của con người, tạo điều kiện cho các giá trị đạo đức phát triển và ngăn ngừa, hạn chế sự sa sút, suy thoái đạo đức. Bồi dưỡng và nâng cao đạo đức công vụ trước hết là trách nhiệm, nghĩa vụ của mỗi cán bộ, công chức, viên chức; đồng thời, là sự nỗ lực chung của các tổ chức đoàn thể trong xã hội. Nâng cao đạo đức công vụ là công việc thường xuyên, lâu dài, đòi hỏi sự tham gia tích cực không chỉ của cán bộ, công chức, viên chức mà của toàn thể nhân dân. Với sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền và xã hội, đạo đức công vụ của cán bộ, công chức, viên chức Việt Nam sẽ đáp ứng tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ mới mà cách mạng đặt ra trong giai đoạn mới hiện nay.

_________________________

1. Huỳnh Văn Thới, Văn hóa công vụ ở Việt Nam - Lý luận và thực tiễn, Nxb Lý luận chính trị, Hà Nội, 2016, tr.31.

2, 3. C.Mác và Ph.Ăngghen toàn tập, tập 21, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2004, tr.425, 425.

4. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2000, tr.158-159.

5. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật Hà Nội, 2011, tr.94.

6. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật Hà Nội, 2021, tr.82.

7, 8, 9. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII , tập 2, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật Hà Nội, 2021, tr.75, 76, 80.

Tài liệu tham khảo

1. Lê Thị NamAn, Nâng cao đạo đức công vụ của cán bộ, công chức Việt Nam hiện nay, tapchicongsan.org.vn, 3-12-2021.

7. Nguyễn Thị Thanh Bình, Giải pháp nâng cao đạo đức công vụ trong giai đoạn hội nhập, tapchicongsan.org.vn, 20-1-2020.

8. Đinh Ngọc Giang, Hà Văn Luyến, Những chuẩn mực đạo đức mới của người cán bộ, đảng viên, công chức viên Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, lyluanchinhtri.vn, 25-12-2017.

9. Ngụy Thị Tuyết Lan, Một số giải pháp nâng cao đạo đức công vụ đối với đội ngũ cán bộ công chức, viên chức, lynhan.hanam.gov.vn, 9-5-2018.

10. Trần Sỹ Phán, Nâng cao đạo đức công vụ của đội ngũ công chức hiện nay, ajc.hcma.vn, 25-7-2016.

Ths LÊ THỊ HỒNG YẾN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 503, tháng 7-2022

;