Nâng cao chất lượng học tập chính trị là một trong những một nội dung quan trọng của công tác giáo dục chính trị tư tưởng, nhằm trang bị tri thức, củng cố niềm tin và nâng cao bản lĩnh, ý thức chính trị và tinh thần yêu nước. Chất lượng học tập chính trị tốt sẽ thúc đẩy hạ sĩ quan - binh sĩ (HSQ, BS) tự giác, tự nguyện trong thực hiện nhiệm vụ, chấp hành nghiêm pháp luật Nhà nước, kỷ luật quân đội, góp phần tạo nên sức mạnh tổng hợp, hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ được giao. Nâng cao chất lượng học tập chính trị HSQ, BS hiện nay là việc làm cấp bách, thường xuyên, lâu dài có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị.
HSQ, BS theo khoản 5 điều 3 Luật Nghĩa vụ quân sự: là công dân đang phục vụ trong lực lượng thường trực của Quân đội nhân dân và lực lượng Cảnh sát biển. HSQ, BS ở các nhà trường trong quân đội là lực lượng thực hiện nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, tuần tra, canh gác, kiểm soát quân sự, phục vụ công tác giáo dục, đào tạo. Chất lượng nhận thức chính trị của HSQ, BS có ảnh hưởng không nhỏ tới các mặt hoạt động, công tác của nhà trường. Do đó, nâng cao chất lượng học tập chính trị luôn đòi hỏi rất cao, nhằm làm cho HSQ, BS luôn có nhận thức tốt về chính trị, có phẩm chất đạo đức tốt, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng và nhân dân; có ý thức tổ chức kỷ luật nghiêm; có trình độ, kỹ năng đáp ứng được yêu cầu công việc, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
Chất lượng học tập chính trị của HSQ, BS là những thuộc tính cơ bản của quá trình giảng dạy và tự học chính trị làm cho HSQ, BS giác ngộ mục tiêu, lý tưởng chiến đấu, nhiệm vụ cách mạng, chức năng và nhiệm vụ của quân đội, đơn vị do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, biểu hiện thông qua nhận thức, hành vi và năng lực hoạt động thực hiện nhiệm vụ của HSQ, BS. Chất lượng học tập chính trị của HSQ, BS bao gồm nhiều thuộc tính: sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, năng lực giảng dạy của giảng viên, tính tự giác tích cực của HSQ, BS. Biểu hiện ở nội dung bên trong là sự giác ngộ mục tiêu, lý tưởng chiến đấu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, chức năng, nhiệm vụ quân đội là chiến đấu, sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ Tổ quốc; phẩm chất, đạo đức, văn hóa; khả năng xử lý tình huống khắc phục những khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ. Chất lượng học tập chính trị biểu hiện ra bên ngoài là hình thức, phương pháp giảng dạy chính trị, kết quả kiểm tra học tập chính trị, việc chấp hành kỷ luật, kết quả hoàn thành nhiệm vụ của HSQ, BS… Biểu hiện cả hai mặt này luôn hòa quyện vào nhau.
Theo đó, nâng cao chất lượng học tập chính trị HSQ, BS ở các nhà trường trong quân đội có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng, nhằm xác lập, củng cố và trang bị cho họ những kiến thức cơ bản về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, truyền thống, nhiệm vụ của quân đội và nhà trường. Qua đó, giúp họ nâng cao nhận thức chính trị, củng cố niềm tin; phát triển và hoàn thiện phẩm chất, đạo đức, nhân cách của người quân nhân cách mạng; thúc đẩy họ hành động tích cực, tự giác, luôn nhận và hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao; thiết thực góp phần xây dựng nhà trường vững mạnh toàn diện, “mẫu mực, tiêu biểu”. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy “quân đội mạnh là nhờ giáo dục khéo, nhờ chính sách đúng và nhờ kỷ luật nghiêm” (1). “Quân đội phải ra sức thi đua học tập chính trị và quân sự, nâng cao chí khí chiến đấu, tiêu diệt sinh lực địch nhiều hơn nữa, phá tan mọi âm mưu tấn công của địch” (2).
Trong những năm qua, học tập chính trị HSQ, BS luôn được đảng ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị của các trường trong quân đội quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức điều hành chặt chẽ, có hiệu quả với nhiều nội dung, hình thức phong phú. Qua đó đã phát huy vai trò của các tổ chức, các lực lượng trong tổ chức học tập, nâng cao nhận thức bản lĩnh chính trị, tinh thần trách nhiệm, ý thức tự giác trong thực hiện nhiệm vụ của HSQ, BS.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được không ít cán bộ, chỉ huy các cơ quan, đơn vị nhận thức chưa đúng đắn vị trí, vai trò, tầm quan trọng của học tập chính trị HSQ, BS; có những biểu hiện ít quan tâm, xem nhẹ, coi thường việc học tập chính trị HSQ, BS; một số HSQ, BS xác định động cơ, mục đích học tập chính trị không đúng đắn, học không vì mục đích bù đắp những tri thức, kỹ năng còn thiếu, mà học vì lý do bắt buộc, gượng ép. Đã có không ít HSQ, BS thích lao động, công tác hơn tham gia học tập chính trị. Việc ngại, lười học tập chính trị là một trong những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị rất nguy hiểm, là một trong những nguyên nhân dẫn đến những trường hợp khi tiếp xúc với quan điểm sai trái, phản động của các thế lực thù địch thì HSQ, BS tỏ ra lúng túng, hiểu nửa vời, thiếu lý lẽ để “lý giải” và đấu tranh bác bỏ quan điểm sai trái, phản động, nhằm bảo vệ đường lối, quan điểm của Đảng.
Nguyên nhân cơ bản của thực trạng này là do công tác giáo dục, học tập chính trị HSQ, BS chưa sâu kỹ, chưa bám sát thực tiễn; công tác định hướng tư tưởng, cập nhật thông tin mới còn hạn chế. Hình thức, phương pháp tổ chức giáo dục, học tập chưa đa dạng, phong phú; việc liên hệ, vận dụng kiến thức chính trị đã học vào thực hiện chức trách, nhiệm vụ của HSQ, BS có mặt chưa cụ thể; một số HSQ, BS còn thiếu tinh thần tự giác, ý thức trách nhiệm và tính kỷ luật trong học tập, rèn luyện nâng cao ý bản lĩnh của bản thân. Việc đầu tư, hỗ trợ cho học tập chính trị còn ít quan tâm.
Hiện nay, trước tình hình phức tạp trên thế giới, trong nước, sự chống phá của các thế lực thù địch bằng chiến lược “diễn biến hòa bình”, âm mưu phi chính trị hóa quân đội; yêu cầu gìn giữ, phát huy truyền thống, phẩm chất người quân nhân cách mạng và hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” trong tình hình mới; yêu cầu ngày càng cao của nhiệm vụ xây dựng quân đội và yêu cầu xây dựng các nhà trường trong quân đội cách mạng, chính quy, vững mạnh toàn diện, “mẫu mực, tiêu biểu” hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, đòi hỏi phải tiếp tục nâng cao chất lượng học tập chính trị HSQ, BS. Do vậy các nhà trường trong quân đội cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:
Một là, tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, đổi mới nội dung, đa dạng hóa hình thức học tập tạo cơ sở vững chắc nâng cao chất lượng học tập chính trị HSQ, BS ở các nhà trường trong quân đội
Đây là giải pháp có vai trò quan trọng nhất, vì mọi hoạt động của bộ đội đều có sự lãnh đạo của Đảng. Đảng lãnh đạo đề ra phương hướng, biện pháp thực hiện thì chất lượng hoạt động càng cao. Thực hiện nội dung này đối với cấp ủy, chỉ huy các cấp nhà trường trong quân đội xác định rõ đây là nhiệm vụ thường xuyên quan trọng; cần đề ra nghị quyết, chủ trương, biện pháp để các tổ chức, cơ quan, đơn vị cấp dưới thực hiện; nắm chắc tình hình chất lượng HSQ, BS triển khai thực hiện có hiệu quả. Nội dung nghị quyết lãnh đạo đề cập đến đầy đủ, rõ ràng hoạt động học tập chính trị HSQ, BS; bám sát các văn bản như Quyết định số 2677/QĐ-BQP, ngày 23-7-2013 của Bộ Quốc phòng phê duyệt đề án “Đổi mới công tác giáo dục chính trị tại đơn vị trong giai đoạn mới”; Quyết định số 438/QĐ-CT ngày 21-3-2016 của Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị ban hành kèm theo quy chế Giáo dục chính trị trong Quân đội nhân dân và Dân quân tự vệ Việt Nam; Chỉ thị số 22/CT-TM, ngày 5-7-2019 của Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam về việc tăng cường một số biện pháp trong công tác giáo dục, quản lý chấp hành pháp luật Nhà nước, kỷ luật quân đội và bảo đảm an toàn trong Quân đội nhân dân Việt Nam; Chỉ thị số 103/CT-BQP, ngày 27-11-2019 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về tăng cường quản lý, giáo dục chấp hành kỷ luật và bảo đảm an toàn trong Quân đội nhân dân Việt Nam; Thông tư số 16/2020/TT-BQP, ngày 21-2-2020 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định việc áp dụng các hình thức kỷ luật, trình tự, thủ tục, thời hiệu, thời hạn và thẩm quyền xử lý kỷ luật trong Bộ Quốc phòng. Chăm lo xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên, có phẩm chất, năng lực, trình độ giảng bài chính trị tốt đáp ứng nhiệm vụ giảng dạy chính trị cho HSQ, BS. Tăng cường đầu tư mua sắm thiết bị, sử dụng có hiệu quả cơ sở vật chất, phương tiện phục vụ công tác học tập chính trị.
Đảng ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị ở nhà trường trong quân đội thường xuyên chỉ đạo các đơn vị đổi mới nội dung sao cho hiệu quả, phù hợp với từng đơn vị, nhất là bộ phận lẻ, đóng quân độc lập. Chỉ huy đơn vị cần thường xuyên tổ chức cho HSQ, BS học tập chính trị nghiêm túc theo đúng hướng dẫn, kế hoạch cấp trên và đơn vị. Các hình thức học tập cần thực hiện theo hướng mở, phù hợp với đặc điểm, nhiệm vụ, sát với đặc điểm từng đơn vị, tâm lý, trình độ nhận thức của HSQ, BS. Cấp ủy, chỉ huy các cấp phải chú trọng vận dụng linh hoạt các hình thức học tập bảo đảm dễ nhớ, dễ hiểu, lĩnh hội nhanh kiến thức; kết hợp giữa tổ chức học tập chính trị với tích cực tự giác học tập của HSQ, BS; chú trọng học tập nội dung sát thực tiễn thực hiện nhiệm vụ trong cơ quan, đơn vị mình. Trong đó, chú trọng các hình thức: học tập chuyên đề, gợi mở kiến thức, đối thoại trực tiếp; vận dụng kết hợp hoạt động văn hóa, văn nghệ, giúp HSQ, BS xây dựng tinh thần đoàn kết, bản lĩnh chính trị, chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức chính trị, tư tưởng và hành động, xác định quyết tâm phấn đấu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Bên cạnh đó cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị cần làm tốt công tác theo dõi học tập, kiểm tra, đánh giá, tổ chức rút kinh nghiệm học tập chính trị.
Hai là, xây dựng môi văn hóa lành mạnh tạo nền tảng thuận lợi nâng cao chất lượng học tập chính trị HSQ, BS ở các nhà trường trong quân đội
Học tập chính trị là hoạt động có tổ chức, tính kế hoạch, sự chuẩn bị chu đáo của giảng viên lên lớp giảng bài và HSQ, BS học tập. Đây là mối quan hệ truyền thụ và cảm thụ; giữa giảng dạy và tiếp thu. Nên môi trường văn hóa càng lành mạnh, mối quan hệ cấp trên cấp dưới gần gũi thân thiết sẽ tạo ra môi trường học tập tốt. Môi trường văn hóa ở các nhà trường trong quân đội phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện sinh hoạt vật chất, môi trường làm việc, quan hệ của cán bộ, chỉ huy với HSQ, BS ở từng nhà trường. Môi trường văn hóa lành mạnh, làm việc dân chủ sẽ có tác động rất lớn đến ý thức HSQ, BS trong học tập. Xây dựng môi trường văn hóa làm việc văn minh, lành mạnh, kỷ luật, dân chủ, đoàn kết, chân thành, thân thiện làm cho HSQ, BS tự giác học tập, làm việc, tôn trọng, tin cậy, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau, phấn đấu vì mục tiêu, nhiệm vụ chung của nhà trường.
Cấp ủy, chỉ huy từng cơ quan đơn, vị của nhà trường cần quan tâm xây dựng cảnh quan môi trường sáng - xanh - sạch - đẹp; hệ thống doanh trại thống nhất; hệ thống panô, áp phích tuyên truyền cổ động đẹp, phù hợp, mẫu biểu xây dựng chính quy, biên chế đúng quy định. Đồng thời, xây dựng quy chế làm việc khoa học, tổ chức thực hiện văn bản quy định có tính pháp luật thành nền nếp. Các đơn vị cần bảo đảm sự nghiêm minh của pháp luật, kỷ luật quân đội, quy định nhà trường; từng cơ quan đơn vị xây dựng tinh thần đoàn kết, mối quan hệ làm việc công tác tốt đẹp, cởi mở; tạo lập môi trường công bằng bình đẳng xây dựng niềm tin HSQ, BS với đơn vị; tổ chức sôi nổi các hoạt động văn hóa thể thao; xây dựng các tổ chức tiêu biểu, vững mạnh. Đặc biệt, thường xuyên quan tâm, chăm lo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho HSQ, BS; phát huy vai trò nêu gương học tập của cán bộ đối với HSQ, BS; thiết lập môi trường trong đơn vị thật sự văn hóa, dân chủ, đoàn kết và kỷ luật.
Ba là, phát huy tinh thần tự học HSQ, BS, sức mạnh tổng hợp của các tổ chức, các lực lượng trong nâng cao chất lượng học tập chính trị HSQ, BS
Nâng cao chất lượng học tập chính trị HSQ, BS ở các nhà trường trong quân đội là tổng thể nhiều biện pháp tích cực và chủ động, lâu dài và liên quan đến nhiều bộ phận, do đó đòi hỏi cần phải phát huy sức mạnh tổng hợp của các tổ chức, các lực lượng ở nhà trường trong quân đội. Phát huy sức mạnh của tổ chức chỉ huy, quản lý, Hội đồng quân nhân, đoàn thanh niên trong việc giáo dục ý thức học tập chính trị, nâng cao nhận thức để HSQ, BS thực hiện.
Trước hết đòi hỏi HSQ, BS cần phải nhận thức tốt vai trò của học tập chính trị trong quân đội. Qua đó xây dựng động cơ, ý thức, thái độ trách nhiệm đúng đắn trong tự học tập chính trị. Việc tự học tập là biện pháp hiệu quả nhất để nâng cao chất lượng. HSQ, BS tự giác tìm mượn tài liệu, ghi chép bài đầy đủ, kết hợp sách, báo để tự học. Tận dụng thời gian lúc không sinh hoạt, công tác để xem lại bài học. HSQ, BS thật sự chủ động, cầu tiến luôn biết trăn trở những vấn đề chưa hiểu, tìm tòi học hỏi để giải đáp những vướng mắc về kiến thức. Chỉ huy các cấp hết sức khuyến khích, tạo mọi điều kiện để cho hoạt động học tập chính trị HSQ, BS được đảm bảo tốt nhất. Cán bộ quản lý phải thường xuyên kiểm tra, đôn đốc nhắc nhở và kết hợp chặt chẽ giữa quản lý, giáo dục để HSQ, BS tận dụng thời gian cho học tập chính trị.
Tổ chức Hội đồng quân nhân sinh hoạt nền nếp phát huy dân chủ trên các mặt công tác, bảo đảm dân chủ về chính trị, trong đó có hoạt động học tập chính trị; kịp thời nắm bắt những vấn đề khó khăn, vướng mắc kịp thời giải thích hoặc báo cáo cấp trên giải quyết để đảm bảo các chế độ, chính sách HSQ, BS đầy đủ. Đoàn Thanh niên ở các đơn vị tổ chức nhiều hoạt động sôi nổi thu hút đoàn viên HSQ, BS ở đơn vị tham gia; giáo dục, rèn luyện đoàn viên nâng cao ý thức trách nhiệm trong mọi nhiệm vụ của đơn vị; lựa chọn bồi dưỡng một số đoàn viên ưu tú có nhận thức tốt về chính trị, thực hiện tốt các nhiệm vụ làm nguồn giới thiệu chi bộ phát triển đảng. Phát huy vai trò của đoàn thanh niên trong xây dựng cải tạo cảnh quan môi trường, tạo không khí đoàn kết, vui tươi trong học tập.
______________________
1. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 7, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.483.
2. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 8, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.229.
Tài liệu tham khảo
1. Quân ủy Trung ương, Chỉ thị Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong Đảng bộ Quân đội và toàn quân, Số 87-CT/QUTW, Hà Nội, 8-7-2016.
2. Học viện Chính trị quân sự, Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo trong các nhà trường quân đội, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2013.
3. Vũ Tuấn, Đổi mới giáo dục lý luận chính trị cho học viên sĩ quan kỹ thuật quân sự hiện nay theo tư tưởng của Hồ Chí Minh, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2020.
4. Lê Duy Chương, Một số vấn đề nâng cao chất lượng giáo dục chính trị cho hạ sĩ quan, binh sĩ ở đơn vị cơ sở, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2008.
PHAN VĂN TÂN
Nguồn: Tạp chí VHNT số 530, tháng 4-2023