Hát sắc bùa là hình thức diễn xướng văn nghệ dân gian, được tổ chức vào những ngày đầu xuân ở các làng quê tỉnh Quảng Nam, mang tính chất nghi lễ cộng đồng được kế thừa, chắt lọc qua thời gian, kết hợp theo một trình tự và cấu trúc chặt chẽ. Ở mỗi địa phương, hình thức các cuộc diễn xướng có những đặc điểm riêng, gắn với đặc trưng văn hóa từng vùng. Bài viết phân tích những giá trị văn hóa, nghệ thuật của loại hình diễn xướng này từ góc độ văn hóa, với mong muốn góp phần xây dựng lại hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng - hát sắc bùa ở huyện Đại Lộc (Quảng Nam).
1. Một số đặc điểm của hát sắc bùa trong vùng văn hóa Quảng Nam
Trong quá trình mở mang bờ cõi về phía Nam, hát sắc bùa đã du nhập đến vùng đất mới theo luồng người di cư nhưng biến đổi cho phù hợp với môi trường sinh sống nơi đây. Các địa phương có loại hình hát sắc bùa đa phần nằm ở vùng ven biển hoặc gần cửa biển, như: huyện Kỳ Anh (Nam Hà Tĩnh) giáp Cảng Vũng Áng; tỉnh Quảng Nam giáp biển Cửa Đại; huyện Mộ Đức, Tư Nghĩa và Đức Phổ (Quảng Ngãi) giáp hai biển Cửa Đại và Cửa Lở; huyện Ba Tri (Bến Tre) giáp biển và gần Cửa Ba Lai, Cửa Hàm Luông (1)... Quảng Nam hiện là một trong số ít những địa phương còn lưu giữ được nét độc đáo của hát sắc bùa.
Quảng Nam là nơi cư trú truyền thống của các dân tộc ít người như Cơ Tu, Xơ Đăng, Giẻ Triêng, Bh’noong… Với môi trường sinh thái đa dạng cùng bề dày lịch sử, văn hóa đã tích tụ lâu đời, nên tại xứ Quảng nhiều lớp, tầng văn hóa, văn nghệ dân gian liên quan đến nhiều tộc người qua nhiều thời kỳ lịch sử, tạo thành kho tàng di sản văn hóa phi vật thể vô cùng phong phú, đa dạng. Xuyên suốt theo dòng thời gian với 6.000 năm của những trầm tích văn hóa, cứ liệu quan trọng, cho biết tiến trình lịch sử và văn hóa đậm đà bản sắc của vùng đất này được bắt nguồn từ những lắng kết văn minh của nhiều tầng văn hóa. Từ cổ xưa với nền văn hóa Sa Huỳnh, phát triển lên nền văn minh huy hoàng rực rỡ của văn hóa Chăm với cung điện đền đài nguy nga, tráng lệ. Lịch sử cũng đã ghi lại những khát vọng phát triển non sông, nâng cao vị thế dân tộc của cha ông, khai sinh một vùng đất mới có danh xưng là Quảng Nam trong bản đồ của nước Đại Việt. Dặm dài lịch sử cũng lưu dấu nhiều khó khăn, vất vả của lưu dân khi khai phá vùng đất mới, hoang mang khi lạ cảnh lạ quê nên “con chim kêu cũng sợ, con cá vùng cũng kinh”, vậy mà họ đã kiên trì cùng nhau sinh tụ để biến mảnh đất vốn thuộc vùng “Ô Châu ác địa” thành một nơi trù phú vào “bậc nhất” của nước Đại Việt thuở đó. Quảng Nam là vùng đất đang lưu giữ, bảo tồn nhiều loại hình diễn xướng dân gian có giá trị, trong đó có một số loại hình đã được tổ chức UNESCO ghi danh vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Nhiều hình thức diễn xướng được cộng đồng cư dân đang lưu giữ, thực hành, gắn với lễ hội, sinh hoạt văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng tạo thành một bộ phận di sản diễn xướng dân gian vô cùng phong phú, độc đáo như hát sắc bùa, hát bội… Trong quá trình mở mang bờ cõi, nghệ thuật hát sắc bùa chính là một trong những nét văn hóa độc đáo của cộng đồng lưu dân xa xứ.
Hát sắc bùa là loại hình sinh hoạt văn hóa, văn nghệ dân gian được hòa trộn bởi yếu tố nghi lễ nông nghiệp và yếu tố pháp thuật đạo giáo, thường trình diễn vào các ngày Tết cổ truyền. Từ năm 1945 trở về trước là thời thịnh đạt của hát sắc bùa. Đại Lộc là một địa phương nằm trong đất liền, nên cư dân chủ yếu là làm nông nghiệp và kết hợp với một số ngành nghề thủ công khác. Thời gian này, hát sắc bùa tập trung vào ngợi ca nghề nông, nghề thợ dệt, ươm tơ… Nhưng từ sau năm 1945, loại hình này dường như bị biến mất do ảnh hưởng của hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Khi đất nước được giải phóng và bước vào thời kỳ đổi mới, hát sắc bùa mới dần được phục hồi và phát triển. Các địa phương có loại hình diễn xướng sắc bùa đều nằm giáp nhau, nên vấn đề về địa lý tự nhiên cũng như thổ nhưỡng đều có tính chất tương đồng, bổ sung cho nhau từ làn điệu, bài hát, trang phục, cách trình diễn…
Hát sắc bùa chỉ được diễn ra trong một không gian nhỏ và đúng vào dịp Tết Nguyên đán. Thành viên trong phường sắc bùa là nông dân, học theo kiểu truyền khẩu, đi hát trong lúc nông nhàn, vừa có dịp trổ tài, vừa có thêm thu nhập từ tiền thưởng của các gia đình rước phường đến hát và các chức sắc, người mộ điệu được chủ gia mời dự. Một cuộc hát thường có 2 phần: phần đầu có tính chất nghi lễ - phong tục, tiếp đến là phần diễn xướng có tính chất thiên về sinh hoạt văn nghệ.
2. Hình thức diễn xướng sắc bùa ở huyện Đại Lộc
Hát sắc bùa là một phong tục độc đáo đầu năm, gia chủ cho mời đội sắc bùa đến nhà tổ chức diễn xướng với mục đích trừ tà, diệt quỷ, cầu cho gia chủ sang năm mới luôn khỏe mạnh, làm ăn hanh thông và gặp nhiều may mắn.
Theo quan niệm truyền thống, hát sắc bùa có thể bắt đầu từ ngày 25 đến 30 Tết, sau khi gia chủ cúng tất niên, các vị thần đã về hết trời để báo công việc ở hạ giới với Ngọc Hoàng. Lúc này, ở dưới hạ giới không có ai trấn giữ, nhất định ma quỷ sẽ lộng hành. Vì vậy, gia chủ mời đội sắc bùa đến để sắc bùa và yểm bùa có hình ông Tề Thiên trước nhà nhằm trừ tà. Cùng lúc với việc dán bùa, người ta dựng một cây nêu có treo ba chiếc lồng đèn to bằng trái cam, màu đỏ, ngay trước cổng, cây nêu có tác dụng ngăn không cho quỷ vào nhà. Đến ngày mồng 1 Tết, gia chủ sẽ chuẩn bị một lễ cúng và làm lễ rước các thần về. Đến ngày mồng 7 Tết, gia chủ hạ nêu, còn sắc bùa có thể kéo dài như hình thức vui chơi trong những ngày nông nhàn, theo không khí Tết đến hết tháng Giêng.
Đội hát sắc bùa Quảng Nam - Ảnh: baoquangnam.vn
Một đội sắc bùa thường có từ 6-12 người. Biên chế đội sắc bùa ở xã Giảng Hòa, huyện Đại Lộc gồm 6 cụ ông cùng các nhạc cụ: trống, kèn, nhị, sinh tiền. Trang phục của các thành viên đều là áo dài, khăn đen, họ đều có khả năng hát và tấu nhạc rất tốt. Khi được mời, các thành viên trong đội đều mặc quần áo chỉnh tề, tập trung trước nhà gia chủ theo đúng giờ đã đặt trước và bắt đầu cuộc diễn xướng. Ông Cái đeo trống cơm trước bụng, hai tay luân phiên vỗ một hồi dài rồi xướng to: Cái: “Trong nhà cửa đèn giăng rực rỡ/ Ngoài ngõ đàn trống mở reo vang/ Cuộc chơi năm mới mở hàng/ Xem gia chủ mau ra mở ngõ”; Con hát: “Mở ngõ mở ngõ/ Trong đèn nhà tỏ/ Cho chúng tôi vào/ Chúng tôi ở xa/ Chúng tôi là khách…”.
Nhà ở thôn quê phần lớn không có cửa ngõ, bao quanh nhà là hàng rào bằng cây găng, lối đi vào là phần để trống giữa hàng rào cây xanh đó. Sau khi nghe ông Cái xướng xong Bài mở ngõ, gia chủ chạy ra nhấc cành cây đang chắn ngang lối đi để tượng trưng cho việc mở cửa ngõ, rồi mời đội sắc bùa vào nhà. Vừa vào đến sân, ông Cái cất giọng xướng Bài chào: “Khai tân xuân tục cổ lưu truyền/ Giờ thưa rằng/ Trước mở ngõ (rồi) sau nghe tôi đã vỗ trống/ Mở ra đã rộng/ Bùa đã tới rồi/ Hai lăm thần đã về trời/ Bộc trước nhất sanh trừ quỷ…”. Nhóm sắc bùa đến trước cổng chính và hát bài Khai môn: Cái: “Vô sân nay đã đặng rồi/ Chốn đình tiền rời bước đến nơi/ Bùa hiệu mời trừ tà khử quy/ Chúng tôi mừng lễ ông bà/ Dưới tử tôn thịnh vượng tề gia/ Ai nấy hãy làm thinh ba phút”.
Mọi người đều im lặng trong một khoảng thời gian tượng trưng để cho thần đất đai và ông, bà của gia chủ công chứng giám cuộc sắc bùa, sau đó ông Cái tiếp tục xướng: “Ba phút kia nay đã vừa xong/ Truyền tất cả chúc mừng gia chủ”. Đội sắc bùa đi vòng một vòng quanh sân, vườn, vừa đi các con vừa hát chúc để mang lại sự may mắn, cho đất đai màu mỡ, cây cối tốt tươi, các con vật nuôi trong nhà đều mạnh khỏe và mau lớn: “Gia chủ gia chủ/ Làm ăn đầy đủ/ Lúa thóc tràn trề/ Súc vật ê hề/ Tiền tài thịnh vượng... ”. Tiến vào nhà, đến trước bàn thờ ở gian chính giữa, toàn đội cùng hát bài mừng: “Chúng tôi mới bước vào nhà/ Mừng trang gia chủ thật là văn minh/ Liếc xem Đông quả Tây bình/ Trang hoàng liễn đối giống hình nhà sang... ”.
Hát xong ông Cái tiến tới bàn thờ thắp ba nén nhang, vái ba vái rồi toàn đội ngồi xuống chiếu hoa do chủ nhà đã trải sẵn. Ông Cái hát bài Trấn bùa và bước ra dán một đạo bùa giấy có màu vàng in hình Tề Thiên ở trước cửa. Sau khi dán bùa xong, tới phần hát chúc cho nghề nghiệp của gia chủ sẽ ngày càng phát đạt. Tiếp tục là phần hát vui có thêm phần tham dự của gia chủ, khách đến chơi với đủ các thể loại: hò lao động, hò khoan, lý, vè, hát đố, hát xạo... với các nội dung giáo dục con cái sống hiếu thuận với cha mẹ, vợ chồng sống thủy chung, hòa thuận với làng trên xóm dưới. Đặc biệt, các bài lý về thiên nhiên, về nhân ngãi con người, về các con vật... mang đầy tính nhân văn và tình yêu cuộc sống. Tất cả tạo nên không khí vui vẻ, hồ hởi, thân mật, thắm thiết tình làng, nghĩa xóm giữa chủ và khách. Sau phần hát vui, đội sắc bùa hát Bài chào rồi tạm biệt gia chủ sang nhà khác: “Lễ đáp lễ chủ nhà khương thái/ Ơn tạ ơn nho sĩ xin lui/ Tôi đây vui vẻ cũng đà/ Chúng tôi xin chúc ông bà dời chân/ Minh niên đây đó rần rần/ Ông bà phú túc vui mừng luôn năm”.
Hát sắc bùa với phần hát nghi lễ và phần chúc phúc, chúc nghề, chúc xuân cho gia chủ và cho khách du xuân đã tạo nên điểm rất độc đáo của hình thức diễn xướng dân gian này, đáp ứng được nguyện vọng của người dân, cầu cho mùa màng tươi tốt, xóm làng bình yên, con người được mạnh khỏe.
3. Bảo tồn và phát huy giá trị hát sắc bùa hiện nay
Hát sắc bùa trên địa bàn huyện Đại Lộc nói riêng và các địa bàn huyện trực thuộc tỉnh Quảng Nam nói chung đang dần bị mai một, số lượng nghệ nhân ngày càng cao tuổi và không còn nhiều. Giới trẻ lại không hào hứng với loại hình diễn xướng này, dẫn đến việc duy trì hoạt động gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, để bảo tồn và phát huy được loại hình diễn xướng hát sắc bùa, cần giải quyết những vấn đề sau đây:
Địa phương nên đánh giá và xây dựng hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú, Nghệ nhân nhân dân cho các nghệ nhân có nhiều đóng góp trong quá trình lưu giữ và phát huy hát sắc bùa.
Chú trọng hình thức trình diễn, nâng cao chất lượng biểu diễn của nghệ nhân thông qua hoạt động sáng tạo. Đẩy mạnh kinh phí hỗ trợ đến các câu lạc bộ, nhóm nghệ nhân, đội nghệ thuật truyền thống nhằm phát huy tối đa giá trị văn hóa của hát sắc bùa.
Hỗ trợ cho các nghệ nhân truyền cảm hứng cũng như kỹ năng trình diễn đến giới trẻ hiện nay thông qua các buổi sinh hoạt văn nghệ tại nhà trường, thôn, xóm…
Xây dựng và quảng bá loại hình này thông qua việc thu thập tư liệu một cách có hệ thống và bài bản, biến hát sắc bùa thành một sản phẩm có giá trị văn hóa di sản của địa phương, gắn liền với hoạt động du lịch.
4. Kết luận
Ở huyện Đại Lộc, trong những ngày vui xuân đón Tết, bên cạnh hát bài chòi, hát tuồng, các hoạt động văn hóa, thể thao dân gian, còn có một loại hình văn hóa độc đáo, đó là diễn xướng sắc bùa. Đây là một hình thức diễn xướng kết hợp hát và múa mang ý nghĩa chúc tụng trong những ngày đầu năm mới, cầu mong cho gia đình bình yên, mùa màng tốt tươi, làm ăn phát đạt. Việc lưu giữ những giá trị văn hóa, nghệ thuật của diễn xướng sắc bùa đã góp phần phục dựng lại hình thức sinh hoạt văn hóa độc đáo này ở Đại Lộc, làm phong phú kho tàng văn hóa phi vật thể ở Việt Nam.
_____________
1. Phan Thị Hồng Xuân, Nguyễn Ngọc Thanh Vy, Hát sắc bùa trong văn hóa Việt Nam (Nghiên cứu trường hợp xã Phú Lễ, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre), Tạp chí Đại học Thủ Dầu Một, số 4 (17), 2014.
Tài liệu tham khảo
1. Trần Ngọc Bình, Văn hóa các dân tộc Việt Nam, Nxb Thanh niên, 2008.
2. Huỳnh Ngọc Trảng, Đặc khảo về hát sắc bùa, Nxb Văn hóa, 2000.
VŨ THỊ TUYẾT LAN
Nguồn: Tạp chí VHNT số 503, tháng 7-2022