DIỆN MẠO TIỂU THUYẾT VIẾT VỀ NÔNG THÔN TỪ 1986 ĐẾN NAY

 

Có rất nhiều ý kiến hoài nghi, phàn nàn, báo động về sự mòn cũ của tiểu thuyết Việt Nam viết về nông thôn sau đổi mới. Nhưng cũng không thể phủ nhận những nỗ lực bứt phá của nó trong gần ba thập kỷ qua và đã để lại không ít tác phẩm có giá trị, gây dư luận trong giới phê bình, nghiên cứu và bạn đọc. Nhìn chung, tiểu thuyết nông thôn giai đoạn từ 1986 đến nay vận động và phát triển qua ba chặng đường chính.

1. Khởi động tạo đà (1986 - 1990)

Sau 1986, đất nước đổi mới toàn diện đã từng bước đem lại những biến chuyển lớn trong đời sống vật chất và trong nếp nghĩ, hành động của mỗi người nông dân. Nhà văn từ đó cũng có điều kiện thuận lợi để thể hiện những trăn trở, suy tư về những vấn đề cốt lõi của nông thôn và nông dân một cách trực diện, thấu đáo. Viết về nông thôn, các nhà văn vốn đã có thành tựu trước đó, nay có cơ hội thể nghiệm nghệ thuật mới. Nguyễn Minh Châu, cây bút tiên phong mở đường đầy “tinh anh và tài năng”, vẫn dẻo dai sức viết, tiếp tục sinh hạ những đứa con tinh thần hay nhất khi viết về nông thôn và nông dân. Sau Mưa mùa hạ, Nguyễn Minh Châu ra mắt bạn đọc Mảnh đất tình yêu. Tác phẩm đã có cái nhìn mới mẻ, táo bạo và đầy dự cảm về xã hội nông thôn và thân phận người nông dân trong và sau chiến tranh, khẳng định tình cảm sâu nặng của họ đối với quê hương xứ sở - mảnh đất thấm đượm mồ hôi, nước mắt và máu thịt của cha ông. Ở chặng đường này, Nguyễn Minh Châu tiếp tục cống hiến cho đề tài nông thôn với sự ra đời của truyện ngắn Phiên chợ Giát. Tác phẩm tiếp tục soi chiếu những góc khuất trong tâm hồn người nông dân, thể hiện cái nhìn đầy linh cảm, đầy triết lý, suy tư về thân phận người nông dân trước cơn bão tố của thời cuộc. Nguyễn Văn Long đánh giá rất sắc sảo về kiệt tác này: “Phiên chợ Giát không chỉ hoàn thiện thêm chân dung tính cách người nông dân trong sự tiếp nối với Khách ở quê ra mà còn đưa ra những linh cảm về thân phận của họ, khiến tác phẩm trở thành “những dấu hỏi lớn còn treo lơ lửng trước cả xã hội và từng số phận người”...(1).

Sau Nguyễn Minh Châu, Lê Lựu bất ngờ cho ra đời Thời xa vắng - rơi trúng thời điểm đổi mới (viết xong tháng 9-1984). Vừa ra mắt bạn đọc, tác phẩm nhanh chóng phổ biến rộng rãi, chỉ trong mấy tháng đầu đã tái bản 4 lần với số lượng lên đến 80 nghìn bản. Nhưng bên cạnh đó, Lê Lựu cũng phải đối diện không ít những lời buộc tội, phản đối, phê phán, chất vấn của các nhà quản lý, đồng nghiệp, bạn bè chiến binh và một số nhà phê bình. Một số người cho rằng: Thời xa vắng đã xoáy sâu vào những vấn đề có tính thời sự, nhạy cảm, hàm chứa mục đích đen tối, phản đối những chính sách của chính quyền trong chiến tranh... Nhưng qua sự sàng lọc của thời gian, những vấn đề đặt ra trong tác phẩm được coi là bước đột phá đầy mới mẻ trong cách nhìn về quá khứ nông thôn, về người nông dân, trả lại những giá trị đích thực mà tác giả đã miệt mài sáng tạo.

Thời xa vắng trở thành sự kiện nổi bật trong đời sống văn học lúc bấy giờ. Nó đã tạo đà, khởi hứng và phát triển mạnh mẽ cho một khuynh hướng nhận thức lại lịch sử nông thôn với cảm hứng phê phán. Cuốn gia phả để lại, Những thiên đường mù, Ly thân, Pháp trường trắng, Lời nguyền hai trăm năm, Lá non Ác mộng đều ánh chiếu vào quá khứ của một thời đau thương nhằm lật xới những mảng tối, những mặt trái, mặt tiêu cực đã bị lờ đi, hoặc gác lại. Nếu như trước đây văn xuôi và tiểu thuyết viết về nông thôn chỉ đi vào phản ánh những mặt tốt đẹp của đời sống xã hội nông thôn và nông dân, thì nay, những mặt trái của quá khứ nông thôn như cải cách ruộng đất, hợp tác hóa nông nghiệp đã được nhìn nhận, đánh giá lại. Vấn đề dòng họ, bè phái, phe giáp trong nội bộ, sự ấu trĩ trong việc ngăn cấm làm giàu cá nhân cũng được phanh phui, mổ xẻ...

Nhìn chung, văn xuôi và tiểu thuyết viết về nông thôn ở chặng này đã thể hiện được sự mẫm cảm, tinh nhạy trước công cuộc đổi mới của nông thôn. Tiểu thuyết nông thôn bước đầu đánh dấu một mốc son trong hành trình tìm về nông thôn và nông dân, góp phần tạo đà cho sự phát triển mạnh mẽ ở chặng sau.

2. Thu hoạch bước đầu (1990 - 2000)

Tiểu thuyết nông thôn ở chặng này xuất hiện không ồ ạt nhưng có được thành tựu nhất định. Cùng thời điểm 1990, Mảnh đất lắm người nhiều maBến không chồng ra đời, đánh dấu bước ngoặt lớn cho đề tài nông thôn. Hai tác phẩm đều nhận giải A của Hội nhà văn Việt Nam năm 1991 (cùng với Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh). Nguyễn Khắc Trường và Dương Hướng không luận bàn đến vấn đề áp bức, bóc lột, mà chủ yếu xoáy sây vào những vấn đề cốt lõi ở nông thôn như mặt trái của thời kỳ cải cách ruộng đất, mô hình hợp tác xã nông nghiệp, sự đối kháng giữa các dòng họ, chi phái, những toan tính vặt vãnh của người nông dân, số phận của những người phụ nữ nông thôn không may mắn, chịu nhiều bất hạnh… Sau đó, một số tiểu thuyết như Lão Khổ, Chuyện làng ngày ấy, Thủy hỏa đạo tặc… ra đời được bạn đọc đón nhận, giới phê bình văn học quan tâm viết bài tranh luận. Nhưng lạ thay, nó không làm nên cơn địa chấn lớn, trái lại thậm chí có tác phẩm bị chìm đi trong dư luận. Có hiện tượng đó, thiết nghĩ những tác phẩm trên ra đời rơi đúng thời điểm hoàng kim của mùa giải tiểu thuyết do Hội nhà văn tổ chức nên độc giả đã bị cuốn hút vào những tác phẩm đoạt giải. Hai là, cùng thời điểm này, trên văn đàn trong và ngoài nước nổi lên hàng loạt cá tính độc đáo với hàng loạt tác phẩm gây sốc nơi người đọc. Ba là, sau 1991, tiểu thuyết viết về nông thôn có sự chững lại, chưa có tác phẩm nào ra đời gây cơn sóng gió như trước. Bốn là, bạn đọc và các nhà phê bình còn dè dặt, e ngại bởi những vấn đề đặt ra trong tác phẩm quá nhạy cảm so với thời điểm lịch sử lúc bấy giờ, vả lại cũng không phải dễ đọc bởi những vấn đề nhà văn đặt ra mang tầm tư tưởng, triết lý, lịch sử... chìm sâu dưới mạch ngầm của văn bản. Tuy nhiên, với độ lùi của thời gian cùng với sự thông thoáng trong quản lý, tư tưởng nên những vấn đề được các nhà văn đặt ra trong tác phẩm có giá trị đã được bạn đọc, giới phê bình đánh giá, nhìn nhận lại một cách đúng mức.

Ở chặng đường này, cây bút trẻ Tạ Duy Anh nổi lên với phong cách độc đáo, với những thể nghiệm mạnh bạo trong cách viết, góp phần tạo nên diện mạo mới cho tiểu thuyết viết về nông thôn. Là người có bản lĩnh, đầy trách nhiệm trước những số phận nghiệt ngã của người nông dân, ngòi bút của nhà văn như một lưỡi cày cần mẫn xới bật từng đường đất nhằm chỉ ra sự trì trệ, tù đọng, nhếch nhác của đời sống xã hội nông thôn đang kìm hãm quá trình phát triển của nó. Những truyện ngắn như Lũ vịt trời, Bước qua lời nguyền, Xưa kia chị đẹp nhất làng… trở thành hiện tượng, sự kiện văn học trên văn đàn lúc bấy giờ. Sau loạt truyện ngắn xuất sắc trên, Tạ Duy Anh tiếp tục chiếm lĩnh trái tim bạn đọc bằng tấm lòng yêu thương nhân hậu qua tiểu thuyết Lão Khổ. Ở tác phẩm này, nhà văn đã thể hiện được sự từng trải hơn, già dặn hơn, kỹ thuật hơn và cũng táo bạo hơn trong việc chiếm lĩnh hiện thực nông thôn. Tác phẩm đã tái hiện được bức tranh toàn cảnh của làng quê Bắc Bộ trong những năm 1950-1970 đầy máu và nước mắt. Nhà văn còn lý giải, cắt nghĩa được số phận người nông dân (vừa là nạn nhân vừa là tội nhân) trong cơn ba đào của lịch sử.

3. Bứt phá, hội nhập (2000 - 2012)

Những năm đầu của TK XXI, tiểu thuyết nông thôn thực sự bứt phá và đi vào hội nhập cùng với dòng chảy của văn học đương đại. Ở chặng này, quy tụ nhiều thế hệ sáng tác. Những cây bút lão thành thuộc thời chống Pháp và Mỹ như Tô Hoài, Lê Lựu, Ngô Ngọc Bội, Vũ Huy Anh, Cao Năm, Trịnh Thanh Phong, Trần Quang Vinh, Dương Hướng, Nguyễn Hữu Nhàn… đã vượt qua giới hạn của tuổi tác vẫn dẻo dai, cần mẫn, tinh tường, sắc nhạy trên từng trang văn. Họ tự vượt mình để trả về cho nhu cầu xã hội và thị hiếu thẩm mỹ của bạn đọc những hiệu ứng cần thiết trong cơn luân chuyển mãnh liệt của xã hội nông thôn những năm đổi mới. Họ đã trở thành lực lượng tiên phong trong việc đổi mới tư duy tiểu thuyết nông thôn của thập niên đầu TK XXI. Kế cận với lớp sáng tác thuộc đội cận vệ lão thành, xuất hiện những cây bút trẻ từ thời kỳ đầu đổi mới như Tạ Duy Anh, Bùi Thanh Minh, Nguyễn Thế Hùng, Trương Thị Thương Huyền, Đỗ Tiến Thụy, Phạm Duy Nghĩa, Nguyễn Ngọc Tư… Những cây bút trẻ chưa có sự từng trải, kinh nghiệm bôn ba như lớp đàn anh, nhưng bù lại, họ có sự trải nghiệm sâu sắc về những khó khăn, thiếu thốn thời hậu chiến, bao cấp, về cả những mặt ưu lẫn nhược trong cơn luân chuyển đầy nghiệt ngã của thời kỳ kinh tế thị trường. Và họ cũng có sự táo bạo, mới mẻ trong sáng tạo, mạnh dạn tìm tòi thử nghiệm, cách tân, chấp nhận mạo hiểm nhằm đem lại sắc diện mới cho đề tài nông thôn ở chặng đường này. Với một đội ngũ hùng hậu (trải qua bốn thế hệ) như vậy, tiểu thuyết viết về nông thôn giai đoạn này đã gặt hái được nhiều thành tựu. Số lượng tác phẩm ra đời ào ạt, dồi dào. Nhiều cuốn được nhận giải thưởng từ các cuộc thi hoặc giải thường niên của Hội nhà văn, có cuốn không đoạt giải nhưng lại được dư luận quan tâm, gây tiếng vang lớn đối với bạn đọc và giới nghiên cứu, phê bình văn học, tạo nên sự sống động, tươi mới như Cuồng phong, Thời của thánh thần, Thần thánh và bươm bướm (2), Ba người khác, Ma làng

Tiểu thuyết nông thôn những năm đầu TK XXI vẫn đang chuyển mình, đang tìm tòi, thể nghiệm, đổi mới nhưng chúng ta vẫn có thể nhận diện được những thành tựu của nó trên nhiều bình diện. Trong sự mở rộng về chủ đề, nhiều tác phẩm đã tái hiện bộ mặt nông thôn và nông dân ở chiều rộng lẫn bề sâu. Nông thôn trong các cuộc đấu tranh giành quyền lực nhằm toan tính tư lợi cá nhân, gia đình, dòng tộc; những thiên kiến cổ hủ, lạc hậu tồn tại dai dẳng trong đời sống nông thôn như một định mệnh nghiệt ngã (Bão đồng, Dòng sông Mía, Ma làng). Những mánh khóe nhằm chiếm dụng của nhà nước, bòn rút của nhân dân, làm giàu bất chính của một bộ phận cán bộ cấp xã, thôn. Nguy cơ xuống cấp về tư tưởng, đạo đức cũng như lối sống của bộ máy lãnh đạo ở nông thôn, dĩ nhiên một số người nông dân cũng cùng chung guồng máy đó (Chuyện làng Cuội, Cuồng phong, Đồng sau bão). Nông thôn thời đổi mới với những khởi sắc và cả sự bất ổn, đặc biệt là quá trình biến đổi sâu sắc trong sự tiếp biến văn hóa, trong khả năng và năng lực hành động của người nông dân trước sự đổi thay của nông thôn trên con đường hiện đại hóa (Dòng chảy đất đai, Dưới chín tầng trời, Dòng sông chở kiếp). Khoảng cách giữa hai thế hệ là một vấn đề đang ngày càng trở nên nhức nhối trong xã hội nông thôn cũng được các nhà văn phản ánh (Lão Khổ, Dòng sông Mía, Giời cao đất dày). Chủ đề ngợi ca những nông dân điển hình, những cán bộ xã, thôn tâm huyết, có tầm nhìn xa, có ý thức tự lực, có lòng tự trọng, khát khao dân chủ và nhân văn và có sự đột phá trong quản lý, trong kinh tế đã góp phần mang lại cho nông thôn sắc diện mới như Lại Tiến Thịnh, Nguyễn Mạnh Quang trong Dòng chảy đất đai, Thương Huyền trong Dưới chín tầng trời). Những chủ đề đã được quan tâm trước đó như nông thôn thời chiến tranh, cải cách ruộng đất, hợp tác hóa nông nghiệp cũng đã quay trở lại. Nông thôn với những thảm cảnh kinh hoàng, long trời lở đất, với những năm đầu cách mạng và những năm chiến tranh chống Mỹ đầy gian khổ, đẫm máu và cả sự hy sinh cao cả của những người nông dân chân lấm tay bùn được hiện ra chân thực. Nhà văn đề cao sức sống, bản lĩnh và tình đoàn kết, sự tương thân tương ái của người nông dân trong việc bảo vệ làng xóm và trong cuộc sống đời thường (Chuyện làng Cuội, Nước mắt một thời, Ba người khác, Thời của thánh thần, Giời cao đất dày, Đồng làng đom đóm). Ngoài ra, với sự xuất hiện hai chủ đề về số phận con người và hạnh phúc cá nhân, đặc biệt là số phận của những người phụ nữ yếu đuối, bất hạnh trong cuộc sống hôn nhân, gia đình đã đưa tiểu thuyết nông thôn ở chặng đường này đăng quang ở chiều sâu và chiều cao trong phản ánh hiện thực (Chuyện làng Cuội, Dòng sông Mía)(3)...

Tiểu thuyết nông thôn những năm đầu TK XXI có nhiều tìm tòi, thể nghiệm và cách tân trong phương thức nghệ thuật. Hàng loạt kỹ thuật viết mới của chủ nghĩa hiện đại, hậu hiện đại được khai sinh như bút pháp nhại, huyền thoại, kỳ ảo, nghịch dị, vô thức, những kỹ thuật phân tâm học, độc thoại nội tâm, dòng ý thức, lắp ghép điện ảnh, nghệ thuật gián cách, đa giọng điệu, liên văn bản; hình tượng được kiến tạo theo nguyên tắc lạ hóa, sự xáo trộn giữa thực và hư, giữa siêu nhiên, huyền bí và đời thường… đã được các nhà văn thể nghiệm, vận dụng khá nhuần nhuyễn trong tác phẩm. Sự đổi mới đó, trước hết thể hiện ở ý hướng giã từ lối viết hiện thực xã hội chủ nghĩa. Yếu tố kỳ ảo, huyền thoại được sử dụng dày đặc trong các tác phẩm viết về nông thôn. Họ vẫn chưa về là huyền thoại về cuộc sống loài hươu cũng như số phận của người nông dân trước cơn bão của thời cuộc. Đất trời vần vũ là thế giới song song tồn tại, một bên là sự hư ảo cùng với lịch sử và huyền thoại cù lao Dao và một bên là hiện thực xã hội đầy ngổn ngang, bề bộn tốt xấu, thiện ác, trắng đen. Dòng sông Mía là huyền thoại về cá thần ở dòng sông Châu Giang vừa hiền lành vừa hung dữ trừng trị những kẻ phàm đạo. Giời cao đất dày là huyền thoại về con quái vật thoát thai từ kẻ ác, sau đó được Thuần cảm hóa. Lão Khổ, Dòng chảy đất đai… ôm chứa nhiều thể loại khác như thơ, tục ngữ, thư từ, chuyện kể, nhật ký, tham luận khoa học, cổ tích, huyền thoại, điển tích. Dấu hiệu luân phiên điểm nhìn hiện rõ trong Giã biệt bóng tối, Ba người khác… Điểm nhìn trần thuật không còn đơn tuyến, toàn trị (không đơn điệu, duy nhất một điểm nhìn), mà có sự luân phiên phối hợp các điểm nhìn khác nhau. Điểm nhìn trần thuật được phân tán về mọi phía, mọi góc độ. Điểm nhìn của người kể chuyện, người dẫn truyện, của các nhân vật… luôn đan xen, trượt ngôi và hoán đổi vị trí. Chính sự chuyển đổi điểm nhìn tạo nên sự luân chuyển nhịp nhàng, tạo hiệu quả nghệ thuật cao, góp phần phá bỏ cách đọc, cách tiếp cận tác phẩm theo kiểu truyền thống. Thủ pháp nhại văn phong khoa học, ngoại giao, quân sự và văn phong của lối viết lịch sử, địa lý cũng được sử dụng một cách nhuần nhuyễn trong Giã biệt bóng tối, Dòng chảy đất đai, Thần thánh và bươm bướm

Trước bước ngoặt chuyển mình của dân tộc, tiểu thuyết viết về nông thôn đã hòa vào dòng chảy để phán ánh trọn vẹn bức tranh nông thôn đương đại ở bề sâu dưới cái nhìn nhận thức lại hiện thực và nhu cầu đạo đức tối đa. Hẳn nhiên, nhiều vấn đề mới, cách nhìn và cả hệ hình tư duy mới được đặt ra cấp thiết, sâu sắc trong mạch ngầm tiểu thuyết. Nó mang đến hơi thở mới cho văn xuôi nói chung và sức cuốn hút mãnh liệt cho tiểu thuyết viết về nông thôn nói riêng với nhiều dáng nét độc đáo hơn. Sự vận động hợp quy luật của văn xuôi đã mở ra nhiều ngả đường để tiểu thuyết nông thôn đi sâu vào mọi ngõ ngách của làng quê thanh bình nhằm tìm kiếm, phát hiện những vẻ đẹp, những đau khổ, những ẩn ức… trong từng thân phận người nông dân. Sự đóng góp đó đã mang lại sức sống mới, chiều sâu mới cho nền tiểu thuyết nước nhà bằng những trang văn rất riêng. Nó khẳng định tiếng nói, tâm hồn, bản lĩnh của dân tộc mà các nhà văn chân tài đã miệt mài sáng tạo.

_______________

1. Nguyễn Văn Long, Trịnh Thu Tuyết, Nguyễn Minh Châu và công cuộc đổi mới văn học sau 1975, Nxb Đại học Sư phạm Hà Nội, 2007, tr.29-30.

2. Xem Hữu Thỉnh, Nông thôn trong Thần thánh và bươm bướm còn đảo lộn ghê gớm hơn thời cải cách, Vanhoanghean.vn (29-11-2011).

3. Xem Mai Hải Oanh, Những cách tân nghệ thuật trong tiểu thuyết Việt Nam đương đại, Nxb Hội nhà văn, Hà Nội, 2009.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 349, tháng 7-2013

Tác giả : Bùi Như Hải

;