Khi khái niệm liên văn bản ngày càng có tác động đến khoa nghiên cứu văn học thì nghiên cứu điển cố cũng nhanh chóng chiếm vị trí quan trọng trong phê bình văn chương. Bởi dụng điển cũng chính là một hình thức liên văn bản. Từ góc nhìn liên văn bản của Carmela Perri, điển cố là “một tiêu điểm hoàn hảo cho các nghiên cứu đi vào diễn giải cả biểu hiện ngôn ngữ đặc thù của một văn bản lẫn mối quan hệ của nó với lịch sử văn học và xã hội” (1). Điểm gặp gỡ chung của các nghiên cứu liên văn bản điển cố là nghiên cứu các mô thức tham dự liên văn bản, giữa văn bản dẫn điển và nguồn văn bản được trích dẫn; đánh giá ý nghĩa mỹ học của điển đối với việc thể hiện thế giới nội tại, các hàm ý văn chương của tác phẩm; xem xét vai trò của điển cố trong việc nối kết cái nhìn của bản ngã với lịch sử, truyền thống với tài năng cá nhân.
Tác giả Teresa Yee-Wah Yu, đã mượn khái niệm điển cố của Carmela Perri để dẫn nhập cho quan điểm nghiên cứu dưới góc độ liên văn bản như sau: “Điển cố văn học là một phương thức biểu nghĩa, trong đó một số dấu hiệu biểu hiện không chỉ về mặt phi ám chỉ, trong phạm vi thế giới có thể được tưởng tượng ra của văn bản dụng điển, mà thông qua vay mượn còn dẫn chiếu đến văn bản nguồn, chỉ rõ một số đặc tính cụ thể, có thể hồi dẫn mà văn bản nguồn này tác động mạnh; các đặc tính khơi gợi này bổ trợ cho văn bản dụng điển và có thể kích hoạt rộng rãi hơn các mô thức liên văn bản và nội văn bản của các đặc tính, đưa đến sự bổ sung hơn cho văn bản dụng điển” (2). Trong định nghĩa này, có thể thấy điển cố trước hết là một phương tiện ngôn ngữ có chức năng biểu nghĩa kép. Điển cố dẫn chiếu cấp độ nghĩa có mặt trong văn bản, mặt khác, dẫn chiếu đến nguồn văn bản, đưa tưởng tượng, ký ức của người đọc lần trở về ý nghĩa của văn bản nguồn. Khác với ngôn ngữ đời thường ám chỉ một cấp độ nghĩa duy nhất, điển cố văn học đem đến cho người đọc một dẫn chiếu kép, khơi gợi các tương tác ý nghĩa giữa văn bản hiện tại và văn bản quá khứ. Cơ chế liên văn bản khiến điển cố không chỉ mang hàm nghĩa hẹp là một phương tiện ngôn ngữ thuần túy mà còn hàm chứa nghĩa, một phương tiện kết nối giữa các văn bản với kinh nghiệm văn học được tích lũy qua thời gian.
Tuy nhiên, khái niệm của Carmela Perri mà Teresa Yee-Wah Yu dẫn ra chỉ nhấn mạnh tính liên văn bản của điển cố mà chưa khu biệt rõ điển cố là hình thức trích dẫn liên văn bản có nội hàm hẹp. Peng Enhua Edward đã phân biệt điển cố với liên văn bản, cho rằng, theo cách hiểu rộng, có thể coi điển cố và liên văn bản đều là “một khát khao về nguồn”, một nỗ lực viết lại lịch sử theo cách nhìn mới. Cả hai khái niệm “có thể được giải thích như sự tái xác nhận sự thực quá khứ có tính thông diễn ở hiện tại” (3). Song, liên văn bản là một nỗ lực tách rời cái viết và tác giả. Liên văn bản nối kết các văn bản lại với nhau nhưng chủ trương “giải cá nhân hóa” vai trò của tác giả. Trong khi đó, dù nương nhờ vào các trích dẫn quyền uy của quá khứ, các văn bản dẫn điển luôn nỗ lực làm mới mình trong từng văn cảnh. Do vậy, điển cố mỗi lần được tái dùng với từng tác giả, nhất là tác giả tài năng, lại truyền tải một ý nghĩa mới. Liên văn bản cho thấy sự chi phối mạnh mẽ của mạng lưới các văn bản quá khứ, thấy xuất xứ của điển cố nhưng không cho thấy vai trò của văn cảnh, tác giả đã chi phối điển cố như thế nào. Lập luận của Peng Enhua Edward không hề phủ nhận tính liên văn bản của điển cố. Thông qua thao tác thu hẹp lại nội hàm điển cố, tác giả muốn nhấn mạnh bằng hoạt động liên văn bản một cách có chủ ý, dụng điển là cách thức chủ thể kéo lịch sử để gia cố cho tiểu vũ trụ thơ ca hiện tại của mình. Tác giả không đồng tình với thói quen nghiên cứu coi điển cố chỉ như những sáo ngữ nằm trong ký ức văn hóa.
Những tác giả người Hoa, chịu ảnh hưởng phương Tây, thường có một thao tác chung là tìm cách khế hợp quan điểm dụng điển của Trung Hoa truyền thống với quan điểm nghiên cứu liên văn bản hiện đại. Họ đưa ra các so sánh đối chiếu giữa hai hệ thống quan niệm và dùng liên văn bản để soi sáng nghiên cứu điển cố trong truyền thống. Mục đích của thao tác này là chỉ ra tính cơ chế liên văn bản của hoạt động dẫn điển, từ đó, cho thấy tính hữu dụng của khái niệm liên văn bản đối với việc thực hành phân tích điển cố Hán học trong thơ ca cổ điển. Bằng việc vận dụng khái niệm liên văn bản, các nhà nghiên cứu đã đưa hoạt động phân tích dụng điển vốn chỉ dừng lại ở thói quen trình bày yêu cầu, phân loại từ chương, thể nghiệm mang tính cá nhân trong thời trung đại sang các thao tác lý thuyết hiện đại.
Trong bài viết Nghiên cứu tính liên văn bản của dụng điển trong thơ cổ, mượn thuật ngữ nghiên cứu liên văn bản của G.Genette, tác giả Trương Ngật đã phân tính liên văn bản của điển cố thành hai loại quan hệ: quan hệ cộng tồn và quan hệ phái sinh. Quan hệ cộng tồn cho thấy sự hiện diện trực tiếp của điển cố, quan hệ phái sinh cho thấy sự chuyển hóa, lưu biến, không hiển thị trực tiếp của điển cố trong văn bản. Quan hệ cộng tồn gồm ba hình thức: đồng nghĩa (không thay đổi ý nghĩa của nguyên điển), chuyển nghĩa (thay đổi ý nghĩa của nguyên điển), phản nghĩa (cải biến ý nghĩa nguyên điển bằng cách đưa ra ý tương phản). Như vậy, quan hệ cộng tồn liên quan đến việc giữ nguyên hay thay đổi ý nghĩa của điển cố. Trong khi đó, quan hệ phái sinh nhấn mạnh đến việc thay đổi hình thức câu chữ của điển cố. Quan hệ phái sinh gồm hai loại: mô phỏng (trên cơ sở câu từ có sẵn tạo nên câu từ mới) và chuyển hóa (tái tạo trên cở sở chuyển hóa hình thức nguyên điển). Trong hai loại quan hệ này, theo tác giả, quan hệ cộng tồn chú trọng vào văn bản trong văn bản, còn quan hệ phái sinh chú trọng vào văn bản dưới văn bản. Sự phân chia này thực chất là một kết hợp giữa phân loại của G.Genette với phân loại của thi học Trung Hoa về dụng điển. Hình thức đồng nghĩa và phản nghĩa rất gần với hai phương thức dẫn điển chính dụng và phản dụng, quan hệ phái sinh chuyển hóa bản chất cũng là phương thức ám dụng, hư dụng mà thi học Trung Hoa thường bàn đến. Ý thức được các quan hệ văn bản trong văn bản và văn bản dưới văn bản của hoạt động dụng điển, chúng ta chủ động hơn trong việc tìm kiếm mối quan hệ giữa các văn bản dụng điển và hệ thống điển cố đã ảnh hưởng lên chúng. Bởi nhờ hoạt động liên văn bản, không gian văn bản thơ ca hiện tại có thể kéo dãn, mở rộng tới các thời kỳ lịch sử, các tương tác giữa hiện tại, lịch sử với hiện thực, các hô ứng tương giao, các tương liên đa chiều và các dẫn chiếu hỗ tương giữa văn bản hiện thời với các văn bản khác, tất cả xác lập nên một hệ thống phức hợp cho ý nghĩa thơ ca. Thuộc tính liên văn bản giúp chúng ta nắm được quá trình khai triển, tính tái sinh, lưu chuyển, biến hóa và tương liên, từ đó, nhìn ra vai trò của điển cố trong việc nới rộng cảnh thơ và ý thơ. Tác giả Cát Hồng trong Phân biệt liên văn bản và điển cố cũng thực hiện một thao tác tương tự: lấy quan niệm hấp thu, chuyển hóa liên văn bản soi chiếu vào chủ trương hóa dụng mà thi nhân thời cổ đề cao.
Các bài viết trên đều nhìn nhận điển trong quá trình thay đổi, biến hóa từ nguồn điển sang văn bản dẫn điển, từ đó nhấn mạnh tác động của điển đối với ý nghĩa của bài thơ. Tuy nhiên, nhân tố kiểm soát điển cố là văn cảnh và cấu trúc nội tại của bài thơ lại chưa thực sự được đề cập trong các bài viết mang tính khái quát này. Luận án tiến sĩ Thi pháp điển cố: Đỗ Phủ, Lý Thương Ẩn, Enzra Pound và T.S Eliot của Liu Wan đã bước đầu quan tâm tới hướng nghiên cứu này. Để giới hạn khái niệm liên văn bản sử dụng cho điển cố, tác giả đã dựa vào cách phân chia điển cố thành bốn loại trong Vi thê thất thuyết từ của học giả Lưu Vĩnh Tề: dụng sự, lệ sự, thủ ý và đại tự. Theo Lưu Vĩnh Tề, dụng sự là dẫn dụng một nguồn liệu lịch sử liên quan đến một cá nhân, một sự kiện nhằm thiết lập nên một chuỗi ý nghĩa. Lệ sự là đề cập đến một nhân vật để ám chỉ một nhân vật khác. Thủ ý là hướng đến các văn bản khác, nhưng không phải dẫn y nguyên mà chỉ vay mượn ý tưởng. Đại tự là mượn một trích ngữ từ các văn bản khác nhằm mục đích tu sức. Liu Wan xếp dụng sự và lệ sự vào phương thức dụng điển mà điển cố tham gia vào một khung dẫn chiếu hoàn toàn xác định, thay thế giản đơn một khái niệm này bằng một khái niệm khác và chỉ đưa đến ý nghĩa ở cấp độ trực chỉ cho văn bản dẫn điển. Còn thủ ý và đại tự là phương thức dụng điển mà điển cố khơi gợi nên một hệ thống ý nghĩa hoàn chỉnh trên cấp độ hàm chỉ, một tương liên toàn diện giữa hai khung dẫn chiếu giúp sản sinh các ý nghĩa mới. Theo Liu Wan, bốn phương thức dẫn điển này giúp chúng ta tránh đuổi theo khái niệm liên văn bản phổ quát. Sự phân chia bốn kiểu loại này giúp tác giả định hướng thực hành phân tích liên văn bản đối với điển cố, bởi nó “làm thay đổi thái độ phê phán, từ chỗ nhấn mạnh vào sự vay mượn của một văn bản này đối với một văn bản khác… sang việc nhấn mạnh vào chức năng nội văn bản của liên văn bản” (4).
Có thể xem khái niệm chức năng nội văn bản của liên văn bản là khái niệm quan trọng nhất trong nghiên cứu của Liu Wan, làm nền tảng cho các thao tác phân tích liên văn bản điển cố. Hiệu quả của điển cố không chỉ ở các nguồn điển được cấu trúc dồn nén, mang tính ẩn dụ dựa trên cơ sở các chi tiết lịch sử cụ thể, mà còn ở khả năng phát huy được chức năng nội văn bản. Với định hướng này, tác giả triển khai phân tích cấu trúc nội tại của văn bản dẫn điển. Theo đó, một văn bản dẫn điển bao giờ cũng tiền giả định cùng lúc hai bình diện văn bản: hệ thống ngôn từ gia nhập vào một số khung dẫn chiếu nằm bên ngoài văn bản (tức là dấu hiệu điển cố) và quá trình thực tại hóa điển cố của văn bản dẫn điển. Ý nghĩa điển cố được khai triển thông qua quá trình kích hoạt, đồng thời hai văn bản mà điển cố kết nối. Thực tại hóa một điển cố là một quá trình hai mặt diễn ra theo cả trục dọc (liên văn bản) và trục ngang (nội văn bản). Theo trục dọc là quá trình tham dự liên văn bản, trong đó nhà thơ chú trọng vào việc nhắc lại nguồn văn bản ám chỉ đến. Theo trục ngang là quá trình văn cảnh hóa, thiết lập quan hệ khung dẫn chiếu bên ngoài văn bản trong phạm vi văn bản dẫn điển. Quá trình thực tại hóa một điển cố không chỉ dừng lại ở việc khai thác tính liên văn bản hướng ra ngoài văn bản dẫn điển mà còn ở sự khai triển chức năng nội văn bản, là hoạt động văn cảnh hóa, chuyển hóa nguồn điển để điển cố tương thích với các cấp độ nghĩa. Theo Liu Wan, đó là “quá trình nội hóa các tư liệu của nhà thơ. Khi quá trình nội hóa diễn ra, các văn bản và sự kiện quá khứ được chuyển hóa thành bản ngã nội tại” (5).
Các yếu tố cấu trúc hình thức (tính đối ngẫu, sự đặt cạnh nhau các từ không tuân theo lôgic ngữ pháp, sự tác động của các từ đối với hình ảnh điển cố…) có vai trò chế định, kiểm soát hoạt động văn cảnh hóa điển cố. Phân tích thơ Đỗ Phủ và Lý Thương Ẩn, tác giả nhấn mạnh đến hình thức các liên thơ được tổ chức thành những phần hồi ứng trong một hệ thống cân bằng, khép kín. Hình thức song song này cho phép đặt cạnh nhau những hình ảnh điển cố tuy rời rạc, xa nhau nhưng lại hồi đáp trên bình diện nghĩa hàm chỉ. Cấu trúc song song của luật thi đã hệ thống hóa sự cộng hưởng nội tại giữa các yếu tố ngôn từ trên cấp độ hàm chỉ và tạo ra một cơ chế kiểm soát việc thực tại hóa các điển cố, định hình ý nghĩa văn cảnh cho các yếu tố vay mượn từ các khung dẫn chiếu đã được xác lập từ trước.
Nghiên cứu của Liu Wan đi từ quan sát điển cố trong các tương tác liên văn bản tới các bình diện tương tác rộng hơn, thuộc về văn hóa, lịch sử. Điển cố không chỉ khơi gợi các ý hướng văn chương mà còn khơi gợi một phức hợp tổng thể các ý hướng hoặc một văn cảnh của giá trị văn hóa mà sự kiện hay tình huống hàm ẩn. Dụng điển là một động thái gắn bản ngã với hệ thống giá trị văn hóa, gắn tài năng cá nhân với truyền thống. Thông qua nhãn quan xuyên lịch sử được thiết lập bởi các điển cố, nhà thơ gia nhập vào một cuộc đối thoại vô tận với cổ nhân trên những chủ đề, kinh nghiệm có tính mẫu mực.
Công trình của Liu Wan về điển cố là một kết hợp giữa nghiên cứu liên văn bản và nghiên cứu cấu trúc hình thức văn bản. Có thể coi sự kết hợp này là một hướng nghiên cứu khả thi về điển cố Hán học, giúp phân tích sâu sắc hơn di sản văn chương Việt Nam thời trung đại. Liên văn bản cho thấy hàm ý hiện tại của bài thơ nhờ kết nối với các thông tin ngầm ẩn được kể trong quá khứ, góp phần thể hiện phong cách, bản sắc thi sĩ trong cuộc đối thoại với truyền thống văn học, văn hóa.
______________
1, 2. Teresa Yee-Wah Yu, Lý Thương Ẩn: thơ ca của điển cố, Đại học British Columbia, Vancouver, Canada, 1990, tr. 22, 25.
3. Peng Enhua Edward, Vai trò của điển cố trong thơ ca cổ điển Trung Hoa, Đại học California, Irvine, Mỹ, 1994, tr.76.
4, 5. Liu Wan, Thi pháp điển cố: Đỗ Phủ, Lý Thương Ẩn, Ezra Pound và T.S Eliot, Đại học Princeton, New Jersey, Mỹ, 1992, tr.7, 37.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 389, tháng 11-2016
Tác giả : NGUYỄN ĐÀO NGUYÊN