Điểm sáng Trung Bằng

Thôn Trung Bằng (xã Sơn Bằng, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh)  khen thưởng cho các Gia đình văn hóa tiêu biểu nhân Ngày Đại đoàn kết toàn dân 2020

 

Phong trào xây dựng “Làng văn hóa” được phát động cách đây hơn 30 năm. Suốt chặng đường 1/3 thế kỷ đó, trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, đã xuất hiện nhiều nhiều điển hình, liên tục được công nhận trong nhiều năm, trở thành những ngọn cờ đầu trong công tác xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở. Một trong những dẫn chứng tiêu biểu là thôn Trung Bằng, xã Sơn Bằng, huyện Hương Sơn.

Thôn Trung Bằng, xã Sơn Bằng có lịch sử hình thành và phát triển gần 600 năm cùng với quá trình hình thành làng Hữu Bằng. Dù có những đổi về quy mô, từng mang nhiều tên gọi khác nhau nhưng thôn vẫn luôn giữ được truyền thống quý giá mà tổ tiên cha ông bao đời để lại: truyền thống văn hóa, hiếu học, tôn sư trọng đạo, cần cù sáng tạo trong lao động sản xuất, anh hùng bất khuất trong đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ làng quê.  Là 1 trong 5 thôn của xã Sơn Bằng được sáp nhập và thay đổi tên từ tháng 2 năm 2019, thôn Trung Bằng có 198 hộ gia đình và 602 nhân khẩu, 1 chi bộ Đảng và 5 tổ chức đoàn thể quần chúng.

Triển khai thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, 20 năm qua, cấp ủy, Ban công tác mặt trận, ban cán sự, các tổ chức đoàn thể trong thôn luôn có sự quan tâm đầu tư đúng mức cho sự nghiệp văn hóa xã hội nói chung, nhất là việc thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, vận động người dân chấp hành nghiêm các chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước; đẩy mạnh phong trào phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng Nông thôn mới ngày càng giàu mạnh, văn minh. Đến nay, thu nhập bình quân thu nhập của thôn Trung Bằng đạt 35 triệu/người/năm cao hơn mức bình quân của xã 15%. Công tác xóa đói giảm nghèo đã có những chuyển biến tích cực: toàn thôn không có hộ đói, chỉ có 4 hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 4,2%).

Hằng năm, thôn Trung Bằng duy trì và phát triển tốt các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao; đăng cai tổ chức thành công hội diễn văn nghệ cụm. Công tác xây dựng gia đình văn hóa và thôn văn hóa được chú trọng, làm đúng quy trình. Hiện, tỷ lệ gia đình văn hóa của thôn đạt 96,06%. Vào các dịp đầu xuân, thôn đều tổ chức “Hội xuân ân hương” đồng thời tổ chức giao lưu gặp mặt đầu xuân vừa đánh giá kết quả đạt được trong năm vừa vận động con em xa quê đóng góp xây dựng quê hương. Từ năm 2007, thôn đã có hương ước cộng đồng, được UBND huyện phê duyệt. Cấp ủy chi bộ, Ban công tác mặt trận thôn đã quán triệt sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và toàn thể nhân dân về quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về thực hiện nếp sống văn minh tại cộng đồng dân cư; về việc cưới, việc tang và lễ hội. Kết quả, việc cưới trên địa bàn thôn được tổ chức trang trọng, vui tươi, lành mạnh, phù hợp với phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc. Các thủ tục như ăn hỏi; xin dâu được tổ chức gọn nhẹ. Trang trí lễ cưới và trang phục cô dâu, chú rể đơn giản, lịch sự, phù hợp với truyền thống văn hóa của địa phương. Các cuộc liên hoan tổ chức ăn uống tiết kiệm, không kéo dài nhiều ngày, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm không làm ảnh hưởng đến điều kiện kinh tế và sức khỏe của nhân dân. Việc tang cũng được tổ chức chu đáo, trang nghiêm, gọn nhẹ; khi đưa tang tuân thủ các quy định của pháp luật về an toàn giao thông và trật tự công cộng; không tổ chức việc rắc vàng mã, tiền âm phủ; tiền giấy hoặc tiền xu trên đường; thực hiện nghiêm những quy định trong hương ước, quy ước về việc tang. Đặc biệt, thôn xây dựng quỹ trợ tang bằng cách vận động mỗi hộ gia đình trong thôn ủng hộ 20 nghìn đồng để giúp tang gia khi bối rối.

Thông qua các hoạt động của phong trào cùng với thực hiện hương ước, quy ước cộng đồng, thời gian qua, việc thực hiện nếp sống văn hóa trong việc cưới, việc tang, lễ hội đã có những chuyển biến tích cực, góp phần bài trừ các thủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan, đẩy lùi các tệ nạn xã hội (thôn không có người nghiện ma tuý, mại dâm).

Công tác xây dựng thiết chế văn hóa ở Trung Bằng ngày càng đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của các tầng lớp nhân dân. Năm 2021, Nhà Văn hóa thôn được xây dựng theo hỗ trợ xây dựng nhà văn hóa cộng đồng kết hợp tránh bão lũ của tỉnh. Theo đó, Nhà văn hóa cộng đồng kết hợp tránh bão lũ có quy mô 2 tầng, có diện tích 400m2. Diện tích 200m2 ở tầng 1 dùng làm khu vui chơi, sinh hoạt cộng đồng. Tầng 2 có diện tích 200m2 dùng làm phòng sinh hoạt cộng đồng, phòng tránh trú bão lũ, bếp, kho, khu vệ sinh chung… Kinh phí xây dựng trên 2 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa. Công trình có ý nghĩa quan trọng: là nơi hội họp, sinh hoạt văn hóa của người dân đồng thời là nơi tránh trú khi thiên tai, bão lũ xảy ra.

Ghi nhận kết quả đó, nhiều năm qua, thôn Trung Bằng được nhận Giấy khen của UBND xã Sơn Bằng về phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; Giấy khen của UBND huyện Hương Sơn trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội các năm 2008, 2011, 2015, 2017; Bằng khen của Bộ VHTTDL về thực hiện 20 năm phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”… Thôn Trung Bằng được công nhận Thôn văn hóa năm từ 2007 và đến nay, qua nhiều lần kiểm tra, vẫn giữ vững danh hiệu Thôn văn hóa, được chọn làm thôn mẫu trong phong trào xây dựng NTM.

Những thành tích đạt được trong quá trình xây dựng Thôn văn hóa của thôn Trung Bằng, xã Sơn Bằng thực sự là một điểm sáng trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở Hà Tĩnh cần được phát huy, nhân rộng. Có được kết quả đó chính là nhờ sự đồng thuận của toàn thể nhân dân, sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền. Sự thành công trong xây dựng thôn văn hóa nơi đây đã góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của xã Sơn Bằng và huyện Hương Sơn.

 

NGUYỄN NGA

Nguồn: Tạp chí VHNT số 480, tháng 11-2021

 

;