Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là sự nhiệt tình hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn nên phong trào “Xây dựng đời sống văn hóa nông thôn mới” ở xã biên giới Thu Lũm huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu đã thiết thực góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, bảo tồn phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc… đặc biệt là hình thành thế trận biên phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân vững chắc.
Tiết mục múa “Khoe sắc Hà Nhì” của Đội văn nghệ xã Thu Lũm đạt giải A tại Hội diễn
Dẫn chúng tôi đi thăm bản Thu Lũm với bề dày trên 10 năm được công nhận danh hiệu văn hóa, Bí thư Đảng ủy xã Lỳ Pó Chừ chia sẻ: “Xã có 9 bản, 514 hộ, 2.560 nhân khẩu thuộc ba dân tộc: Hà Nhì, Dao, La Hủ cùng sinh sống, trong đó dân tộc Hà Nhì chiếm 81%. Nhờ đa dạng các hình thức tuyên truyền vận động và triển khai hiệu quả phong trào xây dựng Gia đình văn hóa, Bản văn hóa trước kia nên đã tạo nền tảng vững chắc để người dân đoàn kết, đồng lòng chung sức xây dựng nông thôn mới. Chẳng thế mà nhân dân trong xã đã đóng góp hàng nghìn ngày công, hiến trên 17.300m2 đất, để xây dựng các tuyến đường, hệ thống thủy lợi, nhà văn hóa, lớp học. Tổng kinh phí thực hiện 16.748 triệu đồng. Tính đến hết năm 2020, thu nhập bình quân của xã đạt trên 36 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 11,9%. Tháng 5 vừa qua, xã đã tổ chức lễ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) để chào mừng thành công của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
Thực tiễn quá trình xây dựng đời sống văn hóa NTM cho thấy bà con đã mạnh dạn phát triển sản xuất, chuyển dịch theo hướng tăng dần giá trị; sẵn sàng ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp. Cho đến nay, người dân trong xã đã trồng được 167ha sa nhân tím; gần 132ha mắc-ca; 1,2ha thất diệp nhất chi hoa; 350ha sả… Bên cạnh đó, toàn xã hiện có trên 500ha thảo quả, đây là một trong những cây trồng chủ lực góp phần xóa đói giảm nghèo và vươn lên làm giầu của nhiều gia đình. Có nhiều hộ mỗi năm thu nhập trên 100 triệu đồng, tiêu biểu như gia đình anh Chu Chu Hừ bản Pa Thắng, Chu Lò Hà bản Thu Lũm đã có thu nhập từ 125 đến 150 triệu đồng/năm từ trồng thảo quả, trồng sả. Bên cạnh thu nhập chính từ trồng sả và thảo quả thì nhiều hộ còn tập trung chăn nuôi các loại gia súc, gia cầm như bò, dê và trồng lúa nước, bình quân mỗi hộ một năm thu về khoảng 2 tấn thóc.
Trở lại với bản Thu Lũm, khi tiếng nhạc của bài múa xòe Hà Nhì vừa kết thúc, chị Chu Xừ Só, Đội trưởng Đội văn nghệ bản Thu Lũm phấn khởi nói: “Để hướng ứng phong trào xây dựng đời sống văn hóa NTM thì ngoài việc chăm lo phát triển kinh tế gia đình, không để con cháu bỏ học, vợ chồng hòa thuận không cãi chửi nhau… những lúc nông nhàn, hoặc vào các buổi tối, chúng tôi luyện tập văn nghệ để giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc mình và cũng là dịp để các thành viên trao đổi các kỹ năng phát triển kinh tế như: trồng sả, xa nhân tím, thảo quả… hay kỹ năng về xây dựng gia đình hạnh phúc”.
Song song với phát triển kinh tế thì các giá trị, bản sắc văn hóa tinh thần của người dân nơi đây luôn được bảo tồn, phát huy. Hiện tại xã có 8/9 bản đạt danh hiệu Văn hóa, 86% số hộ được công nhận danh hiệu Gia đình văn hóa, 9/9 bản có đội văn nghệ và Nhà văn hóa, trong đó có 3 nhà trình tường được xây dựng theo truyền thống của người Hà Nhì. Vào những dịp lễ, Tết, hội, đặc biệt là Tết mùa mưa - Tết truyền thống của người Hà Nhì, những bài hát, điệu múa càng làm cho không khí của các bản và xã Thu Lũm trở nên vui vẻ, sôi động bởi những âm vang của âm nhạc, lời ca đắm say lòng người hòa cùng với sắc đỏ, vàng… rực rỡ trong trang phục của các cô gái Hà Nhì nơi đây. Có lẽ chính từ những điều bình dị ấy mà mới đây Đội văn nghệ xã Thu Lũm vinh dự đoạt giải Nhất toàn đoàn tại Hội diễn Nghệ thuật quần chúng các xã biên giới tỉnh Lai Châu lần thứ 3, năm 2021.
“Xã Thu Lũm có 36,245km đường biên giới và 15 cột mốc, giáp với nước bạn Trung Quốc. Đặc biệt, trên địa bàn xã có cửa khẩu U Ma Tu Khoòng. Vì vậy, ngoài việc thường xuyên phối hợp tuyên truyền vận động nhân dân trên địa bàn chấp hành tốt chủ trường đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; Luật Biên giới quốc gia; xây dựng Gia đình văn hóa, Bản văn hóa, chung sức xây dựng nông thôn mới… thì Đồn Biên phòng Thu Lũm còn thường xuyên phối hợp với dân quân, công an xã, tổ chức tuần tra biên giới; tham mưu cho chính quyền xã, thực hiện đăng ký 27 hộ dân tham gia tự quản khu vực đường biên giới theo Chỉ thị 01 của Chính phủ” - Thiếu tá Cao Văn Quý, Chính trị viên Đồn Biên phòng Thu Lũm cho biết.
Nhờ cách làm đơn giản nhưng phù hợp với điều kiện thực tiễn địa phương, phong trào “Xây dựng đời sống văn hóa nông thôn mới” ở xã biên giới Thu Lũm hôm nay được ví như luồng gió mới, góp phần xây dựng biên giới hòa bình, vững mạnh, giàu bản sắc, đồng thời hình thành thế trận biên phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân vững chắc vùng biên viễn.
Bộ đội biên phòng giúp người dân Thu Lũm phát triển kinh tế
CHIẾN HỮU
Nguồn: Tạp chí VHNT số 480, tháng 11-2021