Di sản văn hóa Việt Nam - Thành tựu và suy ngẫm

Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) - Ảnh: Minh Quân

Có thể nói, di sản văn hóa Việt Nam, từ xưa tới nay, đặc biệt là trong mấy thập niên trở lại đây, đã nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các tổ chức quốc tế và cộng đồng trong và ngoài nước. Di sản văn hóa là một thành phần không thể thiếu trong đời sống của nhân dân, cần được tôn vinh và di sản văn hóa là một trong những động lực của phát triển kinh tế, xã hội và là động lực cho công nghiệp văn hóa phát triển như nhiều quốc gia trên thế giới đang làm rất tốt… Những thành tựu của ngành Di sản văn hóa trong những năm qua phần nào đã đáp ứng được nhiều thành tựu, nhưng cũng còn nhiều thách thức trong tương lai, để những thành tựu ấy xứng với tiềm năng di sản, kế thừa và phát huy được những kết quả đã đạt được và ngày càng đảm đương được kỳ vọng và sứ mệnh lịch sử của Đảng và nhân dân giao phó, trong hoàn cảnh mới của đất nước, hội nhập và giao lưu quốc tế ngày càng sâu rộng.

Bài viết này tiếp cận theo hướng trên, qua những con số, những điểm sáng và qua những hạn chế và bất cập… từ những điều tra, hồi cố và trực quan, với việc xử lý và kiến giải còn chủ quan, mong nhận được sự sẻ chia của độc giả, để di sản văn hóa Việt Nam phát triển ngày càng bền vững, có vị trí xứng đáng hơn trong con mắt của nhân dân và cộng đồng thế giới.

1. Những con số ấn tượng, qua định hướng đúng đắn

Di sản văn hóa cả nước có 10.000 di tích được xếp hạng cấp tỉnh, thành phố; 3.614 di tích được xếp hạng quốc gia; 128 di tích được xếp hạng quốc gia đặc biệt, trên 40.000 di tích được kiểm kê theo quy định của Luật Di sản văn hóa, khoảng 70.000 di sản văn hóa phi vật thể đã được kiểm kê, 468 di sản được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đặc biệt, trong số di sản văn hóa của nước ta, UNESCO đã ghi danh 8 di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới; 15 di sản văn hóa phi vật thể (13 di sản văn hóa phi vật thể trong Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và 2 di sản văn hóa phi vật thể trong Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp); 9 di sản tư liệu (3 di sản tư liệu thế giới; 6 tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương). Bảo tàng đã trở thành một hệ thống gồm 195 bảo tàng (với 128 bảo tàng công lập và 66 bảo tàng ngoài công lập). Nhiều sưu tập hiện vật và di vật, cổ vật có giá trị, mang đặc trưng văn hóa địa phương, vùng miền, quốc gia đang được bảo quản, trưng bày và phát huy giá trị tại bảo tàng, ước tổng số trên 4 triệu hiện vật, trong đó có 265 hiện vật, nhóm hiện vật đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận bảo vật quốc gia (1).

Con số trên đây, phản ánh bề dày lịch sử của dải đất hình chữ S hôm nay, với An Khê (Gia Lai) là đại diện (2), đồng thời, đó cũng là tiếng nói của một đất nước có lịch sử hàng nghìn năm, với bao công lao sáng tạo và dựng xây của tổ tiên trong công cuộc dựng nước và giữ nước, lưu lại những chứng tích “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, qua những cuộc kháng chiến thần thánh chống ngoại xâm của dân tộc, qua những giá trị văn hóa phi vật thể, thấm đẫm chất hùng ca của một dân tộc luôn phải đương đầu chống lại những đội quân xâm lược của những quốc gia siêu cường. Những con số trên đây còn phản ánh một định hướng đúng đắn của Đảng, Nhà nước và Bác Hồ đối với di sản văn hóa. Chỉ chưa đầy 3 tháng, sau Tuyên ngôn Độc lập ngày 2-9-1945 thành lập nước Việt Nam mới, ngày 23-11-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 65/SL, trong đó xác định rõ “Việc bảo tồn cổ tích là việc rất cần cho công cuộc kiến thiết nước Việt Nam”. Chính Người đã ấn định nhiệm vụ và quyền lợi cho Đông Phương Bác cổ Học viện (Việt Nam Oriental Institute), thay thế cho Pháp quốc Viễn đông Bác cổ Học viện (École Française d’Extrême-Orient) với rất nhiều nội dung liên quan tới di sản. Ngày 18-2-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 22C, ấn định những ngày tết, ngày kỷ niệm lịch sử và ngày lễ tôn giáo (3).

Sau kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và đổi mới đất nước, Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm tới văn hóa, trong đó có di sản, thông qua Hiến pháp (4), những văn bản luật, dưới luật (5), thông qua những nghị quyết của Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, kết luận của Bộ Chính trị (6). Đặc biệt, Nghị quyết Trung ương 5, khóa VIII, Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII và những ý kiến trong bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, càng thể hiện đường lối đúng đắn về văn hóa, trong đó, có một phần quan trọng là di sản, đặc biệt được quan tâm như “hồn cốt” của dân tộc. Những định hướng và sự quan tâm ấy, lẽ tất nhiên, đem đến những thành tựu là một kết quả logic.

Đất nước mở cửa và hội nhập, theo tinh thần xóa bỏ quá khứ, hướng tới tương lại, đã giúp cho ngành Di sản văn hóa Việt Nam tham gia vào nhiều công ước quốc tế (7), nhờ đó, những cổ vật được hồi hương qua con đường pháp lý, những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được UNESCO ghi danh, những di sản tư liệu thế giới và khu vực châu Á - Thái Bình Dương được công nhận… đều có sự đóng góp của các tổ chức quốc tế, của các chuyên gia nước ngoài, của cộng đồng thế giới… Lẽ đương nhiên, trước hết, đó phải là nỗ lực của ngành Di sản văn hóa, của các chuyên gia Việt Nam trong lĩnh vực này, thể hiện tầm nhìn và sự tiến bộ vượt bậc về chuyên môn trong quá trình hội nhập.

Có thể nói, dù ở đâu đó, tại di tích nọ hay di sản kia, ở tỉnh này hay thành phố khác, trong quá trình thực hiện, còn có bất cập, hạn chế, thậm chí sai sót, nhưng, những thành tựu của ngành Di sản, thông qua những con số nêu trên là không thể phủ nhận. Lẽ đương nhiên, đó không chỉ là thành tích của ngành Di sản văn hóa, mà là của toàn xã hội, mà nhân dân đang được thừa hưởng và làm chủ những di sản của cha ông. Họ bảo vệ, giữ gìn và phát huy qua những chủ trương, định hướng, mang tính chiến lược của Đảng và Nhà nước, theo đó, trải qua bao dâu bể, thăng trầm của chiến tranh và loạn lạc, của thiên tai và địch họa, di sản vẫn được bảo tồn và thậm chí, phát triển - một khái niệm lạ lẫm và mới mẻ, nhưng phù hợp, khi cái lõi, cái bản chất, cái nguyên gốc của di sản vẫn được bảo tồn, để xung quanh đó và ngay trong đó, sáng tạo nên những sản phẩm mới, hấp dẫn hơn. Phát triển, xem ra, phù hợp hơn với văn hóa nói chung, nhưng với di sản cũng cần suy nghĩ để áp dụng cho một ngành công nghiệp văn hóa của tương lai.

2. Những điểm sáng khiêm nhường trên bức tranh tổng thể

Trên bức tranh tổng thể của di sản văn hóa Việt Nam đa sắc màu, trải rộng trên 63 tỉnh và thành phố trong cả nước, chúng ta thấy, những di sản thế giới, được UNESCO ghi danh, một số di tích quốc gia đặc biệt, được Thủ tướng Chính phủ công nhận, những bảo tàng quốc gia và loại I, được Bộ VHTTDL xếp hạng, hẳn là những điểm sáng trên lĩnh vực thu hút khách du lịch. Tuy nhiên, ở đó, nhiều điểm còn bộc lộ những bất cập về quy hoạch, về ô nhiễm, về sự phát triển bền vững - vốn là những điểm yếu của bước đi đầu tiên, không chỉ có ở Việt Nam, mà ở bất cứ quốc gia nào.

Khách quốc tế ở Hội An - Ảnh: Minh Anh

Để lấy ra một vài ví dụ, xin nêu những con số, được những nhà quản lý tổng kết, đánh giá, sẽ thấy được những tiềm năng và hứa hẹn về nguồn lực di sản đất nước.

Năm 2015, GS, TSKH Lưu Trần Tiêu - Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia đơn cử số khách và nguồn thu từ một số di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, với Hạ Long là 2,5 triệu lượt, thu vé tham quan khoảng 540 tỷ đồng; với Quần thể danh thắng Tràng An, đón trên 5 triệu lượt khách, thu từ phí tham quan, phí chở đò và các dịch vụ khác khoảng 675 tỷ đồng; Quần thể di tích Cố đô Huế đón khoảng 2 triệu lượt khách, thu từ vé tham quan là 200 tỷ đồng; Khu phố cổ Hội An có 1,1 triệu lượt khách, thu vé tham quan đạt khoảng 125 tỷ đồng; Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng đón khoảng 740.000 lượt khách, doanh thu từ phí tham quan và dịch vụ đạt khoảng 140 tỷ đồng. Ông cũng còn đưa ra một nhận xét “với trên bảy ngàn lễ hội dân gian truyền thống được tổ chức hằng năm trong cả nước, nếu quản lý tốt và đúng hướng sẽ là một nguồn lực lớn cho phát triển kinh tế, xã hội bền vững của các địa phương” (8).

Năm 2023, PGS, TS Lê Thị Thu Hiền - Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, Bộ VHTTDL nhận định: “nhiều di sản khi được xếp hạng/ ghi danh và được đầu tư bảo vệ, phát huy đã trở thành địa chỉ thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế, như: Quần thể di tích Cố đô Huế và vịnh Hạ Long từ khi mới được ghi danh là di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, chỉ có vài chục nghìn khách du lịch, đến nay đã thu hút hàng triệu khách tới tham quan nghiên cứu” (9). Bà cũng đưa ra so sánh, Quần thể danh thắng Tràng An, thời điểm lập hồ sơ đề cử năm 2012 chỉ có trên 1 triệu lượt khách, đến năm 2019, sau 5 năm UNESCO ghi danh, con số lên 6,5 triệu lượt khách. Với khu phố cổ Hội An, từ gần 879.000 lượt khách năm 2006, tăng lên 2,5 triệu lượt, năm 2019. Điều quan trọng, so với GDP toàn thành phố, nguồn khách và nguồn thu từ các dịch vụ chiếm tới 70%. Đơn cử như Hội An, năm 1982 tôi đến, thành phố “buồn lặng”, do người dân tha hương, chỉ lách cách những tiếng thoi đưa khoan nhặt giữa trưa hè nóng bức, nay trỗi dậy, như một điểm sáng của miền Trung, hẳn là động lực của di sản phố cổ đem lại. Không chỉ có Hội An, với Thừa Thiên Huế, được đánh giá là một địa phương đặc biệt, là tỉnh đầu tiên xây dựng mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội dựa trên cơ sở bảo vệ và phát huy di sản. Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 10-12-2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, xác định mục tiêu: “Đến năm 2025, Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh” (10).

Rõ ràng, những dẫn dụ trên đây, di sản văn hóa đã và đang trở thành nguồn lực xã hội, không chỉ với Thừa Thiên Huế, không chỉ với những di sản văn hóa thế giới, mà với cả một dọc dài miền Trung gió cát, khô cằn, nay đã trở thành “con đường di sản”, chạy suốt từ Bắc Trung Bộ xuống Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, với cả những di tích quốc gia và di tích quốc gia đặc biệt cả vật thể và phi vật thể, mang đậm bản sắc vùng miền, bản sắc địa phương và bản sắc dân tộc.

Câu chuyện về di sản văn hóa ở đây, không chỉ là nguồn thu từ chính nó, mà từ nó, tạo thêm nhiều sinh kế cho cộng đồng, tạo thêm sự kết nối cho mỗi địa phương, vùng miền, tạo thêm khối đại đoàn kết dân tộc, dựa trên một quốc gia thống nhất và đa dạng văn hóa, vốn được coi là một hằng số Việt Nam. Di sản văn hóa còn là biểu trưng cho chủ quyền đất nước, là cột mốc của biên giới quốc gia, là hồn cốt từ ngàn năm tích hợp, để “chống Hán - Đường mà ta vẫn là ta” (11). Văn hóa còn thì dân tộc còn (12), dường như là một định đề bất hủ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với dân tộc, có địa chính trị, địa văn hóa, địa kinh tế như đất nước chúng ta, trong quá khứ, hiện tại cũng như tương lai.

Văn hóa, trong đó có di sản văn hóa đã thực sự nhận được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, của Bác Hồ, thông qua những sắc lệnh, những nghị quyết, những văn bản luật… thể hiện tầm nhìn chiến lược, quan điểm xuyên suốt, đường lối đúng đắn, trong gần 80 năm, ngay từ khi nước Việt Nam mới được thành lập. Văn hóa và di sản văn hóa cũng nhận được sự quan tâm của cộng đồng người Việt Nam ở trong nước cũng như nước ngoài, sự giúp đỡ của các tổ chức quốc tế, của bạn bè khắp năm châu… Thế nhưng, để chúng phát huy như kỳ vọng, để chúng thực sự trở thành một nguồn lực như nó vốn có, thực sự còn có nhiều điều cần suy nghĩ, khi tương lai, nó sẽ trở thành một thành tố không thể thiếu, trong định hướng chiến lược xây dựng một ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam.

3. Suy ngẫm qua bức tranh di sản Việt Nam

PGS, TS Lê Thị Thu Hiền, đã chỉ ra những định hướng để hoàn thiện chính sách, nhằm thể chế hóa chủ trương đường lối của Đảng, Hiến pháp năm 2013 và điều ước quốc tế liên quan để hoàn thiện hành lang pháp lý về di sản văn hóa, đảm bảo yêu cầu về sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật và yêu cầu mới phát sinh trong việc hoàn thiện chính sách về di sản văn hóa (13). Với mục tiêu này, tác giả đã đưa ra ba chính sách cụ thể, trên cơ sở đó, phân tích về những độ chênh giữa Luật Di sản văn hóa năm 2009 với những văn bản và công ước quốc tế. Thực tiễn đang đặt ra và chưa thể chế hóa được chủ trương đường lối của Đảng, Hiến pháp năm 2013 và điều ước quốc tế. Đó là những chính sách lớn, có liên quan tới việc sửa đổi Luật Di sản văn hóa tới đây, thiết thực và quan trọng, cần nhận được sự quan tâm của những người làm luật và chính sách. Tuy nhiên, ở bài viết này, trong phần viết này, tôi chỉ dám đưa ra đôi điều suy ngẫm, dựa trên những khảo sát trực quan về những vấn đề có liên quan tới di sản, ít nhiều có sự liên hệ tới những ý, được bài viết trên đây đề cập.

Trước hết là chính sách đầu tư cho văn hóa nói chung, di sản văn hóa nói riêng còn hạn chế (14) so với những lĩnh vực khác. Đầu tư cho nghiên cứu, đào tạo, cho tu bổ di tích, cho bảo quản hiện vật… từ nguồn ngân sách nhà nước đã thấp, nhưng từ nguồn kinh phí xã hội hóa, dường như, chủ yếu được ưu tiên cho những công trình mới. Không thể phủ nhận những công trình mới, trong đó, nhiều công trình đem lại hiệu quả cho xã hội, cho cộng đồng, nhưng để cho những chùa chiền, đền miếu cổ bị hủy hoại, xuống cấp là một vấn đề của nhiều địa phương, khiến cho truyền thông phải kêu ca, dư luận xã hội phàn nàn, những chuyên gia lên tiếng. Phải chăng, những con số di tích được xếp hạng cấp tỉnh và thành phố, di tích quốc gia và di tích quốc gia đặc biệt cần được rà soát và giảm bớt, để một phần hoàn trả lại cho cộng đồng xã hội vốn tạo dựng nên chúng và vẫn còn gắn bó với chúng. Việc tinh hoa hóa di sản sẽ là một trong những đảm bảo thực sự cho công cuộc bảo tồn khả thi di sản ấy (15). Đây cũng là một giải pháp để tăng thêm trách nhiệm và quyền lợi của cộng đồng, theo đó, nguồn lực xã hội hóa cho công tác bảo vệ, tu bổ, tôn tạo di tích được huy động hiệu quả hơn. Muốn làm tốt được việc huy động nguồn lực xã hội hóa, cần phải quy định rõ trách nhiệm của chủ sở hữu di sản văn hóa trong việc đầu tư cho bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa do chính họ sở hữu, đồng thời phải xây dựng cơ chế phù hợp để chia sẻ lợi ích công bằng cho các đối tượng liên quan tới nguồn thu từ di sản văn hóa khi tham gia đầu tư. Đó là một ý trong nội dung chính sách 2, mà bài viết của PGS, TS Lê Thị Thu Hiền đã đề cập.

Đầu tư cho di sản văn hóa, còn là vấn đề hồi hương cổ vật, trong bối cảnh hiện nay, đất nước và cộng đồng đang quan tâm, hơn bất cứ lúc nào, khi mà những tiền lệ về hồi hương đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, nguồn ngân sách hồi hương cho đến giờ đây vẫn luôn bị động, theo đó cần sớm có một quỹ hồi hương, thông qua ngân sách của Nhà nước, của mỗi địa phương, của các tập đoàn kinh tế lớn, của cộng đồng người Việt ở trong và ngoài nước, của những người nước ngoài yêu di sản văn hóa Việt Nam. Hồi hương cần phải xây dựng thành một chiến lược, bởi di sản cổ vật đã bị thiệt thòi do một thời chiến tranh, do một thời nghèo khó, chúng đã “đội nón ra đi” quá nhiều, cần phải đưa trở lại với quê hương, bản quán để phát huy, tỏa sáng trong bối cảnh đổi thay tích cực của kinh tế đất nước, của chiến lược phát triển ngành công nghiệp không khói trong tương lai của Việt Nam.

Quy hoạch là một trong những vấn đề lớn và quan trọng, để xây dựng một môi trường văn hóa, nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa một cách có hiệu quả, thì, với các nước phát triển, họ đã đi quá xa, ở những năm cuối của TK XX, và cho đến nay, với những khái niệm đã được thay đổi, mở rộng trong quá trình phát triển (16). Ở nước ta, việc quy hoạch mới chỉ dừng lại ở di tích, chưa quan tâm tới thực tiễn phát triển vùng - miền, chưa quan tâm tới đời sống cộng đồng, thiếu đi sự phát triển bền vững, chưa lưu ý tới quá trình biến đổi khí hậu và sự thích ứng của chúng đối với hiện tượng này. Chúng ta cũng chưa thực sự quan tâm đến mối quan hệ giữa di sản vật thể với sự phát triển trong tương lai của mỗi địa phương, có cảnh quan văn hóa xung quanh các di sản trong quy hoạch, tạo nên sự bất cập trong quá trình bảo tồn, phát huy di sản. Mối quan hệ tổng thể trong quy hoạch, nếu không được nhìn nhận, đánh giá thấu đáo sẽ tạo ra sự xung đột giữa bảo tồn và phát triển, sẽ tạo nên sự thiếu kết nối, khi mà di sản ở nước ta phân tán và nhỏ lẻ trong những phố phường và làng quê, khiến cảnh quan di sản bị xâm lấn, phá vỡ môi trường sinh thái vốn có. Quy hoạch phải được nhìn nhận rộng hơn, qua môi trường văn hóa và môi trường ấy được coi là một tổng thể, bao gồm toàn bộ cảnh quan, các di sản khảo cổ và môi trường xây dựng. Quy hoạch của chúng ta chưa thực sự lưu ý tới những di sản khảo cổ, theo đó, phải di dời, phải xóa sổ trước sức ép của phát triển.

Một mô hình cần thiết khác, tối quan trọng là việc thành lập một tổ chức, được giao trực tiếp quản lý di sản, trong đó có cả di sản thế giới, di sản lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, cũng rất cần được đặc biệt quan tâm, lưu ý ở nước ta. Chỉ lấy một ví dụ, trong 8 di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới của Việt Nam, được UNESCO ghi danh, đều có những ban quản lý, nhưng ban quản lý ấy khi thì thuộc UBND tỉnh và thành phố, khi thì thuộc UBND cấp huyện, thị xã, khi thì do cấp sở quản lý. Một hệ thống quản lý khác nhau như thế, đương nhiên, những quy định cụ thể có sự khác nhau là một tất yếu. Không chỉ có di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, những di tích quốc gia, quốc gia đặc biệt cũng có hiện tượng, thiếu một hệ thống quản lý thống nhất, theo đó, còn hạn chế trong quá trình bảo tồn, tôn tạo, phát huy.

Trên bức tranh di sản văn hóa Việt Nam, còn một mảng khá trống vắng, đó là biển - đảo, khi mà đất nước ta có trên 3.260 km đường bờ biển, hơn 3.000 hòn đảo lớn, nhỏ với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Phần mặt biển hướng ra biển Đông dài hơn 3.444 km, hơn 278 triệu vùng đặc quyền kinh tế, với 28 tỉnh, thành có biển. Việt Nam nằm trong 10 quốc gia có chỉ số cao nhất về chiều dài bờ biển so với diện tích lãnh thổ trên thế giới (bình quân, cứ 100 km2 đất liền có 1 km bờ biển, cao gấp 6 lần chỉ số trung bình của thế giới). Biển - đảo Việt Nam có hệ sinh thái đa dạng, có cảnh quan tươi đẹp, có hệ thống di tích phong phú, có những di sản văn hóa phi vật thể và tri thức dân gian bản sắc, có vị trí chiến lược trên con đường giao thương quốc tế Đông - Tây quan trọng trong lịch sử cũng như hiện nay, có một tiềm năng kinh tế lớn lao (17)… theo đó, định hướng chiến lược của Đảng và Nhà nước, được thể hiện rõ tại Hội nghị Trung ương 4, khóa X, với Nghị quyết “chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020”, mục tiêu đề ra là, “phải phấn đấu để nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu lên vì biển, kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế, xã hội với đảm bảo quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường”. Định hướng và mục tiêu ấy, trong vài thập niên trở lại đây, đã đem đến những kết quả đáng khích lệ, được nhận nhìn từ một miền Trung đầy sôi động, từ kinh tế du lịch biển - đảo đầy khởi sắc… Vậy nên, một thiết chế văn hóa về biển - đảo Việt Nam, về di sản biển - đảo Việt Nam rất cần được xây dựng, tạo nên một nguồn lực cho phát triển kinh tế - văn hóa đất nước, hẳn là mong muốn cả trăm triệu dân, của Đảng và Nhà nước, của kỳ vọng cha ông “Biển Đông vạn dặm giang tay giữ/ Đất Việt muôn năm vững trị bình” (18).

Ngắm nhìn bức tranh di sản văn hóa Việt Nam để suy ngẫm, hẳn còn nhiều điểm chưa thể đề cập, với văn hóa phi vật thể, với di sản tư liệu, với bảo tàng và cổ vật… đều có những khoảng sáng, mờ đan xen trong thực tiễn vận hành, như một tất yếu không thể tránh khỏi, ở bất cứ lĩnh vực nào của một đất nước đang phát triển và hội nhập. Rồi đây, những quan điểm, đường lối của Đảng, những cơ chế, chính sách của Nhà nước sẽ được luật hóa, sửa đổi, bổ sung trong một tương lai gần, tôi tin rằng bức tranh di sản văn hóa Việt Nam sẽ hoàn mỹ, với những sắc màu tươi tắn, sinh động từ tự thân và từ sự đi lên của đất nước.

___________________

1, 3, 9, 13, 14. Lê Thị Thu Hiền, Hoàn thiện chính sách di sản văn hóa để góp phần xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, Đặc san Di sản văn hóa, số 1(13), 2023, tr.4, 4, 2, 6-9, 9.

2. Hồ Xuân Toàn, Huỳnh Bá Tĩnh, Bảo vật quốc gia ở Bảo tàng tỉnh Gia Lai, Tạp chí Xưa và Nay, số 551, 2023, tr.47.

4. Xem Hiến pháp năm 1992 và 2013.

5. Nghị định số 519/TTg ngày 29-10-1957 quy định thể lệ về bảo tồn cổ tích. Pháp lệnh số 14 LCT/HĐNN ngày 4-4-1984 về bảo vệ và sử dụng di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh. Luật Di sản văn hóa năm 2001 và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa năm 2009.

6. Nghị quyết số 33-NQ/TW Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI; Kết luận số 76-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI.

7. Công ước năm 1970 về các biện pháp ngăn cấm xuất khẩu và chuyển giao trái phép quyền sở hữu tài sản văn hóa; Công ước năm 1972 về bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới; Công ước năm 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể; Công ước năm 2005 về bảo vệ và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa; Công ước về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa. Một số công ước khác có liên quan và chương trình ký ức thế giới, Việt Nam đều có tham gia ở những mức độ khác nhau.

8. Lưu Trần Tiêu, Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa vì sự nghiệp phát triển bền vững, Một con đường tiếp cận văn hóa, Nxb Thế giới, Hà Nội, 2019, tr.38.

10. Xem thêm Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam.

11. Phạm Huy Thông, Chính vì chống Hán - Đường mà ta vẫn là ta. Bài phát biểu của Viện sĩ, Giáo sư Viện trưởng Viện Khảo cổ học Phạm Huy Thông trong Hội thảo nghiên cứu trống đồng toàn quốc năm 1984. Tư liệu Viện Khảo cổ học.

12. Trích ý của bài phát biểu kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021.

15. Hoàng Đạo Kính, Đảm bảo tính khả thi cho bảo tồn các tinh hoa của di sản văn hóa dân tộc, Đặc san Di sản văn hóa, số 1 (13), 2023, tr.11.

16. Nguyễn Viết Cường, Cách tiếp cận mở rộng quản lý di sản văn hóa với xây dựng môi trường văn hóa ở châu Âu và vấn đề của Việt Nam, Đặc san Di sản văn hóa, số 1 (13), 2023, tr.26-34.

17. Phạm Quốc Quân, Từ huyện đảo Lý Sơn - nghĩ về di sản gắn với phát triển du lịch biển - đảo nước ta, Bài tham luận Hội thảo biển - đảo Việt Nam, 2023.

18. Cư ngao đối sơn, trong Bạch Vân am thi tập của danh sĩ Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585). Bản dịch của Nguyễn Khắc Mai - Giám đốc Trung tâm Minh triết Việt Nam.

TS PHẠM QUỐC QUÂN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 560, tháng 2-2024

___________________

Tham luận tại Hội thảo “Thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 - Những vấn đề đặt ra từ thực tiễn” do Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật tổ chức (9-2023).

;